ĐỘC ĐÁO CỬU PHẨM LIÊN HOA CHÙA ĐỒNG NGỌ

Đồng Ngọ là ngôi cổ tự được dựng từ thời Đinh, từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

http://consonkiepbac.org.vn/Content/Images/UserFiles/image/2016/thang%2012/cuu%20pham%20lien%20hoa%20chua%20dong%20ngo.JPG

Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Đồng Ngọ

          Trải hơn 1.000 năm, chùa Đồng Ngọ vẫn là một thắng cảnh hấp dẫn với các công trình kiến trúc độc đáo, trong đó có tòa Cửu phẩm liên hoa được dựng từ thời Lê.
Hơn 300 năm tuổi
          Chùa Đồng Ngọ nằm ở thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (Thanh Hà). Cửa chính vào chùa xây kiểu gác chuông hai tầng, bốn mái chồng diêm, trên có treo một quả chuông cao 1,5m, đúc năm Gia Long thứ 12 (1813). Bước qua cổng chùa, du khách sẽ gặp tòa tiền đường uy nghi 5 gian 2 chái, cửa bức bàn. Nhà tam bảo rộng 4 gian có 21 bức tượng thờ xếp thành các lớp tôn nghiêm, đặc sắc. Sau tam bảo là tổ đường 3 gian 4 mái, tọa lạc trên nền rất cao, mặt nhìn ra cây đại cổ thụ trên 300 năm tuổi. Theo dòng chữ khắc trên nóc chùa: “Thái Bình nhị niên thừa Khuông Việt chỉ truyền hạ chiếu tạo tự. Đại Chính nguyên niên sắc tỷ kỳ ly tự Đào Chu trụ trì” thì chùa do nhà sư Khuông Việt khởi dựng vào năm 971. Năm 1530, nhà sư Đào Chu trụ trì tại đây đã trùng tu lại. Ngôi chùa còn nhiều lần được trùng tu qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Tại chùa còn nhiều chân tảng, ngói mũi hài cỡ lớn thời Lý, Trần. 
          Theo đại đức Thích Thanh Thắng trụ trì chùa Đồng Ngọ, chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Tương truyền chính thiền sư Khuông Việt đã xây dựng chùa này vào năm 971 theo chiếu lệnh của vua Đinh Tiên Hoàng. Trải qua thời gian, nơi đây từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và là một trong hai ngôi chùa cổ nhất của Hải Dương.
          Ngoài lịch sử lâu đời, công trình kiến trúc đặc sắc nhất ở ngôi chùa đó chính là tòa Cửu phẩm liên hoa dựng vào thời Lê. Tính đến nay công trình đã 324 năm tuổi. Tòa cửu phẩm do hòa thượng Chân Nguyên tạo dựng năm Chính Hòa thứ 13 (1692). Hòa thượng Thích Chân Nguyên tên thật là Nguyễn Nghiêm (tự là Đình Lân), sinh năm 1647 tại thôn Cập Nhất. Để xây dựng tòa cửu phẩm này, ông đã đi khắp nơi tìm thợ, trong đó có cả những nghệ nhân tên tuổi từ kinh đô. Công trình được khởi công xây dựng năm 1688, đến năm 1692 mới hoàn thành.

Tuyệt tác kiến trúc 

Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Đồng Ngọ nằm giữa tam bảo và nhà tổ. Toàn bộ khung, bức vách công trình được xây dựng bằng gỗ quý với các cột cái có đường kính tới 50cm. Xung quanh có nhiều cây cau điểm xuyết càng làm cho công trình thêm cổ kính. Công trình có 4 mái chồng diêm với những đầu đao cong tạo sự thanh thoát, nhẹ nhàng. Nhà cửu phẩm có diện tích 69m2, bên trong có tòa Cửu phẩm liên hoa cao 5,7m.
Theo tấm bia “Kiến khai Cửu phẩm liên hoa bi ký” (1692) lưu giữ ở chùa thì cây cửu phẩm cao trên 5m, mặt cắt 6 cạnh đều, 9 tầng tượng trưng cho 9 bông hoa sen xếp chồng lên nhau. Mỗi mặt gắn 3 pho tượng Phật, ở giữa là Phật A Di Đà, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Thế Chí Bồ Tát, cũng có cạnh là tượng Phật A Di Đà và Văn Thù, Phổ Hiển Bồ Tát, tổng số 163 pho tượng. Các tượng có kích cỡ bằng bắp tay được tạo tác bằng gỗ, thếp vàng rất tinh xảo. Nhìn tổng thể, tòa cửu phẩm là một kiến trúc đặc sắc về thế giới Phật pháp vô biên, huyền diệu, tầng tầng lớp lớp.
Đại đức Thích Thanh Thắng cho biết cây cửu phẩm này được đặt trên những chiếc chân cột đá hình hoa sen. Ngày trước truyền lại, tòa cửu phẩm có thể quay tròn quanh trục. Qua thời gian, đến nay tòa cửu phẩm không còn quay được nữa. Trong 163 pho tượng cổ trên tòa cửu phẩm đã bị kẻ gian lấy mất 60 pho. Những pho tượng hiện giờ mới được làm khi trùng tu. Tòa Cửu phẩm liên hoa là một trong những công trình kiến trúc độc đáo và lâu đời nhất tại chùa hiện nay.
Theo các tài liệu nghiên cứu, Cửu phẩm liên hoa là công trình sáng tạo độc đáo của Phật giáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Cửu phẩm liên hoa không chỉ có ý nghĩa quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm. Các chùa xây dựng tháp Cửu phẩm liên hoa là những trung tâm Phật giáo hoặc gắn liền với các vị thiền sư danh tiếng. Có quan niệm cho rằng Cửu phẩm liên hoa là một cái cối kinh dùng để xay ra lúa gạo, xoay càng nhiều thì càng mang lại điều tốt lành và của cải. Sự xuất hiện của các tháp Cửu phẩm liên hoa giúp an ủi tinh thần con người trong xã hội thế kỷ XVII – XVIII khi các cuộc nội chiến xảy ra liên miên. Ngày trước trên đất xứ Đông có 5 tòa Cửu phẩm liên hoa ở chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc Quảng Ninh), chùa Côn Sơn (tòa Cửu phẩm liên hoa này hiện đang được xây dựng lại), chùa Quang Minh (Gia Lộc), chùa Giám (Cẩm Giàng), chùa Đồng Ngọ (Thanh Hà). Hiện cả nước chỉ còn 3 tòa Cửu phẩm liên hoa có niên đại từ thế kỷ thứ XVII-XVIII, thì có 2 tòa ở Hải Dương. Trong đó tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Giám (Cẩm Giàng) đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015. Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Đồng Ngọ đã được tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là bảo vật quốc gia.
Cùng với tòa cửu phẩm, chùa Đồng Ngọ còn là một danh lam thắng cảnh hấp dẫn với nhiều công trình kiến trúc độc đáo bằng đá mới được xây dựng. Nổi bật là bờ tường với chấn song trục đá; hai chiếc giếng tròn được trang trí bằng rất nhiều trục đá, cối đá trước sân chùa; cây cầu đá dài gần 3m; hành lang, lối đi bằng cối đá đủ các kích cỡ… Đặc biệt là tấm bản đồ Việt Nam dài 30m, rộng 10m được xếp bằng khoảng 300 cối đá trong khuôn viên chùa mới được hoàn thiện. Từ cuối thế kỷ XX, khi về trụ trì tại đây, đại đức Thích Thanh Thắng đã đi khắp các vùng Bắc Bộ kiếm tìm những cối đá, trục đá, cầu đá, quả trục lăn lúa mang về chùa rồi sắp đặt thành các công trình đặc sắc trên.

NGỌC HÙNG

Nguồn: baohaiduong.vn

 

Trả lời