HỘI NGHỊ CHUẨN BỊ ĐÓN ĐOÀN CHUYÊN GIA THẨM ĐỊNH CỦA UNESCO VÀ PHỔ BIẾN THÔNG TIN VỀ DI SẢN ĐỀ CỬ QUẦN THỂ DI TÍCH VÀ DANH THẮNG YÊN TỬ – VĨNH NGHIÊM – CÔN SƠN, KIẾP BẠC

Sáng 10/5, tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (Khu di tích  lịch sử và Danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí), Sở VH&TT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Sở VHTT&DL 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về Di sản đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc để chuẩn bị đón đoàn chuyên gia thẩm định của UNESCO.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 đại biểu

Chủ trì chương trình hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ThS.Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, PGS.TS. Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS Trần Tân Văn – Nguyên Viện trưởng, Viện Khoa học Địa chất và Khoảng sản.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, ban quản lý các di tích, khu di tích, đại diện Giáo hội Phật giáo, các doanh nghiệp, cộng đồng người dân địa phương của 3 tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe những bài tham luận về Di sản đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc.

PGS.TS Trần Tân Văn thuộc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản trình bày tóm tắt hồ sơ Di sản.

PGS.TS. Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam trình bày khái quát về Phật giáo Trúc Lâm và vai trò ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm với đời sống Đại Việt.

Theo đó, không gian Di sản đề cử là một cảnh quan văn hóa dạng chuỗi liên hoàn, tiến triển hữu cơ, trải rộng trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Không gian di sản kể câu chuyện về Phật giáo Trúc Lâm gắn với triều đại nhà Trần và sự đồng hành của dòng Thiền này với dân tộc trong hàng nghìn năm qua. 20 điểm di tích tại 3 địa phương đã được lựa chọn đưa vào hồ sơ để biện luận, chứng minh cho giá trị toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc theo 3 tiêu chí iii, v, vi của UNESCO.

Tiến sĩ Lê Thị Liên thuộc Hội Khảo cổ học Việt Nam giải đáp những thắc mắc liên quan đến Di sản.

Hội nghị nhằm cung cấp những thông tin toàn diện về Hồ sơ di sản đề cử để các đơn vị liên quan và cộng đồng dân cư bản địa vùng di sản có những hiểu biết sâu sắc hơn về di sản, đồng thời chuẩn bị chu đáo cho việc đón đoàn chuyên gia của UNESCO trong thời gian tới.

Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Trả lời