“SONG NHẬT” CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ “SONG VIẾT”

Trong Ức Trai Quốc âm thi tập, hai chữ này xuất hiện 8 lần. Những người phiên âm và chú giải tập thơ đều phiên thành “song viết”, đồng thời có dẫn những cách phiên âm khác như “sớm viết” “sớm nhăt” “lông vết”. Trong Hồng Đức Quốc âm thi tập hai chữ này xuất hiện 12 lần và đều được phiên là “song viết”. Còn trong Bạch Vân Quốc ngữ thi tập, xuất hiện 3 lần, và đã có người phiên âm thành “song nhật” và “song nhặt”…

Hai chữ song viết xuất hiện trong một số tác phẩm thơ Nôm thời Lê, đặc biệt là ba tập thơ nổi tiếng Ức Trai Quốc âm thi tập, Hồng Đức Quốc âm thi tập, và Bạch Vân Quốc ngữ thi tập.

Trong Ức Trai Quốc âm thi tập, hai chữ này xuất hiện 8 lần. Những người phiên âm và chú giải tập thơ đều phiên thành “song viết”, đồng thời có dẫn những cách phiên âm khác như “sớm viết” “sớm nhăt” “lông vết”(1). Trong Hồng Đức Quốc âm thi tập hai chữ này xuất hiện 12 lần và đều được phiên là “song viết”(2). Còn trong Bạch Vân Quốc ngữ thi tập, xuất hiện 3 lần, và đã có người phiên âm thành “song nhật” và “song nhặt”(3).

Từ sau khi các tập thơ trên được công bố, đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề phiên âm và lý giải hai chữ đó: ông Đào Duy Anh trong một số bài viết của mình, cho rằng hai chữ “song viết” là do các chữ “song thả”, “nô bộc”, “sớm tối”, “song kết”… lộn thành(4).

Ông Đỗ Văn Hỷ cho rằng hai chữ “song viết” là do “song nhật” đọc lộn thành và nên phiên là “suông nhạt”(5). Ông Nguyễn Công Hoan thì chủ trương đó là hai chữ “song kiết”(6). Đến 1974 ông Nguyễn Tài Cẩn đã vận dụng phương pháp ngữ âm lịch sử để đi tới khẳng định hai chữ đó phải đọc là “rông vát”(7).

Chúng tôi cho rằng không thể có sự viết lầm như ông Đào Duy Anh đã suy đoán, vì nếu có lầm, thì cũng chỉ xẩy ra trong một hai trường hợp cá biệt, đằng này, như chúng ta đã biết, hai chữ “song viết” xuất hiện rất nhiều lần không chỉ ở một văn bản.

Còn đưa ra cách chọn đọc là “suông nhạt” hay “rông vát” như hai ông Đỗ Văn Hỷ và Nguyễn Tài Cẩn chủ trương, theo chúng tôi, vẫn thấy có chỗ khó tin vì trong khẩu ngữ hoặc trong các tác phẩm văn học chưa hề thấy xuất hiện một từ kép như thế; cho dù đó là từ cổ, thì nó vẫn phải để lại một dấu vết ở đâu đó.

Căn cứ vào mã chữ, hai chữ đó có thể đọc là “song viết” hay là song nhật, vì hai chữ “viết” và “ nhật” rất giống nhau về nét chữ. Trong thực tế các văn bản nhiều khi cũng viết lẫn chữ nọ ra chữ kia. Chẳng hạn trong 2 bản Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi thì bản khắc in đều viết “song viết” còn bản chép tay có 4 bài viết chữ “sớm nhặt”.

Vậy thì, hai chữ đó phải đọc là “song viết” hay “song nhật”?, vì hai chữ “song viết” chúng tôi chưa tìm thấy trong lai lịch trong các nguồn thư tịch. Trong khi đó, hai chữ “song nhật”, lại thấy xuất hiện nhiều trong các loai sách “kinh điển trước đây”. Chúng tôi đã tìm thắy chữ SONG NHẬT trong một câu thuộc sách Đường thư: “Cố sự, Thiên tử chích nhật thị sự, Đế vị Tể phụ viết: Trẫm dục khanh đẳng song nhật, mỗi nhật tương kiến, Kỳ chuyết triều, phóng triều, dụng song nhật khả giã”. Nghĩa là: “Xem chuyện cũ, thấy Thiên tử chỉ ra ngự triều xét chính sự vào những ngày lẻ, nên nhà vua mới bảo quan Tể phụ rằng: “Trẫm muốn các khanh nhữn ngày chẵn(8), mỗi ngày ấy hãy gặp nhau, vậy chỉ sự chuyết triều, phóng triều ta có thể dùng chữ song nhật được”.

Hai chữ ấy lại được tìm thấy trong Tống sử. Lễ chí nói câu: “Đan nhật thị sự, Song nhật bất toạ”, nghĩa là “ngày lẻ thì vua ra ngự xét việc triều chính, ngày chẵn thì nhà vua không ra ngự”

Chích nhật và đan nhật là ngày lẻ, tức là ngày vua ra ngự triều và các quan đại thần phải vào chầu lo giải quyết chính sự. Điều này đã thành một chế độ của nhà Đường.

Sách Đường thư cho biết: “Đường chế, thiên tử dĩ chích nhật lâm triều”. Nghĩa là: “theo chế độ nhà Đường, Thiên tử lấy ngày lẻ để ra ngự triềugiải quyết chính sự”. Bạch Cư Dị cũng có câu thơ tả cái cảnh các quan hàn lâm vào chầu vua những ngày lẻ “Kim Mã đông môn chích nhật khai”; Hán đình đãi chiếu trọng tiên tài” Nghĩa là: “của Kim Mã ở phía đông những ngày lẻ mở rộng ra; các quan Hàn Lâm vào chầu vua đứng đợi ở đó, cho ta thấy triều đình nhà Hán cũng trọng những bậc tài phi thường.”

Đối lập với chữ chích nhật là chữ song nhật. Song nhật là ngày chẵn, ngày nhà vua không ra ngự triều và các quan khỏi phải vào chầu, được nhàn nhã, nghỉ ngơi, thư thả.

Chữ chuyết triều, tức song nhật, có nghĩa là nghỉ không ra triều. Lễ, Khúc lễ có câu: “chuyết triều nhi cố”, nghĩa là: “sau buổi trầu thư thả ngồi nghỉ nhìn đó đây”. FS Couvoeurx trong quyển Trung Quốc cổ văn đại tự điển đã dịch sang tiếng pháp là “A la fin de l’audience, regarder de côté et d’autre”. Chữ “chuyết triều” như vậy cũng có thể hiểu như chữ thoái thực. Trong bài Đề thạch trúc ca, Nguyễn Trãi đã tả cảnh “thoái thực” của mình như sau:

“Song tiền nguyệt bạch cung giai thưởng,
Thoái thực liêu tương ngụ tạm hoan”(9)

Có nghĩa là: “Vầng trăng sáng trước cửa sổ cũng cho ta cái thú thưởng thức tốt đẹp, sau buổi chầu về hãy gửi tạm vào niềm vui vào đó.”

Vậy chữ thoái thực cũng như hai chữ chuyết triều, phóng triều đều đã được dùng theo nghĩa qui ước của chữ song nhật, và chữ này sau đã được dùng theo nghĩa rộng để chỉ sự nhàn tản, rảnh rỗi; thư thả, thảnh thơi; sự gác bỏ việc quan hoặc sự thoái quan về ở ẩn.

Để tìm hiểu thêm về nghĩa rộng này, chúng ta có thể trở lại một chút với cuộc đời làm quan của Nguyễn Trãi và của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Trãi là người có công to, đã giúp cho Lê Lợi đánh thắng được quân Minh nhưng về sau ông đã bị nhà vua nghi ngờ cùng với một số nhân vật lỗi lạc khác.Tuy sử không nói rõ đến việc Nguyễn Trãi bị bắt nhưng ông đã không tránh khỏi bị nghi ngờ là có liên quan đến Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Nguyễn Trãi không được nhà vua tin cẩn nữa nhưng ông vẫn phải làm quan, xem Quốc âm thi tập chúng ta có thể biết rằng ông chỉ sống ở Thăng Long một thời gian rồi lại về ở Côn Sơn để vui với cảnh ẩn dật. ông đã nói lên tâm trạng của mình trong nhiều bài thơ, như nhiều người đã biết.

Tuy chán cảnh làm quan nhưng ông vẫn thỉnh thoảng phải về Thăng Long để chầu vua, vì trên danh nghĩa ông vẫn còn giữ chức quan của nhà Lê. Đến khi sắp mất, vua Thái tổ nhận thấy lỗi lầm của mình, mới dặn con là Thái tử Nguyễn Long( vua thái tông) phải dùng lại Nguyễn Trãi vào một chức vị xứng đáng. Lê Thái Tông đã phải làm đúng như lời cha dặn: Năm 1439 xuống chiếu vời ông ra giữ chức vụ cũ, kiêm Trung thư sảnh Trị Tam quán sự và coi cả việc quân dân ở hai đạo Đông Bắc. Tuy Nguyễn Trãi ở lại nhậm chức của triều đình, nhưng vua Lê Thái Tông vẫn cho ông được ở Côn Sơn để làm việc, chỉ thỉnh thoảng mới phải về chầu. Cho nên Nguyễn Trãi không phải chịu c ái cảnh “chích nhặt” mà luôn luôn đựơc hưởng cảnh “song nhật” tức là cảnh chuyết triều của ông thực chẳng khác gì cảnh đi ở ẩn mà chính ông đã tự gọi bằng danh từ “song nhật”.

Những ngày song nhật ấy, sau việc quan, bạn bè lại gặp nhau, thung dung nhàn tản như Lý Tử Tấn đã tả trong 4 câu(10) sau đây:

Lại tán đình tiền duy thảo sắc,
Khách lai, trúc ngoại hữu trà yên
Công dư thoái thực phần hương toạ
Hoa truc trương cầm lạc tuế niên

Nghĩa là:

Những kẻ lại thuộc về hết giờ ra về, trước sân nhà chỉ còn trơ sắc cỏ,
Khách đến chơi thì ngoài giậu trúc có khói đun nước pha trà toả bốc lên.
Sau lúc việc quan xong, lui về nhà đốt lò hương ngồi một mình,
Chỉ có bức vẽ và cây đàn để ông vui với năm tháng.

Như vậy chúng ta thấy rõ ràng là Nguyễn Trãi đã dùng hai chữ “song nhật” để tả cảnh chuyết triều, phóng triều hoặc thoái thực của mình khi ông còn làm quan nhưng đã lui về Côn Sơn, hưởng cảnh an nhàn, thảnh thơi, tự do, phóng túng không phải như các quan khác luôn luôn phải vào chầu những ngày “chích nhật”.

Kẻ làm quan như Nguyễn Trãi cũng thực là đặc biệt.

Trường hợp của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đặc biệt không kém ông làm quan Lại Bộ Tả thị lang kiêm đông các đại học sĩ tại triều 8 năm, nhưng sau khi dâng sớ hạch tội 18 kẻ lộng thần, ông xin về trí sĩ vào năm 1542 (Mạc Phúc Hải, Quảng Hoà năm thứ 2). ông tuy không làm quan tại triều nhưng vẫn được thăng lại bộ Thượng thư. Thế thì làm quan tại gia, ông cũng chẳng biết gì đến cảnh “chích nhật” mà chỉ biết có cảnh “song nhật” thôi, giống như Nguyễn Trãi vậy.

Bây giờ, nếu đưa chữ “song nhật”, với các nét nghĩa phân tích trên đây và các câu thơ Nôm có hai chữ đó của 3 tập thơ, chúng ta sẽ thấy, trong mọi trường hợp câu thơ trên đều hợp lý:

1) Ức Trai Quốc âm thi tập

– Bài 10, câu 7: “Con cháu chớ hiềm song nhật ngặt” có thể giải thích là; Con cháu chớ lo lắng thấy ta không làm ngay tại triều, cứ về ở tại Côn Sơn, luôn luôn hưởng cảnh chuyết triều thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

– Bài 13, câu 7: “Con cháu mựa hiểm song nhật tiên”. có thể giải thích là: Con cháu chớ có lo lắng vid thấy ta không còn làm quan tại triều, chỉ ở tại Côn Sơn, luôn luôn hưởng cảnh chuyết triều thì sẽ nghèo túng, gặp sự khó khăn.

 Bài 18, câu 3 và 4: “Song nhật hằng lề phiên sách cũ. Hôm triều đủ bữa bát cơm xoa”, có thể giải thích là: những lúc chuyết triều được thư thả nhàn nhã thì thường theo thói quen làm bạn với chồng sách cũ; Tuy vậy sớm chiều cũng có bát cơm thường ăn đủ hai bữa.

 Bài 49 câu 7: “Song nhật đã toan nào của tích”, có thể giải thích là: Đã về nghỉ ở nhà, hưởng cảnh an nhàn (chuyết triều) tính gì đến tích của để làm giàu nữa.

– Bài 143, câu 3,4: “Song nhật có nhiều dân có khó, Cửa nhà càng thoáng thế càng phiền”, có thể giải thích là: mình làm quan mà cứ nghỉ các buổi chầu luôn thì cũng gây khó khăn cho người dân; ở nhà càng rộng rãi bao nhiêu thì cái thế của mình cũng thêm phiền vì mang tiếng chẳng thanh liêm.

 Bài 156, câu 7: “Song nhật huống còn non nước cũ”. Có thể giải thích là: Mình có về hưởng nhàn thì cũng là phải huống chi còn có non nước cũ vẫn chờ đợi mình.

– Bài 164 câu 2: “Song nhật bao nhiêu mặc bấy nhiêu”, có thể giải thích là: Mình có chuyết triều, không vào chầu vua lâu bao nhiêu cũng mặc, chẳng thắc mắc gì cả.

2. Hồng Đức Quốc âm thi tập(11)

– Bài 32 câu 5: “Năm hồ những lấy làm song nhật” có thể giải thích là: Dạo chơi Năm hồ những lấy làm thư thả, thung dung.

– Bài 54, câu 5: “Ngư hà song nhật ngày hằng đủ”, Có thể giải thích là:tôm cá dù có thư thả đánh bắt thì hằng ngày cũng có đủ cả.

– Bài 59 câu 2: “Song nhật ai bằng song nhật ngư”, có thể giải thích là: Kể thư thả nhàn nhã thì chẳng ai thư thả nhàn nhã bằng người đánh cá.

 Bài 60 câu 2: “Song nhật ai bằng song nhật tiều”, có thể giải thích là: Kể thư thả nhàn nhã thì chẳng ai thư thả nhàn nhã bằng người đốn củi

– Bài 61 câu 2: “Song nhật ai bằng song nhật canh”, có thể giải thích là: Kể thư thả nhàn nhã thì chẳng ai thư thả nhàn nhã bằng người đi cày

– Bài 62 câu 2: “Song nhật ai bằng song nhật mục”, có thể giải thích là: Kể thư thả nhàn nhã thì chẳng ai thư thả nhàn nhã bằng người chăn trâu.

 Bài 63 câu 7: “Phong nguyệt ít nhiều song nhật đủ”, có thể giải thích là: Bốn mùa thư thả thong dong với một chiếc thuyền chài.

3. Bạch Vân Quốc ngữ thi tập(12)

– Bài 30 câu 7: “Song nhật chớ rằng đã hổ”, có thể giải thích là: Ta tuy về ở ẩn, không tham dự vào việc triều chính, nhưng chớ có nghĩ rằng thế là đáng hổ thẹn.

– Bài 35 câu 7: “Khách đến hỏi: nào song nhật nữa; Rằng còn một túi thơ treo”, có thể giải thích là: Khách đến hỏi: thế nào, có còn rảnh rỗi thư thả nữa không; Đáp rằng: Còn một túi thơ treo đó để chờ bạn lại ngâm vịnh.

– Bài 47 câu 5: “Song nhật hãy còn hai rặng quýt”, có thể giải thích là: Ta về nghỉ nhà sau khi đã từ quan (thoái triều) thì cũng chẳng túng thiếu gì vì hãy còn hai rặng quýt để lấy hoa lợi sinh sống.

Trên đây, chúng tôi đã đi tìm lai lịch chữ “song nhật”, đã phân tích các nghĩa của chữ này, đồng thời, cũng đem áp dụng những nghĩa ấy vào các câu thơ Nôm có chữ “song nhật” ở ba tập thơ, qua phân tích đều thấy hợp lý. Như vậy phải chăng đã đến lúc chúng ta hãy đưa trả chữ “song nhật” vào các câu thơ vốn có nó. Đây là một từ Hán Việt, có “lí lịch” rõ ràng, được các thi nhân Việt Nam sử dụng như một từ kép trong kho từ vựng tiếng Việt mà trước nay đã gây ra nhiều rắc rối cho người đọc.

Nguyễn Quảng Tuân

CHÚ THÍCH

(1) Xem: Ức Trai Quốc âm thi tập, Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm phiên âm và chú giải, Nxb Văn Sử Địa, H., 1956.

(2) Xem Hồng Đức Quốc âm thi tập, Phạm Trọng Điềm – Bùi Văn Nguyên, phiên âm, chú giải, giới thiệu. Nxb Văn hoá, H., năm 1962.

(3) Xem: Lê Trọng Khánh – Lê Anh Trà: Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà thơ triết lý, Nxb Văn hoá, H., năm 1957.

(4) Xem Đào Duy Anh: Sự cần thiết chỉnh lý tài liệu trong công tác nghiên cứu và phiên dịch, Nghiên cứu Lịch sử số 37, tháng 4 năm 1962; Nguyễn Trãi toàn tập, phần Lời dẫn về tập thơ Quốc ân thi tập… Nxb KHXH, H., bản in lần thứ nhất năm 1969, và bản in lần thứ 2 năm 1976. Lịch sử số 37, tháng 4 năm 1962; Nguyễn Trãi toàn tập, phần Lời dẫn về tập thưo Quốc âm thi tập… Nxb KHXH, H., bản in lần thứ nhất năm 1969, và bản in lần thứ 2 năm 1976.

(5) Đỗ Văn Hỷ, Tạp chí Văn học, số 6, năm 1967.

(6) Nguyễn Công Hoan: “Song viết” hay “song kiết”, “song biết”, Tạp chí Văn học, số 5, 1974.

(7) Nguyễn Tài Cẩn: Thử tìm cách đọc Nôm hai chữ “song viết”, Văn học, số 2, năm 1974.

(8) Ngày nghỉ, không có việc triều chính.

(9) Ông Đào Duy Anh đã hiểu sai chữ thoái thực mà dịch câu này là; “sau bữa cơm ta lấy chỗ tạm ngụ niềm vui”. Hai chữ thaói thực này, theo ông là mượn ở bài Cao dương trong Kinh Thi: Cao dương chi cức, Tố ty ngũ vực, Uy di uy di, Tự công thoái thực”. (áo bằng da dê, Năm đường may đều có tơ trắng trang sức. Dáng thung dung tự đắc. Từ triều đình, cửa công lui về nhà mà ăn cơm).

(10) thuộc bài Đề ức Trai bích.

(11) Xem Hồng Đức Quốc âm thi tập, Phạm Trọng Điềm – Bùi Văn Nguyên phiêm âm, chú giải giới thiệu, bản in lần thứ 2, Nxb Văn học, H., 1982.

(12) Xem Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, H., 1983.

Trả lời