VỀ ĐỊA DANH THANH HƯ ĐỘNG Ở CÔN SƠN

Động Thanh Hư không phải là hang động mà là một khu vực rộng bao gồm từ trên sườn núi Côn Sơn – Nơi quan Tư đồ xây dựng các công trình “nghỉ ngơi, chơi ngắm” và dưới núi – nơi có cầu Thấu Ngọc. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí – thế kỷ XIX, có viết: “Trên núi có Động Thanh Hư, dưới núi có cầu Thấu Ngọc cây và đá xanh um….”

Thanh Hư Động là địa danh nằm trong quần thể di tích Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Xưa thuộc xã Chi Ngại huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc.

Thanh Hư động nơi có đền thờ Trần Nguyên Đán

 

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú thế kỷ XIX có viết: “….. Trong huyện (Chí Linh) này có nhiều núi đẹp, cảnh lạ như núi Côn, cảnh đẹp thanh vắng âm u, là nơi Băng Hồ đời nhà Trần về hưu trí ở đấy, núi hang rất đẹp“. (1)

Dãy núi Côn Sơn ở phía Bắc, dãy núi Phượng Hoàng ở phía Nam đều bắt nguồn từ dãy Yên Tử, thuộc cánh cung Đông Triều. Thế núi rất đẹp. Nhưng núi Côn, cũng như núi Phượng Hoàng và toàn bộ vùng núi Chí Linh đều là núi đất không phải núi đá nên không có hang động. Đến bây giờ rất nhiều người vẫn cứ nghĩ “Thanh Hư Động” là một hang động đẹp.

Vào thời Trần, là thời kỳ các đạo sĩ vào núi luyện đan – Thời kỳ phát triển của Đạo Giáo. Có thể Động Thanh Hư cũng là nơi luyện đan của đạo sĩ nào đó nên có tên như cách đặt tên ở Động Huyền Thiên trong dãy núi Phượng Hoàng – Nơi cách không xa dãy núi Côn Sơn. Tên Động Thanh Hư đã có từ trước khi Tư đồ Trần Nguyên Đán về hưu ở Côn Sơn năm 1385.

Trong bài “Thanh Hư Động ký” của Nguyễn Phi Khanh có nhận định về cách sống của Tư đồ là người biết xuất, xử như sau:

“… Có khi rong ngựa chơi miền Gia Lâm, có khi chèo thuyền dạo miền Bình Than. Hoặc có lúc cùng bạn như Tạ Phó đi chơi núi, hoặc có lúc hát bài từ “Quy khứ” của Đào Tiềm. Đầu đội chiếc khăn lững thững bên đèo….” (2) (Tạ An Đạo Tiềm là những nhà ẩn dật nổi tiếng ở Trung Quốc) trong một bài thơ, Nguyễn Phi Khanh có viết:

“Áo nạp như mây, tụng niệm lời kinh Hoàng Nghiệt

Lòng son tựa ráng, chắp tay theo tiên xích tùng”(3).

Nghĩa là Tư đồ cũng muốn mắc áo nạp (áo nhà sư) và bắt chước Hoàng Nghiệt – Biệt hiệu Hy Vân đời Đường về Côn Sơn để ngẫm nghĩ những điều mầu nhiệm của đạo thiền. Vì vậy, trước khi về ở ẩn tại Côn Sơn, ông đã nhiều lần về đây thắm thú, rồi cho xây dựng một công trình “Nghỉ ngơi, chơi ngắm” ở Động Thanh Hư để đến năm 1385 ông xin vua về trí sĩ.

Như vậy, cho phép ta nghĩ trước năm 1385, Tư đồ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh hai vua Duệ Tông và Nghệ Tông đã thường về vãn cảnh ở Côn Sơn.

Hiện nay ở sân chùa Côn Sơn có bốn tấm bia, một tấm ở bên “Thanh Hư Động”. Trên trán bia có bốn chữ “Long khánh ngự thư” Long Khánh là niên hiệu của vua Trần Duệ Tôn (1372 – 1377). Như vậy tấm bia Thanh Hư Động phải được tạo dựng trước năm 1377. Bởi vì vua Trần Duệ Tôn đã chết trong đám loạn quân năm 1377 trong khi đi đánh Chiêm Thành.

Trong “Chuyện cũ về Băng Hồ tiên sinh” của Ức Trai cũng nói rõ “…Động làm xong, tức vua Duệ Tôn tặng ba chữ ngự bút lớn nêu ở mặt bia, thượng hoàng Nghệ Tôn tự chế bài minh khắc vào lưng bia”. Chắc chắn tấm bia ấy phải đặt ở trước khu vực Thanh Hư Động.

Cảnh đẹp Thanh Hư Động được Nguyễn Phi Khanh viết: “Khói ngàn, ráng đỏ như gấm cuốn, như lụa giăng; cỏ rừng hoa suối, hoặc mầu biếc đung đưa hoặc mầu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu, trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn. Phàm những cái gọi là hình trạng trong mát, tiếng vi vu, xa xa mà vắng không, sâu thẳm mà lặng lẽ, hợp với sự mong mỏi của tai mắt và tinh thần, đều hầu như đã hòa với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật”.(4)

… Cuối Trần, họ Hồ được tiến dụng, quan Tư đồ đã có ý lui về, người đã nghĩ ngay đền vùng Côn Sơn, và trong lần về Côn Sơn năm 1385, ông đem cả cháu ngoại là Nguyễn Trãi về theo, nhiều gia nhân cùng về sinh sống. Vì vậy công trình kiến trúc ở Thanh Hư có nhiều hạng mục. Trong “Thanh Hư Động ký” viết: “Một tiếng trống vang, muôn người xúm lại, phạt bụi san đồi, thế là suối nguồn được gạn trong, cả rác được dọn sạch, phu thợ đủ các nghề, xây đắp không nghỉ. Chưa đầy một tháng mà việc dựng cột xây tường đều xong, chỗ cao khoáng thoát, chỗ thấp bằng phẳng, đứng xa trông chỉ thấy một màu xanh, khu động vây bọc những cảnh kỳ lạ và đẹp đẽ, các nơi nghỉ ngơi chơi ngắm đều có tên đặt riêng, nhưng tất cả khu đó được gọi chung là “Thanh Hư Động” (Bài này tác giả làm năm 1284).

Qua bài ký, Động Thanh Hư bao gồm một quần thể kiến trúc từ trên núi “gồm các nơi nghỉ ngơi, chơi ngắm đều có đặt tên riêng”. Và dưới núi có cầu Thấu Ngọc. Và Nguyễn Phi Khanh đã giải thích rõ tên Động Thanh Hư “Đứng xa trông chỉ thấy một màu xanh…” (Thanh Hư Động còn có ý nghĩa thanh trong, thoát tục, hư không).

Động Thanh Hư không phải là hang động mà là một khu vực rộng bao gồm từ trên sườn núi Côn Sơn – Nơi quan Tư đồ xây dựng các công trình “nghỉ ngơi, chơi ngắm” và dưới núi – nơi có cầu Thấu Ngọc. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí – thế kỷ XIX, có viết: “Trên núi có Động Thanh Hư, dưới núi có cầu Thấu Ngọc cây và đá xanh um….” Ở đây ta không nên hiểu Thanh Hư Động chỉ bó hẹp trên 2000m2 ở sườn núi, mà là cả một khu vực rộng từ suối Côn Sơn, sườn núi Côn Sơn và một không gian rộng dưới chân núi Nhũ Nhạc nữa. Ngay khu vực đền thờ Ức Trai tiên sinh hiện nay cũng là một nền dựng thế kỷ XIV. Nhiều đợt khai quật khảo cổ học ở vị trí này đã phát hiện được những mảnh gốm, ngói vỡ… có niên đại thế kỷ XIV. Có thể nơi đây (gần cầu Thấu Ngọc xưa) có một từ đường thời quan Tư đồ mà bài thơ của thượng hoàng Trần Nghệ Tông (làm trong khoảng sau 1390 và trước 1395 vì tháng 1 – 1395, thượng hoàng Nghệ Tông mất) cho ta biết, bài: “Đề nhà thờ quan Tư đồ Trần Nguyên Đán”.

“Từ sớm mấy chú sơn đồng khiêng kiệu vượt bùn lầy,

Tới Côn Sơn, mặt trời đã ngả về tây.

Hết mưa, tiếng suối xa xa xối vào đá

Gió đưa cành trúc phơ phất trên mái hiên thấp

Việc muối mơ qua rồi, bia vẫn còn đây.

Đàn tinh đẩu bỏ hoang, lối đi đã mờ.

Động phủ quạnh vắng, người bay lên tiên rồi,

Chỉ còn dấu vết gợi nên nỗi buồn man mác” (5)

Bài thơ cho chúng ta những thông tin về công trình Thanh Hư Động xưa, một nhà thờ có mái hiên thấp, đàn tinh đẩu, cho phép ta nghĩ đến đạo giáo tồn tại ở đây, có một tấm bia và cũng chỉ có vài năm sau khi Tư đồ mất 1390, thì “động phủ đã quạnh vắng”.

Trong lần đi khảo sát, chúng tôi được cụ Nguyễn Văn Trù 77 tuổi và cụ Hoàng Văn Hồng 77 tuổi ở tại thôn Tiên Sơn cho biết: Tấm bia Thanh Hư Động trước đây ở trên khu vực suối Côn Sơn, nơi chân núi Ngũ Nhạc. Chính các cụ là hai trong những người khiêng về để ở nhà bia hành lang chùa Côn Sơn.Năm 1962, bia Thanh Hư Động được khiêng từ hành lang nhà bia ra dựng trước sân chùa ở vị trí như hiện nay. Theo suy nghĩ của chúng tôi, tấm bia như một tấm biển đề, một bảng hiệu phải được đặt trước một công trình, một địa danh nào đó.

Căn cứ vào những tư liệu và những lần thực địa ở Côn Sơn, chúng tôi hình dung công trình “Thanh Hư Động” thế kỷ XIV như sau:

Từ ngoài vào, qua cầu đá bắc qua suối (trước khi xây dựng đền Ức Trai tháng 12 năm 2000, chúng tôi đã phát hiện được vết tích của một cây cầu đá từ thời xưa bắc qua suối Côn Sơn, ở phía bên trái cây cầu đang xây hiện nay). Trước mắt là một tấm bia có ba chữ lớn: Thanh Hư Động. Đi qua một khoảng đất rộng rẽ trái qua cầu Thấu Ngọc theo đường mòn khoảng vài trăm mét lên công trình nghỉ ngơi của Tư đồ tướng công ở độ cao 60m trên sườn núi Côn Sơn. Khu vực nghỉ ngơi của Tư đồ có diện tích 2000m2 mà thắng cảnh ở đây đã được Nhị Khê tiên sinh miêu tả trong bài “Thanh Hư Động ký”. Sau năm 1390, ngay khoảng đất rộng dưới chân núi Ngũ Nhạc, gần cầu Thấu Ngọc còn có đền thờ Trần Nguyên Đán đàn tinh đẩu, mà bài “Đề Tư đồ Trần Nguyên Đán từ đường”, Thượng hoàng Nghệ Tông đã cho chúng ta biết:

Vài suy nghĩ còn nông cạn của chúng tôi với mong muốn “Ổn cố tri tân” tôn tạo lại công trình của một danh nhân văn hóa thế kỷ XIV để nhân dân tưởng niệm thưởng ngoạn cảnh đẹp của công trình và học tập cách sống cao đẹp của ông cha./.

Tổ nghiên cứu – Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc

Trả lời