ĐĂNG MINH BẢO THÁP

     Đăng Minh Bảo Tháp đặt xá lị của Tổ Huyền Quang, xây ở sau chùa Côn Sơn, dưới chân núi Kỳ Lân. Tổ Huyền Quang sinh năm 1254, đỗ tiến sĩ, ra làm quan rồi cáo quan đi tu. Năm 1330, được Đệ nhị tổ Pháp Loa Tôn Giả trao y bát, trở thành vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, Tổ Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn: “Hoàng đế Trần Minh Tông ban cho 10 lạng vàng xây tháp cho thiền sư, lấy tên là Đăng Minh Bảo Tháp, đặc phong Trần triều Trúc Lâm thiền sư Đệ tam tổ, sắc phong tam giáo Trạng Nguyên tự tổ Huyền Quang Tôn Giả”.

     Trải qua thời gian tháp đã bị huỷ hoại. Năm 1719, Thiền sư Hải Ấn xây dựng lại Đăng Minh Bảo Tháp “… Một sớm khởi công, muôn người xúm lại, thay gạch ngói cổ bằng đá quý đẹp hơn”. Năm 1979, Bảo tàng Hải Hưng khai quật khảo cổ học, đã phát hiện ngôi tháp đất nung thời Trần. Theo các nhà khảo cổ học đoán định, đây chính là ngôi tháp Đăng Minh được dựng sau khi Tổ Huyền Quang viên tịch.

     Tháp Đăng Minh hiện nay là ngôi tháp bằng đá, được xây dựng trên vị trí cao nhất trong hệ thống kiến trúc chùa Côn Sơn. Ở tầng giữa, phía trước khắc 4 chữ Hán “Đăng Minh Bảo Tháp”, phía sau tầng 1 và cạnh bên trái tháp có văn bia khắc trực tiếp vào các phiến đá, bia khổ 0,7m X 0,5m, nội dung như sau:

ĐĂNG MINH BẢO THÁP[1]

     Mặt 1:

     Từng nghe: Quế ngọc cửu tiêu hương thơm thế giới, anh linh thiên cổ sáng tỏ trong bia, rạng rỡ sơn môn, sáng ngời kỳ tích.

     Trúc Lâm Thiền sư đời thứ ba, đặc phong tự pháp là Huyền Quang Tôn Giả, tiền thân là A Nan Tôn Giả, Phật sắc giáng sinh vào đất Đông Thổ… thuộc vùng Vạn Tư, Gia Định, họ Lý, ra đời trong khoảng thời gian đời nhà Trần. Ôi! Nguồn tinh túy tỏ rõ ngũ xa hoàng quyển bạch phượng, đằng vân đoạt ngọc kim ngao Đông hải[2] đi sứ Bắc quốc, tài năng nổi danh đất Bắc. Mê tiên nơi bồng đảo, tìm đạo từ bi ở cõi Tây Thiên, ngài coi phú quý như phù vân, thú một lòng vui thích cảnh lâm tuyền… được giao truyền viên giác bản tâm. Phật giáo thịnh hành, hóa dục tựa thiên vũ, ấm trạch tràn đầy. Đạo phái cao vời vợi, ngoài 80 tuổi quy tiên mười nguyện xây tháp báu huy hoàng ân lớn không quên.

     Trần Minh Tông trân trọng, vinh phong rõ ràng.

     Nay Hoàng thánh triều ta tuyên dương công đức, mệnh giúp dân hộ quốc, công tích hiển ứng trời Nam, xa gần cung kính, tiếng tăm lẫy lừng nơi đất Bắc. Trang nghiêm thay anh khí trên đài cao vời vợi tận đẩu ngưu. Dẫu trước tòa hương bay thẳng lên vầng tiêu hán. Nền ngọc nhân cơ (nền nhân tốt đẹp). Ôi! Xây lên đâu để nghìn năm, vâng mệnh chỉnh đốn nhờ đá lưu truyền vạn đại… Nay tiểu tăng là Bùi Trù Tự vào năm Quý Mùi (1703) cung phụng sắc mệnh chuẩn cho chức tướng sĩ thứ lang phủ Lạng Giang, Tăng hội ti Tăng chính, trụ trì Côn Sơn tự hứa truyền giao môn đệ là Hải Ấn, tiếp nối dòng thiền, rạng soi đèn đạo. Cúi theo nếp xưa, ngưỡng bái hoa tông. Thu thập vật liệu quý, y hình cũ tạo dựng lại kim đàn, bảo pháp, diệu trai… cách nhìn còn hạn hẹp. Thực cảnh non nhân nước trí[3] duy thánh hiền mới ở đó, nay đài báu gác vàng, duy thần thông lưu đức trạch. Một thời phác hoạch, đâu phải lương đồ vĩnh cửu… một sớm khởi công tập hợp thợ khéo, tu sức cổ tích, thay ngói đổi gạch.

     Nay nhờ bia đá… ngóng ngọc thể bình yên, muôn đời không đổi, mong bia sừng sững… cây đức muôn năm… Vậy khắc vào đá để cho đời sau.

     Mặt 2:

     … Tụ tập cõi danh lam, vết cũ Côn Sơn, thánh hiền lưu danh hiển tích… muôn dân tỏ đạo tôn sùng. Nói về cảnh sắc thì gió hòa tươi tốt… đến tận cõi cao mà phẩm hoa cùng giáng, tám tiết thức báu đủ đầy. Đây chính là ngôi chùa nổi tiếng của đất Bắc vậy. Nước chảy non sâu, cá côn[4] hóa chim bằng bay cao, long tích chốn vân tiêu, phượng hoàng bay lượn nơi tuyệt đỉnh. Đúng là cảnh phủ thanh hư cõi thần tiên. Tháp bạc trang hoàng, cúi lạy đức cao vô bờ miền Tây Trúc. Cung hoa thành kính, vọng ngắm cảnh huyền diệu nơi Nam Thổ, sáng ngời cùng nhật nguyệt, bền lâu với trời đất, muôn năm còn mãi muôn thuở trường tồn. Thế nên lấy lòng đo lòng, lấy việc đo việc, bút chép lại để lưu dài lâu khiến đời sau trai giới như thế, kính cẩn như thế, tôn sùng như thế, một lòng theo lệ ấy. Thế mới tỏ được việc lớn một thời, để cho muôn đời cùng chiêm ngưỡng, ấy mới thực là cái may mắn của kẻ ngu đần này, kính cẩn cúi lạy.

     Thời gian dựng bia:

     Ngày tốt tháng đầu Đông năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 triều nhà Lê (1719).

  1. Bia mộ tháp Quốc sư Huyền Quang.
  2. Ý đoan này nói Huyền Quang là người học rộng tài cao, đọc nhiều, đỗ đạt.
  3. Non nhân nước trí: có nhân thì vui với non, có trí thì vui với nước
  4. Cá côn, chim bằng là loại cá và chim rất lớn trong truyện ngụ ngôn của Trang Tử

Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Để lại một bình luận