VĂN BIA CHÙA CÔN SƠN

   Chùa Côn Sơn hiện còn 16 văn bia niên đại từ thời Trần (thế kỷ 14) đến thời hậu Lê (thế kỷ 18). Nội dung các văn bia ghi chép tới nhiều lĩnh vực như sau: Hệ thống các công trình của chùa, trùng tu, tôn tạo, lập hậu Phật, công đức, lễ nghi, tục lệ, sự tích các tổ tu hành ở chùa, văn thơ ca ngợi cảnh đẹp Côn Sơn của các danh nhân, bút tích của các vua, chúa trong triều đình… Đây là hệ thống tư liệu gốc quan trọng để nghiên cứu toàn diện về quá trình phát triển của chùa Côn Sơn nói riêng và đời sống Phật giáo trong xã hội các thời kỳ lịch sử nói chung: phục vụ thiết thực cho việc quy hoạch, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của khu di tích. Hiện nay, 16 văn bia được lưu giữ tại sân chùa 04 văn bia và tại hậu hành lang chùa Côn Sơn 12 văn bia.

   Chúng tôi xin giới thiệu nội dung 12 văn bia tại hậu hành lang như sau:

   Bia số 1:

   Bia đã mờ chữ, chưa rõ niên đại. Căn cứ hình thức trang trí, bia dựng thời hậu Lê; đề cập việc lập hậu Phật, ghi chép các nghi lễ thờ cúng ở Côn Sơn.

   Bia số 2: PHỤNG SỰ HẬU THẦN BI SAN

Mặt 1: KHẮC BIA VỀ VIỆC THỜ HẬU THẦN[1]

   Tiền thự vệ sự tặng Vân Quận công và vợ là Nguyễn Thị Vệ thôn Tân Độ, xã Trí An, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang được bầu làm Hậu thần. Ba thôn xã Lôi Động bản quán lập văn bia.

   Thường nói rằng: chia của cải cho người khác thì gọi là huệ, được người mang ân huệ thì nổi tiếng tăm. Chí thiện thân dân thì đời này sao mà quên được. Lập công làm lợi cho người, thì được truy tư thờ tự. Cho nên phải đợi người có đức rồi sau mới tạo phúc lâu dài. Nay có quan Tiền thự vệ sự tặng Vân Quận công và vợ là Nguyễn Thị Vệ, hiệu Từ Nhân, gia truyền nhân hậu, tư chất hiếu trung, duyên phận hoà hợp, xứng đôi cầm sắt, tạo thành sản nghiệp, gia đình hưng thịnh, một lòng mong con cháu được may mắn. Khắc ghi lời chồng dù con cháu là trai hay gái, lúc nhỏ đểu chăm sóc như nhau, được thừa hưởng phúc ấm của tổ tiên, hưởng phúc ngàn năm mãi mãi cho con cháu. Vĩnh viễn lập quy củ, muôn đời càng phú quý phồn vinh. Bố thí tế nhân mỹ thọ, mở rộng điều nghĩa giúp đỡ, thương xót người. Nay có nhà quan Nguyễn Thị Vệ, người thôn Hậu đã đem 200 quan tiền sử, tiền đồng của nhà hứa cho thôn Hậu 100 quan, lại hứa cho hai thôn Tiền, thôn Trung 100 quan. Mọi ngươi ở ba thôn bàn nhau cùng nhất trí xin phụng thờ Nguyên Thi Vệ, hiệu Từ Nhân làm Hậu thần, thờ kèm ở hữu ban, muôn đời được thờ phụng mãi. Nay cùng lập khoán ước, ngày tháng hằng năm, lớn nhỏ cầu phúc, viết bài văn kê tên hậu, có lễ kính biếu. Đợi sau khi bà trăm tuổi, lớn bé già trẻ mỗi thôn của xã này sắm lễ kỵ 1 con trâu, mỗi người 1 mâm xôi, 1 vò rượu. Đến ngày giỗ, mỗi thôn sắm sửa 1 con lợn, 1 vò rượu, 4 mâm xôi, tiền vàng, trầu cau đủ dùng, có lễ kính biếu[2]. Sau này, nếu có kẻ nào trong thôn manh tâm lừa gạt phế bỏ hương hoả, thờ cúng, không nhớ tới công đức, làm trái với quy ước của đời trước, bán ruộng ao, lười biếng, phế bỏ cúng giỗ, khinh nhờn, lăng mạ, bất kính thì bản xã tất phải phạt nặng, không cho dự hương ẩm, điệu lên quan trên, có pháp luật trừng trị, con cháu của chúng bị tuyệt diệt[3]. Nay dựng bia đá để lưu truyền mãi mãi không thay đổi, càng ngày càng thịnh.

   Minh rằng:

   Mặt 2: TẠO DỰNG BIA NĂM KỶ HỢI[4]

Người Lạng ưu tú,

Đất thiêng chung đúc.

Tả lượn hữu bao,

Non xanh nước biếc.

Trước sau ôm ấp,

Chủ khách bái nghênh.

Con cháu họ Nguyễn,

Đức độ, trinh khiết.

Duyên hài xứng đôi,

Gia thanh vang dội.

Con cháu trai gái,

Con nuôi đủ đầy.

Dâu hiền hoà thuận,

Rể quý đến nhà.

Trước cửa hoè lý,

Tuổi thọ dài lâu.

Bố thí chẳng tiếc,

Ái mộ tình sâu.

Đức tốt sáng ngời,

Tiếng thơm bất hủ.

Lòng thiện còn dư,

Tạo thành trăm phúc.

Quan dân trên dưới,

Phú quý thọ ninh.

Trời đất lâu dài,

Đất nước thái bình.

   Hương lão thôn Hậu ba thôn xã Lôi Động, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang là Nguyễn Thế Đức, Quan viên tử Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Đắc Tài, Nguyễn Văn Phú, Bùi Văn Nhật, Nguyễn Văn Thốn, Bối Văn Đài, Bùi Văn Đặng, Nguyễn Quế, Bùi Đình Tú, Phạm Hiển, Nguyễn Đăng Đạt, Nguyễn Văn Kiều, Nguyễn Công Thực, Nguyễn Đắc Hạnh, Nguyễn Công Tích, Nguyễn Đình Lượng, Nguyễn Vương □□…, Nguyễn Văn Điều, Bùi Văn Tăng, Tạ Văn Gián, lớn bé, già trẻ toàn thôn.

   □□… Nguyễn Thế Thuận, Nguyễn Văn Uyển, Trần Duy □□, Lê Đắc Thọ, Lê Văn Lực.

   □□…Nguyễn Văn Liêu, Trần Thế Nho, Lê Văn Tướng

   Già trẻ lớn bé hai thôn □□… Thanh.

   □□… Nguyễn Mâu Đoài, gần Sài Thời □□… Minh Đoài, gần Đồ Ngại, 1 cái ao ở xứ □□…, đỉnh núi Trung Khuê, □□phận ở bên Đoài, cho phép làm chủ tế hằng năm □. Một thửa ruộng ở xứ Đài Chùa □□… giáp ruộng Nguyễn Công Thực, vào các ngày rằm, mồng một □□ kê các thửa ruộng ở địa phận thôn Tiền, thôn Trung: Một thửa ở xứ Đồng Nhậm, phía đông gần □□, phía tây gần ruộng Nguyễn Đắc Tài; một thửa ở xứ Đồng Ngữ, phía đông giáp ruộng Bùi Văn □, phía tây giáp □□…

   Một thửa ở xứ Đồng Soi, phía đông giáp ruộng cụ Văn Bản, phía tây giáp ruộng Nguyễn Văn Mâu; một thửa ở xứ Cửa Quán; một thửa ở xứ Cây Xoài, hai thửa liền nhau, ruộng mạ ở xứ Bờ Cừ, phía đông giáp nhà Huyền, phía tây giáp bản xã; một thửa ở xứ Cầu Khô.

   Một cái ao ở xứ Cửa Nha nửa phần đỉnh núi Trung Khuê ở phía đông, cho phép □ hằng năm phải làm; một thửa ở xứ Đồng Lũ, phía đông giáp ruộng Nguyễn □, phía tây giáp ruộng Nguyễn Đắc Hạnh.

   Một thửa ở vườn ông Bôi thôn Lang Hạ, cho phép các thôn chia ruộng y như trước; một thửa Kiều □□ ruộng mạ 70 đấu, phía đông giáp ruộng Nguyễn Mâu, phía tây giáp ruộng Nguyễn Trung Hứa, người thôn Hậu, nhận làm quét dọn.

   Bia số 3: TẠO LỆ CÔN SƠN TỰ BI KÝ

   Mặt 1: BÀI KÝ BIA TẠO LỆ CHÙA CÔN SƠN

   Đại nguyên soái, Tổng quốc chính Thượng sư Minh Vương (Trịnh Doanh) lệnh cho quan viên xã Chi Ngại huyên Chí Linh, Điện tiền ty ngục thừa Phùng Thế Khuyến, Đại phu Nguyễn Đình Phú, Phó sở sứ Hoàng Công Quán, Nguyễn Quy Thân, Cai hợp Nguyễn Duy Thời, Sắc mục Nguyễn Hữu Dung, Xã trưởng Phùng □, Nguyễn Đắc Lộc; cho xã các ông xưa nay được làm dân tạo lệ ở chùa Côn Sơn. Trong đó trừ tiền thuế dung 59 quan tiền cổ, 198 bát (gạo), cộng với ruộng Tam bảo cho phép thờ phụng. Chỉ còn thuế trong năm tổng cộng 220 quan 4 văn tiền cổ, gạo 280 bát, thóc 4 lâu, 3 thăng, 6 bát, 1 phân.

   Năm Đinh Tỵ lại đồng ý để cho phụng thờ và tu sửa chùa. Nay nhiều lần bị hao hụt, phụng chuẩn số hiện có, thuế dung cả năm là 61 quan 2 mạch tiền cổ, tô 78 quan 8 mạch 36 văn tiền cổ, gạo □ □ bốn bát, lúa 2 lâu 1 bát 5 phân cúi xin sửa lệnh chỉ, đã tra thực các hạng dân đinh kê khai để dân làm tạo lệ. Tất cả các khoản tiền thóc gạo chuẩn cho phụng sự, tu sửa chùa. Hằng năm các việc sưu sai, tạp dịch như đắp đê điều, làm đường sá đều được miễn trừ. Phụng sai nha môn, quan phủ tuân phụng trừ. Kẻ nào vi phạm đã có quốc pháp. Nay lệnh.

   Ngày 17 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752).

   Sư trụ trì chùa Hoa Yên tự Hải □ phụng viết chữ.

Mặt 2: BÀI KÝ BIA HẬU PHẬT

   Quan viên xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, Điện tiền ty ngục thừa Phùng Thế Khuyến, Phó sở sứ Hoàng Công Quán, Nguyễn Quy Thân, Hoăng Tín đại phu Nguyễn Kiến, Cai hợp Nguyễn Duy Thời, Nguyên Kiến Ngạn, Sắc mục Nguyễn Hữu Dung, Xã tài trưởng Phùng Tiến Dương, Nguyễn Đắc Lộc, Lê Đăng Tương cùng dân trong xã viết sửa lại lệnh chỉ và việc miễn trừ sai dịch. Lại có Thị hữu trung cung, Tuyên lực công thần, Phó thủ hầu nghiêm, Nhất nghiêm tả trạch, Ưu hữu đẳng đội cai quan, Phó tri thị nội, Thư tả hộ phiên Đô đốc phủ, Đô đốc Đồng tri Khuê Quận công ở xã Thiết Thượng, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang đồng ý cho bản xã chi dùng 300 quan tiền. Bản xã ngưỡng hậu ân. Vì thế già trẻ, trên dưới toàn xã cùng nhau tôn làm hậu Phật, phụng thờ ở một toà sơn tự. Hễ sau trăm tuổi, hằng năm vào dịp khánh hạ, cúng dàng đúng theo nghi thức để truyền muôn đời. Nay tôn bầu.

   Dựng bia ngày 20 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) lập văn bầu hậu, Xã chính Phùng Tiến, Điện tiền ty ngục □ thừa ký.

   Phó sở sứ Hoàng Công Quán ký.

   Phó sở sứ Nguyễn Quy Thân ký.

   Hoằng Tín đại phu Nguyễn Đình…

   Bia số 4: CÔN SƠN THIÊN TƯ PHÚC TỰ

   Mặt 1: CHÙA CÔN SƠN THIÊN TƯ PHÚC

   Chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc khởi dựng từ đời hậu tổ, ký phối hưởng cho tổ tiên, lảp bia đá ghi chép lại cùng lời minh.

   Ôi! Bia ấy là bia của Ngô Khê[5] vậy, thực do nơi đất ấy tôn nghiêm. Xem thế đất chung linh tú khí thì mới hay chùa Thiên Tư Phúc tức chùa Côn Sơn. Núi dựng cõi bắc, sông bọc mé nam, sắc sắc tỏ thay hình huyện Phượng Nhãn, ngời ngời vẻ đẹp cảnh xã Chi Ngại. Ba thôn Chúc Đình, Ngô Đình, Đông Đình sửa sang các gian nhà. Gác báu chênh vênh rực rỡ chốn tiền đường, trung đường, hậu đường của một toà bảo sái. Nay thấy người làm việc âm đức, kết nối duyên lành, đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Hân từng làm Thị nội cung tần. Quê huyện Kim Động, xã Xích Đằng danh hương nức tiếng. Nội tổ Thượng Phúc Nhị Khê quê cũ vang danh. Tổ tiên bên ngoại vốn nơi đất Gia Phúc Lam Cầu, ấy là nơi bản quán mẹ hiền, đội ơn tổ tông, tặng Thái phó Quận công nay đi đầu đóng góp công tu tạo, phát của nhà gây dựng điện gác, tô tượng, người sau lại kế tiếp mới thấy được công dụng lớn lao. Có thể nói rằng: phúc đức do Trời, nhưng con người cũng phải cố gắng phấn đấu tô đẹp thêm cho cõi đời này.

   Kể từ triều Trần tạo dựng quy mô, chùa Thiên Tư Phúc, trải qua đến đời bà cung tần gây dựng nền móng công đức, ngưỡng nhờ Phật lực, được phụng lệnh chỉ ban cho dân được làm tạo lệ. Dân tâm ái mộ tôn bà làm hậu tổ, tháng Giêng hằng năm nghi thức được chuẩn bị đầy đủ, đều một lòng kính lễ không dám thiếu. Xưa, đệ nhất cung tần danh hiệu Hiền Cô lòng thường hiền hiếu tên là Nguyễn Thị Ngọc Ư hiệu là Từ Ái, tính vốn từ bi, có người bạn tên Nguyễn Thị Liêu Đoàn thuộc dòng quý phái, cùng làm công đức thí phát bảo vật, ruộng riêng của nhà trợ giúp, lòng người kính trọng. Đều cùng nói rằng sự việc là như vậy, từ nay về sau lòng dân ái mộ như mẹ hiền, sự tôn trọng của xã thôn vững chắc như bàn đá chẳng rời. Ai tuân theo thì an phú tôn vinh, truyền được mãi mãi, ai gặp làm theo được thì quang minh chiếu giám, xứng đáng ở giữa đất trời. Xét nhân sự chính tâm bảo giám thì mới tin được phúc lành của chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc.

   Ngày nay quốc tộ Đại Việt hanh thông, triều đình thay đổi chính trị, xa gần cùng hưỏng cảnh âu ca, cung đình cùng vui hoà mục, mũ áo đông đúc, triều dã cùng vui vẻ, lễ nhạc thuần hậu, lòng người đào thục. xứ xứ đều ánh xuân sáng chiếu, người người cùng mãn phận phúc lành, đặc biệt mong muốn dân tâm thân ái, trời cho sống lâu tự nhiên được phú quý khang vinh, vị lộc danh thọ, đâu cần thêm lời. Chùa Côn Sơn Trời thêm cho phúc khánh, thế nên ghi lại truyền mãi dài lâu.

   Minh rằng:

   Mặt 2: BIA GHI VIỆC PHỤNG LỆNH CHỈ LÀM TẠO LỆ

Ngôi vị đầu trang nghiêm,

Bốn biển tăm kình lặng.

Các nơi đâu nhạn lặn,

Phủ tên gọi Lạng Giang.

Huyện hiệu xưng Phượng Nhãn,

Chi Ngại xã danh hương.

Tam Đình thôn quê đẹp,

Chùa Phúc vốn Trời ban.

Danh sơn ngời kim cổ,

Trái phải núi điệp trùng.

Chính trung vuông bằng phẳng,

Tự Trần tổ dấu lưu.

Ngày nay tu sửa lại,

Hiền triết sánh Hậu Khương,

Đức đẹp hơn cung Hán.

Chùa một lần xây dựng,

Nghiệp lại kế tổ tu.

Làm thiện có dư khánh,

Thi đức phúc vô cùng.

Ngồi sen báu hậu tổ,

Hưởng cỗ bàn thịnh đầy.

Thọ vượt muôn năm tháng,

Số sống mãi mấy ngàn.

Năm tăng hưởng thọ quy,

Ngày thêm nữa tuổi hạc.

Để muôn đời con cháu,

Làm rạng rỡ ông cha.

Cảm ứng tô tượng Phật,

Uy linh giúp xây chùa.

Bạc tiền chuẩn bị đủ,

Bia đá sẵn khắc ghi.

Người người đều tôn kính,

Thế thế luôn ngợi ca.

Cúng tế dâng tổ tiên,

Lễ vật cao vời vợi

Nền đức thiện cao dày,

Phúc khôn cùng vô tận.

   Hậu tổ chính vị ngày 22 tháng Giêng hằng năm kính lễ phối hưởng như nghi.

   Thị nội cung tần Nguyễn Thị Ngọc Hân hiệu Diệu Huy đổi là Hà Thị Ngọc Hân tự Đạo Minh…

   Gửi thêm á hậu tổ các vị hiền cô, một thị nội phủ Nguyễn Thị Ngọc Duyên hiệu Từ Thuận.

   Hiền cô đệ nhất cung tần Nguyễn Thị Ngọc Ư hiệu Từ Ái, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Thịnh.

   Thị nội cung tần Nguyễn Thị Ngọc Liêu hiệu Diệu Pháp, tự Chiêu Dung, Đoàn Thị Ngọc…

   Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Hoàng, Vương phủ thị nội Nguyễn Thị Ngọc Dung…

   Nội phủ thị nhũ (nhũ mẫu) Phạm Thị Ngàn, Hoàng Thị Ngọc Na hiệu Từ Quý, Trần Thị Ngọc Hoè, Trần Thị Thoa, Nguyễn Thị Man.

   Trụ trì sơn tăng tự Huệ Viên hiệu Hiền Trí chân nhân Thiền sư…

   Trụ trì tăng Mai Văn Ngại tự Pháp Ngôn, quê xã Phùng Xá, huyện Vũ Giang.

   Nguyên bản tự Nguyễn Thị…, Trần Thị hiệu Từ Dung.

   Ngày tốt tháng 11 năm Bính Thân niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1656) tạo.

   Bia số 5: TRÙNG TU TƯ PHÚC TỰ BI

   Mặt 1: VĂN BIA TRÙNG TU CHÙA TƯ PHÚC

   Nguyên xưa thời Minh Tông hoàng đế triều Trần, đệ tam tổ sư, kế thừa giáo pháp Huyền Quang Ma Ha Đại Tôn Giả, tu hành thành đấng chính giác nơi danh lam cực lạc cổ tích Côn Sơn, lưu truyền là chùa Tư Phúc. Trải qua năm tháng lâu ngày mục nát hư hại dần, dây leo gai góc làm giảm cả uy linh, khó làm nơi trì tụng chúc thánh. Đến triều nhà Lê kịp thời khôi phục, khai sáng quy mô, hưng sùng Phật đạo.

   Nay bọn thần mạt học, Tỳ khưu tăng chính, tự Pháp Đăng hiệu Giới Hương, sinh gặp thời thánh chúa trị vì, Phật đạo thịnh hưng, xuất gia tu hành, kế truyền nối thánh tổ. Ngụ tại núi Tuyết Sơn[6] rộng ban âm đức, diễn lục sớ kinh thường minh kiến tính, thuyết giáo quần sinh, được đội ơn thành chứng quả. Chọn nơi thanh tịnh để tu trì, chốn già lê để cầu đảo cho Tam bảo thêm hưng thịnh. Nay thần tự là Pháp Đăng, hiệu Giới Hương trộm xét rằng chùa Côn Sơn Tư Phúc xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên[7], vết cũ vẫn còn như xưa, thắp hương chúc thánh. Thế nên vào ngày… tháng 2 năm Giáp Thìn, có bà Thái vương tần Lê Thị Ngọc Châu, pháp hiệu Mậu Huệ, tiền thân sẵn mang Phật tính, xuất thế từ lúc ở hoàng cung, rộng ban âm đức, chẳng tiếc tiền của, phụng hành xây tạo bảo sái nguy nga, lại thêm phần sáng chế theo nếp cũ của các tiền hiền đời trước, nguyên tu tạo hậu đường một toà 9 gian, hai chái lợp ngói. Số còn thừa mua thêm 42 mẫu ruộng, tạc tượng Quan Âm cả thảy 42 pho…, các đồ pháp khí khác, khắc bia thuê thợ liệt kê như sau.

   Minh rằng:

Cổ tích danh lam,

Nguyên tổ đệ tam.

Lưu truyền giáo pháp,

Quảng độ nhân gian.

Sơn tăng nối tiếp,

Đăng quang phổ chiếu.

Mở mang Tư Phúc,

Cực lạc Côn Sơn.

Độ các mọi phẩm[8],

Phúc huệ kiêm toàn.

Quang huy vạn đại,

Miêu duệ trường tồn.

Đều thành Phật đạo,

Chứng quả mãn viên.

   Lê triều Đô nguyên soái Tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương (Trịnh Tùng) lại cấp cho các hạng binh dân lớn nhỏ ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên được trông coi, quét tước và thờ phụng chùa Côn Sơn Tư Phúc theo lệ như triều trước.

   Bà Thái vương tần Lê Thị Ngọc Châu pháp hiệu Mậu Huệ, người xã An Lạc, huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Thiên có mua ruộng mới ở Côn Sơn các xứ tổng cộng 19 mẫu.

   Thái uý Phụng quốc công Trịnh Đỗ, Thượng Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Thung pháp hiệu Từ Ân, Lại Thị Ngọc Thanh, Phạm Thị Ngọc Bô, Lê Thị Ngọc Thuận,…Trịnh Thị Ngọc Mô, Lê Thị…, Vũ Thị Ngọc Trân hiệu Minh Đăng, Lê Thị Ngọc Thúc, Hoàng Thị Đạm, Mai Thị Lộc.

   Ngày 9 tháng 9 năm Hoằng Định thứ 14 (1614), Tăng chính tự Pháp Đăng, hiệu Giới Hương trụ trì chùa Côn Sơn Tư Phúc san tạo.

   Mặt 2: BIA CHÙA CÔN SƠN TƯ PHÚC

   Sư phụ người xã… huyện Giao Thuỷ, trụ trì chùa Sùng Quang xã Từ Sơn Tỳ khưu tăng tự Trần Đạo An, hiệu Định Hương Thiền sư truyền giáo.

   Sư phụ sơn tăng chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử, tự Huệ Quang Thiền sư ma đỉnh thụ ký.

   Người xã An Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn trụ trì chùa Côn Sơn Tư Phúc xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên, Tăng chính Nguyễn Đình Môn tự Pháp Đăng hiệu Giới Hương cùng các môn đồ sư sãi có mua ruộng mới tại xứ A Di, đông tây bốn phía các thửa 21 mẫu 7 sào, ở xứ Hồ Quan một mẫu, ở Mộc Ca, Sơn Trà, Đồng Bái các thửa 2 mẫu, tính ra được 25 mẫu để cúng dàng… xứ Ổ Kê ruộng một mẫu một thửa,… ruộng một mẫu.

   Ruộng oản của Tam Bảo

   Môn đồ Nguvễn Thị Ngọc Sức hiệu Từ Thuận, Đỗ Thị Phúc hiệu Từ Hiền…

   Thiền lâm Tỳ khưu Nguyễn Công Tăng tự Pháp Kiên hiệu Đức Tín, Tỳ khưu Nguyễn Nhân Thọ tự Pháp…, Nạp tử Vũ Như Sùng tự Pháp Huy.

   Mai Nhân Phú tự Phúc Tráng, Nguyễn Kim Đổng tự Phúc…, Nguyễn Thế Nghiệp tự Pháp Trai, Đoàn Văn Hào tự Phúc Lãng, Đồng Đức Tuấn tự Chân Hiền, Nguyễn Quỳ tự Đạo Uyên, Phạm Kim Thoa tự Phúc Sơn, Bùi Trung Độ tự Đức Sinh Đỗ Công Trương tự Pháp Trà, Bùi Sĩ Độ tự Đức Hạnh, Mạc Đình Viên tự Đức Cao đạo hiệu Huyền Đức, Bạch Thị Nghi hiệu Từ Hoà Nguyễn Thị Sâm hiệu Từ Liêm, Mạc Thị Thuý hiệu Từ Duyên, Đoàn Thị Nam hiệu Từ Tại, Mai Thị Ngọc Kính hiệu Từ Chiếu, Phạm Thị Mỗi hiệu Từ Vinh, Mạc Thị Ngọc Chất hiệu Từ Tín, Lưu Thị Mai hiệu Từ Nhân, Mạc Thị Tần, Trần Thị Ngọc Phong hiệu Từ Huệ, Phạm Tự Tráng…, Trần Thị Mại…, Nguyễn Thị Ngọc Khôi hiệu Nhân Ngôn, Hà Thị Năng hiệu Chân Nhân,

   Bia số 6: KHÔI TẠO TRÙNG TU PHẬT TỔ CÔN SƠN TƯ PHÚC TỰ

   Mặt 1: VĂN BIA KHÔI TẠO TRÙNG TU CHÙA PHẬT TỔ CÔN SƠN TƯ PHÚC…

   Bài ký bia trùng tu khôi phục cửu phẩm, dao đài, tô tượng dát vàng, gác chuông, thượng điện, thiêu hương, tiền đường; làm mới Đăng Minh bảo tháp, lại xây hậu đường cùng hai bên tả hữu hành lang và dát vàng các pho tượng Phật, các toà thánh tổ, hưng tạo Giác Hoa, Địa Tạng, Mục Liên, Dược Sư, Như Lai pháp tướng chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc.

   Lẽ thường việc dựng bia là do tin sùng Phật pháp, mong vận nước được lâu dài và cũng là để truyền lại đời sau vậy.

   Nguyên cổ sái Côn Sơn là vùng đất nổi tiếng nhất phía Bắc, thực là danh thắng của trời Nam. Xưa vào triều Trần, hoàng đế Nhân Tông bỏ ngôi báu lên núi Yên Tử tu thành chính quả. Đức Thượng sĩ Huyền Quang bỏ ngôi vị Trạng nguyên vào núi Côn Sơn mà tu hành Phật đạo. Đến Hoàng đế triều Lê. Khâm thử!

   Phó quốc vương Trịnh Thánh chúa đã chuẩn cấp tạo lệ Tam bảo cho dân ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn hương hỏa thờ Phật, tu tạo điện Tam bảo, dãy dãy dao đài, cao vời gác chuông, cửu phẩm liên hoa vời vợi tương vọng, nguy nga, công việc hoàn thành. Bấy giờ đệ trạch của các tiên sư trải qua năm tháng tường đá rêu phủ, tường vàng hoen ố. Muốn có được dương công âm báo, kính mộ Tướng sĩ thứ lang Tăng hội ty tăng chính phủ Lạng Giang là Bùi Trù (tự), pháp hiệu Tính Độ, người Bảo Trung, xã Gia, bản huyện. Năm Quý Mùi phụng mệnh vâng chỉ cho thôi chức, trụ trì chùa Côn Sơn sùng tu Phật sự mở rộng đức phong, nêu rõ đề cương, hiển dương Phật pháp, mở mang phương tiện, sửa chùa in kinh, kế tông Lâm Tế, theo gót Huyền Quang, đắc đạo đa trợ, lập pháp, đồng phương tiện, được học trò kế tổ truyền tông. Nay ở xã Bình Lãng huyện Tứ Kỳ, đồng tử xuất gia hải ấn tâm truyền, phó thác trụ trì (tại chùa) cùng tín thí thập phương thành tâm xây Đăng Minh bảo tháp, vọng đài ngắm như ngọc thạch, lại xây dựng hậu đường nguy nga, hai bên tả hữu hành lang, trùng tu cả cửu phẩm liên hoa, khác nào ngọc bích, tô lại trên 300 pho tượng, làm thêm các tượng Giác Hoa, Địa Tạng, Mục Liên, Dược Sư, Như Lai, dát vàng các tượng Phật và ba vị Thánh tổ, sắc vàng rực rỡ. Công việc hoàn thành, chuộc một mảnh ruộng liền thửa ở xứ Đồng Lỗi. Thông đạt tam minh vô chướng ngại; viên thông ngũ nhãn thảy quan chiêm. Kính chúc hoàng đồ củng cố, vương đạo thịnh hưng, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nước giàu binh mạnh, nhân khang vật thịnh, đời đời thái bình, người người vui thọ, chí tâm tùy hỷ, công đức như núi, phúc tựa hà sa, trăm phúc ngàn lộc, con cháu ngàn đời, ghi nhớ công đức, bèn khắc ghi bia đá để truyền mãi mãi. Tạo lập khoán lệ một thời.

   Thời gian dựng bia ngày lành năm tốt năm Bảo Thái thứ 2 (1721).

   Bùi Thị Hảo tên hiệu Diệu Oa, người xã Bảo Triện huyện Gia Định. Pháp tử tên tự là Viên Liêu kính cẩn viết.

   Doãn Hoàng Danh người xã Kính Chủ khắc bia.

   Mặt 2: THẬP PHƯƠNG CÔNG ĐỨC[9]

   Hội chủ đạo Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, xã Như Kinh, Vương mẫu Thái phi Trương Thị Ngọc Thanh hiệu Diệu Phương chân nhân.

  Hội chủ Thừa tuyên Thanh Hoa, phủ Thiệu Thiên huyện Vĩnh Phúc, xã Lương Sơn, hương Biện Thượng, Vương thân Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Căn hiệu Diệu Thung.

   Hội chủ huyện Siêu Loại, xã Liêu Chử, quan Thị nhũ Nguyễn Thị Tuyền hiệu Diệu Thành.

   An Nam quốc Thanh Hoa Thừa tuyên các xứ, phủ, huyện, xã cùng chư vị chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc: Tính Trân, Tính Hoạt, Tính Điều, Tính Nhu Tầm, Như Trác, Như Lý, Tính Lý, Tính Thức… Các môn đồ, hạt giống của đạo tông: Tịch Cách Quy, Tịch Phái, Tịch Mai, Tịch Đàn, Tịch Thiền… Tịch Minh, Sùng Biện, Sùng Ân, Tịch Đương, Tịch Kế, Tịch Quyến.

   Nguyễn Công Huynh tên tự là Phúc Trí cùng vợ là Vũ Thị Chỉ ở xã Chi Ngại, thôn Chúc Đình.

   Phùng Tiến Thôi tên tự Phúc Hậu cùng vợ là Nguyên Thị Thoái hiệu Diệu Kính ở thôn Ngô Đình.

   Nguyễn Đình Hoa tên tự là Phúc Xuân cùng vợ là Phùng Thị Kha hiệu Diệu Quý, Nguyễn Thị Chấn hiệu Diệu Bạch ỏ thôn Đông Đình.

   Hội chủ ở xã Hoạt Hựu, thôn Vệ Thị là Lê Đình Sàng tự Phúc Lương cùng vợ là Đào Thị Hằng hiệu Diệu Ý, Nguyễn Đăng Vịnh tự Tính Thận cùng vợ là Vũ Thị hiệu Diệu Hảo, Lê Đình Phẩm tự Tính Khôi cùng vợ là Giang Thị Vinh hiệu Diệu Nguyên.

   Nguyễn Văn Tá tự Phúc Cao cùng vợ là Trần Thị Liệu hiệu Diệu Khoan, Nguyễn Thị Nại hiệu Diệu Lân, Nguyễn Công Hoa, tự Thừa Liên ở xã Thụ Mặc.

   … tự Thúc Ngoạn cùng vợ là Nguyễn Thị Tuyền hiệu Diệu… ở xã… Nê.

   Bùi Viết Phú tự Tính Hà cùng vợ là Nguyễn Thị Xanh hiệu Diệu Hải, Nguyễn Khả Vi tự Tính Thực cùng vợ là Bùi Thị Phận hiệu Diệu Nhân, Bùi Duy Cơ tự Tính Bát cùng vợ là Đoàn Thị Xa, Bùi Viết Ngôn tự Tính Đạt cùng vợ là Trần Thị Phương hiệu Diệu Chân du nhân, Trần Thị Tòng hiệu Diệu… ở xã Bảo Triện, thôn Trinh.

   …Trần Văn Cấp cùng vợ là Vũ Thị Uyển hiệu Diệu Bình.

   Lễ… xã Quang… tự… vợ là Nguyễn Thị Tư hiệu Diệu Thông.

   Nguyễn Thế Quyền tự Phúc Cường cùng vợ là Nguyễn Thị La hiệu Diệu Huệ, Nguyễn Thị Cải hiệu Diệu Nghĩa, Nguyễn Thế Hưng tự Tính Thành cùng vợ là Trần Thị Lục hiệu Diệu Tựu… ỏ xã Đại Hương, thôn Ngọc Bàn.

   Bia số 7: CÔN SƠN TỰ TẠO LỆ BI KÝ

   Mặt 1: BÀI KÝ BIA GHI VIỆC TẠO LỆ CHÙA CÔN SƠN

   Đại nguyên soái, Tổng quốc chính sư Thượng Tĩnh Vương (Trịnh Sâm)[10] có chỉ lệnh: các quan viên xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, Điện tiền Phùng Thế Khuyến, Hoằng tín đại phu Nguyễn Đình Phú, Phó sở sứ Nguyễn Quy Thân, Cai hợp Nguyễn Duy Thời, Sắc mục Phùng Tiến Dương, Nguyễn Đắc Lộc, Xã trưởng Lê Khắc Kính, Nguyễn Duy Thanh cùng toàn xã. Vốn trước đây xã đã được chuẩn y cho làm tạo lệ ở chùa Côn Sơn, được trừ thuế dung 59 quan tiền, gạo 198 bát, và số ruộng để dùng cho việc phụng thờ Tam bảo (Phật đường). Còn lưu lại thuế dung cả năm là 220 quan 8 mạch 4 xu tiền, gạo 280 bát, thóc 4 lũ 3 thăng 6 bát 1 lẻ.

   Năm Đinh Tỵ (?) lại chuẩn phụng cho miễn tất cả để cùng lo việc phụng thờ và tu sửa tiền đường. Sau khi kiểm tra đúng sự thực lại chuẩn y cho làm tạo lệ, miễn hết các khoản tiền, gạo, thóc kê ở trên để tu sửa chùa. Các khoản phu phen tạp dịch, đắp đê xây dựng đường xã, các khoản tiền bưu dịch, sưu sai hằng năm đều y theo lệ cũ miễn trừ.

   (Nếu) làm trái lệnh đã có quốc pháp.

   Mặt 2: BÀI KÝ BIA KHẢI LUẬN VỀ RUỘNG ĐỒN ĐIỀN CÔNG

   Các quan: Bồi tụng Công bộ Thượng thư, hành Lại bộ sự kiêm Gián nghị đại phu kiêm Tế tửu Quốc tử giám, Nhập thị kinh diên tước Nghĩa Phương hầu Nguyễn Dịch.

   Nhập nội hành Tham tụng Công bộ Thượng thư Tả chấp pháp kiêm Tế tửu Quốc tử giám, Nhập thị kinh diên kiêm Quan nội hầu Nghiêm Hữu đội, tước Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm kính cẩn khải:

   Cung kính phụng mệnh tra xét đơn trình của: Điện tiền Phùng Thế Khuyến, Nguyễn Đình Ngạn, Phùng Tiến Dương, Phùng Phú Bật, Phùng Thế Thất cùng cả xã Chi Ngại, huyện Chí Linh [kêu] về việc Thuận Trung hầu thu tiền thuế lại đòi cả tiền phí tổn việc thanh tra kiện tụng. Xem xét thấy Thuận Trung hầu Chu Hữu Khuyến vì có người em gái là Nguyễn Thị Tính được cấp đồn điền công tại xã Chi Ngải, huyện Chí Linh là 350 mẫu mà lại trưng thu thuế sang xã Chi Ngại, rồi lại đòi tiền phí tổn điều tra khiếu kiện. Nay đã điều tra trong sổ ruộng của bọn Hữu phiên, thấy số thửa ruộng này là 350 mẫu. Và thấy xã Chi Ngải, huyện Phượng Nhãn dùng vào việc phụng sự điện Thừa Hoa. Xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn không có số ruộng, mẫu sào như thế. Vả lại, xã Chi Ngại, huyện Chí Linh vốn được làm dân tạo lệ, đồng thời còn được miễn trừ các khoản phu dịch là có bằng chứng tin cậy, thế mà Thuận Trung hầu không nhận ra sự khác biệt giữa Chi Ngải và Chi Ngại lại tự tiện đòi thuế, sinh ra việc kiện tụng. Phụng lệnh bàn rằng: Nguyên Nguyễn Thị Tính được cấp đồn điền tại xã Chi Ngải mà Chu Hữu Khuyến lại tự tiện sang Chi Ngại thu thuế, gây lỗi lầm lớn. Đáng lý ra phải chịu hình phạt, nhưng cho là bọn phụ nữ lúc ngu muội làm bậy, còn Chu Hữu Khuyến lại thu sai số tiền cũng không nhiều nên cũng thứ cho. Đến như bọn Hữu phiên không kiểm tra địa bạ, viết sai tên hiệu của xã trong huyện cho nên sinh chuyện, thực là lỗi lầm lớn, nên phạt 5 quan tiền để trừng phạt về tội bất cẩn.

   Nay kính cẩn làm bài khải.

   Mặt 3:

   Ngày 29 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763)

   Thị nội Giám ty, Lễ giám thiêm Thái giám tước Tiên Trung hầu cung phụng chỉ phán truyền phê hiệu quan tước Hạ Phong tử. Nay truyền Thị nội thư tả binh Đào Nguyễn Lăng phụng viết chữ.

   Mặt 4:

   Ngày 6 tháng 10 năm cảnh Hưng thứ 30 (1769), mùa Đông năm Kỷ Sửu, phụng sai Thị nội thư tả binh phiên Đào Nguyễn Lăng viết chữ.

   Bia số 8: CÔN SƠN TƯ PHÚC TỰ KÝ

   Mặt 1: BÀI KÝ CHÙA CÔN SƠN TƯ PHÚC

   Quan viên hương lão thôn Chúc Đình xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn phủ Lạng Giang là Cao Tử Kiều, Cao Thế Giáo, Trịnh Thiên Tuế, Lê Đắc Công, Nguyễn Hữu Tài, Lê Đình Nhượng, Lý Đình Công, Lý Đình Sách, Nguyễn Đăng Tường, Nguyễn Hữu Dung, Hoàng Công Trí, Nguyễn Đình Công, Lê Văn Nhịn cùng toàn thôn thượng hạ đẳng. Nguyên vì bản thôn có ngôi chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc là danh lam cổ tích, là thắng cảnh của đất Bắc. Những sư tăng trụ trì, thắp hương tụng kinh chúc thánh không phải là ít, nhưng trong số họ thực hiểu đạo “tâm tức Phật Phật tức tâm, sắc là không không là sắc” thì thực là hiếm thấy. Nay có vị Thiền sư đáng kính người xã Bảo Triện, huyện Gia Định, tự danh là Như Niệm, thuỵ là Minh Đức, đạo thuật của ngài đủ thông trời đất, đức nhân sánh tày gò núi. Từ năm Quý Mùi về tu tại bản tự, thắp hương tu trì trông cũng như kẻ thường tăng, tụng kinh chúc thánh coi cũng như phường tục sĩ. Nhưng lúc trước dò xét ý tứ, thường vẫn lấy lòng độ thế cứu nhân một niềm, lấy gối đá giường non làm vui. Phàm những việc về đan dược phù lục, tế tự cầu đảo đều giúp ích cho nhân dân, thực là bậc danh thiền trong thiên hạ, đáng kính đáng tôn. Nay toàn thôn trên dưới cùng đến trước chùa thỉnh cầu Thiền sư rằng: Trộm nghe “được tặng trái đào thì báo trái mận”, dám xin Thiền sư sau này trăm tuổi, thỉnh làm hậu Phật của bản thôn, để dân thôn được muôn đời phụng thờ thoả lòng thương xót ái mộ. Thiền sư tuỳ theo ý thỉnh mà bằng lòng, lại có sử tiền cho bản thôn 50 quan, bản thôn nhân đó mua đứt một khu đất làm sơn lăng, cùng số tiền 80 quan, Thiền sư xin cúng để làm giỗ. Chẳng ngờ vật đổi sao dời, Thiền sư đã sớm mất, dặn lại đệ tử an táng trong chùa tại bản thôn, đặt một tháp mộ để lưu truyền mãi mãi. Dân thôn cùng các đệ tử thương xót không quên, không dám làm trái lời dặn của Thiền sư khi mai táng, dựng tháp.

   Nay trong thôn, nếu sau này có ai sinh tình bạc bẽo, làm trái lời xưa, phế bỏ cúng giỗ, không chăm đèn hương thì xin thập phương Tam bảo cùng Phật tổ chứng minh, hoàng thiên hậu thổ và các thần linh cùng về soi xét. Cả ba thôn đều cùng chung chùa, riêng thôn Chúc Đình được truyền nhau trông coi hương hoả cho Thiền sư, cùng xây tháp phụng sự. Nếu sau này hai thôn Ngô Đình, Đông Đình tranh giành thì thôn Chúc Đình vẫn phụng sự hương hoả. Thôn Chúc Đình cũng không được tự phế bỏ điều này, nay xin.

   Mặt 2: BIA PHỤNG SỰ HẬU PHẬT

   Phụng sự di chúc của vị trụ trì đồng tử xuất gia Sa di Hải Ấn.

   Ngày 10 tháng 4 năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) lập tờ đơn xin. Sinh đồ thôn Chúc Đình là Hoàng Bách ký.

   Vũ Văn Thưởng ký, Hoàng Công Miêu ký, Mai Văn Nhiêu ký, Nguyễn Khôi ký, Nguyễn Văn Nhất ký, Nguyễn Dũng ký, Nguyễn Văn Cẩm ký, Đặng Văn Lỗi ký, Nguyễn Lưu ký, Hoàng Nhưỡng ký, Phùng Văn Tẫn ký, Nguyễn Bệ ký, Lê Văn Trị ký, toàn thôn thượng hạ cùng ký.

   Ngày 4 tháng 8 năm Kỷ Mùi, sư trụ trì chùa Côn Sơn Phó tỳ khưu Nguyễn Chân Đạo, tự Tính Ân có lời di chúc… các đệ tử cúng ruộng hải đàn một khu 1 mẫu 3 sào toạ lạc tại xứ Rộc La thôn Cầu Hai, xã Trúc Cương.

   Lại một khu ở xứ Mộc Bài thôn Cầu Hai, phía đông gần xứ Nội Tự, phía tây gần xứ Bãi La.

   Các bà Diệu Minh, Hải Cần, Diệu Hương, Diệu Du, Nguyễn Thị… ruộng một khu 1 mẫu 8 sào, ở xứ Mộc Bài thôn Cầu Hai, phía đông gần xứ Nội Tự, phía tây gần xứ Bãi La.

   Bà Diệu Ân một khu ruộng 8 sào… xứ Mộc Bài, phía đông gần xứ Nội Tự, phía tây gần xứ Bãi La, các nơi tổng cộng 4 mẫu 6 sào cúng làm ruộng tháp cúng dàng tổ sư Như Niệm Thiền sư…

   Tháp tông sư Tính Ấn Thiền sư, ruộng giao cho tông đồ trong chùa kế đăng coi giữ tháp.

   Thích tử tự Tịch Cô kính viết.

   Mọi người canh tác làm phụng sự hương hoả kỵ lạp cung dưỡng hai vị Thiền sư lưu truyền vạn đại, nếu có ai xâm chiếm không theo lời, nguyện Phật tổ chứng minh quỷ thần chiếu xét.

   Thợ đá xã Kính Chủ là Đoài Hoàng Danh Nguyên khắc.

   Bia số 9: CÔN SƠN THIÊN TƯ PHÚC TỰ

   Mặt 1: CÔN SƠN

   Đô nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương[11] ra lệnh cho các tướng thần, các quan, thôn trưởng cho đến các hạng dân binh của thôn Chúc Đình, xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn.

   Thôn có chùa Thiên Tư Phúc vốn là nơi cổ tích danh lam nên đã chuẩn y cho thôn trông nom, quét dọn và làm các việc ở chùa để phụng thờ Phật. Các quan cai quản không nên bắt bổ, miễn trừ cho dân mọi công việc phục dịch.

   Ngày 1 tháng 2 năm Hoằng Định thứ 15 (1615).

   Nay lệnh.

   Mặt 2: THIÊN

   Xã Chi Ngại huyện Phượng Nhãn có cổ tích danh lam là chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc. Nguyên triều Trần đệ tam tổ sư tự pháp Huyền Quang Ma Ha Đại Tôn Giả trụ trì ở đây. Trước kia, Hoàng đế Trần Minh Tông có cấp cho hàng vạn tờ điệp[12], khách thập phương cúng vàng bạc kể đến hàng ngàn, lưu truyền muôn đời.

   Ngày tháng Giêng năm Thiệu Phong thứ 17 (1357).

   Nguyễn Đình Bá công đức tấm bia đá.

   Mặt 3: TƯ PHÚC

   Đến đời nhà Lê, Tỳ khưu Mai Tri Bản tên tự là Huệ Pháp, tên hiệu là Pháp Nhẫn (có công) mở mang nguyên danh lam cổ tích của xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn – chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc. Hưng công xây dựng cửu phẩm liên hoa, nhà thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tiền tả hữu hành lang, hậu tả hữu hành lang, tam quan và lại trùng tu cả thượng điện tổng cộng 83 gian. Tô tượng (làm mới) Phật trên cửu phẩm liên hoa tới 385 vị, tạo mới tượng Quan Thế Âm Bồ tát ngàn tay ngàn mắt, 2 tượng Hộ pháp Thiện Ác, 1 tượng chúa núi, 3 tượng cô hồn, trùng tu tượng Phật trên thượng điện 18 pho, sơn son thếp vàng lại 3 vị Tam thế. Mua mới ruộng đất ao cộng lại là 80 mẫu, xứ Thượng Côn Sơn 8 mẫu, xứ A Di, phía trên giáp Côn Sơn, phía dưới giáp Sơn Lão cộng lại là 55 mẫu, xứ Thượng Cừ Đàm là 2 mẫu 5 sào, xứ Hạ Cừ Đàm 3 mẫu. Xứ Lọc La 10 mẫu, xứ Đồng Chúc 1 mẫu. Đổi ruộng các nơi 5 sào, xứ Đình Trình 2 thửa, xứ Nội Khể 1 cái đầm và khắc các bộ kinh để lưu truyền vạn đại.

   Các tín chủ hưng công được liệt kê dưới đây:

   Hương hào nghĩa tử Đào Văn Liêm xã Thịnh Liệt, Thích thuỵ là Pháp Trung tiên sinh mở lòng Bồ tát hưng công sửa chữa bản chùa.

   Thợ đá xã Kính Chủ là Lê Đình Liêu khắc.

   Mặt 4: TỰ

   Thiếu bảo Nghị quận công Nguyễn quý công Thích thuỵ Pháp Thịnh phủ quân ở xã Xích Đằng, huyện Kim Động khai sáng Bồ tát, công đức hơn 500 quan tiền.

   Nguyễn Thị Ngọc Duyên, chính công tử Phú Lễ hầu Trịnh Bảng, người trong phủ Chúa, công đức hơn 1.000 quan tiền. Nguyễn Thị Ngọc Trân hiệu Từ Ái, công đức 600 quan tiền.

   Phạm Thị Ngọc Khoản hiệu Từ Trí ở xã Thịnh Liệt, công đức hơn 1.000 quan tiền.

   Mai Thị Ngọc Tú hiệu Từ Vinh, xã Án Dĩ, công đức hơn 300 quan tiền.

   Hoàng Thị Na hiệu Từ Quý, xã Đức Trạch, công đức hơn 400 quan tiền.

   Trần Thị Ngao hiệu Từ Thiện, xã Dược Khê, công đức hơn 300 quan tiền.

   Nguyễn Ngọc Thự tự Huệ Kiêm, xã Phù Đổng, công đức hơn 100 quan tiển.

  Bắc binh Nguyễn Kiến Khôi tự Pháp Nhân, Uông Thị Viên hiệu Từ Minh, phường Công Bộ Thịnh Quang

   Đinh Văn Hội tự Pháp Đạt, Vinh Thị Ngọc Lan hiệu Từ Mỹ, xã Thanh Khê.

   Trần Thọ Khang tự Pháp Diễn, Hoàng Thị Ngọc Minh hiệu [Từ Độ], xã □ Khê.

   Bia số 10: TẠO LẬP CÔN SƠN TỰ…

   Mặt 1: VĂN BIA XÂY DỰNG CHÙA CÔN SƠN

   Vợ thứ của quan Tiền thự vệ sự tặng Vân Quận công ở thôn Tân Độ xã Trí An, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang là Nguyễn Thị Vệ hiệu Từ Nhân, nguyên quán xã Lôi Động, là hậu Phật thôn Hậu, dân ba thôn thuộc xã Chi Ngại lập văn bia ghi lại:

   Từng nghe rằng có công với nước thì người trong nước cùng suy tôn, ban ơn cho dân thì dân không phụ. Phàm đều là sự tôn trọng rất mực đối với điển lệ thờ cúng vậy. Chẳng phải là do được lòng dân mà được suy tôn đến thế hay sao? Muốn gây dựng nên cái phúc lớn như thế thì phải chờ đến những người có đức độ. Nay có bà vợ thứ quan Tiền thự vệ sự tặng Vân Quận công là Nguyễn Thị Vệ hiệu Từ Nhân, dòng dõi nối truyền trung hậu, tư dung đủ cả hiếu hiền. Đội nhờ tổ tiên tích phúc hành thiện công ở đòi trước, nảy dòng lan huệ đôi lứa sánh duyên, tiếng khen đức hậu. Duy một niềm chuyên nhất trinh tĩnh, gây dựng nên sản nghiệp cơ đồ. Trộm nghĩ rằng điềm lành con cháu nối thừa, vâng lời giáo huấn của nghiêm phu tự tay nuôi dưỡng các cháu trai gái từ buổi còn ấu thơ. Gia cảnh đã sung túc, lại suy xét đức từ bi to lớn vô cùng. Lời Mỹ Nhạc rằng: “Cái thọ lâu dài là ở chỗ được lòng người”, hiếu theo, thuận theo, công đức tích ở tiền nhân, lại dốc sức tích thiện cho con cháu. Nay ba thôn trên dưới xã Chi Ngại của bản tổng có lời cầu, rằng trên có lệnh chỉ cho miễn trừ thuế trúc tiễn (tên tre), nhưng vẫn thiếu tiền sử 100 quan. Thế là bà theo nghĩa làm ơn, không tiếc 100 quan tiền, suy từ lòng mình ra đến lòng người, tế giúp cho ba thôn trong xã. Ân trạch thấm khắp, mọi người cảm động, truy ân thờ tự. Vậy là dân ba thôn nhớ ân đức của bà, phụng thờ làm hậu Phật, xin lấy hậu lễ làm quý, lấy thanh tịnh dâng cúng làm vinh. Hằng năm phụng sự tại chùa đúng theo nghi thức, kính biếu thực lòng, lưu truyền muôn thuở, thất tổ cửu huyền[13] để cảm tạ tam quang vạn thế.

   Nay lập ước định lệ để sáng tỏ điển lễ thờ tự, không bao giờ thay đổi, lập bia đá, viết bài ký làm quy ước vĩnh hằng. Nếu có chúng dân nào phụ nghĩa bội ước, nguyện quỷ thần chư Phật giám lâm chiếu xét, làm lời cảnh giới răn trừng cho già trẻ cả ba thôn. Nay có bài minh:

Nhân kiệt đúc chung,

Địa linh cảnh đẹp.

Dòng tộc Nguyễn gia,

Trinh khiết đức độ.

Phôi ước duyên trời,

Tiếng tăm công phủ.

Con trai quý tử,

Con nuôi tốt lành.

Con rể hào hoa,

Con dâu hiền thục.

Trước sân hoè lý,

Tuổi thọ hạc rùa.

Ân trạch dồi dào,

Xóm làng kính mộ.

Điển thờ sáng tỏ,

Phúc để đời sau.

Lợi cho con cháu,

Phả hệ ngời ngời.

Hoàng đồ muôn thuở,

Thánh thọ ngàn năm.

Thời hoà lúa tốt,

Dân thịnh vật tăng.

Đức công muôn thuở,

Giữa lòng vũ trụ.

   Thời Giám thủ Vũ Nguyễn Ích, Vũ Nguyễn Phú.

   Hải, Nam, Chí, Kiệt, (Hải Dương, Nam Sách, Chí Linh, Kiệt Đặc) Quốc tử giám Giám sinh Hoàng Độn soạn.

   Pháp tử tự Viên Liêu viết chữ.

   Mặt 2: BIA PHỤNG THỜ HẬU PHẬT

   Các trưởng thôn, quan viên hương lão sắc mục ba thôn xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang là: Nguyễn Đình Khoa, Nguyễn Đắc Danh, Nguyễn Đắc Tài, Lý Đình Công, Phùng Phú Xuân, Nguyễn Đức Trọng, Nguyễn Tiến Thọ, Phùng Hữu Dung, Hoàng Khắc, Nguyễn Hữu Tài, Hoàng Đình Bách, Hoàng Công Trí, Phùng Thế Khôi, Nguyễn Đăng Tể, Nguyễn Đệ cùng toàn xã trên dưới. Nguyên bản xã có lệnh chỉ nhiêu trừ khoản trúc tiễn (tên tre), nhưng việc hộ phận, sưu sai, các dịch không kịp sửa lại, đến năm nay mới xin hầu để sửa lại. Bản xã không đủ tiền chi dùng việc lên hầu, nên hội họp tại đình để bàn bạc bầu hậu Phật lo việc. Trộm xét rằng có người đàn bà ở thôn Hậu xã Lôi Động trong tổng vốn con cháu nhà hiền lương, lại cũng khá giả, là vợ thứ quan Tiền thự vệ sự tặng Vân Quận công là Nguyễn Thị Vệ có 100 quan tiền sử, và 3 mẫu ruộng, hứa giúp bản xã, xin được gửi ruộng cho chùa. Bản xã nhân đó lập ước xin được phụng thờ làm hậu Phật, được hưởng phụng sự lâu dài mãi mãi. Hằng năm, các ngày trong chùa có lệ cúng giỗ, bản xã có lễ kính biếu để tỏ lòng cung kính. Ba thôn trong xã cùng xin bầu bà Nguyễn Thị Vệ được làm hậu Phật tại chùa Tư Phúc ở Côn Sơn. Từ nay về sau, trong bản xã có kẻ nào hoặc trong con cháu có kẻ nào manh tâm quỷ kế phế bỏ nghĩa tình hương khói, bội phụ ước cũ của đời trước, không nghĩ đến công đức, điên đảo bán ruộng cho người khác, phế bỏ giỗ kỵ, khinh thường lăng mạ thì ba thôn đồng luận vào tội bất kính, phạt nặng, phế chỗ hương ẩm, bắt nộp cho thượng quan có phép công luận định. Nay lập khoán ước các khoản kê sau đây:

   – Gửi bản xã sử tiền 100 quan cùng ruộng 3 mẫu, một thửa ở xứ Cây Cậy,… một thửa liền kề ở xứ Ấu Lãng, hai thửa ruộng ở xứ Bọ Mại…

   – Bài vị hậu Phật phụng sự tại hậu đường…

   và bản tộc cùng biết…

   – Lập bia đá ghi lại…

   …

   Ngày lành tháng 4 năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 16 triều nhà Lê (1720)[14] . Xã trưởng… Thế Nho ký cùng toàn xã ký.

   Bia số 11: “Tạo lập hậu Phật”

   Bia chữ đã mờ, không rõ nội dung. Theo hình thức trang trí, chặm khắc… bia khắc thời hậu Lê, nói về việc tạo lập hậu Phật.

   Bia số 12: LỆNH DỤ TẠO LỆ BI KÝ…

   Mặt 1: BÀI KÝ BIA LỆNH DỤ TẠO LỆ

   Đại nguyên soái Thống quốc chính, Thượng sư Thái phụ, Thông đức, Anh nghị, Thánh công, Bác đạt, Mậu hoà, Tuy du, Dụ nghĩa Trinh Vương (Trịnh Giang)[15] lệnh dụ cho quan viên xã Chi Ngại, huyện Chí Linh gồm: hữu gia hàng nhị đẳng Đội thuyền, Thị nội giám, ty Lễ giám đồng tri giám sự Vược Lộc bá Nguyên Thọ Thản; Tăng thống Nguyễn Đăng Trạc, Phó sở sứ Hoàng [Danh] [Quán], Cai hợp Nguyễn Đình Cẩm, Nguyên Duy Thờ, Nguyên Đình Ngạn, Hoàng Đình Luân, sắc mục Nguyễn Hữu Dung, Phùng Thế [Khuyến, Nguyễn] Đăng Dinh, Xã thôn trưởng Nguyên Đắc Lộc, Phùng Tiến Dương, Trịnh Hữu Thành, Nguyên Danh Chấn cùng toàn xã.

   Do xã của các ngươi từ xưa đã được phê chuẩn làm tạo lệ ở chùa Côn Sơn, trong đó được trừ thuế dung 59 quan tiền, 198 bát gạo gộp cả số ruộng Tam bảo để thờ phụng. Còn thiếu tô dung cả năm, tổng cộng là 220 quan 8 mạch 4 văn tiền cổ, 280 bát gạo, lúa 4 hộc 3 thăng 6 bát 1 lẻ. Nay lại phê chuẩn cho trừ hết để thờ tự và tu sửa các hạng của chùa. Nhân vì được làm tạo lệ như cũ nên lại trừ toàn bộ số thuế thóc gạo, tiền bạc kể ở trên để chi dùng vào việc thờ phụng và sửa sang các dãy nhà của chùa. Các phu dịch hằng năm như bồi đắp, sửa sang đường sá, đê điều, sưu sai, bưu trạm đều được miễn trừ. Người thừa hành và các nha môn đều phải theo lệnh miễn trừ này. Kẻ nào vi phạm đã có pháp luật của nhà nước. Nay ra lệnh dụ!

   Ngày 13 tháng 2 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4 (1738).

   Mặt 2: BÀI KÝ BIA ĐỂ RUỘNG HẬU PHẬT

   Các ông Phó sở sứ Hoàng Danh Quán, Sinh đồ Hoàng Đình Bách Xã trưởng Phùng Thế Khuyến, Nguyễn Hữu Dung, Nguyễn Đắc Lộc, Thôn trưởng Nguyễn Minh Kính, Lê ích Côn, Nguyên Viết Phú, Nguyễn Duy Thời, Hoàng Công Dật, Phùng Đắc Ý, Phùng Duy Thông, Phùng Hữu Dị, Nguyễn Công Minh, Phùng Văn Nhã, Phùng Thế Huân, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Văn Kiều, cùng toàn bộ trên dưới, lớn bé ba thôn thuộc xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách nguyện lập hậu Phật để phụng thờ

   Kính cẩn trần thuật như sau:

   Nam cung Tiền tượng cơ, Phó thủ hiệu, Phó cai quản, Tri giáo phường ty, Tri thị nội, Thư tả Binh phiên, Thị cận, Thị nội giám, Ty lễ giám, Tổng Thái giám, Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ Lập Quận công thôn Tiền Đình xã Chuyết Dương huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang, trước đã phụng lệnh về qua chùa này, thấy cảnh sắc nguy nga, tỏ rõ linh thiêng liền đề đạt lên để nhà vua biết. Vua ra chiếu chuẩn y tạo lệ cho dân. Lúc đó Lập Quận công vui mừng khôn xiết bèn hứa cho bản xã 100 quan tiền cổ để dân xã nhận lệnh chỉ. (Vì thế) mọi người trong ba thôn cùng đồng tình kính cẩn tôn bầu làm hậu Phật, được phụng thờ cúng bái hương hoả tại chùa để ghi ơn công đức lâu dài.

   Tăng thống Nguyễn Đăng Trạc của thôn Đông Đình bản xã, làm quan thị lâu ngày, đến năm Giáp Thìn (1724) xuất gia đầu Phật lại được ân sủng. Thấy chùa Côn Sơn là danh lam cổ tích của bản xã, kế đăng các tổ Trúc Lâm, hương hoả sùng thịnh, muốn cho tổ ấn trùng huy, dân thấm nhuần mưa móc, Tăng thống Nguyễn Đăng Trạc với quan viên thôn Chúc Đình là Thị tả trung cung, Hữu gia hàng nhị đẳng Đội thuyền, Thị nội giám, Ty lễ giám, đồng tri giám sự Vược Lộc bá Nguyễn Thọ Thản kính cẩn dâng đơn xin cho xã được làm tạo lệ, đồng thời miễn trừ các việc phu dịch để phụng sự bản tự. Cho nên già trẻ, trên dưới trong xã đều gặp may mắn, vui vẻ kính bầu Nguyễn Đăng Trạc, Nguyễn Thọ Thản làm hậu Phật được phụng thờ tại chùa. Từ nay về sau vào tiết khánh hạ cúng dàng làm lễ đúng nghi thức, ngày càng sùng thịnh, đời đời không quên.

   Vược Lộc bá Nguyễn Thọ Thản cung tiến cho bản xã 30 quan tiền cổ.

   Lập bia vào ngày tốt mùa Xuân năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738).

   Toàn xã cùng ký.

   Thi đỗ khoa Nhâm Tý, Đề lại Lê Công Tuân kính cẩn viết.

  1. Bia Hậu thần của ba thôn xã Lôi Động, trước đây có thể đặt ở đình Lôi Động. Sau mới đưa vào chùa Côn Sơn. Do bia hiện đặt tại nhà bia chùa Côn Sơn nên chúng tôi vẫn tuyển dịch. Ngoài ra ở các nhà bia còn có ba bia, do quá mờ và ít chữ nên chúng tôi không tuyển dịch
  2. Lễ kính biếu: khi người bầu hậu còn sống thì mỗi dịp lễ thần phải có lễ biếu người hậu. Khi người hậu qua đời thì có lễ biếu người thân của hậu.
  3. Tuyệt diệt: lời thề độc, nếu kẻ nào vi phạm hương ước thì bị thần thánh làm cho không có con cái để nối dõi.
  4. Bia này có khả năng khắc vào năm 1719 (?).
  5. Ngô Khê: chỉ những nơi, vật mà mình yêu quý. Thời Đường, Nguyên Kết làm nhà bên bờ suối gọi là Ngô Khê.
  6. . Núi Tuyết Sơn: ngọn núi thuộc dãy Himalaya ở biên giới phía bắc Ấn Độ quanh năm tuyết phủ, nơi Phật Thích Ca đã từng tu khổ hạnh tại đó. Ở đây chỉ chốn chùa chiền, cụ thể là chùa Côn Sơn.
  7. . Lạng Nguyên: có thể là tên phủ Lạng Giang thời đó.
  8. Độ các mọi phẩm: dịch “Độ chư quần phẩm”. cõi tịnh độ có 9 phẩm. con người ta tùy theo hành nghiệp mà vãng sinh tới cõi tịnh độ của đức Di Đà cũng khác nhau. Chùa Côn Sơn độ cho mọi phẩm tới cõi tịnh độ.
  9. Bia mặt 2 mờ nhiều, chỉ kê khai tên người đóng góp, nên bỏ một số tên người.
  10. Thượng Tĩnh Vương: tên tước hiệu của chúa Trịnh Sâm.
  11. Bình An Vương: tên hiệu của chúa Trịnh Tùng (1570 – 1623)
  12. Tờ điệp: chỉ giấy thông hành hoặc ngân phiếu, ở đây dùng với nghĩa là ngân phiếu.
  13. Thất tổ cửu huyền: chỉ chung các tổ tiên đời trước (?).
  14. Không có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 16. Chồ này có thể bia khắc nhầm.
  15. Kiêng huý chữ “trừ” () tức là Lê Trừ, tổ 6 đời của vua Lê Anh Tông. Ông là anh ruột của vua Lê Thái Tổ. Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Trả lời