SÔNG LỤC ĐẦU

Sông Lục Đầu ở đây là đoạn cuối của sông Thương có chiều dài hơn 10 km, chỗ rộng nhất hơn 1 km chảy sát qua mé Tây Nam đất Vạn Kiếp. Gọi là Sông Lục Đầu vì đoạn sông này phía trên nhận nước của ba con sông, Sông Cầu, Sông Thương, và sông Lục Nam, phía dưới hợp với Sông Đuống rồi đổ ra biển đông bằng hai dòng sông lớn là sông Thái Bình và sông Kinh Thầy.

Lục Đầu giang

Sông Lục Đầu ở đây là đoạn cuối của sông Thương có chiều dài hơn 10 km, chỗ rộng nhất hơn 1 km chảy sát qua mé Tây Nam đất Vạn Kiếp. Gọi là Sông Lục Đầu vì đoạn sông này phía trên nhận nước của ba con sông, Sông Cầu, Sông Thương, và sông Lục Nam, phía dưới hợp với Sông Đuống rồi đổ ra biển đông bằng hai dòng sông lớn là sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Vũ Phương Đề trong sách Công dư tiệp kí có chép về sông Lục Đầu như sau:  “Sông Lục Đầu ở huyện Chí Linh, giáp các huyện Phượng Nhãn, Yên Dũng, Quế Dương và Gia Định. Một chi từ sông Phượng Nhãn đi xuống, một chi từ sông Xương Giang đi tới, hội lại thành ngã ba sông, một chi từ sông Như Nguyệt đi xuống. Một chi từ sông Tam Giang đi lại gặp nhau ở sông Bình Than. Sông này trong sạch, nước thơm ngon người ta gọi là nước Bình Than. Các ngọn sông hội lại ở sông Triều Dương làm ra một khúc sông rất rộng lớn. Ở đấy lại chi thành hai chi: Một chi chảy đến bến đò Bàn Khê rồi đi về phía Nam, một chi chảy đến vũng Trần Xá rồi đi về phía Đông. Tất cả 6 chi ấy làm thành sông Lục Đầu. Giữa sông có bãi cát gọi là bãi Đại Than. Các nhà phong thuỷ gọi kiểu đất “lục long tranh châu” (sáu con

rồng tranh nhau một hòn ngọc)”.

Một dòng sông toả đi sáu ngả, Lục Đầu lúc nào cũng mênh mang sóng nước vô bờ. Đây là nguồn cung cấp nước, chuyển tải phù sa cho đồng ruộng, nguồn thuỷ sản tự nhiên vô cùng phong phú cho một vùng rộng lớn của đông bắc châu thổ Bắc Bộ. Ngoài ra, sông Lục Đầu có vai trò quan trọng về giao thông thuỷ bộ, góp phần quan trọng vào giao thương kinh tế, quân sự: người ở các miền Thái Nguyên, Bắc Cạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc xuôi theo dòng sông Cầu (Nguyệt Đức) về Vạn Kiếp. Người ở vùng Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang theo sông Thương nước chảy đôi dòng, theo sông Lục Nam mà xuống nơi đây. Cùng với nhân dân miền ngược, người ở các tỉnh Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh theo sông Đuống mà về Vạn Kiếp rất thuận lợi. Dòng sông Đuống (còn gọi là Thiên Đức) nối liền sông Hồng và sông Lục Đầu, hẳn là đường giao thông quan trọng từ kinh đô Thăng Long đến Vạn Kiếp, cũng tức là miền Đông bắc nước ta thời xưa. Người ở Hải Phòng, Quảng Ninh ngược nước Kinh Thầy. Rồi người Thái Bình, Hưng Yên thì lênh đênh sóng nước hệ sông Thái Bình để về Vạn Kiếp.

Vì thế mà, suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, Lục Đầu giang luôn là vị trí trọng tâm của căn cứ địa Vạn Kiếp. Năm 1283, Hưng Đạo Vương đã tổ chức một cuộc hội quân lớn 20 vạn quân, hơn một nghìn chiến thuyền đến họp ở Vạn Kiếp, để chống quân Nguyên Mông. Năm 1285, tại dòng sông Lục Đầu đã diễn ra trận Vạn Kiếp lịch sử, khiến Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về nước. Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ 2.

Sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông đem lại thái bình cho đất nước. Hưng Đạo Vương về nghỉ tại thái ấp của ông ở Vạn Kiếp.

Một hôm, ông cùng gia nhân dùng thuyền nhỏ đi dạo cảnh trên dòng sông Lục Đầu. Khi con thuyền đã quay về gần núi Dược Sơn, Hưng Đạo Vương cho dừng thuyền lại, đứng trên mũi thuyền Người rút thanh kiếm của mình ra khỏi bao và nói: “Thanh gươm này đã gắn bó với ta gần cả cuộc đời. Trong suốt cuộc chinh chiến nó đã dính bao máu giặc Thát, nó đã từng được bôi phân gà với vôi tôi và bồ hóng để chém đầu tên giặc Phạm Nhan dơ bẩn. Nay ta muốn nhờ dòng nước sông Lục Đầu để gột rửa sạch nhứng vết nhơ trên nó”. Nói rồi, Người ném thanh gươm xuống dòng sông.

Tương truyền, tại khúc sông Trần Hưng Đạo thả kiếm, sau này đã hình thành một bãi bồi chạy dài rất giống hình thanh kiếm, dân gian gọi đó là Cồn Kiếm. Bãi bồi ngày nay vẫn còn trên dòng sông Lục Đầu trước cửa đền Kiếp Bạc.

Thực ra huyền thoại “bãi kiếm thần” của Trần Hưng Đạo, muốn nhờ sóng nước Lục Đầu gột rửa chiến tranh để giữ vững thái bình.

Hiện nay, tại dòng Lục Đầu giang vẫn diễn ra nhiều hoạt động nghi lễ gắn với lễ hội Kiếp Bạc như: Bơi chải, lễ cầu siêu và thả hoa đăng, đặc biệt là lễ hội quân trên sông Lục Đầu với 100 chiếc thuyền lớn tham gia, đã trở thành nét đặc trưng của lễ hội mùa thu Kiếp Bạc.

Trả lời