Đền Kiếp Bạc hiện còn lưu giữ 05 văn bia niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX – XX). Nội dung các văn bia ca ngợi công lao của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; ghi chép về tín ngưỡng Đức Thánh Trần; quá trình trùng tu, tôn tạo đền Kiếp Bạc và danh sách các quan lại, những người hảo tâm công đức… Đây là hệ thống tư liệu gốc quan trọng để nghiên cứu về quá trình phát triển của đền Kiếp Bạc và bản sắc văn hóa của vùng đất xứ Đông nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung; phục vụ thiết thực cho việc quy hoạch, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của khu di tích quốc gia đặc biệt Kiếp Bạc.
Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc giới thiệu nội dung các văn bia như sau:
Bia số 1: Vô đề (bên phải đền Kiếp Bạc).
Bia không có tên, được tạo dựng năm 1895, ghi danh sách những quan viên, sĩ tử và thập phương công đức.
Bia số 2: Cung Tu Vạn Dược Linh Từ (bên phải đền Kiếp Bạc).
Bia 1 mặt, dựng năm 1906:
Tâm niệm có thể thông Thiên đế, chí thành có thể cảm quỷ thần, làm điều thiện, giáng phúc lành, há có sai đâu! Gần đây, Hàn lâm viện Điển tịch nguyên là hội viên thành phố tỉnh Hải Phòng Lê Văn Thược xin ta nói: tôi vốn là người thôn Nam Ngư, thành Hà Nội, sau chuyển về sinh sống ở Hải Phòng, nhân lập gia đình ở đó. Tuổi trung niên, rất vất vả về đường con cái, người vợ họ Nguyễn đến Dược Sơn cầu ở đền Đại Vương Trần Hưng Đạo, phát tâm hành thiện. Từ đó, mưu kế kinh doanh bất kể việc gì vạch ra đều trúng, cứ như có người xui khiến, vậy nên công việc gia đình ngày một phát đạt. Đến nay con cái đông đủ, nên người, tất cả đều do thần ban phúc cho cả. Nhân đó chọn ngày tốt, xin bỏ tiền của sửa sang, sắm sửa cho việc thờ cúng. Mùa Thu năm Ất Mùi, cung tiến trong đền một quả chuông đồng. Mùa Thu năm Canh Tý, cung tiến một quả chuông đồng cho đền núi Bắc Đẩu. Năm Nhâm Dần, đúc tượng Đại Vương Trần Hưng Đạo bằng đồng, cao 4 thước 8 tấc 8 phân 7 ly, rộng 1 thước 1 tấc 5 phân, mỗi tòa đều có áo mũ, cân đai, ngai ỷ đều bằng đồng. Năm Qúy Mão, thuê người sửa đường lên núi Nam Tào. Năm Giáp Thìn, Ất Mão, chế tác hai chiếc kiệu long đình thếp vàng. Năm Bính Ngọ, tu sửa một tòa năm gian, đều dùng gỗ lim, trên lợp ngói, dưới đặt ba phiến đá vuông, xây tường, chi phí tổng cộng hơn 1 vạn đồng, đều là tiền riêng, không quyên góp một xu. Nay công việc đã hoàn thành, xin ghi lại sự việc. Ban đầu ta lấy cớ phức tạp từ chối nhưng lại nói: bàn về việc thiện của người, ta vốn thích thú. Huống hồ, bước lên đỉnh núi Huyền Đinh, trông về lũy xưa Bạch Đằng, biển xanh cuồn cuộn; Ai có thể vãn hồi được làn sóng suy vi, tìm cách để giữ gìn lòng người, mở ra cơ duyên làm việc thiện mãi vô cùng, duy chỉ nói về đạo của Thần mà thôi. Ôi! Đại Vương là bậc thánh hiền, hào kiệt, trung hiếu, trí dũng, công lao đối với nước Nam, sự nghiệp lưu truyền trong lịch sử, cần gì phải tán dương. Đền thờ Ngài, sông ôm núi ấp, khí lành thịnh vượng, hổ không dám cắn người, kiếm thường reo vang trong đêm, linh tích cũng không kể hết. Ngôi đền này xây dựng đến nay đã được hơn 600 năm, trước sau sửa chữa, bi ký còn ghi. Đến năm Thành Thái nguyên niên (1889), Kinh lược Hoàng Quận công trùng tu đền. Năm Đinh Dậu, ta vừa mới đến trông coi trấn Hải (Hải Dương), lại tu bổ thêm, nhưng công đức tiền của rất lớn, chưa thể quyên góp tương trợ đủ tiền tài, may nhờ có ông Lê Văn Báo giúp một khoản tiền lớn. Người có hảo tâm, tất có báo đức, điều đó có thể biết được. Nay phong trào ngày một đổi mới, cạnh tranh khốc liệt, học giới mở ra, xã hội xác lập, tất cả văn minh tiến bộ đều nhờ cậy vào sự liên hợp khuếch trương của những người có tài lực. Tinh thần, tư tưởng của dân ta, cúi xin đấng linh thiêng cao cao tại thượng phù hộ, ngày một mở mang thêm nữa. Lê quân (Văn Thược) hẳn đã nghĩ gắng sức làm việc thiện này, lưu lại tiếng thơm và mãi mãi được Thần chứng giám.
Ngày mồng 6 tháng 8 mùa Thu năm Bính Ngọ niên hiệu Thành Thái thứ 18 (1906), Gia Xuyên Đỗ Văn Tâm, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, Vinh Lộc đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ sung biện thanh tra hội đồng sự vụ kính soạn.
Bia số 3: Hưng Đạo Vương Từ Bi Ký (bên phải đền Kiếp Bạc).
Bia 2 mặt, dựng năm 1895:
Mặt 1: Bài ký bia đền Hưng Đạo Vương
Lẽ thường ở vào thời khắc nguy cấp như giương cung sắp bắn, như đất long núi lở thì trời tất sinh ra hào kiệt để chở che thế vận. Khiến cho[người đó] thể hiện hoài bão phi thường, lập công danh bất hủ. Lúc sống thì lưu danh sử sách, lúc chết thì hương khói muôn đời. Dẫu triều chính thay đổi, bãi biển thành nương dâu vẫn nghe anh phong lẫm liệt, hữu sinh khí. Vì thế hôm nay mới có việc trùng tu đền Hưng Đạo Vương.
Vương họ Trần, húy Quốc Tuấn. Ngài sinh ra ứng với thần mộng, hệ phái Đông A, văn võ toàn tài, trung hiếu nhất mực. Đương lúc nhà Trần trị vì, giặc phương Bắc manh tâm. Nhân cái uy đánh bại nhà Tống, bày gian kế thôn tính Chiêm Thành, cắm cờ bến Đông Bộ, làm cầu phía bắc sông, chỉ sông Hoài vứt roi ngựa, dọa lấy Thái Sơn đè trứng. Hịch ban báo cấp, hộ giá rút lui. Vương bèn khẳng khái thệ sư, hy sinh vì nước, cờ vây xem thế biến, thu dùng phụ tử chi binh, vỗ gối không ngủ, nước mắt đầm đìa đâu như thói thường tình nữ nhi. Trận Vạn Kiếp bắn chết Lý Hằng, Thoát Hoan chạy trốn; Trận Bạch Đằng bắt Áo Lỗ Xích giam Ô Mã Nhi. Do đó có bài thơ cầm Hồ, viết chữ “sát Thát”. “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá”, non sông vẫn thế; cơ đồ vạn dặm Lạc Hùng sách trời không đổi. Xem Ngài vỗ tay mà hịch tướng sĩ nghĩa khí ngút tận mây xanh; bấm đốt trù tính việc biên cương, thế sự sáng tỏ như ban ngày vậy. Uy danh vang xa, công huân số một, ngoại bang tôn gọi Đại Vương.
Thiên tử coi là Thượng phụ. Ôi! Thế có thể làm mà không làm, hào kiệt vì vậy mà vinh thân, việc khó làm mà làm giỏi, người tài mới giữ toàn danh tiếng. Với nhà Trần, Vương là người tin cậy giữ thành, giữ nước, gửi trọng trách nơi triều đình, được mọi người quy phụ, chư tướng dốc lòng. Gỉa sử nghe lời di huấn của cha, vua nhỏ dễ lộng quyền, hoặc thay rèm đổi ngôi, hoặc đổi ấn xưng vương, như Thập đạo tướng quân Điện tiền thân vệ (Lê Hoàn) đã làm. Ngài thì đang khi nguy cấp lại an nhàn chấn chỉnh, ngôi vị cực tôn lại xử sự khiêm nhường, cầm dao kể tội con hư, bỏ đầu nhọn theo hầu xa giá. Môn hạ không gây bè đảng, xã tắc phúc bởi điều hòa. Vì thế mà vén trời vạch đất, là vĩ nhân của muôn đời. Xuất quỷ nhập thần, là hạo nhiên chính khí giữa khoảng trời đất.
Khải tôi gặp thời được làm quan cao, phụng mệnh coi việc quân, nghĩ suy thế cục bất đồng, may dựa vào mưu kế của Ngài mà được tế giúp. Có thời gian thường dong thuyền xuôi xuống Bạch Đằng, hay ngược lên Dược Sơn phía Bắc, thăm phong cảnh nơi đền Thần, cảm uy nghiêm trước tượng Thánh. Cửu Châu (đất nước) còn lắm gian nan, nên phải học hỏi tham bác binh thư; bốn phương bất ổn, xin linh kiếm báo điềm bình trị. Buồn thay! Miếu đền dột nát, lạnh lẽo khói hương, bèn sai thợ tu sửa để tỏ rõ non sông hùng vĩ chốn này. Lẽ thường phế rồi hưng, mờ rồi sáng, nhưng xưa nay đã có ai thấy được mối quan hệ giữa khinh và trọng, giữa an và nguy, do vậy khắc vào bia đá để không quên chuyến đi này. Qúy quốc cấp tiền để giúp cho việc chi phí, quan thủ thần tập trung tiền của làm Đổng sự, Phiên sứ Nguyễn Cẩn, Niết sứ Hoàng Đức Trang là những người có ý tưởng tốt lành thì dẫu ở những vùng đất khác nhau nhưng ý muốn làm hưng thịnh thì đều giống nhau cả.
Ngày mồng 1 thấng 8 năm Thành Thái thứ 7 (1895)
Phụ Chánh đại thần, Thái tử, Thiếu bảo Vũ hiển điện, Đại học sĩ, Khâm sai Bắc kỳ Kinh lược đại sứ Diên Mậu tử Thái Xuyên Hoàng Cao Khải bái đề.
Mặt 2: Ghi chép nhỏ việc trùng tu
Đền Dược Sơn Vạn Kiếp xây dựng từ đời nào, chưa khảo sát được. Có người nói rằng: khi xưa Đại Vương đánh quân Nguyên, đóng doanh ở đây để đốc quân. Giặc Nguyên dẹp yên, Vương thích cảnh vật tươi đẹp ở đây nên lập thành trang viên để ở. Khi Vương mất, nhân dân nhớ công lao đánh dẹp, gây dựng, mở mang của Ngài nên nhân nơi ấy lập đền thờ, rường cột trang nghiêm, hương khói cực thịnh trải qua hơn 600 năm. Năm Kỷ Mão niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1879), ông Phạm Phú Thứ làm Tổng đốc Hải Yên bàn với ông Vũ Túc để tu bổ những chỗ hư hỏng, xây dựng cửa đền và các tường bao, dần được mở rộng thêm ra. Đọc qua bia ký thì đến nay mới được 17 năm, mà đã điêu tàn đổ nát. Cái mà ngày ấy cho là nguy nga, sầm uất thì cũng chẳng còn già nữa.
Nay Cẩn tôi phụng mệnh cai trị vùng ấy, xét Đại Vương không thể nào quên, lại xét dân chúng nơi đây bần hàn cơ cực không thể tu sửa được. Bàn với quan Niết sứ Hoàng quân tên là Đức Trang, xin quan Đại sứ kinh lược Bắc kỳ Hoàng Thái Xuyên tướng công đứng ra tu sửa. Ba gian nội tẩm ở bên trong, kèo cột tuy nhiều nhưng đã bị cũ mọt lại thô sơ, không còn vẻ tôn nghiêm trang kính, liền sai thợ thay mới. Làm lại một tòa đại tẩm năm gian. Mặt trước khởi dựng tòa cao, khai đặt hai bên hai cửa lồng kính, khiến cho những kẻ sĩ nơi xa đến chiêm bái Đại Vương thấy cảnh uy nghi, ánh thần quang chói ngời mà thêm kính sợ. Tam quan trước đền do Phạm công xây dựng, kích cỡ nhỏ và cũng đang bị hư hại, nên cho làm mới lại. Phải trái hai phía bên trong tam quan đều có hai nhà bi đình, nhưng nền không được cao, hằng năm lụt về, nước dâng lên, ngấm gần vào sát móng. Theo lời thỉnh cầu của dân bản xứ đã cho xây nền khác cao 5 thước, dời vào đấy. Hai nhà phía trước đền, trước đây là nơi nghỉ lại qua đêm của quan hai tỉnh đông bắc khi phụng mệnh về cúng tế cầu đảo, cùng với đền chính đều hướng phía sông không tiện, giải hạ đều mối mọt hết cả. Nếu chuyển đi xây dựng chỗ khác thì gỗ lạt không dùng lại được, nên lấy vật liệu của ba gian nội tẩm cũ, thêm một số vật liệu mới rồi xây hai nhà đối diện nhau. Trước sân có ba gốc đa đại thụ lớn, gốc rễ xù xì, um tùm rủ bóng, nay xây thêm tường bao, chỗ trống thì trồng hoa cỏ. Đến ngày lễ thần, nhiều người đến đây ngắm phong cảnh núi sông, quả là nơi cảnh đẹp tuyệt vời gây niềm hứng thú ngâm vịnh. Phía bên phải đền có cái giếng cổ nước trong mà ngọt, thổ dân nói rằng nước giếng có mạch suối ngầm từ giữa cửa chính. Bèn sai người đào lên thử xem, được hơn một thước thì thấy nước ngầm phun lên, đào thêm hơn một thước nữa thì giếng cũ khô cạn dần. Nói với thổ dân rằng, mạch nước ngầm ở chỗ này ư? Ta biết làm thế nào? Mọi người đều nói nên dùng đá mà kè trụ. Bên trong tam quan, hai bên trũng biến thành ao; phía bên phải đền, ở giữa cũng thấp, cỏ dại mọc um tùm, nay lấy thêm đất đắp cho cao lên để cùng với trung đình đều được cao ráo, sạch sẽ, không bị bùn lầy như ngày trước. Đợt ấy khởi công làm từ mùa Đông tháng 10 năm ngoái, đến mùa Thu tháng 8 năm nay thì xong. Chi phí không dưới 3.000 đồng, đều do sự đóng góp của mọi người, cùng tiền của Nhà nước Bảo hộ giúp đỡ mà thành. Công việc xong xuôi, Hoàng công làm bài bia ký ghi lại. Cẩn cũng làm một bài thơ, đem tấm lòng ngưỡng mộ từ lâu với Đại Vương để bày tỏ, lại mời những vị khác cùng họa lại, được hơn 10 bài cùng lưu lại trên tường và vài lời vụng về, khách sáo chép lại đầu đuôi công việc. Còn như sự nghiệp cái thế bất hủ của Đại Vương thì đã có bài ký của Hoàng đại nhân ghi lại đầy đủ, Cẩn còn đâu dám thêm lời.
Ngày rằm tháng giữa Thu năm Thành Thái Ất Mùi (1895). Hồng Lô tự khanh lĩnh Bố chánh sứ Lục Nam, người Đông Ngàn, Hương Khuê Nguyễn Cẩn chép bài phụ ký.
Bia số 4: Vô đề (bên trái đền Kiếp Bạc).
Bia 1 mặt, không trang trí hoa văn, tạo năm 1921:
Các bậc anh hùng hào kiệt, trung thần nghĩa sĩ xưa nay, có ai không khâm phục, ngưỡng mộ (đền Kiếp Bạc) nên thường đến lễ bái, cúng tế. Còn nhờ đó mà tu sửa, biểu dương khiến cho sự tốt đẹp càng sáng tỏ, truyền được lâu dài lại là trách nhiệm của địa phương vậy. Đền Kiếp Bạc ở phía tây bắc của trấn Hải Dương, thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương. Đại Vương công tích lớn lao, hiển hách, mọi người đều thấu hiểu, già trẻ lớn bé ai cũng kể ra được. Đặc biệt lòng dân cả nước sùng bái, trách nhiệm biểu dương của người dân địa phương được lâu bền chính là nhờ Chế đài cung bảo Hải Dương Đặng Đức Cường đại nhân ta vậy. Đại nhân đã cai quản đất này trải qua hơn năm năm, lấy việc trùng tu đền miếu làm mốc, đó là năm Khải Định nguyên niên (1916) – tức lúc đại nhân mới nhậm chức, người đã cùng bậc quý sứ đại thần (người Pháp) trích tiền công hơn 400 đồng bạc, bắt đầu lệnh cho công nhân chở đá sửa đường ở trước đền để thiện nam tín nữ tiện bề qua lại. Tháng 8 hằng năm là kỳ lễ hội, tiền công đức của khách thập phương mỗi năm khoảng bốn năm trăm đồng. Từ năm Khải Định nguyên niên (1916) đến năm thứ 5 (1920), tiền công đức được hơn 2.300 đồng bạc, năm ấy bèn trùng tu cung điện trong đền, vẽ cột, rèm châu huy hoàng rực rỡ, chi phí đến hơn 1.500 đồng. Đến mùa Đông năm Khải Định thứ 6 (1921), trang hoàng các đồ thờ: một đôi kiếm rồng bằng đồng, sơn son thếp vàng một bộ bát bảo, một đôi hạc đồng, chi phí gần hết 500 đồng. Người giám sát công việc là đại nhân Nguyễn Đình Xuyên, Lãnh binh Hải Dương. Nay lên đền để chiêm bái, thấy đường đá bằng phẳng, lầu gác tráng lệ, đều nói: xem việc làm của ngài, thấy được cái chí của ngài. Vậy nên hy vọng người sau có thể kế thừa được thiện mỹ của ngài, bèn khắc bia để lưu truyền mãi mãi.
Đồ thờ của đền Kiếp Bạc liệt kê như sau:
– 1 chiếc bình hương loại to hình lưỡng long bằng đồng, cao 1 thước 2 tấc, rộng 1 thước 1 tấc, giá 66 đồng bạc.
– 4 chiếc bình hương loại vừa có hình lưỡng long bằng đồng loại trung, cao 8 tấc, rộng 7 tấc, giá 80 đồng bạc.
– 5 cái mâm đồng loại to, cao 1 thước 1 tấc, rộng 1 thước 3 tấc, giá 50 đồng bạc.
– 3 bộ 12 chiếc ngũ sự bằng đồng loại to, cao 1 thước 7 tấc, giá 84 đồng bạc.
– 4 bộ 16 chiếc ngũ sự bằng đồng loại trung, cao 1 thước 6 tấc, giá 96 đồng bạc.
– 10 cái thủy đài bằng đồng loại to, giá 50 đồng bạc.
– 5 cái mâm đồng dài 1 thước 1 tấc, rộng 5 tấc, giá 55 đồng bạc
Tri phủ phủ Bình Giang Trịnh Kế Vinh cúng 10 đồng bạc
Tri huyện huyện Tứ Kỳ Dương Văn Sách cúng 10 đồng bạc
Chánh tổng tổng Chi Ngại thưởng thụ Cửu phẩm Trịnh Đình Vị cúng 30 đồng bạc.
Tri phủ phủ Nam Sách Nguyễn Hữu Thủy cúng 10 đồng bạc
Tri huyện huyện Chí Linh Nguyễn Quang Bật cúng 10 đồng bạc
Hiệu Mỹ Lợi cúng 30 đồng bạc
Đỗ Thị Cả cúng 20 đồng bạc
Tri phủ phủ Kinh Môn Đào Hữu Qúy cúng 10 đồng bạc
Tri huyện huyện Kim Thành Nguyễn Hữu Lục cúng 10 đồng bạc
Lợi ký phố Đông Kiều cúng 50 đồng bạc
Tri huyện huyện Thanh Hà Vũ Khắc Tiên cúng 10 đồng bạc
Tri huyện huyện Đông Triều Nguyễn Văn Đồng cúng 10 đồng bạc
Tri huyện huyện Cẩm Giàng Vũ Đình Qúy cúng 10 đồng bạc
Tri huyện huyện Vĩnh Bảo Cát Văn Tấn cúng 10 đồng bạc
Tri huyện huyện Gia Lộc Đặng Quốc Giám cúng 10 đồng bạc
Lập bia vào tháng đầu đông (tháng 10) năm Tân Dậu niên hiệu Khải Định thứ 6 (1921).
Tri phủ phủ Kinh Môn, Đào Hữu Qúy phụng soạn.
Bia số 5: Vạn Yên Dược Sơn Linh Từ Bi Ký (bên trái đền Kiếp Bạc).
Bia 1 mặt, dựng năm 1879:
Núi Vạn Yên nằm ở cực tây bắc thành Hải Dương, đền Trần Hưng Đạo ở đó. Thời dẹp giặc Nguyên, đây là cố địa hội các đạo quân vậy. Người dân ở hai núi Vạn Yên và Dược Sơn đời đời phụng thờ, thấy linh ứng bậc nhất ở hai châu phía Đông Bắc. Thứ tôi lúc đầu trấn thủ Lạng Giang tới đây cúng bái. Việc trùng tu xây đền cả thảy năm lần, nhưng vào ngày tháng năm nào thì không rõ. Quy chế đơn giản, mộc mạc, trải qua nhiều lần chiến tranh binh hỏa, đền đã bị hư hỏng nặng. Trước cửa đền trống trải không có cửa kẻ, lầu phía đông không còn.
Có một cái giếng cổ nước rất ngọt và thơm nhưng cũng đã bị phế bỏ. Tòa trung đường đã được Phiên sứ Vũ Quân Túc (đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ người Bái Dương, Nam Định) khi nhận chức ở Nam Sách đã cho trùng tu, từ năm Ất Hợi (1875) đến năm Bính Tý (1876) vẫn theo nếp cũ. Năm ngoái vâng mệnh cúng ở đền, bồi hồi nhìn ngắm bỗng nảy ý định của mình. Nhân cùng đồng sự cầu xin thần cho phép tu sửa hành lang phía bắc đã bị hỏng. Xây dựng thêm lầu đông phía trước, đối diện với lầu bắc, còn đối với giếng cổ đã bị hỏng thì khơi sâu thêm, dùng gạch xây lại như cũ. Cửa tắc môn phía trước còn thấp hẹp nên sửa cho cao hơn. Hai bên của sân đền xây tường gạch bao quanh. Phía trước xây Tam quan. Ngoài Tam quan là bến Lục Đầu giang bùn đất lầy lội thì lấy gạch đá xây lên để tiện việc qua lại… Khởi công từ năm Bính Tý (1876) đến năm Kỷ Mão (1879), lao động cần mẫn cả thảy bốn năm thì hoàn thành.
Thứ tôi và Phủ viện Lê Tiến Thông (đỗ cử nhân khoa Giáp Tý người phủ Thừa Thiên) Phiên sứ Vũ Quân, Niết sứ Lê Mô Khải thay nhau đến đốc thúc công việc. Phí tổn không dưới bốn năm nghìn quan tiền. Thứ tôi cùng các đồng liêu và quan ở tỉnh Bắc cùng nhau bỏ tiền lương bổng của mình để hoàn thành công việc. Sĩ nữ thập phương đều trợ giúp. Công việc hoàn thành làm lễ bái yết thần, khắc vào đá để lại mấy dòng sơ lược. Lòng trung nghĩa huân liệt, sự linh ứng và sự tích của Đại Vương, đến sử sách và điển lệ thờ tự cũng không nói hết được, nên nhân sĩ Bắc Châu có thể nói thế chứ không dám rườm lời.
Ngày lập xuân tháng 2 năm Tự Đức thứ 32 (1879).
Giải nguyên khoa Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị, Hội nguyên điện thí khoa năm Qúy Mão, sắc ban hành Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân đệ nhất danh, Cáo thụ Vinh lộc đại phu Trụ quốc, Thư hiệp biện đại học sĩ, kiêm Đô sát viện Hữu đô ngự sử, lĩnh Tổng đốc hai xứ Hải Dương – Quảng An, Đề đốc quân vụ kiêm Lý lương hưởng, kiêm sung Tổng lý thương chính đại thần Quảng Nam, Đông, Phiên Phạm Phú Thứ bái soạn.
Các quan viên cung tiến tiền bạc bao nhiêu xin liệt kê phía sau:
Hàng thứ nhất:
Lĩnh Hải Dương Tổng đốc Phạm Phú Thứ cung tiến 130 quan tiền và 80 lạng bạc.
Tổng đốc Bắc Ninh Phạm Thận Duật cúng 10 lạng bạc.
Tổng đốc Lê Hữu Tá cúng 10 lạng bạc
Bố chánh sứ Phan Đình Bình, Án sát sứ Phạm Hài cung tiến 500 quan tiền.
Hải Dương Tuần phủ Lê Tiến Thông cúng 10 lạng bạc.
Đề đốc Tôn Bảo Hòe cúng 10 đồng.
Hải Dương Bố chánh sứ Vũ Túc cung tiến 100 quan tiền.
Án sát Lê Mô Khải cúng 10 lạng bạc.
Bắc Ninh nguyên Án sát sứ Nguyễn Trí Trạch cung tiến 10 quan.
Hàng thứ 2:
Thương chính vệ Chánh quản lý Nguyễn Văn Thịnh cung tiến 30 quan.
Nam Sách phủ Tri phủ Nghiêm Niệm cung tiến 100 quan.
Hải Phòng Phó lãnh binh Nguyễn Viết Vinh cung tiến 30 quan.
Lục Ngạn huyện Tri huyện Đặng Đình Giám cung tiến 100 quan.
Tri huyện Nguyễn Như Thân cung tiến 160 quan.
Chế biện Vũ Huy Thúy cung tiến 30 quan.
Hàn lâm viện điển tịch sung Hải Dương tỉnh Hầu bổ (người xã Học Thuật, tỉnh Sơn Tây) Cử nhân khoa Giáp Tuất (1874) Kiều Đăng Cự bái viết.
Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.