VỀ BỘ TAM THẾ PHẬT Ở CHÙA CÔN SƠN

Chùa Côn Sơn (còn gọi là chùa Hun), sở dĩ có tên gọi như vậy là do chùa ở dưới chân của một hòn núi cao. Chùa hiện nằm trong xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tên Hán Việt của chùa là Thiên Tư Phúc Tự.

Từ xưa, chùa là một trong những điểm nhấn đặc biệt của những ngôi chùa thuộc Phật phái Trúc Lâm. Nơi đây, tổ Huyền Quang đã từng trụ trì. Đó là một “quốc tự” của thời Trần, mang tư cách là ngôi chùa của một “Phật phái chính trị” trong thời kỳ gắn với các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chúng ta thấy rằng, thông thường những chùa cận/gần các con sông, ven biển và các con đường huyết mạch (nhất là chùa tọa trên hòn núi cao) của thời Trần, thường có gốc là các tiền đồn theo dõi hành vi của kẻ địch. Và, như thế, một giả thiết làm việc được đặt ra là: Núi Đăng (núi Bài Thơ – Hòn Gai) – Quảng Ninh, chùa Yên Tử – Quảng Ninh, chùa Côn Sơn – Hải Dương, chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang… ít nhiều cũng mang yếu tố của các “tiền đồn”, để kiểm soát bước đường quân xâm lược phương Bắc có thể đi qua (cả về đường thủy lẫn bộ) trước khi tiến tới thủ đô của Đại Việt. Từ đó, sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa thần quyền và vương quyền đã tạo cho ngôi chùa này tồn tại và phát triển theo con đường “hòa quang đồng trần”, và người cầm quyền phải thấm nhuần đạo pháp hơi ai hết, từ đó, hướng dẫn chúng sinh thoát khỏi con đường mê muội, bằng lòng với số phận, nhằm đề cao tình yêu nước, bảo vệ chính quyền dân tộc độc lập… Đó là điều kiện để chùa Côn Sơn luôn là một trong những ngọn “tuệ đăng” soi rọi con đường của dân ta dưới các triều đại lịch sử trước đây. Đó cũng là điều kiện để cho một số dấu tích về tinh hoa của di sản văn hóa vật thể còn tồn tại tới ngày nay. Chúng ta đã gặp một nền chùa cổ từ thời Mạc trở về trước (nền Thượng điện hiện nay), với độ cao hơn Tiền đường trên 70cm, rồi chân tảng đá chạm đài sen mang niên đại vào thời Lý và đầu Trần, gốm mang hoa văn trang trí thời Trần, rồi nhiều viên gạch có hình nổi hoa văn linh thú của thời Mạc, sau đó là cả một hệ thống kiến trúc mang niên đại trải dài suốt từ thế kỷ XVII tới tận ngày nay, trong đó có tòa tháp Cửu Phẩm Liên Hoa (theo mẫu từ chùa Bút Tháp) và tòa Quan Âm có tượng được tạc bằng ngọc nguyên khối, màu xanh lá cây đậm (to hơn người thực chút ít). Một đặc điểm của hệ kiến trúc này là có tòa điện Tam Tổ riêng theo kiểu “Tiền Phật hậu Thánh”. Ở hai kiến trúc này, đáng quan tâm hơn cả là bộ tượng Tam Thế Phật và bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ cùng các tượng phù trợ. Chúng tôi chú ý tới bộ tượng Tam Thế Phật.

Về bộ Tam Thế Phật tại chùa Côn Sơn. Đây là một bộ tượng có phong cách riêng, khác hẳn phong cách của các tượng khác trong chùa, đồng thời cũng là những tượng có niên đại xưa nhất của chùa này.

Tam Thế Phật có tên đầy đủ là “Tam thế thường trụ diệu pháp thân” (Tam thế: ba thời, gồm Quá khứ thế ứng với Trang Nghiêm kiếp, Hiện tại thế ứng với Hiền kiếp, Vị lai thế ứng với Tinh tú kiếp. Mỗi kiếp lấy tròn số là 1.344.000.000 năm. Thường trụ: tồn tại mãi mãi, không sinh không diệt, không lệ thuộc vào sinh, lão, bệnh, tử. Diệu: đẹp đẽ, linh thiêng, nhiệm màu. Pháp thân: cái thân pháp linh diệu, gần gũi với Phật thân, với Đại ngã trường tồn…). Ngoài ra, Tam Thế Phật còn gọi là “Tam Thế Tam Thiên Phật” gồm 3.000 vị Phật nối nhau trải qua 3 thời: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai để cứu độ chúng sinh… Vì vậy, bộ Tam Thế Phật thường được đặt dàn hàng ngang ở vị trí cao và sâu nhất trên ban thờ chính của điện Phật. Theo một số tài liệu do các nhà dân tộc học mỹ thuật truyền thống cho biết, hiện nay chúng ta chỉ mới tìm được các tượng thờ bằng gỗ của người Việt ở Bắc Bộ từ nửa cuối thế kỷ XVI về sau. Đó là thời kỳ nghệ thuật tạo hình đang có sự chuyển biến từ hình thức phục vụ cung đình là chủ yếu sang mang đậm yếu tố dân dã. Song, trong buổi giao thời ấy, chúng ta như thấy ở lĩnh vực điêu khắc tượng tròn, dưới cái áo Phật giáo thì ít nhất như có hai con đường đi, trước khi ngả hẳn về tông phái Đại Thừa (có phần ảnh hưởng của tạo hình phương Bắc). Như vậy, hẳn đã có một dòng khác mang phong cách phương Nam, hay các nước Đông Nam Á anh em có cùng một “mẫu số chung” là văn minh Ấn Độ. Nói như thế không có nghĩa chỉ tới thời Mạc mới có sự chuyển biến, mà hiện tượng này đã có ngay từ thời Lý và thời Trần… Với chùa Côn Sơn, chúng ta đã tìm được mặt nền của ngôi chùa cổ, rồi sử sách nói về cây tháp Cửu Phẩm Liên Hoa có thể quay được. Đó là sản phẩm như bắt nguồn từ các “cối kinh” thuộc dòng Mật tông – Tây Tạng, kết hợp với tạo hình của Tịnh Độ tông, và ít nhiều có cả yếu tố Thiền tông nữa. Đây là cây tháp Cửu Phẩm đầu tiên được nhắc tới trong sử sách Việt, do Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả cho dựng. Tháp này đã bị phá hủy ít lâu sau đó.

Trở lại với bộ Tam Thế Phật của chùa Côn Sơn. Trên đại thể, nếu chỉ nhìn thoáng qua thì rõ ràng đó là hai loại tượng khác nhau trên nhiều nét cơ bản. Cụ thể: 2 pho ngồi trên có dáng mập mạp hơn, đỉnh đầu tượng là huyệt thứ 7 (bậc/đỉnh cao nhất của sự kiên định tu trì của các vị Thánh trong đạo Yoga), biểu tượng cho trí tuệ tuyệt luân, với một sức mạnh tinh thần vô bờ bến…, đó là tướng Sahasrâra (xem chú thích). Nhiều khi yoga ảnh hưởng tới tọa thiền (có khi cả hai nhập làm một). Với đạo Phật ở Việt Nam, từ thế kỷ XVII, thì tướng này như biểu tượng của “lậu tận thông”, đôi khi được thể hiện bằng “vô kiến đỉnh tướng”. Tướng này bao giờ cũng ở đỉnh cao nhất của nhục kháo (u nổi trên đỉnh đầu tượng Phật – gần như chiếc bát úp, biểu tượng cho trí tuệ tuyệt đối, chỉ khi thành Phật mới nảy sinh rõ ràng. Nhục kháo đội một hình tròn bẹt, mắt thường không nhìn thấy, cũng gọi là tướng “vô kiến đỉnh”. Tướng này chỉ có “thần/tuệ nhãn” của các Thánh nhân mới nhận ra. Từ giữa thế kỷ XVII về sau, tượng Phật của người Việt thường theo kiểu này).

1- Về dạng tượng thứ nhất: Chúng tôi muốn đề cập tới các pho ngồi sâu và cao nhất. Để so sánh thì việc đầu tiên ít nhiều là phải mô tả, dù cho cách thức này có hơi nặng nề. Tượng được ngồi tự nhiên theo cách kiết già hàng ma, chỉ lộ một bàn chân phải (cách thể hiện này thường được tạc khi thế giới đời thường đang gặp nhiều trắc trở, nhiễu nhương, ngược lại chỉ lộ bàn chân trái là cách ngồi kiết tường – lúc đó xã hội thanh bình, mọi sự tốt lành, no đủ, tốt đẹp, chúng sinh hướng tới cửa từ bi với tấm lòng chân thực, đậm chất trí tuệ…) Tay tượng kết ấn tam muội (samâdhi) cũng gọi là ấn “giới định” hoặc “pháp giới định”. Kết ấn này ít nhất để cho tâm thanh lòng tĩnh, hướng tới trí tuệ Phật qua thâm định. Tượng được ngồi trên đài sen nhiều lớp cánh, thế tĩnh tọa với đường viền quanh thân là một hình tam giác cân (ngả theo hướng một tam giác đều). Đỉnh cao nhất, trên đầu tượng là biểu tướng Sahasrâra, được kết lại thành một “tinh cầu” màu vàng ròng “sáng rực” như biểu tượng cho trí tuệ viên mãn (trong đạo yoga, tướng này biểu trưng cho sức mạnh vô song của “tuệ năng” vũ trụ/thiêng liêng tạm được mô tả bằng một chữ A-U-M (úm) đầy huyền lực). Kiểu thức tượng Sahasrâra dưới dạng một khối gần như tròn thường chỉ có ở tượng Phật thuộc “phong cách Mạc” (nửa cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII), và, hiện nay còn lại rất ít (dưới 10 pho, như ở chùa Côn Sơn – Hải Dương, chùa Thái Lai – Mê Linh, Hà Nội, phần nào ở chùa Bà Tề – Phúc Thọ, Hà Nội…). Tuy vậy, các tượng này vẫn đủ tư cách đại diện cho một phong cách riêng biệt, như chưa chịu sự chi phối của hai dòng Phật pháp Tào Động và Lâm Tế, mà còn giữ được phong cách tạo tượng Phật từ thời trước đó (có nhiều sự tương đồng về cách tạo tượng của thời Lý…). Cụ thể là: đầu tượng có sọ trên nở, hàm thon hơn, mặt trái xoan, mà theo một số nhà nghiên cứu dân tộc học mỹ thuật truyền thống thì đó là một chi tiết để biểu hiện về sự phát triển cao độ của trí tuệ. Tóc tượng xoắn ốc, phủ đầy ở đầu và cả tóc mai xuống tới tận giữa tai và kín cả nhục kháo (unisa). Những vân ốc này được thể hiện khá đều, cân đối to nhỏ hợp lý, góp phần chưa phân biệt rạch ròi giữa sọ với nhục kháo (tương đồng với nhiều tượng Phật thời Mạc bằng đá ở chùa Hòa Liễu – Hải Phòng và một vài chùa khác…). Theo một số nhà khảo cổ học di sản văn hóa thì các vân ốc này có thể là sự cường điệu hóa và nghệ thuật hóa một số biểu tượng về sấm chớp đã có từ thời nguyên thủy (?). Và theo nhiều nhà nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình Phật giáo thì đây là biểu tượng của các chữ Thánh, như: Cát tường tự (chỉ về sự minh bạch, rõ ràng, tốt lành, đẹp đẽ, thuộc lĩnh vực trí tuệ của đức Phật); Đức tự (thứ đạo đức cao hơn hết của nhà Phật), Vạn tự (chữ Vạn, gắn với sức mạnh vô song của lửa tam muội). Tượng có một bộ mặt mang nét chân dung chuẩn mực, gần gũi với khuôn mặt của người Ấn, có nhiều chi tiết thuộc về đạo mà vẫn hết sức đôn hậu. Tóm lại, đây là một bộ mặt tự nhiên, chưa bị cường điệu để gắn với nhiều chi tiết cao quý do người thời sau thường áp đặt. Cụ thể là: trán tượng vuông vức như bức thành, nguyệt mi cong lưỡi liềm đổ về sống mũi, mắt khép hờ nhìn xuống để soi rọi nội tâm, sống mũi nổi cao, đôi môi cân phân và thoáng như có nụ cười hàm tiếu – biểu tượng của ý thức cảm thông và cứu độ chúng sinh. Đỉnh tai cao hơn lông mày như để biểu hiện về quyền uy của đấng chính nhân quân tử, thùy tai chưa đọng tuy vẫn chảy dài xuống gần vai. Cổ tượng có ngấn. Thân rất dày, ngực nở căng, bụng thon vừa phải. Đặc biệt, áo cà sa như chỉ có một lớp, và còn bó sát người như kế thừa từ phong cách nhà Lý (có ảnh hưởng từ dòng nghệ thuật Gandhâra miền Bắc Ấn Độ), với các chi tiết nổi bật như tạo thành hõm rõ rệt ở giữa cánh tay và thân, đồng thời các nếp áo còn ít, không quá nhiều như ở tượng từ thế kỷ XVII về sau. Tượng thường được thể hiện hở vai phải như để nói lên: Đức Phật cũng phải tôn trọng Phật pháp (chân lý vĩnh cửu của trời đất). Thực ra, việc trật hở vai phải cũng là để biểu hiện về sự tôn kính của một ai đó với đấng bề trên ở cả trong đời và đạo, đó là một phong tục đẹp đẽ của văn hóa Ấn Độ…). Cổ tay phải để trần được đeo vòng, kết với một lớp hạt tròn nổi, vòng đeo ở bắp tay trên được làm kỹ hơn với ba hàng hạt tròn. “Anh lạc” (vòng đeo cổ) được thao diễn bằng hình thức chạm nổi trên ngực tượng, vẫn còn theo phong cách thời Mạc, như hoa văn vân xoắn ở trung tâm (tuy đã cách điệu có khi thoáng như một bông cúc mãn khai hoặc một biểu tượng của đương thời), điểm xuyết là vài hạt tròn được treo ở hai bên…

Đài sen tượng ngồi có 5 lớp cánh (ba lớp chính ngửa lên cùng một lớp phụ, còn lớp dưới cùng thì úp xuống). Các cánh sen của phong cách Mạc (so với cánh sen ở các thời khác thường khá lớn, múp phồng và vênh hẳn nửa cánh ra khiến tính điêu khắc càng được nhấn mạnh hơn. Trung tâm của mỗi cánh sen chính thường có một hoa cách điệu được kết bởi các hạt to nhỏ khác nhau trong một trật tự quy định (đôi khi giữa cánh sen kép này cũng có một hoa cách điệu khác không xa lạ với hoa văn phổ biến của thời này. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống tạm gọi là “hoa mặt nhẫn”. Qua các đợt tu sửa gần đây, đôi khi cũng có hiện tượng hoa văn này được đắp lại bằng thạch cao). Tượng kết ấn tam muội và hiện được đặt ở phía tả của Phật điện.

Cũng cùng một phong cách như tượng kể trên còn có pho tượng ngồi ở bên hữu của pho này, chỉ có điều anh lạc được thể hiện theo phong cách Mạc rõ ràng hơn với các tua rủ nhiều hạt hơn, tượng có tay trái kết ấn “xúc địa” cũng gọi là ấn “đất chứng giám” (trong tích truyện: khi ma vương chất vấn Phật rằng lấy gì để chứng minh Phật đã tìm ra đạo, đức Phật chỉ tay xuống dưới và nói có đất chứng giám cho ta).

2- Về dạng tượng thứ hai: Đó là pho tượng hiện được đặt ở hàng thứ hai, trước pho A Di Đà to lớn ở trên Phật điện. Trên đại thể, tượng cũng có dáng như hai tượng trong bộ Tam Thế (ở hàng thứ nhất) của chùa này, cũng ngồi kiết già hàng ma, kích thước gần tương xứng, chỉ có độ cao là thấp hơn hẳn (120cm so với 135cm), có lẽ cũng vì thế mà không xếp tượng lên hàng thứ nhất. Đầu tượng (nhìn nghiêng) không gần tròn êm ả như hai pho kia. Mặt tượng có phần bẹt, mũi hơi tẹt, trên mặt đã có nếp hằn nhưng không làm nổi cao khối gò má và cằm như tượng có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ XVII (những khối căng no đủ đầy tính điêu khắc, để biểu hiện nét cao quý quyền uy…). Ngực tượng không nổi khối căng phồng một cách gợi cảm như hai pho tượng kia, bụng tượng lại ít thon khiến thế ngồi của tượng kém uyển chuyển, mềm mại, nhịp nhàng. Áo của tượng nhiều nếp hơn, nhất là ở dưới nách, vai và cánh tay bên trái đã không còn tạo khối lõm (giữa thân và cánh tay), đường lượn của “la bào” như theo một hình thức khác, gần gũi với phong cách của tượng thời sau. Và, một cảm thức ban đầu đối với chúng tôi là pho tượng ở hàng thứ hai này không cùng hiệp thợ với hai pho trên, tất nhiên có thể chúng không cùng một bộ). Điều thứ hai là pho này có thể chỉ theo mẫu của hai pho trên mà thể hiện (chủ yếu là pho bên tả). Mặt khác, trong các bộ Tam Thế Phật mà chúng tôi đã từng gặp thì chưa thấy có hai tượng cùng có tay kết chung một kiểu ấn (ở pho tượng này tay phải kết ấn xúc địa, còn ở pho hàng thứ nhất đã kết ấn xúc địa ở tay trái).

Suy cho cùng, với những giá trị nêu trên, chúng tôi rằng hai pho tượng ở bộ Tam Thế thuộc hàng thứ nhất trên Phật điện chùa Côn Sơn đã đạt được những giá trị đặc biệt về cả niên đại, lịch sử tạo dáng rất hiếm và quý, là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời kỳ lịch sử./.

Chú thích:

Người ta tin rằng, đốt xương cùng là một trung khu thần kinh, nơi hội tụ của tinh khí âm dương đầy sinh lực… tượng trưng bằng một hình tam giác, trong đó có một con hỏa xà, cũng gọi là thần xà, tên là Kundalini. Mục đích của ngồi thiền là đánh thức con hỏa xà này dậy, để theo công quả tu hành nhằm khai mở phần trí tuệ tương ứng cho hành giả (theo Thích Tâm Giác, Tọa Thiền, Nhà in Việt Liên, Sài Gòn, 1963, tr.17).

Ở trung tâm lực thức nhất tại đốt xương cùng, tượng trưng bằng bông sen bốn cánh màu đỏ tên là muladhara. khi huyệt này thông, tức rắn Kundalini thức tỉnh thì luồng hỏa tam muội sẽ vươn lên khai mở các luân xa ở huyệt cao hơn.

Trung tâm lực thứ hai nằm ở vùng của bộ phận sinh dục, tượng trưng bằng bông sen sáu cánh màu đỏ thắm. Luồng hỏa tam muội (rắn Kundalini) leo tới đây, sẽ khai mở luân xa Svadischtana làm hành giả thấy được thể phách thể vía di chuyển dễ dàng.

Trung tâm lực thứ ba nằm tại vùng rốn/đan điền, tượng trưng bằng bông sen mười cánh màu tím. Ở đây, luân xa Manipura được khai mở thì hành giả có thể biết được quá khứ của mình cũng như của người khác.

Trung tâm lực thứ tư nằm tại trái tim tượng trưng bằng bông sen mười hai cánh màu hồng vàng. Nơi đây luân xa Anahata khai mở, tu sĩ đạt được phép Tha Tăm Thông, không cần hành động mà vẫn hiểu tư tưởng chúng sinh.

Trung tâm lực thứ năm nằm tại hõm cổ, tượng trưng bằng bông sen mười sáu cánh màu xám. Nơi đây luân xa Vischuda được khai mở, khiến tu sĩ đạt được phép Thiên Nhĩ Thông, nghe xa ngàn dặm, dù đó là tiếng côn trùng.

Trung tâm lực thứ sáu, hội vào sơn căn, tượng trưng bằng bông sen hai cánh màu trắng. Khi luân xa Ajna được mở, tu sĩ đạt được phép Thiên Nhãn Thông, thấy được cả những cái Tế vi ở xa ngàn dặm. Tại điểm này, khi bông sen nở, người ta sẽ trở nên sáng suốt hơn, tự chủ và có khả năng ảnh hưởng tới nội tâm của người khác.

Trung tâm lực thứ bảy, hội vào chính đỉnh đầu được tượng trưng bằng bông sen nghìn cánh màu xanh có ánh vàng bao bọc khi luân xa Sahasrâra khai mở, tu sĩ sẽ đạt được quả Lậu Tận Thông, tức đạt được trí tuệ Phật, có trí sáng suốt hiểu biết cùng tận từ trong tới ngoài những lẽ huyền vi, quá khứ, vị lai, mọi biến chuyển của vũ trụ. Bông sen nghìn cánh này được đồng nhất với tướng Vô Kiến Đỉnh, hoặc chứ A.U.M (úm), một chữ chứa đầy huyền lực để giao tiếp với thần linh…

 NGUYỄN THỨC – THÙY LIÊN

Nguồn: Tạp chí Di sản văn hóa Số 3 (15) – 2023

Trả lời