CHÙA CÔN SƠN

Chùa Côn Sơn nhìn về hướng Đông Nam, tên chữ là Thiên Tư phúc tự, nghĩa là ngôi chùa được trời ban phúc lành, thời Trần thuộc xã Chi Ngại, huyện Phuợng Sơn, nay thuộc phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi tụ hội linh khí của trời đất để ban phát cho dân lành, nhất là cho chúng sinh có Phật quả.

Chùa Côn Sơn nhìn về hướng Đông Nam, tên chữ là Thiên Tư phúc tự, nghĩa là ngôi chùa được trời ban phúc lành, thời Trần thuộc xã Chi Ngại, huyện Phuợng Sơn, nay thuộc phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi  tụ hội linh khí của trời đất để ban phát cho dân lành, nhất là cho chúng sinh  có Phật quả. Nhân dân thường gọi là chùa Hun, với ý nghĩa giả định như sau: Theo sự tích truyền lại thì Côn Sơn xưa rừng rậm um tùm, dân trong vùng thường vào rừng đốt củi lấy than, khói bụi mù mịt cả vùng lên được gọi là núi Hun. Một thuyết khác lưu truyền rằng, vào thế kỷ thứ X, trong quá trình thống nhất quốc gia, Đinh Bộ Lĩnh đã sai tưóng Nguyễn Bặc dùng kế hoả công vây bắt sứ quân Phạm Phòng Át (tức Phạm Bạch Hổ) làm cả vùng núi Côn Sơn khói mù mịt nên gọi là núi Hun và tên chùa được gọi theo tên núi.

Mở đầu cho ngôi chùa là một hồ nước, trước đây dưới dạng tự nhiên, được coi như lão thuỷ minh đường. Vượt qua một sân rộng đến tam quan với ba cửa vào. Tam quan này ít nhiều theo dáng mẫu của chùa Kim Liên ( Hà Nội). Ở hình thức này, nó như mang tư cách một “tam sơn”, với “núi giữa” cao, “núi bên” thấp, đó là một gạch nối sinh lực của trời truyền xuống cho trần gian. Song, ở một khía cạnh khác, từ kết cấu hai lớp mái cho thấy, ngoài ý nghĩa gắn với đạo Phật còn mang ý nghĩa dung hoà với Dịch học của Nho giáo: Tạm coi mái trên nhẹ, tượng Dương; mái dưới nặng tượng Âm. Bốn phía mái ứng với tứ tượng ( Thái âm, thái dưong, thiếu dương, thiếu âm). Tám lá mái tượng cho bát quái…Nhìn chung, trong kết cấu này, đã chứa đựng một tư duy nông nghiệp để cầu phát sinh, phát triển, cầu mùa màng tốt tươi, phản ánh ước vọng ngàn đời của con người, mong sao sức mạnh của những siêu lực vũ trụ góp phần vào sự đối đãi âm dương sinh ra muôn loài, muôn vật, đảm bảo cho hạnh phúc trường tồn. Tuy nhiên, đã là tam quan của chùa thì kién trúc này vẫn như “một tuyên ngôn” của Phật Pháp để chỉ  về “không gian” nhằm nói về bản thể cốt lõi; “Giả quan” để nói đến quy luật vô thường ( không tồn tại vĩnh viễn của muôn vật) và “Trung quan” là lối nhìn trí tuệ đi đến giải thoát dẫn về cõi Niết bàn. Rõ ràng, với ý nghĩa ấy chúng ta có thể tạm hiểu, tam quan của chùa Hun tuy mới dựng, song về hình thức vẫn theo kiểu cách truyền  thống và vẫn giữ được ý nghĩa cơ bản để nói lên tinh thần văn hoá Việt muôn đời, muôn thuở.

Sau tam quan là nhất chính đạo, con đường dẫn vào cõi thiêng liêng. Từ xa xưa con đường này được để tự nhiên, mộc mạc, đặc biệt hai bên trồng thông (cổ thụ). Từ đó, chúng ta có thể thấy được những lời nhắn nhủ của tổ tiên rằng đây là con đường trí tuệ, qua nó sẽ dẫn đến giáp ngộ và đi tới giải thoát. Đứng trước con đường này Phật tử như cảm thấy mình đứng bên bờ của giáp ngộ, tự dẹp lòng trần (sự giày vò của kiếp đời) mà khởi lòng tĩnh để vựơt qua chính mình, tiến đến không phân biệt ngã nhân và tha nhân (ta và người). Bởi Thông có nghĩa là thông để hiểu từ đầu con đường đến cuối con đường là sự tăng trưởng của nhận thức dẫn tới “lậu tận thông”(sự thông hiểu đến tột độ). Chỉ tiếc rẳng các quán vô hàng lối đã như rác rưởi của cuộc đời ùa vào chốn thiêng. Cuối đường thông là toà gác chuông với kết cấu hai tầng tám mái, ý nghĩa của nó cũng phần nào tương đồng như ở tam quan. Song trước kia nơi đây đã treo một quả đại hồng chung để “sáng chiêu” làm thức tỉnh lòng người trước khi chìm vào sự dày vò của kiếp đời nhân thế. Và mỗi chiều muội, cũng lại 108 tiếng chuông, rung lên theo những lời kinh, để diệt trừ toàn bộ phiền não cho thế gian, nhắc con người luôn hướng tới thiện tâm. Các cụ nói rằng, toà nhà cùng với đại hồng chung là sự hoà quyện chặt chẽ giữ hai hệ tư tưởng lớn giữa Phật và Nho để ban phúc cho đời (kiến trúc theo tinh thần Dịch học và tiếng chuông mang tư cách chân lý thuộc Phật Pháp). Nơi đây, cũng biểu hiện tâm bồ tát “ từ, bi, hỷ, xả ”, bởi mỗi khi nghe tiếng đại hồng chung rung lên thì mọi trừng phạt ở cõi âm đều được ngơi nghỉ để những linh hồn tội lỗi có thể trở về miền thánh thiện, nghe tiếng chuông hưởng tuần hương mà giáp ngộ rồi phiêu diêu vào cõi vĩnh hằng.

http://consonkiepbac.org.vn/Content/Images/UserFiles/image/2015/thang%206/gac%20chuong.JPG

Hình ảnh Gác chuông chùa Côn Sơn

Vượt qua gác chuông vào sân với những cây cối linh thiêng như cây đại mang tư cách “thiên – mệnh – thụ”, rồi những cây thông… cả một miền thánh thiện tràn xuống trần gian để những chúng sinh có tâm phật bước vào cõi thiêng liêng – nơi thờ các đức Phật và các thần linh liên quan.

Hiện nay, trên sân trước cửa chùa còn nhiều tấm bia quý như: Thanh Hư động có gốc từ thế kỷ XIII, XIV, song ở lĩnh vực nghệ thuật bia đứng trên rùa và đường diềm hoa cúc dây đơn, đặc biệt là rồng gãy khúc ở mặt trước…Với một hình thức như kể trên một  nhà nghiên cứu dân tộc học mỹ thuật truyền thống đã nhận ra, bia mang phong cách Mạc, với niên đại 1602 ( Hoằng Định tam niên). Nơi đây còn tấm bia trụ đề “ Côn Sơn tự ” với tạo dáng khó tìm thấy ở nơi khác, được làm năm 1607. Khi chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn ( ngày 15 tháng 2 năm 1965), Người đã dừng chân chiêm ngưỡng tấm bia này, điều đó đã nói lên sự tôn trọng văn hoá truyền thống của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc. Ngoài ra ở sân chùa còn có tấm bai bẹt được chạm trổ đạt tới trình độ cao ở giữa thế kỷ thứ XVII ( Thịnh Đức nguyên niên). Một tấm biên trụ khác đề “ Côn sơn Tư Phúc tự bi ký ” được làm năm 1607,  mang giá trị nghệ thuật dân gian với những mặt rồng ngang có vẻ đẹp đột ngột, đầy chất phóng khoáng. Mặt rồng như mặt ngưòi kèm theo sừng trâu lớn. Ở hai tấm bia trụ này có hình thức như ẩn ý nói đến ý nghĩa của phật đạo, chúng như một “trục vũ trụ” nối tầng dưới với tầng trên, mà búp trụ tượng cho thế giới giải thoát với dáng gần gũi như chiếc Tịnh bình chứa nước cam lồ; thân trụ sáu mặt nhắc ta nghĩ tới lục căn, lục trần, lục đạo trong tinh tần Phật pháp vô biên.

Từ sân chùa, bước qua bẩy bậc đá lên tiền đường. Con số 7 là con số phiếm chỉ, tức số nhiều, người ta dễ nghĩ đến bẩy bước của đức Thích Ca khi mới lọt lòng bà Magai đã bước đi 7 bước, để đem hạnh phúc vĩnh cửu đến cho toàn thế gian. Chùa chính xây theo hình chữ Công, gồm tiền đường, nhà cầu, thượng điện. Có thể tin được mặt bằng thượng điện đã có từ thời Trần(tk XIV) với một số chân tảng đá mài. Toà tiền đường là một kiến trúc 5 gian 2 chái, dựng trên nền cao, được xây kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, với cửa bức bàn theo lối thưọng song hạ bản. Hai chái lớn bưng tường, mặt trước trổ cửa sổ hình chữ Thọ ( lẽ ra phải là vòng tròn sắc không) để lấy ánh sáng từ ngoài vào. Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc chủ yếu là “tứ linh quần hùng”, “tứ quý uyên ương”, hàm chứa triết lý nhân sính sâu sắc. Kiến trúc này mới được tu sửa lại trong thời gian gần đây. Chúng ta có thể tin được rằng, ít nhất từ khoảng thời Mạc trở vể trước trọng tâm chính của chùa là nơi thưọng điện hiện nay. Bởi nơi đây vẫn còn có nền cao hơn hẳn tiền đường và nhà cầu. Đó là kiểu thức kết cấu chung của những ngôi chùa cổ hiện còn thấy rải rác khắp châu thổ Bắc Bộ. Tất cả phần cấu trúc bên trên của toà nhà này đều được làm lại gần như hoàn toàn. Chùa theo phái Trúc Lâm, thờ cả Trúc Lâm tam tổ nên ngoài tính chất Phật đơn thuần chùa còn mang tính chất đền, như ở mặt bằng đã có sự chuyển hoá “ não thuỷ” thành hồ Bán Nguyệt và tượng thờ không còn đầy đủ như những ngôi chùa khác.

Cũng như những ngôi chùa Việt cổ, mở đầu cho các tượng chùa, Phật  tử vào lễ Đức Ông như một hình thức xin phép, để sau đó được tiếp cận với Phật, chư vị bồ tát và thần linh liên quan. Đức Ông là ngài Cấp Cô Độc được Phật thọ ký cai quản mọi cảnh chùa. Vì vậy, vào chùa phải lễ đức ông trước. Ở chùa Côn Sơn, Đức Ông đội mũ cánh chuồn, mặc long bào có bổ tử chạm rồng ngang uốn lượn trong mây. Pho tượng ngồi trên ngai (không phải trên bệ) nhằm tăng thêm oai phong cho Ngài. Khuôn mặt Ngài nhiều nét chân dung, hiền từ đang chìm trong suy tư với lẽ đạo lẽ đời, vì thế so với các chùa khác Ngài như gần giũ hơn, chuẩn mực hơn.

Cũng tại toà tiền đường còn hai pho tượng Kim Cương: Pho Khuyến Thiện đề cao đạo pháp bằng viên ngọc sáng đặt trên bệ mây cuộn, pho Trừng Ác cầm pháp giới truỳ. Cả hai pho đều mặc áo võ tướng, với nhiều biểu tượng trên thân áo như hổ phù, vân xoắn để tượng trưng cho quyền uy và sức mạnh thiêng liêng gắn với sức mạnh cầu mùa, cầu phúc của cư dân nông nghiệp…áo tượng mặc gọi là áo giáp “nhẫn nhục” nhằm diệt trừ: Tham, sân, si, ái, ố, hỷ, nộ- tức dục vọng, để giữ cho thân tâm trong sáng như kim cương, lên gọi là tượng Kim Cương; với chức năng bảo hộ phật pháp, lên cũng gọi là tượng Hộ pháp.

Ở gian kề bên phải là tượng Thánh tăng (Thánh là vị thần linh gắn với trí tuệ mà đạo phật lại lấy trí tuệ làm trọng). Thánh tăng đối với người Việt được hội tụ vào vị tổ thứ hai, em họ của đức Thích Ca, đó là Ananđà (Tăng – một trong tam bảo, là những người đem phật pháp giáo hoá chúng sinh). Cũng giống như chùa khác, Thánh tăng chùa Côn Sơn đầu đội mũ Tỳ lư 7 múi, đó là 7 cánh sen, lòng mỗi cánh sen là một cành hoa cúc, đế cánh sen là một đài sen nhỏ (âm), hoa cúc (dương) tạo thành một cặp phạm trù âm dương đối đãi. Bẩy cánh sen biểu tượng âm dương đối đãi trong toàn vũ trụ. Tay trái ngoài đỡ bát nước cam lồ, tay phải kết ấn “gia trì bổn tôn”. Như vậy, tượng Thánh tăng ở đây ít nhiều có nét riêng so với nhiều chùa khác ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Tại toà thượng điện, hiện nay không còn nhiều tượng song cách thức bầy biện không còn chuẩn xác như nguyên gốc. Đáng kể nhất là bộ tam thế phật, một trong những bộ tượng đẹp nhất nước ta, được làm vào thế kỷ XVII. Tượng to ngang người thực, ngồi trên đài sen, xong đáng quan tâm là bộ tượng ít nhiều gắn nhiều với hệ thống tượng phương nam, với hình thức trật vai hữu và có vòng đeo khít ở bắp tay. Hiện tượng trật vai hữu khiến cho mọi phật tử nhớ tới tích phật khi thành đạo. Hồi đó, nhóm Kiều Trần Như đã bỏ thích ca, vì cho rằng Ngài không tuân theo tôn chỉ định sẵn, tới nay đức phật đắc đạo thì các Ngài quay trở lại, được nghe phật thuyết pháp mà giác ngộ, lên trật vai hữu ra để biểu hiện sự tôn kính. Có lẽ từ tích này mà các đức phật tự cho rằng, bản thân mình vẫn là những hiện hữu vô thường, chỉ có phật pháp vô biên là vĩnh cửu, lên đức phật trật vai hữu để tôn trọng phật pháp. Các tượng này đều có ngực nở, bụng thon, ít nhiều mặt thoáng nét Ấn Độ, ngực trạm nổi những hoa thiêng, một pho kết ấn vô uý, pho thứ hai kết ấn “Tam muội”, pho thứ ba theo kiểu “Đất chứng giám”. Ba pho tượng này lẽ ra phải được xếp cùng một hàng, nhưng vào nửa cuối thế kỷ XIX người ra đã bổ sung pho tượng Adiđà ngồi kết ấn “Tam muội” cao gần 3 mét vào không gian này, khiến cho vị trí của Tam thế bị thay đổi. Đó là biểu hiện suy lạc của nhận thức đối với phật giáo, khiến cho một pho thuộc bộ Tam thế (pho Hiện tại) bị đẩy lên phía trước. Tiếp dưới các tượng này là bộ Hoa Nghiêm tam Thánh, chính tâm là đức Thích Ca cầm bông hoa để nhắc nhở chúng sinh vào chùa thì phải “Tự tính trạng viên”, có nghĩa là phải tự mình giác ngộ lấy mình (hãy vén mây mù ngu tối che đậy thân tâm, thì tự nhiên ánh sáng trí tuệ sẽ dọi tới).

Như vậy, với chùa Côn Sơn bằng vào tượng Hoa Nghiêm, người xưa muốn dậy chúng sinh rằng, hãy đừng quên bản chất tốt đẹp của chính mình mà đến chùa là để tìm lại phật tâm ẩn tàng ở đằng sau cái vỏ vô thường của thân xác… hai bên của tượng Thích Ca là tượng Văn Thù và Phổ Hiền, sản phẩm của nghệ thuật cuối thế kỷ XVII. Tuy nhiên, phần nào đài sen của hai tượng này lại có niên đại sớm hơn. Đằng trước của tượng hoa nghiêm là hai đại đệ tử của Ngài, đó là Ca Diếp (mặy già) kết ấn “mật phùng” để giữ cho tâm thanh lòng tĩnh và Ananđà (mặt trẻ) kết ấn “liên hoa” biểu hiện cho lý- trí, âm- dương, phàm và thánh cùng một thể một cội nguồn. Đây cũng là bộ tượng khá đẹp mạng nét chân dung. Ở phía trước là tượng Thích ca sơ sinh gắn với tích phật khi xuất thế đã bước bảy bước trên bảy bông sen để đem hạnh phúc cho muôn loài trên coi đời này. Hiện nay, trên toà thượng điện vẫn giữ được một vài chân tảng đá mài chạm nổi đài sen trơn… Sự hiện diện của chúng, khiến chúng ta có thể đặt một giả thiết là, có khả năng nơi đây vào thời lý đã có một ngôi chùa nhỏ rồi tới thời Trần với sự phát triển của phái trúc lâm, nên chùa Côn Sơn mới được dựng lại thành một chốn tổ linh thiêng thu hút phật tử gần xa.

Sau phật điện qua khoảng sân gạch là tổ đường, kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm tiền bái và hậu đường. Hình thức thờ ở đây đã phần nào khác với các ngôi chùa thông thường, bởi trọng tâm của toà nhà này lấy việc thờ tam tổ làm trọng, đồng thời kèm theo đó là những vị tổ khác được ngồi ở hàng nghế dưới nhưng lại được đội mũ theo dạng Tỳ lư và cả dạng ít nhiều mang tính Đạo giáo, đó là ngoài các vị Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, thì trên ban thờ còn có tượng của đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán với khuôn mặt đầy nét chân dung, nhiều quý tướng, phục trang có mũ và áo là sản phẩm của nghệ thuật đầu thế kỷ XVIII. Có thể coi đây là một pho tượng chuẩn mực về danh nhân, gợi ý cho chúng ta tạo tác các tượng danh nhân khác.

Phía sau nhà tổ là hòn Non bộ, trước đây vốn là một ao nhỏ, nước từ mạch núi Kỳ Lân tụ lại, quanh năm nước tràn đầy trong xanh, mát mẻ. Đàn rùa tụ hội sinh sống ở đây đã bao đời, bởi vậy có tên là ao rùa. Bên ao rùa là khu vườn tháp, đáng chú ý là tháp tổ Huyền Quang (Đăng Minh bảo tháp), được tạo dáng trụ, mái tạo kiểu ngói ống điểm hoa mai mãn khai.

Đến Côn Sơn là một dịp tìm về cõi thanh hư, để gần hơn với phật tâm, nghe tiếng chuông mà nhập vào miền thánh thiện.

Nguyễn Thị Thùy Liên

Tạp chí Di sản Văn hóa số 1/2006

Trả lời