MỘT CÁCH ĐỌC VÀ HIỂU KHÁC VỀ TỪ “SONG VIẾT”

Đã trên 40 năm công bố Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi với hai bản phiên âm của ba nhà nghiên cứu danh tiếng Trần Văn Giáp – Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh. Và cũng đã hơn ¼ thế kỷ đã trôi qua kể từ khi có cuộc thảo luận về hai chữ “Song viết” mở đầu bằng bài viết của thầy học của tôi là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Tiếp theo có đến hơn hai chục bài viết của các tác giả đăng trên Tạp chí Văn học, Tạp chí Ngôn ngữ, Báo Văn nghệ v.v..

Đã trên 40 năm công bố Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi với hai bản phiên âm của ba nhà nghiên cứu danh tiếng Trần Văn Giáp – Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh. Và cũng đã hơn ¼ thế kỷ đã trôi qua kể từ khi có cuộc thảo luận về hai chữ “Song viết” mở đầu bằng bài viết của thầy học của tôi là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Tiếp theo có đến hơn hai chục bài viết của các tác giả đăng trên Tạp chí Văn học, Tạp chí Ngôn ngữ, Báo Văn nghệ v.v.. Lược thuật lại lập luận của từng tác giả về vấn đề này là một việc lý thú, nhưng dù ngắn gọn cũng phải mất vài trang (nên ở đây tôi xin phép lướt qua).

Cuộc tranh luận hào hứng đó, với vài chục cách đọc cách hiểu khác nhau về từ “song viết” thật rất hào hứng và bổ ích. Nhưng cùng với thời gian trôi qua, mọi người dường như cũng phải tạm chấp nhận một sự thực là hình như vẫn chưa có đáp án nào được chấp nhận rộng rãi(1).

Sau một thời gian khá dài, gần đây lại mới có bài của Ngô Đăng Lợi quay lại vấn đề này. Tác giả bài ấy dẫn thêm được một văn bản là cuốn “Chiêm nam nữ kết hôn…” mà trong đó một câu có từ “song viết” (mà tác giả đọc là “song nhật”). Tiếc vì tác giả không cung cấp một bản chụp photocopy, nên không thể nghĩ bàn gì được, vì đây là một vấn đề cần phải có văn bản cụ thể. Còn kết luận nghĩa song viết là “tài sản, của cải, đầy tớ” thì có lẽ không phải mới vì trước đây đã có người nêu lên. Ngô Đăng Lợi cũng có điểm qua một số ý kiến của các nhà nghiên cứu trước đây, nhưng không thấy nêu bài của Lê Hữu Mục mà chính đó là tác giả đã có bài lập luận “song viết = “của cải” đã đăng trên TC Văn học trước đây. Nhưng đó không phải là vấn đề chính trong bài viết của tôi.

Bản thân tôi cũng có lập một hồ sơ về hai chữ “song viết”, và phải nói là hơn hai chục năm qua mỗi khi đầu óc thư thái đôi chút lại không thôi suy nghĩ về nó.

Trước hết, có một chi tiết về văn bản xin nêu thêm cho rõ:

– Trước nay mọi người quan tâm vấn đề “Song viết thường cho rằng chữ đó 8 lần xuất hiện QÂTT của Nguyễn Bỉnh Khiêm, 7 lần trong Hồng Đức quốc âm thi tập, 1 lần trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn.

Để đề phòng tình trạng tranh luận mà thoát ly văn bản, tôi đã khảo kỹ văn bản và thấy vấn đề không hoàn toàn như vậy:

– Trong QÂTT đúng là chữ 双 8 câu)

– Hồng Đức quốc âm thi tập, viết 2 cách: 雙 và 双.

Nhưng trong BVQNTT của Nguyễn Bỉnh Khiêm (3 lần) và trong Thập giới cô hồn thì viết khác: @ Cả 4 chữ (trong 2 văn bản) này, người chép đều rất viết nắn nót chừng như để cho người đọc nhận ra chữ bát @(2) chứ không phải song 双. Lấy QÂTT bản in duy nhất hiện còn lưu tàng ở Thư viện Viện Hán Nôm để xem lại, tái khẳng định QÂTT đều viết 双 chứ không phải @. Nhưng ở một câu có chữ “song viết”, có ai đó đã viết lơ lửng lên lề trắng phía trên một chữ 筆 (bút)”. Tôi nhận thấy chủ nhân củ của cuốn sách (nếu tôi không lầm thì đó là cụ Nhàn Vân Đình, Trần Duy Vôn) hiểu “song viết” và cả “bát viết” đều là “bút viết”. Nhưng có vấn đề gì đó chưa ổn vì tự dạng của chữ “bút” và chữ “song” hoàn toàn khác nhau, mà nếu đúng muốn nói “bút viết” thì tại sao không dùng ngay chữ “bút” có sẵn, cần gì phải mượn chữ “bát” vừa không đúng chữ vừa không đúng âm? Còn một khả năng thứ hai là người chép thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm không hiểu chữ “song viết”, đoán là “bút viết” nên cố ý chép thật rõ chữ “bát” (đọc Nôm là “bút”).

Điều đó chưa trực tiếp giải đáp vào chữ “song viết”, nhưng tôi được củng cố thêm suy nghĩ về trường ngữ nghĩa đại thể của “song viết” là nói công việc viết lách văn chương.

Viết là động tác viết chữ như cách hiểu xưa nay. Tại đây cũng cần nói qua: chữ “viết trong Hán văn cổ của Trung Quốc nghĩa là nói (Tử viết, nghĩa là Khổng Tử nói), chứ không có nghĩa là viết chữ (mà Hán văn phải dùng chữ “thư 書”). Nhưng vì lời nói của thánh hiền đạo Nho là nói bằng văn tự, chứ không phải lời nói thông thường như người cùng thời, cho nên sang Việt Nam, chữ viết chuyển nghĩa thành động tác viết chữ. Sắc thái chuyển nghĩa này có từ rất xưa, nhưng tôi chỉ mới tìm được chứng cớ từ thế kỷ XV qua văn bản Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh:

– Đệ tử nhược muốn trả được ơn ấy thì vì chưng áng nạ viết lục kinh này, vì chưng áng nạ đọc niệm kinh này (28b)

– Hay vì áng nạ, chịu gìn giữ, đọc niệm, viết lục một câu kinh phụ mẫu ân trọng đại thừa (38b)

Hai câu đó cho thấy chữ viết được hiểu là viết chữ đúng như ta hiểu ngày nay, có điều là dùng chữ “biệt 別” để ghi âm “viết” mà đương thời chắc chắn là đọc bằng phụ âm Bv (@).

Cũng có thể dẫn thêm cứ liệu trong CNNÂ (tr.kỉ XVII):

Khải trát 楷扎: viết chữ tốt thay (Văn tự bộ, 43b)

Xin trở lại với ý kiến của GS Nguyễn Tài Cẩn trước đây: Mặc dầu đáp án “song viết”, đọc là rong vát hoặc rông vát, với nghĩa là “đi rong vát, đi vất vưởng, đi bá vơ” v.v.. của thầy dường như chưa được công luận thừa nhận, mà gần đây cũng chưa chắc thầy còn giữ ý kiến này, nhưng những chứng minh ngữ âm lịch sử trong bài viết đó thì rất có giá trị. Tuy từ viết > vát tôi chưa dám tin hẳn là đúng, nhưng ngay từ khi bài của thầy được công bố(3) tôi đã nhận thấy là thầy đã đúng được một chữ : Song > Rông.

Ngoài những cứ liệu mà sau hơn 25 năm tôi sẽ dẫn ra dưới đây, ngay trong bài viết của mình, GS Nguyễn Tài Cẩn đã bổ sung vào chú thích mấy cứ liệu trích từ Chỉ nam ngọc âm:

– Tẫn kê gà cái báo rông (53a).

– Đêm khuya kêu gở miệng đà dữ rông (54a)

Có thể do bị thu hút bởi 2 mục từ: “đi rông vát, đi rong rổi” trong Từ điển của P.Của mà GS Nguyễn đã hiểu nghĩa Rông thiên về sự đi. Dưới đây là tìm kiếm thêm của tôi về chữ Rông:

– Ô trì 污池: là giữa lòng ao,

Lưới xích chăng vào, cá đuối nhiều rông (4a)(4).

– Thúc phụ 叔父: là chú lành rông,

– Thúc mẫu 叔母 là thím một lòng chính chuyên (7a)(5).

– Lễ tháp @ @ thuyền buôn cả rông (27a)(6)

– Cảnh chẩm 警枕: cái gối tốt rông (39a)

Thống kê trên đây có thể còn thiếu vài câu nữa, nhưng chừng đó cũng tạm đủ để cho trực giác của tôi nhận ra đằng sau chữ tất cả những chữ rông đó có một chữ Hán là chữ “hung 凶”. Những chứng cứ để củng cố cho suy đoán của tôi là ở chỗ ta có thể nhận ra cách nói cổ xưa đó cũng chính là cách nói ngày nay ta quen dùng:

– Nhiều rông = nhiều hung, nhiều dữ! (= rất nhiều!).

– Lành rông = rất lành, lành hung! (= rất tốt lành)

– Cả rông = lớn hung, lớn dữ! (= rất lớn)

– Tốt rông = tốt lắm, tốt dữ, tốt ghê! (= rất tốt!)

– Dữ rông = rất hung dữ (xấu, ác), dữ ghê! (= rất dữ), v.v..

Hung @ trong tiếng Hán có 6 nghĩa:

(1) Ác (hung ác, hung bạo) (2) Gây sát thương, hai người (hung thủ) (3) Mất mùa đói kém (hung niên) (4) Không thuận lợi, không tốt (cát hung) (5) Sợ hãi (6) Tranh cãi, tranh luận kịch liệt.

Trừ nghĩa (6) ít gặp ít dùng, còn 5 nghĩa trên đều quen thuộc với chúng ta. Điều đáng lưu ý là trong đó không có nghĩa nào chỉ mức độ như cách nói “tốt hung” “nhiều hung”, “lớn hung” như trong tiếng Việt (cả xưa và nay). Điều đó cho thấy chữ hung khi nhập tịch tiếng Việt đã có thêm một sắc thái ngữ nghĩa mới: chỉ một sự khác thường, kỳ lạ. Đúng là một sự việc gì khác thường, quá mức bình thường thì theo tư duy của người cổ đều không phải là một sự tốt lành: nhiều hung là nhiều một cách dữ dội, dữ tợn, đáng sợ, dễ sợ (nay cũng vẫn nói thế). Chuyển nghĩa ban đầu có lẽ là như thế, nhưng lâu dần quen dùng, dùng nhiều thì chuyển hóa không còn thực nghĩa là dữ, sợ nữa, mà chuyển hóa thành một tính từ làm trạng ngữ chỉ mức độ đặc biệt: (nhiều, tốt, lớn) hung/ghê/dữ.

Cách dùng từ hung như trên từ Bình – Trị – Thiên trở vào cho đến hiện nay vẫn là phổ biến. Bài hát Tiếng đàn Ta lư của Huy Thục có câu: “Các anh đánh hay hung!”(7). Miền Bắc thường dùng từ “ghê”, nhưng nếu nói hung, dữ, dễ sợ cũng không kém thông dụng.

Ý kiến trên đây của tôi như vậy đồng nghĩa với việc đã chứng minh Rông là một từ Cổ Hán Việt (hoặc Tiền Hán Việt) của Hung. Hung @, theo nhà cổ âm học Lý Phương Quế (Trung Quốc) âm thượng cổ là [hjung](8). Từ hj > R là có khả năng lý thuyết(9).

Trên đây tôi đã nói đến cả âm và nghĩa của Rông.

Các câu trong CNNÂ: nhiều rông, lành rông, cả rông (đã dẫn) tức là có cấu trúc tính từ vị ngữ. Còn trong Rông viết lại là một cấu trúc khác: rông + (động từ) viết. Như vậy rông là một phó từ làm trạng ngữ để chỉ trạng thái: viết như thế nào? Viết rất hung dữ = viết rất nhiều, viết lung tung, viết làm thàm v.v..

Như vậy cụm từ Rông viết đặt theo cấu trúc Trạng – Động: rông + viết

Cấu trúc này ngay cả thời Nguyễn Trãi cũng thấy dùng rất ít, nhưng nó vẫn hiện diện cả trong tiếng Việt hiện nay, như cả cười, cả giận v.v.. Còn trong thơ Nguyễn Trãi thì có những cụm từ có cấu trúc này:

– Chèo lan nhàn bát thuở tà dương (bài 42)

– Trái thì trai vượn nhọc đơm (bài 64)

– Sự nghiệp nhàn khoe phú Tử hư (bài 36)

– Đem mình non nước nhàn qua tuổi (bài 143)

Và cả 1 trường hợp còn dính ngay trong câu đang nghiên cứu: “Đèn sách nhàn làm song viết nho”. Đã ít dùng (hiếm) nên có ¾ câu dẫn trên dùng với chữ nhàn, có vẻ đơn điệu. Tuy vậy cũng đủ cho thấy thời Nguyễn Trãi vẫn có dùng cấu trúc này trong thơ văn.

Đến đây chúng ta đã có thể thấy: Song viết, đọc là rông viết, nghĩa là viết một cách nhiều, rông dài, lung tung. Đây là cách nói khiêm tốn mà văn nhân xưa vẫn thường dùng, tự làm giảm giá trị cao quý việc viết lách của mình đi, tỏ ý tự cười mình về nghiệp văn chương, cho là không có gì lớn lao ghê gớm v.v.. Trong đời thường nếu có ai đó hỏi một nhà văn nhà thơ: “Ông đang viết gì đấy?”, thì có khi nhà văn ấy sẽ thân mật đáp: “Mình viết lông rông thôi, viết thàm thàm, bậy bậy, viết lung tung thôi!”.

Đấy cũng chính là ứng với một câu trong BVTT:

– Khách đến hỏi: “Nào rông viết?” (Ông đang viết lông rông gì đấy?) Nhớ rằng còn một túi thơ đeo! (bài 38/39a)

Cũng rất đúng với câu trong Thập giới cô hồn:

– Rông viết liền tay, gương lờ non ánh (55b)

Cũng rất đúng với các câu trong HĐQÂTT:

– Rông viết ai bằng rông viết ngư = Viết lông rông, viết lung tung chi bằng viết lông rông về ngư (người đánh cá) (ai bằng = chi bằng)

– Rông viết ai bằng rông viết tiều = Viết lông rông, viết tung tung chi bằng viết lông rông về tiều (người hái củi) v.v..

Lại đến hai câu tiếp trong BVQNTT:

– Rông viết chưa rằng đã hổ = Viết lông rông, viết lung tung chưa chắc đã phải xấu hổ! (bài 334/8a).

– Rông viết hãy còn hai rặng quýt = Tôi viết lông rông viết lung tung đấy, nhưng không sao cả, nhà còn hai rặng quýt! (bài 51/12a)

Bây giờ kháp vào với cả 8 câu trong QÂTT của Nguyễn Trãi:

1. Con cháu chớ hiềm rông viết ngặt = Con cháu đừng lo vì theo đòi văn chương viết lách lông rông mà gia cảnh nghèo ngặt: Thi thư thực ấy báu ngàn đời! (bài 10)

2. Con cháu mựa hiềm rông viết tiện = Con cháu tụi bay chớ lo (tôi, ta) viết lách văn chương lông rông mà thân phận phải hèn kém (tiện), vẫn sang lắm: nghìn đầu cam quýt ấy là tôi (là bề tôi, tôi tớ của ta đấy! (bài 13)

3. Rông viết hằng lề phiến sách cũ = Viết lông rông, viết lung tung đấy, nhưng vẫn là trong phép thường của thi thư cả! (không thể giàu được đâu, nhưng) Hôm dao đủ bữa bát cơm xoa! (bài 18)

4. Rông viết lại toan nào của tích = Viết lông rông viết tung tung mà lại toan có của cải tích trữ ư? (nhiều của cải) (bài 49).

5. Đèn sách nhàn làm rông viết nho = Theo nghiệp sách đèn làm anh nhà nho viết lách lông rông thôi! (bài 58)

6. Một yên một sách một con lều, Rông viết bao nhiêu mặc bấy nhiêu = Một chiếc bàn một cuốn sách, cứ thoải mái viết lông rông thôi, viết nhiều ít đều không quan tâm (hoặc: không quản ngại gì)! (bài 164)

Hai câu trong bài 143 và 156 cũng với nghĩa như trên, nhưng liên hệ trừu tượng hơn một chút:

7. Rông viết có nhiều dân có khó (bài 143)

Bài này bên trên đã có ý than phiền về sự “quân thần chẳng phải duyên”, nói vào bản thân: nào viết biểu dâng sớ điều trần, can gián v.v.. đã nhiều mà rốt cuộc thì cuộc sống của người dân vẫn khốn khó, không cải thiện được gì.

8. Rông viết huống còn non nước cũ = Mình cứ viết lách rông dài như thế, nhưng mà còn non nước cũ thì ra sao đây? (bài 156)

Nói tóm gọn: Rông viết là cách nói của nhà văn khiêm tốn tự hạ thấp giá trị để nói về công việc cầm bút sáng tác văn chương của mình, sắc thái tu từ tuy có khác nhưng ý nghĩa thì y hệt như cách nói: “Lời quê góp nhặt rông dài” của tác giả Truyện Kiều.

Mặc dầu tôi tự tin ở kiến giải của mình, nhưng vấn đề “song viết” này đặc biệt hóc hiểm, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng đã đem ra các cách giải thích khác nhau. Tôi hứng thú theo dõi ngẫm nghĩ chuyện này đã lâu, lo để lâu quên lãng, ghi lại ý kiến như trên để thảo luận về một vấn đề hứng thú chắc vẫn còn được những người nghiên cứu thơ văn Nguyễn Trãi quan tâm.

PGS.TS.Ngô Đức Thọ

                                                                       Viện Nghiên cứu Hán Nôm

     Chú thích:

1. Bằng chứng là trong lần xuất bản mới đây nhất của QÂTT, các câu có từ “song viết” vẫn phải để nguyên âm như cách lần xuất bản đầu tiên đã làm. Xem: Nguyễn Trãi toàn tập. Tân biên. Nxb Văn học và Trung tâm Quốc học xb. 2000, T.3.

2. Chữ @ âm Hán Việt đọc là Bát (QV: 北末切,人,末韵帮) có nghĩa là hai chân giang rộng có dáng sắp bước đi, không dùng độc lập, chỉ dùng làm bộ thủ (bộ Bát) để tạo chữ.

3. Tạp chí Văn học số 2 -1974

4. Ô có 2 cách đọc: Ô (ai đô thiết) và Hộ (Hậu cổ thiết), Trần Xuân Ngọc Lan phiên là Hộ, cũng đúng. Nhưng @ 赤  phiên là “lưới khít”; cá @ phiên là “cá giải” (?) thì có lẽ không đúng.

5. Lành rông: TXN Lan phiên là “lành song” (để nguyên), không thây giải thích gì.

6. Cả rông, TXNL để nguyên “cả song”, không thấy giải thích.

7. Anh Mai Xuân Hải nhắc cho bổ sung dẫn chứng này. Chân thành cám ơn.

8. Xem: Lý Phương Quế, Thượng cổ âm nghiên cứu, Thương vụ ấn thư quán, Bắc kinh, 1998, tr.72.

9. GS Nguyễn Tài Cẩn khi xét về lai nguyên của R trong tiếng Việt tuy không trực tiếp nhưng cũng đã nói đến một phụ âm (hr) khi nói về lai nguyên của tửu/rượu (x. Giáo trình Lịch sử tiếng Việt. Nxb. Giáo dục, 1995, tr.297).

Trả lời