NGUYỄN TRÃI: MỚI HAY KÌA NƯỚC NỌ HƯ KHÔNG

Nhưng ở Nguyễn Trãi, cái nhất sắc này được đẩy xa hơn, sâu hơn, vào trong tâm thiền. Nơi đó dường như tâm người, tâm chim và tâm cá hoà nhau trong nhất sắc, trong một thức trong một hư không. Có thể gọi đó là “tâm mây trắng” (bạch vân tâm) như lời thơ Vương Duy

Khi tiễn một nhà sư về núi, Nguyễn Trãi có nói: “Gặp dịp rồi tôi cũng vào cửa thiền” (Lãm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền). Gặp dịp? tâm Ức Trai đã vào thiền từ lâu. Tâm đó đã vào thiền từ lâu với mây trắng, với bóng trăng, với hương quê, với bông bụt…Cái tâm đó nhẹ như mây trắng. Nhẹ đến nổi không biết mây và người ai là có tâm (Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm?). Và trong con mắt của Ức Trai, cuộc đời trôi nổi tựa như mây (Nhân trung phù thế tống phù vân).

Thơ Nguyễn Trãi (cả Quốc âm thi tập và Ức Trai thi tập) là thơ thiền. Tâm ấy với mây trắng là một, là nhất sắc – hay nói theo tiếng Việt của Nguyễn Trãi: Hai ấy cùng xem một thức cùng.

Trong Quốc âm thi tập có bài thơ bát cú “Thuỷ thiên nhất sắc”, nó có thể thu nhỏ lại thành một tứ tuyệt rất nhẹ, rất lặng lẽ như sau:

Thuỷ thiên nhất sắc
Trời nghi ngút, nước mênh mông,
Hai ấy cùng xem một thức cùng.
Lẻ có chim bay cùng cá nhảy,
Mới hay kìa nước nọ hư không.

Bài thơ hiện lên giữa cõi tục như một cảnh giới nghi ngút và mênh mông. Ở đấy, không có gì có thể ràng buộc. Ở đấy không có gì có thể hèn mọn. Trời như bay lên, bốc lên, nâng cao không ngừng. Như gọi mọi vật đi lên. Và đi lên một cách nhẹ nhàng, nghi ngút. Đi như khói và đi như hương. Ta đi trong trời nghi ngút và bầu trời nghi ngút ấy đi trong ta. Bầu trời nghi ngút ấy tỏa lên sau lưng Nguyễn Trãi, cứ tỏa lên không ngừng sau bóng dáng bao la của ông. Và nước, nước như dàn trải, như mở rộng không gian mãi mãi, như tuôn dòng thời gian mãi mãi. Như gọi mọi vật tan vào nhau, hòa vào nhau trong thế giới tề vật của Trang Chu.

Như vậy, cái nghi ngút và mênh mông đang gọi ta. Gọi một sự trở về. Hãy sẵn sàng cho một cuộc tiêu dao trong nghi ngút và trong mênh mông. Nhưng cái nghi ngút của trời và cái mênh mông của nước có khác nhau chăng? Trời và nước: hai ấy, hai đằng ấy, hai hiện tượng… hai cái dường như đối lập. Nhưng trong cái nhìn bất nhị, chúng là một thức, một vẻ, một sắc. Chỉ là một. Hay nói như Tô Đông Pha: thuỷ như thiên (Vọng hồ lâu túy thư). Mà Ức Trai thì yêu Đông Pha cư sĩ. Đến nỗi có lần bảo rằng: “Pha lão tằng vân ngã diệc vân” (Ông Đông Pha từng nói thế, ta cũng nói thế). Ức Trai và Đông Pha đều bị triều đình ghét bỏ. Cả hai đều quá mênh mông trong cái vườn bé tí gọi là thượng uyển, cái ao tù gọi là quan trường. Mênh mông của trời và nước pha lẫn trong một màu xanh, đã đành là đi vào trong thơ xưa nay như là “nhất sắc”.

Vương Bột: Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.
Trương Nhược Hư: Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần.

Nhưng ở Nguyễn Trãi, cái nhất sắc này được đẩy xa hơn, sâu hơn, vào trong tâm thiền. Nơi đó dường như tâm người, tâm chim và tâm cá hoà nhau trong nhất sắc, trong một thức trong một hư không. Có thể gọi đó là “tâm mây trắng” (bạch vân tâm) như lời thơ Vương Duy:

Dữ quân thanh nhãn khách,
Cộng hữu bạch vân tâm.

(Với bạn xanh màu mắt, Cùng chung mây trắng tâm).

Ai là bạn của Ức Trai? Ấy là chim, ấy là cá. Hay nói đúng hơn, ông thấy mình hóa thân vào chim, hóa thân vào cá. Như Trang chu thấy mình hóa thân vào bướm trong một giấc mộng nào. Lẻ có chim bay cùng cá nhảy. Chỉ có những cánh chim bay giữa trời xanh nghi ngút kia. Chỉ có những con cá nhảy giữa nước biếc mênh mông kia…Và ta muốn rằng cả ta nữa. Ta cũng bay nhảy trong cái nghi ngút mênh mông ấy. Cái nghi ngút ấy nâng ta lên và cái mênh mông ấy cuộn ta vào bao lớp sóng của tiêu dao. Đưa ta vào “đạo tự nhiên”. Trong một bài thơ khác, Ức Trai nói: “Diều bay cá nhảy đạo tự nhiên”. Ta là tự nhiên. Bay nhảy tự nhiên. Chỉ như thế, như chim và như cá, ta mới tách khỏi trung tâm là ta, mới tách khỏi không gian nhỏ hẹp được tạo ra chung quanh cái trung tâm đó. Khi ấy thì:

          Mới hay kìa nước nọ hư không.

Mới hay rằng nước là ta, hư không là ta. Ta sống trong nước và là nước. Ta sống trong hư không và là hư không. Sống trong tự nhiên, vô tâm vô niệm. Như chim và cá. Như mây trắng. Thế nên Ức Trai mới tự hỏi: Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm?

Ta và mây trắng ai có tâm đây? Dường như không có tâm, không có trung tâm là tự ngã. Sống trong tự nhiên là vô ngã, để mà tiêu dao với nước, với hư không.

***

Nhìn lên không. Mây trắng đang bay. Đọc thơ của người, thấy mây như có hình bóng Ức Trai. Và hư không như vang vọng câu hỏi: Mây trắng và ta ai có tâm? Mỗi lần đọc thơ Ức Trai, như muốn làm mây trắng để mà:

        Mới hay kìa nước nọ hư không

NHẬT CHIÊU (Tạp chí Văn hóa Phật giáo)

Trả lời