LỄ RƯỚC BỘ, LỄ DÂNG HƯƠNG ĐỀN KIẾP BẠC

Trong lễ hội truyền thống mùa thu Kiếp Bạc thường diễn ra lễ rước bộ. Đây là nghi lễ quan trọng, là cuộc diễu hành phô trương lực lượng, là hình bóng của cuộc ra quân xưa làm sống lại những chiến công hiển hách của cha ông. Theo truyền thống, lễ rước bộ được nhân dân 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn tổ chức vào ngày 20 thánh 8 âm lịch, đúng vào ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương. Từ năm 2006, thực hiện nâng cấp lễ hội do việc kéo dài không gian và thời gian lễ hội, lễ rước bộ được Ban tổ chức tiến hành vào ngày 16 tháng 8 âm lịch.

Lễ rước bộ đền Kiếp Bạc

 

Công tác chuẩn bị cho đoàn rược được chuẩn bị rất chu đáo với hàng tháng trước khi lễ hội diễn ra. Nhân dân trong làng phải cắt cử những vị trí quan trọng để duy trì và thực hiện. Vào ngày lễ hội diễn ra, đoàn rước được tập kết tại chùa Nam Tào và Bắc Đẩu để rước lễ xuống đền Kiếp Bạc tế Thánh. Đoàn rước với đủ các loại khí trượng từ cờ hoa, bát biểu, chấp kích, long đình, kiệu thờ, lễ phẩm với đủ loại mâm ô, cỗ chay, cỗ mặn của dân làng Vạn Yên và Dược Sơn dâng lên Đức Thánh, đặc trư­ng nhất là các loại bánh xu xuê, tràng gừng, bánh trong, bánh lọc, bánh mật, bánh gio, bánh giò… được sắp thành mâm ô đủ mầu. Việc tuyển chọn người rước cũng được quy định ngặt nghèo, phải được dân làng lựa chọn, cắt cử. Người trực tiếp tham gia rước (gọi là giai đô) là nam thanh, nữ tú tuổi từ 18 trở lên. Người tham gia rước là những chàng trai khoẻ mạnh, những cô gái nhan sắc, có tài có đức, không có điều tiếng đáng chê trách trong làng xóm. Ai được chọn trong đội rước là vinh dự cho bản thân và gia đình. Lực lượng người tham gia đông đảo với đủ sắc mầu rực rỡ tạo nên một nghi lễ trang nghiêm, náo nhiệt. Công việc chuẩn bị cho lễ rước được tổng duyệt vào buổi trước hôm lễ rước diễn ra. Cờ hoa được trang hoàng cắm dọc theo tuyến rước từ đền Nam Tào, Bắc Đẩu xuống đền Kiếp Bạc. Sáng sớm ngày 16 dân làng đủ các thành phần kéo ra đền dự lễ. Theo quy định, đoàn rước sẽ được tập kết ở đền Nam Tào và Bắc Đẩu rồi rước lễ phẩm về đền Kiếp Bạc tế Thánh. Lễ rước tổ chức hoành tráng với tiếng nhạc, chiêng trống rộn rã… Những người đi rước phải mặc quần áo nậu thêu rồng phượng lộng lấy. Người ta quan niệm, làng nào tiến được Long đình qua nghi môn trước thì năm đó dân làng làm ăn mát mẻ, hanh thông hơn. Do là đám rước của hai làng nên làng nào cũng khẩn trương để rước được kiệu thánh qua nghi môn trước thành thử đoàn rước nào cũng hối hả, tất bật. Sau khi rước lễ vào đền Ban tổ chức làm lễ dâng hương. Nghi lễ được tổ chức rất trang trọng và hoành tráng với những màn múa văn nghệ, biểu diễn trống hội, múa rồng, lân tưng bừng. Tại lễ tưởng niệm, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương và Ban tổ chức lễ hội sẽ đọc diễn văn tưởng niệm Trần Hưng Đạo, đọc văn tế Đức Thánh Trần và đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh ủy Hải Dương cùng các ban ngành Trung ương và địa phương cùng hàng vạn nhân dân thập phương lên dâng hương. Kết thúc lễ tưởng niệm là lễ tế truyền thống của 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn. Kết thúc khóa tế, nhân dân xin rước lễ (ông lợn, lễ phẩm chay, mặn…) về đền Nam Tào, Bắc Đẩu và chia đều phần lộc cho các thành viên.

Trả lời