MỘT SỐ NÉT TƯƠNG ĐỒNG GIỮA NGUYỄN TRÃI VÀ HỒ CHÍ MINH TRONG VĂN CHƯƠNG

Có rất nhiều những nét tương đồng giữa Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh trong văn chương cũng như trong cuộc đời. Điều đó chứng tỏ rằng ở Việt Nam nhân tài, “hào kiệt đời nào cũng có”, đây cũng chính là sự đồng điệu trong sáng tác và cảm thụ văn chương của hai con người Việt Nam vĩ đại: Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh.

I. Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh – hai vị anh hùng dân tộc:
Có nhà nghiên cứu đã nói rằng con người Nguyễn Trãi phải nhìn từ hai phía mới rõ: Một là, từ thời Lí Trần, một thời đại hào hùng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ nền độc lập tự chủ của chế độ phong kiến nước ta. Trong giai đoạn này, đã xuất hiện bao chiến công oanh liệt, bao tấm lòng yêu nước thương dân cao vọi mà đặc biệt là thời nhà Trần với hào khí Đông A mạnh mẽ, với đôi tay vạm vỡ “sát Thát”. Nguyễn Trãi đã học ở đó bài học sức mạnh toàn dân, tinh thần yêu nước cao cả. Mà trực tiếp nhất là học tập qua người ông ngoại của mình là Trần Nguyên Đán, một trí thức uyên thâm. Chính việc học hỏi kinh nghiệm lịch sử cộng với tài trí của mình, Nguyễn Trãi đã có những phát triển vượt bậc, tiến xa thời đại Lí Trần về quan niệm dân, nước và sức mạnh của nhân dân lao động; Bên cạnh đó, từ thời đại của Nguyễn Trãi là thời cuối Trần, đầu Lê, giặc Minh xâm lược. Khắp chốn bao cảnh binh đao, chết chóc. Hai mươi năm giặc Minh đặt vó ngựa lên nước ta là hai mươi năm đen tối “trời không dung, đất không tha”. Đau đớn thay ! bao cảnh khốn cùng của nhân dân, nhục nhã thay ! đất nước đang tràn bóng giặc. Nguyễn Trãi đã bao đêm không ngủ, bao ngày quên ăn để tìm đường cứu dân, cứu nước. Hình ảnh Nguyễn Trãi đau đáu nỗi lòng dân, nước “Đêm ngày cuồn cuộn” thật đẹp đẽ và cao cả. Tất cả những điều vừa nêu, đã hun đúc và phát triển tấm lòng vì dân vì nước của Nguyễn Trãi đến đỉnh cao nhất, để cả đời Nguyễn Trãi dù gian nan, nguy hiểm đến mấy vẫn luôn kiên định với lí tưởng cao đẹp, thiêng liêng này.
Hồ Chí Minh là một chiến sĩ cách mạng chân chính, tiến bộ. Cả cuộc đời đã dành trọn cho giang sơn gấm vóc mà không gợn chút mảy may tư lợi. Cứ mỗi khi nhắc đến Hồ Chí Minh là trái tim, mạch máu con người Việt Nam như đập mạnh hơn, rạo rực hơn từng giây từng phút tưởng nhớ về vị cha già kính yêu của dân tộc. Cũng như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh không nguôi nghĩ về dân, về nước. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước mất tự do, giặc Pháp xâm lược, chế độ phong kiến thối ruỗng, nhân dân một cổ hai tròng khổ cực xiết bao. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã sớm có tư tưởng yêu nước và giải phóng dân tộc. Năm 1911, Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm con đường cho cách mạng Việt Nam. Người đã được làm việc, hoạt động trong môi trường công nhân các nước phương Tây. Người đã đi khắp năm châu bốn bể, qua các nước đế quốc, các nước thuộc địa, nửa thuộc địa, tiếp xúc với mọi dân tộc mọi màu da, đã chứng kiến bao tiếng kêu thất thanh của những thân phận khốn khổ, của nô lệ khắp nơi trên thế

giới. Điều đó hình thành nên tính nhân dân sâu sắc trong con ngưới Hồ Chí Minh gắn liền với tính đảng và giai cấp công nông thế giới. Mười năm Nguyễn Trãi lưu lạc (1407-1417) và ba mươi năm Hồ Chí Minh bôn ba (1911-1941) năm châu bốn bể đã giúp hai vị anh hùng tìm ra cho dân tộc những con đường cứu nước đi đến thắng lợi. Với Nguyễn Trãi là “mưu phạt”, “tâm công”, với Hồ Chí Minh là cách mạng vô sản. Cả cuộc đời Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Nguyễn Trãi có ước nguyện “Dân giàu đủ khắp đòi phương”, Hồ Chí Minh có ham muốn tột bậc “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Hai con người, hai thời đại khác nhau nhưng cùng chung một tấm lòng yêu nước, thương dân “bát ngát đại dương” như vậy quả thật hiếm có và đáng để chúng ta trân trọng, tôn kính.
Tình yêu nước, thương dân của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh luôn gắn liền với hành động cụ thể. Mọi tư tưởng chính trị luôn chi phối một cách đúng đắn, sáng suốt trong suy nghĩ, chủ trương của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Và chưa bao giờ tư tưởng chính trị lại đóng vai trò chỉ đạo chặt chẽ và nhất quán như trong thơ văn Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh.
II.Quan điểm về văn chương nghệ thuật của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh
1. Quan điểm về văn chương nghệ thuật của Nguyễn Trãi
a. Văn chương gắn liền với cuộc sống và hướng đến phục vụ nhân dân
Với tư cách là nhà văn, nhà thơ, Nguyễn Trãi đã đem văn học phục vụ cho cuộc sống, chỉ có bắt nguồn từ cuộc đấu tranh của nhân dân giành lại độc lập, hạnh phúc thì văn nghệ mới có thể phát huy được tác dụng mạnh mẽ. Tác phẩm văn học của Nguyễn Trãi luôn gần gũi đối với thiên nhiên, đời sống đất nước và nhân dân. Với Nguyễn Trãi, văn chương phải là tiếng nói tinh thần của con người, phải lột tả cho hết được những cảm xúc sâu lắng của con người: “Say mùi đạo trà ba chén/ Tả lòng phiền thơ bốn câu” (Thuật hứng 13- Quốc âm thi tập). Hiện thực đời sống phong phú là cơ sơ của tác phẩm văn học. Vì vậy theo Nguyễn Trãi, nếu văn chương xuất phát từ cuộc sống thì con người ta có thể làm thơ, viết văn ở mọi lúc, mọi nơi: “Qua đòi cảnh chép câu đòi cảnh; Nhàn một ngày nên quyển một ngày” (Tự thán 5 – Quốc âm thi tập) hoặc như: “Nhàn lai vô sự bất thanh nga” (khi nhàn thì không gặp việc gì không ngâm nga). Mặt khác Nguyễn Trãi cũng đòi hỏi người nghệ sĩ phải là người nhạy cảm. Nhà văn, nhà thơ phải để cho lòng mình sẵn sàng rung động như sợi dây đàn, luôn có sự cảm ứng nhạy bén với ngoại cảnh:
“ Nhãn để nhất thời thi liệu phú
Ngâm ông thùy dữ thế nhân đa”.
(Hý đề – Ức Trai thi tâp)
Nguyễn Trãi muốn văn học phải gắn bó mật thiết với cuộc sống của quảng đại quần chúng. Mà chính những tác phầm của Nguyễn Trãi đã được hình thành trên mối quan hệ giữa văn học và đời sống “Túi thơ chứa chất mọi giang sơn” (Tự thán 2 – Quốc âm thi tập). Ông đã cùng sống với nhân dân, cùng họ chiến thắng bọn xâm lược hung tàn. Bao nhiêu máu và nước mắt của nhân dân đổ xuống là bấy nhiêu nhát cắt vào tấm lòng Nguyễn Trãi. Từ đó, ông đã phả vào trong tác phẩm văn chương của mình một tinh thần nhân đạo, nhân văn cao cả. Văn chương của Nguyễn Trãi phục vụ nhân dân nghĩa là văn chương được dùng như một thứ vũ khí huyền diệu để đánh tan quân gian ác, lũ xâm lược, giải phóng con người đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
b. “Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đăc lực…để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”
Qua thơ văn, Nguyễn Trãi tỏ rõ là một chiến sĩ kiên cường, tích cực đấu tranh cho nền ñoäc lập, hạnh phúc của nhân dân, của đất nước. Ông đã chứng minh văn học là một thứ vũ khí lợi hại. Bằng ngọn bút, bằng lí lẽ hùng hồn, Nguyễn Trãi đã uy hiếp tinh thần quân xâm lược góp phần giải phóng đất nước, giành lại độc lập đem lại hòa bình và tự do cho dân nhân ta.
Cả cuộc đời Nguyễn Trãi, tư tưởng yêu nước, thương dân luôn quán xuyến mọi hành động, suy nghĩ cũng như trong những sáng tác văn chương của ông. Văn chương trong thời chiến khác với văn chương trong thời bình, nó có sức mạnh trừ gian, trừ ác, giải phóng con người. Cứ đọc những bức thư Nguyễn Trãi gửi cho tướng giặc mà người đời sau gọi là Quân trung từ mệnh tập thì khắc rõ. Đó là giọng văn chính luận sắc bén, ngắn gọn và có sức mạnh bằng ngàn đội quân. Giọng điệu trong Quân trung từ mệnh tập lúc thì mềm dẻo, lúc thì cương quyết, làm cho tướng giặc vừa nể phục vừa khiếp đảm: “Các ngươi nếu biết kéo quân ra thành, cùng ta hòa hảo thân tình thì ta coi các ngươi như anh em ruột thịt…nếu không thế tùy các ngươi. Trong khoảng sớm tối, sẽ khắc thấy nhau, đến lúc bấy giờ hối cũng không kịp. Các ngươi hãy nên nghĩ đi” (Thư dụ thành Bắc Giang). Có thể thấy, Nguyễn Trãi đã coi văn chương là thứ vũ khí đắc lực nhất để xua đuổi quân thù, mang lại hạnh phúc cho con người vì “văn học là nhân học”
Nguyễn Trãi còn coi văn chương là một hoạt động tinh thần có khả năng thanh lọc, cảm hóa con người và mang đến nhân nghĩa:
“Văn chương chép lấy đòi câu thánh
Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng”.
(Bảo kính cảnh giới 5 – Quốc âm thi tập)
Như vậy, với Nguyễn Trãi, văn chương là “thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam).
c. Văn chương phải giản dị, gần lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân
Với vốn sống và vốn tri thức phong phú, sâu rộng, Nguyễn Trãi đã kết hợp văn học dân gian với văn học viết một cách nhuần nhuyễn, không chỉ ở ngôn ngữ nhân dân hàng ngày được ông nâng lên thành ngôn ngữ văn học có giá trị nghệ thuật cao mà còn ở phần nhân văn nhân đạo: trọng lao động, quý tục lệ ông bà, cách đối nhân xử thế.
Nguyễn Trãi đã đưa khẩu ngữ hàng ngày của nhân dân vào thơ ca và tận dụng khả năng của những khẩu ngữ ấy để tả cảnh, tả người, tả vật:
“ Nên thợ, nên thầy vì có học
No ăn, no mặc bởi hay làm”.
(Bảo kính cảnh giới 46)
“ Co que thay bấy ruột ốc
Khúc khuỷu làm chi trái hòe”.
(Trần tình 8)
Làm được điều này đòi hỏi cái tài của người người nghệ sĩ, thật khéo léo mà cũng thật tinh tế để làm cho tác phẩm của mình như là cuộc sống, hơi thở của con người. Ngoài ra, Nguyễn Trãi còn sử dụng ngôn ngữ của văn học dân gian trên cơ sở gọt giũa và cách điệu hóa, sử dụng những hình tượng, kết cấu vốn đã được cô đúc trong ngôn ngữ văn học dân gian để diễn tả cái tình, cái ý một cách nhuần nhị:
Từ câu tục ngữ “Con sâu làm rầu nồi canh”. Nguyễn Trãi viết:
“Chẳng ngừa nhỏ, âu lên lớn
Nếu có sâu thì bỏ canh”.
(Bảo kính cảnh giới 21 – Quốc âm thi tập)
Từ câu ca dao:
“ Bể sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.
Nguyễn Trãi viết:
“ Dễ thay ruột bể sâu cạn
Khôn biết lòng người ngắn dài”.
(Ngôn chí 6- Quốc âm thi tập)
Tuy không nói ra, nhưng chúng có thể cảm nhận được niềm tự hào của Nguyễn Trãi với những giá trị bổ ích của văn học dân gian, đặc biệt là khả năng vận dụng ngôn ngữ của cha ông xưa trong việc diễn đạt tâm tư, tình cảm. Nguyễn Trãi đã học hỏi, sử dụng ngôn ngữ nhân dân để làm tăng sự sinh động và gần gũi cho tác phẩm của mình, đồng thời Nguyễn Trãi còn lưu giữ và phát triển sự sáng đẹp của ngôn ngữ dân tộc đã được nhân dân gọt giũa, chọn lọc từ lâu đời.
2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về văn chương nghệ thuật:
a. Văn chương phải coi quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ:
Trong đường lối văn chương của chủ tịch Hồ Chí Minh, như chúng ta thấy, phục vụ cách mạng thống nhất với phục vụ nhân dân. Quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ chủ tịch, nói như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Đó là điều cốt yếu hơn hết trong sự nghiệp cách mạng của Hồ chủ tịch”. Người khuyên nhà văn, nhà thơ đi sâu vào cuộc sống để hiểu tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống của nhân dân, sao cho “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ao ước cúa quần chúng”. Muốn làm được vậy, Hồ Chí Minh chỉ rõ, người nghệ sĩ phải xuống nông thôn, vào nhà máy, vào bộ đội, cùng sống, chiến đấu và lao động với quần chúng, như thế mới biết được khó khăn, chí khí và nguyện vọng của nhân dân như thế nào ?
Hồ Chí Minh đã nêu lên quan điểm của mình về mối quan hệ giữa cuộc sống và tác phẩm, giữa người viết và người đọc, được cụ thể hóa trong hệ thống câu hỏi liên kết với nhau theo một trình tự chặt chẽ: “Viết cho ai ?”, “viết để làm gí ?”, “viết cái gì ?”, và “cách viết như thế nào ?”. Vấn đề đối tượng phục vụ, vấn đề “viết cho ai ?” được Hồ Chí Minh nêu bật hàng đầu như là xuất phát điểm, như là mục đích cụ thể quy định cả quá trình sáng tác. Văn học phục vụ nhân dân phải bắt nguồn tư hiện thực cuộc sống, phản ánh những sinh hoạt hàng ngày, những sự kiện trọng đại của dân tộc và cuộc sống. Chừng nào mà người nghệ sĩ chưa ý thức được rõ ràng mục đích và đối tượng phục vục chủ yếu của văn chương thì họ vẫn không thể có được một phương hướng sáng tác chính xác, vẫn dễ bị chập choạng và sáng tác của họ rất khó biến thành món ăn tinh thần của đông đảo nhân dân. Vì nhân dân bao giờ cũng là người đánh giá tác phẩm chính xác vá tinh tường nhất.
b.“Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”
Hồ Chí Minh nói một cách giản dị “rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn học muốn tự do thì phải tham gia cách mạng” hoặc “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Như vậy là, Người đặc biệt quan tâm đến tác dụng, chức năng của văn chương xem văn chương như hoạt động thực tiễn của con người, như một sức mạnh cải tạo cuộc sống.
Năm 1947, trong thư gửi anh chị em văn hóa và trí thức Nam bộ, Hồ Chí Minh có viết rằng: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em tri thức và văn hóa cũng phải làm như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho tổ quốc”. Năm 1951, Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Như vậy, ý kiến của Bác là rất nhất quán, sáng sủa, dễ hiểu: văn nghệ là mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ, ngòi bút là vũ khí. Nhà văn, nhà thơ không thể “vị nghệ thuật’ tùy hứng muốn viết gì thì viết, không thể là một người “thư kí” khách quan chủ nghĩa mà phải là một chiến sĩ, một người có tính đảng cao, sống và viết cho một mục đíchxác định. Trong bài thơ Cảm tưởng đọc Thiên gia thi Bác viết:
“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Thơ phải có “thép”, tức là phải có tính chiến đấu. “Thép” trong thơ văn nói chung là tính cách mạng triệt để. Đây là điểm mới mà chủ tịch Hồ Chí Minh đem lại cho văn chương, khác với quan điểm văn chương phù phiếm, văn chương thù tạc của giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản.
Xác định mục đích của văn nghệ là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân là hết sức đề cao văn chương nghệ thuật, gắn nó với những nguồn cảm hứng lớn lao nhất, bảo đảm cho nó một sự phát triển tự do và rực rỡ. Cũng như ở những lĩnh vực khác, ý kiến của Bác về văn nghệ bao giờ cũng thấm nhuần tinh thần thực tiễn cách mạng, có tính mục đích cao, nhưng đồng thời rất thiết thực, linh hoạt gắn liền với hánh động.
c. Văn chương đừng như “dây cà, dây muống”
Văn chương phải giản dị, gần gũi với sinh hoạt của nhân dân. Và Hồ Chí Minh cũng thấy được sức sáng tạo to lớn của quần chúng: “Những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay là sáng tác của quần chúng. Các sáng tác ấy rất hay mà lại gắn, chứ không trường thiên đại hải, dây cà dây muống…những sáng tác ấy là những viên ngọc quý”.
Nhà văn phải chú ý đến hình thức thể hiện, tránh lối viết cầu kì, xa lạ, nặng nề. Hình thức tác phẩm phải trong sáng, hấp dẫn, ngôn từ phải chọn lọc. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Theo Người tác phẩm văn chương phải thể hiện được tinh thần của dân tộc, của nhân dân và được nhân dân yêu thích.
Văn chương xuất phát từ cuộc sống, văn chương lấy ngôn ngữ làm chất liệu tạo hình nên nó giúp ngôn ngữ đời sống ngày càng phát triển, còn ngôn ngữ văn học nhờ sự phong phú của ngôn ngữ đời sống nên cũng ngày càng sinh động, rực rỡ. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến hình thức giản dị, dễ hiểu, trong sáng, vui tươi của văn chương. Mặt khác Người cũng chống lại sự rập khuôn, đơn điệu, Người mong muốn “xây dựng văn nghệ ta ngày càng phong phú về tư tưởng và nghệ thuật”. Văn chương trong thời đại cách mạng gắn liền với chính trị, tuyên truyền cho đường lối của đảng, của cách mạng thì tác phẩm văn học phải thật giản dị, phải học lời ăn tiếng nói của nhân dân vì “cách nói của dân chúng rất đầy đủ, hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất giản đơn”.
III. Thơ Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh sáng ngời lòng yêu nước, thương dân, lo cho vận mệnh dân tộc
Nguyễn Trãi khẳng định rằng: “Phúc chu, thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới thấy sức mạnh của dân như nước – Quan hải). Đây là cách nhìn mới mẻ, đầy sáng tạo và có sự trân trọng nhân dân đúng mực. Người làm vua, kẻ làm quan phải dựa vào dân trong đánh giặc cũng như xây dựng đất nước và luôn “chăm lo dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận, oán sầu”. Dù Nguyễn Trãi có gọi nhân dân là “dân đen “, “con đỏ” (Bình Ngô đại cáo) thì điều đó càng chứng tỏ tấm lòng chân thành của Nguyễn Trãi dành cho nhân dân. Trong kháng chiến chống quân Minh, sức mạnh của nhân dân đã được phát huy mạnh mẽ làm nên những chiến công vang dội nhất.
Cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh cùng nhận thấy sức mạnh của nhân dân và luôn đề cao phẩm chất cao quý của họ. Nhưng đồng thời Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh cũng cảm nhận sâu sắc nỗi thống khổ của nhân dân.
Khi lớn lên, Nguyễn Trãi sống với cha ở Nhị Khê hàng chục năm, rồi sau khi phải lưu lạc trong nhân dân, Nguyễn Trãi đã tự mình mắt thấy tai nghe muôn vàn khổ cực của dân dưới ách quân cướp nước và bán nước. Để rồi những vần thơ của Nguyễn Trãi như sống lên thành tiếng nói cảm thương sâu sắc, và ngược lại chính những vần thơ này càng giúp Nguyễn Trãi thấm thía hơn cuộc đời lam lũ, khốn khó, đau thương của nhân dân lao động, của người dân mất nước:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.
(Bình Ngô đại cáo)
Trái tim người đọc có bao cảm xúc lạ thường vừa thương cảm với nỗi thống khổ của nhân dân vừa càng yêu mến Nguyễn Trãi. Bầu trời Việt Nam như tối tăm hơn khi giặc Minh xâm lươc. Đã bao đêm Nguyễn Trãi không ngủ để tìm đường cứu nước cứu dân, bao nhiêu nỗi cơ cực, mất mát của dân chúng là bấy nhiêu nỗi đau đớn trong tấm lòng tác giả.
Sinh ra khi nước đã mất nhà đã tan và lại có ba mươi năm tìm hiểu lăm châu bốn bể, Hồ Chí Minh đã thực sự thấm thía nỗi cơ cực của mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động. Về cảnh khổ của công nhân, Người viết:
“ Lại còn đánh chửi tân phiền
Cúp lương tháng trước, phạt tiền hôm qua”.
(Ca công nhân)
Về nỗi khổ của nông dân, Hồ Chí Minh viết:
“Thương ôi ! những bạn dân cày
Chân bùn, tay lấm suốt ngày gian lao”.
(Ca dân cày)
Còn tuổi thơ của những em nhỏ cũng thật đáng thương:
“Sức còn yếu, tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già”
(Kêu gọi thiếu nhi)
Với tấm lòng cảm thươg sâu sắc, Hồ Chí Minh không chỉ thấy được nỗi khổ quằn quại, triền miên của nhân dân, mà còn thấy tiềm lực vô tận, bản chất anh hùng của nhân dân.
Thơ văn Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh không gì hơn tấm lòng yêu nước, thương dân và dòng máu truyền thống dân tộc luôn cuộn chảy trong họ. Tuổi trẻ của Nguyễn Trãi đã mang trong mình hoài bão, lí tưởng, cống hiến hết mình cho dân, cho nước. Trải qua bao khó khăn, thăng trầm trong cuộc đời, lí tưởng ấy của Nguyễn Trãi càng mãnh liệt, khôn nguôi:
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”
(Thuật hứng 5 – Quốc âm thi tập)
Cả cuộc đời Nguyễn Trãi “cật chưng hồ hải đặt chưa an” để suy nghĩ, để tìm câu trả lời: làm gì cho dân, những người dân lầm than, khổ cực. Chính vì vậy mà:
“Còn có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”.
(Thuật hứng 23 – Quốc âm thi tập)
Rồi người đời càng cảm động hơn khi thấy một Nguyễn Trãi:
“Bình sinh độc bão tiên ưu chí
Tỏa ủng hàn khâm dạ bất miên”.
(Suốt đời riêng ôm tấm lòng “lo trước”
Ngồi quàng mảnh chăn lạnh, thâu đêm không sao ngủ được)
(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm 2- Ức Trai thi tập)
Mỗi dòng thơ là một dòng tâm huyết, mỗi bài thơ là một tấm lòng trong sáng, đầy sức sống. Nguyễn Trãi hiện lên trong lòng người đọc đầy gần gũi mà luôn có sự kính phục, đầy yêu thương, tự hào. Cả cuộc đời Nguyễn Trãi quên ăn, quên ngủ cũng chỉ vì hai chữ dân, nước.                 Truyền thống yêu nước của dân tộc ta ngàn đời vẫn vậy. Và để rồi sau đó hơn năm thề kỉ cũng có một con người với tấm lòng như Nguyễn Trãi:
“Một canh, hai canh lại ba canh
Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.
( Không ngủ được”- Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh )
Với lòng yêu nước chân chính và lòng nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, Hồ Chí Minh không một giây phút nào rời xa tổ quốc dân tộc, ngay cả những ngày tháng gian lao nhất trong ngục tù đế quốc đến những ngày kháng chiến đầy sôi nổi nổi, ác liệt . Niềm lo âu việc nước luôn canh cánh bên lòng suốt đêm không ngủ:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
(Cảnh khuya)
Giấc mộng hồn “sao vàng năm cánh” thật đẹp đẽ, thiêng liêng, là niềm tin sắt son vào thế chiến thắng của quân ta, biểu hiện bằng một hình tượng nghệ thuật mang tính thấm mĩ cao và cũng rất hiện thực, sáng ngời vẻ đẹp đất nước với cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trên nền trời tổ quốc.
Tấm lòng yêu nước đó xuyên suốt cả cuộc đời Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Sáu mươi tuổi, Nguyễn Trãi vui mừng khôn xiết viết Biểu tạ ơn vua vì lại được vời ra chăm lo việc nước:
“Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi
Cho thần như thông qua năm hết càng dạn tuyết sương”
(Biểu tạ ơn)
Tuy tuổi đã cao nhưng Nguyễn Trãi vẫn giữ được nhiệt huyết của tuổi trẻ, của khát vọng và ước mơ suốt cả cuộc đời. Với tấm lòng tràn đầy trẻ trung, Nguyễn Trãi mong muốn cống hiến thật nhiều cho dân tộc không ngại chi tuổi tác, thời gian. Và nếu có để giải thích cho tinh thần sôi nổi ấy, ta liền nghĩ ngay đến câu thơ đầy hóm hỉnh, đầy hình ảnh của Nguyễn Trãi: “Đạo ta cậy bởi chân non khỏe” (Mạn thuật 1 – Quốc âm thi tập). “Đạo” của “ta” (đạo về dân, về nước) thật vững chắc, không gì lay chuyển, phá vỡ được, nó như chân núi sừng sững, cao vợi phía chân trời. Và nhìn về phía chân trời rộng lớn, xa thẳm ấy, vượt thời gian, chúng ta lại nhớ ngay đến bài thơ Sáu mươi tuổi đầy tươi vui, khỏe khoắn của Hồ Chí Minh:
“Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên”.
Đó là mong ước phụng sự lâu dài cho dân tộc, cho nhân dân của Hồ Chí Minh. Giọng thơ hóm hỉnh, tươi vui nhưng lại rất sâu sắc. Tuy tuổi đã cao nhưng tinh thần Bác vẫn còn rất tráng kiện “còn xuân chán”, tâm hồn người cộng sản còn trẻ trung lắm!, còn làm được nhiều việc ích nước lợi dân. Hồ Chí Minh như đã vượt lên trên vòng xoay của thời gian, của tạo hóa để sống và cống hiến hết mình cho dân tộc.
Tóm lại, tấm lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ trong thơ ca. Tuy có khoảng cách về lịch sử, về thời đại nhưng Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều đúc kết được tấm lòng ấy trong những vần thơ trong sáng đầy nhiệt thành, vừa ngắn gọn, dễ hiểu vừa gần gũi, sâu sắc vô cùng. Chính điều này đã làm cho những áng thơ của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh có sức sống lâu bền, có sức cảm hóa và giáo dục rất lớn.
IV. Hai áng “Thiên cổ hùng văn”: Bình Ngô đại cáo, ca khúc khải hoàn hùng tráng của dân tộc; Tuyên ngôn độc lập, bản anh hùng ca trong thời đại mới
Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập được Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh viết trong tâm trạng “sảng khoái nhất”. Sau bao nhiêu năm trời nô lệ, hạnh phúc và tự do giờ đã tới đây. Cả dân tộc đang bước sang một thời vận mới – độc lập, tự do. Sau thắng giặc Minh, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo (1428). Sau cách mạng tháng Tám thành công (1945), Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập. Như vậy, Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập là những áng văn chính luận được viết vào những thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc nhằm tổng kết, khẳng định thắng lợi của dân tộc, quyền sống và chính nghĩa ở con người. Vì vậy, Bình Ngô đại cáo và                  Tuyên ngôn độc lập có giá trị lớn trong lịch sử và nền văn học dân tộc.
Giọng văn trong Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập đầy chất hùng tráng và niềm tự hào dân tộc. Âm hưởng của nó như được vút lên từ bầu trời đầy nắng, từ triệu trái tim con người Việt Nam. Nhưng qua giọng văn ấy, ta cũng thấy được thái độ của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Với nhân dân, giọng văn thật trìu mến: “Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phất phới; Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Bình Ngô đại cáo) hoặc như: “Hỡi đồng bào cả nước” (Tuyên ngôn độc lập). Còn với kẻ thù thì kiên quyết, khinh bỉ và căm ghét: “Thằng nhãi con Tuyên Đức”, “Thằng há miệng, đứa nhe răng máu mỡ bấy no nê chưa chán” (Bình Ngô đại cáo) và trong Tuyên ngôn độc lập thì “Những hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”, “chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”, “thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”.
Để khẳng định sự trường tồn và vị thế của dân tộc Nguyễn Trãi viết:
“Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”.
Đây là thực tại khách quan mà không bè lũ xâm lược nào có thể bác bỏ được, là bảo đảm lịch sử rất cương quyết và cứng rắn cho cương vực, lãnh thổ và sự tồn tại vững bền của dân tộc. Đến thời đại Hồ Chí Minh, trong Tuyên ngôn độc lập, Người đã dùng chính những lời lẽ trong tuyên ngôn của Mỹ, Pháp mà đòi độc lập, tự do cho nhân dân, cho dân tộc. Người đã đặt ba cuộc cách mạng (cách mạng Mỹ-1776, cách mạng Pháp-1791, cách mạng Việt Nam-1945), ba bản tuyên ngôn ngang hàng nhau “như đang gợi lại nguồn tự hào của tác giả Bình Ngô đại cáo ngày xưa khi mở đầu tuyên ngôn bằng hai vế cân xứng để đặt ngang hàng triều Đinh, Lí, Trần của Nam quốc với Hán, Đường, Tống, Nguyên của Bắc quốc”. Đó là tấm lòng yêu nước cao cả, lớn lao được kết tinh trong những lời văn tâm huyết, trong cách lập luận chặp chẽ như ghi tạc vào trời xanh, vào lòng người.
Tác phẩm Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập có được sự mạch lạch, gắn kết như vậy là nhờ vào việc sử dụng nhiều từ nối. Trong Bình Ngô đại cáo là: “cố” (vậy nên), “khoảnh” (vừa rối), “dư” (ta đây), “nại dĩ” (lại ngặt vì), “toại” (bởi thế), “đặc dĩ” (chỉ vì), “nhiên kì” (thế mà), “tốt năng” (trọn hay), trong Tuyên ngôn độc lập là: “Tuy vậy, sự thật là, bởi thế cho nên, vì những lẽ trên”. Chính những từ nối ấy đã làm nổi bật lên bố cục rõ ràng, diễn ra theo trật tự tiệm tiến của hai tác phẩm: nêu nhân nghĩa, tội ác của quân giặc, chiến đấu, chiến thắng và độc lập. Nó góp phần làm cho người đọc nhanh chong xác định được nội dung của tác phẩm một cách sâu sắc, hoàn thiện. Và việc sử dụng những từ nối ấy đã xây dựng Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập thành mội khối thống nhất, chặt chẽ, kín kẽ. Vậy nên, bọn xâm lược, bọn phản động không thể phản biện hay bác bỏ được điều gì. Bên cạnh đó, với cách viết ngắn gọn, xúc tích, liệt kê hàng loạt sự kiện lịch sử, hàng loạt tội ác dã man của quân thù cùng với bút pháp tả thực có chọn lọc, Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập đã làm quân giặc không thể ngẩng mặt lên, không thể chối cãi trước những chứng cứ xác đáng. Chính vì vậy Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập không chỉ là khắc tinh của quân thù mà còn là những áng văn chính luận tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam đáng lưu danh muôn thủa và học tập muôn đời.
Nói về hình thức của Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập thì vô cùng giản dị nhưng lại sâu sắc, ngắn gọn mà hàm xúc, không cầu kì mà rất mạch lạc. Lời lẽ đanh thép, lập luận chặt chẽ, chính xác. Cả bài “Đại cáo” và “Tuyên ngôn” đều có kết cấu theo lối ta-địch: Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đã đóng đinh kẻ thù trên đài dư luận, đánh đổ uy thế tinh thần quân giặc. Đồng thời ca ngợi chiến thắng, khẳng định quyền con người, quyền dân tộc. Cả Đại cáo cà Tuyên ngôn đều là thể văn chính luận nhưng bằng tài năng văn chương Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đã phả vào nó những cảm xúc trữ tình sâu lắng, hấp dẫn tấm lòng người đọc.
Qua Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập, người đọc thật xúc động trước tấm lòng yêu nước, thương dân, gần gũi với nhân dân của hai vị anh hùng dân tộc-Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Nguyễn Trãi đã cùng quân dân chia ngọt sẻ bùi, sát cánh bên nhau: “Nhân dân bốn cõi một nhà….Tướng sĩ một lòng phụ tử” cùng quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi. Hồ Chí Minh đã gọi to trong niềm vui khôn tả, trong niềm hạnh phúc vô bờ “Hỡi đồng bào cả nước”. Đặc biệt ở Tuyên ngôn độc lập có một câu ngoài văn bản “Tôi nói đồng bào nghe rõ không ?”. Câu hỏi đầy tình nghĩa, đầy xúc động. Nó đã gắn kết muôn triệu trái tim con người Việt Nam. Nhân dân và Hồ Chí Minh là một, đất nước và nhân dân là một. Tất cả đã lặng đi, đã trào nước mắt trước con người vĩ đại-Hồ Chí Minh, Bác gần gũi, thân thiết và đẹp đẽ quá !.
Nếu như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là áng “Thiên cổ hùng văn” hào hùng, đầy khí phách, tự hào dân tộc thì bản Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh là áng “Thiên cổ hùng văn” hừng hực khí thế cách mạng tiến công trong thời đại mới. Và ẩn sau Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập là một tầm tư tưởng, tầm văn hóa lớn được tổng kết trong một văn bản ngắn ngọn, trong sáng, khúc triết, kinh nghiệm của nhiều thế kỉ đấu tranh vì độc lập, tự do, vì nhân quyền của dân tộc và nhân loại. Chính vì vậy mà Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập mãi là những áng văn sáng ngời trong nền văn học Việt Nam.
V .Kết luận
Có rất nhiều những nét tương đồng giữa Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh trong văn chương cũng như trong cuộc đời. Điều đó chứng tỏ rằng ở Việt Nam nhân tài, “hào kiệt đời nào cũng có”, đây cũng chính là sự đồng điệu trong sáng tác và cảm thụ văn chương của hai con người Việt Nam vĩ đại: Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Những cống hiến lớn lao của hai vị anh hùng dân tộc này trong đó có văn chương thật đáng để người đời luôn trân trọng và học tập. Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đã đem đến cho văn học Việt Nam sức sống mới, hướng đi mới: văn chương là hoạt động tinh thần, văn chương tham gia cách mạng và phục vụ con người.
Dù vạn vật có đổi thay, thời gian có xoay vần thì danh tiếng, tâm hồn và tài năng văn chương của Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh mãi mãi không phai mờ, không bị khỏa lấp bởi rêu xanh và cát bụi, luôn sống mãi trong mỗi con người Việt Nam. Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh giờ đã là người thiên cổ, đã về thế giới người “hiền”. Nhưng trong suốt cuộc đời của mình, mỗi người luôn đau đáu với nỗi niềm dân, nước, luôn suy nghĩ về vận mệnh dân tộc. Giờ đây khi ở trên cao, linh ứng được cảnh đất nước ngày nay yên bình, phát triển, nhân dân hạnh phúc thì Nguyễn Trãi đã có thể “cất chiếc nhà tranh nơi chân núi phủ mây, múc nước khe đun trà và nằm dài trên đá ngủ ngon một giấc”. Còn chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc đã được thảnh thơi, tạm gác việc quân, việc nước “xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”.

ĐẶNG MINH HẢI – Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: nguyentrai.net

Trả lời