LỄ TƯỞNG NIỆM 694 NĂM NGÀY VIÊN TỊCH CỦA ĐỆ NHỊ TỔ TRÚC LÂM – PHÁP LOA TÔN GIẢ

         Sáng ngày 9 tháng 4 năm 2024 (tức 01 tháng 3 âm lịch), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt chùa Côn Sơn (Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương); Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc phối kết hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 694 năm ngày viên tịch của đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa Tôn Giả.

Tham dự buổi lễ có đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, nhân dân phường Cộng Hoà và du khách thập phương. Chương trình lễ giỗ gồm: Lễ dâng hương, khóa cúng Phật, khoá cúng Trúc Lâm Tam Tổ, tụng kinh Phổ Môn, cúng chúng sinh…

Đại biểu dâng hương tại chùa Côn Sơn

          Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7 tháng 5 năm 1284, tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách, Hải Dương, cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Một hôm, thân Mẫu nằm mộng thấy có người trao cho thanh thần kiếm, từ đó bà mang thai. Khi sinh đặt tên là Kiên Cương. Sư thiên tư đĩnh ngộ, miệng không nói lời ác, ăn không thích thịt cá.

Đệ Nhị tổ Pháp Loa tôn giả (1284 – 1330)

          Năm 20 tuổi (1304), Ngài xin Điều Ngự xuất gia. Điều Ngự trông thấy bằng lòng, nói: “Kẻ này có đạo nhãn, sau ắt làm pháp khí, vui vẻ tự đến đây!”. Điều Ngự cho hiệu là Thiện Lai, dẫn về liêu Kỳ Lân (Côn Sơn) cạo tóc và cho thọ giới Sa di. Năm Sư 24 tuổi, Điều Ngự vì Sư giảng Đại Huệ Ngữ Lục. Ngày 15 tháng 5 tại đỉnh Ngọa Vân, Điều Ngự lấy y bát và viết “tâm kệ” trao cho Sư. Năm 1308, Sư vâng lệnh Điều Ngự làm lễ nối pháp trụ trì tại chùa Siêu Loại và làm chủ Sơn môn Yên Tử, trở thành đệ nhị tổ của thiền phái Trúc Lâm.

Năm 1313, Pháp Loa đến chùa Vĩnh Nghiêm định chức cho Tăng đồ. Chúng tăng từ đây mới có sổ bộ. Trong cuộc đời tu hành, Ngài đi khắp nơi giáo hóa, cho xây hàng ngàn chùa tháp, tiêu biểu như Côn Sơn, Thanh Mai, Hồ Thiên. Đúc tượng Phật hơn 1300 vị, tạo Đại già lam 2 ngôi, xây 5 ngọn tháp, lập hơn 200 sở Tăng đường, độ Tăng Ni 15.000 người, in một bộ Đại Tạng Kinh, đệ tử đắc pháp hơn 3.000 người, thành Đại pháp sư có 6 vị.

Năm 1330, Sư trở bệnh thị tịch, thọ 46 tuổi. Đệ tử theo lời phó chúc của Sư, thỉnh nhục thân lên nhập tháp tại Thanh Mai sơn, hiệu là Viên Thông Bảo Tháp.

Những tác phẩm của Sư gồm có: “Đoạn sách lục”, “Tham thiền chỉ yếu”, “Kim cương đạo tràng Đà-La-Ni kinh”, “Tán pháp hoa kinh khoa sơ”, “Bát nhã tâm kinh khoa”.

Toàn cảnh Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn

Đây là nghi lễ cổ truyền của chùa Côn Sơn được nhà nước và chính quyền địa phương tổ chức trọng thể hàng trăm năm qua đến nay vẫn được duy trì. Qua đó nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời thể hiện sự biết ơn của thế hệ con cháu với các bậc tiền nhân có công xây dựng đất nước.

Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Trả lời