THÊM MỘT BẢO VẬT QUỐC GIA TẠI CHÙA CÔN SƠN

Chùa Côn Sơn còn gọi là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, tục gọi là chùa Hun, khởi dựng vào cuối thế kỷ XIII, được Thiền sư Pháp Loa mở rộng vào năm 1329, rồi được trùng tu tôn tạo ở các thế kỷ XVII – XVIII và những năm gần đây.

Thời Trần, chùa Côn Sơn là một trong những trung tâm của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Thời Lê, chùa có quy mô 83 gian, có tượng Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn, Cửu phẩm liên hoa với 385 pho tượng… Trong đó tiêu biểu bộ Tam Thế Phật niên đại thế kỷ XVII. Đây là bộ tượng có phong cách riêng, khác hẳn phong cách của các tượng khác trong chùa và được đánh giá vào loại quý hiếm bậc nhất của nước ta.

https://vhttdl.haiduong.gov.vn/uploads/conson300120245.jpg

Bộ tượng Tam thế chùa Côn Sơn

Bộ tượng Tam Thế bao gồm 03 vị Phật: Quá Khứ, Hiện Tại và  Vị Lai, tên gọi đầy đủ là: “Tam Thế thường trụ diệu Pháp thân” (Pháp thân: là cái thân chân thật, cái Đạo thể, Pháp tính; Diệu: đẹp, sáng, sạch, tinh tế, nhiệm màu, thoát khỏi phiền não…; Thường trụ: luôn luôn tồn tại, lúc nào cũng thế, không lệ thuộc vào bất kể điều kiện nào, không sanh, không diệt, không thay đổi, không gián đoạn…) có nghĩa là: thời quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại vĩnh hằng không bị lệ thuộc vào hình, danh, sắc, tướng của thế giới hữu hình, không lệ thuộc vào không gian và thời gian.

Một ý nghĩa khác gắn với tên gọi của các vị Phật này là: Tam Thế Tam Thiên Phật”, bao gồm “Quá Khứ Thế” (cũng gọi Trang Nghiêm Kiếp) có 1.000 vị Phật khác nhau đứng chủ; “Hiện Tại Thế” (gọi: Hiền Kiếp) gồm 1.000 vị Phật khác; “Vị Lai Thế” (Tinh Tú Kiếp) có 1000 vị. Như vậy  tượng Tam Thế tuy chỉ có ba pho, nhưng đã tượng trưng cho 3.000 vị Phật, ở ba đại kiếp (mỗi đại kiếp tương ứng 1.344.000.000 năm) mà không nhằm chỉ đích danh một vị Phật nào.

Thông thường trên Thượng điện, Tam Thế Phật được đặt ở hàng trên cùng, bộ tượng Di Đà tam tôn hàng thứ 2. Ở chùa Côn Sơn, do kích thước pho tượng A Di Đà quá lớn nếu đặt ở hàng thứ 2 sẽ che khuất tượng Tam thế Hiện Tại nên 2 pho tượng được đổi chỗ cho nhau. Hiện nay, vị trí tượng Tam Thế Phật được bài trí với Phật Quá Khứ và Phật Vị Lai đặt 2 bên tượng Phật A Di Đà ở hàng trên cùng, tượng Phật Hiện Tại đặt chính giữa hàng thứ 2.

Ba pho tượng Tam Thế chùa Côn Sơn có kích thước xấp xỉ người thực, hình dáng giống nhau, ngồi trên toà sen trong tư thế kiểu “Hàng ma”, chỉ lộ một bàn chân phải. Tượng được tạc với thân hình nở nang, tóc kết xoắn ốc nổi nhục kháo thể hiện sự sáng suốt vô biên. Khuôn mặt bầu bĩnh mang nét chân dung chuẩn mực, miệng thoáng nụ cười biểu thị sự cảm thông, cứu độ mọi chúng sinh. Phật Quá Khứ, tư thế kết ấn “Tam muội”, tay phải chồng lên tay trái, lòng bàn tay hướng lên trên, 2 ngón cái chạm nhau ấn này còn gọi là “Giới định” hoặc “Phát giới định”, giữ cho tâm thanh lòng tịnh. Phật Hiện Tại, tay trái kết ấn “Cam lồ” với ý nghĩa chống lại phiền não. Lòng bàn tay đặt bông hoa sen. Bông sen, biểu tượng của sự tự tính trạm viên tức là tự tìm thấy tâm tròn đầy, trong sáng, đẹp đẽ của mình, đấy là Phật tính. Phật Vị Lai, tay phải giơ ngang vai kết ấn “Vô úy” trừ quỷ dữ tà ma (ngoại ma) tác động đến thân tâm, tay trái úp, các ngón tay duỗi thẳng đặt trên đùi, kết ấn “xúc địa” cũng gọi là ấn “đất chứng giám”.

Ba pho tượng Tam thế được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, ngồi trên bệ sen gồm 6 lớp cánh (4 lớp cánh chính, 2 lớp cánh phụ), mỗi lớp 10 cánh, các cánh sen mập. Hai lớp cánh chính, phía trên trang trí hình bánh xe chuyển pháp luân cách điệu.

Theo tài liệu văn bia và theo tư liệu lưu truyền tại khu di tích, bộ Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bộ tượng cổ nhất tại chùa, gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa và được thờ phụng từ thế kỷ XVII. Từ đó đến nay, trải qua thời gian, chiến tranh, chùa nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, quy mô chùa, hệ thống tượng pháp có nhiều thay đổi. Song bộ tượng Tam Thế Phật tại chùa Côn Sơn với các đặc điểm tạo hình, trang trí, sơn son thếp vàng nhiều lớp, mang những hoa văn trang trí tiêu biểu trên tượng, không những kế thừa được những nét tinh túy của nghệ thuật thời trước mà còn tôn vinh được vẻ đẹp lý tưởng của Phật pháp và những đặc điểm chung về mặt tạo hình so với các bộ tượng Tam Thế cùng thời. Điểm độc đáo khiến cho những pho tượng này khác biệt với tất cả các bộ tượng Tam Thế khác đều là các hiện vật gốc độc bản, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn từ thời Lê Trung Hưng đến nay.

https://vhttdl.haiduong.gov.vn/uploads/conson300120244.jpg

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023 

Điều đặc biệt hơn nữa ở bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn đó là chiếc áo cà sa kiểu quấn mảnh vải từ vai trái vắt chéo xuống sườn phải để hở hẳn bờ vai, cánh tay và nửa ngực phải. Hiện tượng trật vai phải của những pho tượng này như để biểu thị sự tôn kính bề trên mà ở đây là Phật kính pháp. Trong kho tàng nghệ thuật cổ Việt Nam, tượng Tam thế chùa nào cũng có, hầu hết tượng Phật khoác áo cà sa che kín người hai nửa cân nhau, gọi là Tăng già lê, gồm áo mặc trong, áo mặc giữa và áo mặc ngoài; Nhưng kiểu khoác áo cà sa như thế này thì rất hiếm, trên cả nước chỉ có ở bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn và bộ Tam thế Phật chùa Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội).

Bên cạnh đótìm hiểu về tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn còn cho chúng ta thấy đây là hiện vật có những giá trị đặc biệt về lịch sử tạo dáng rất hiếm, quý và là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một phong cách, một thời kỳ lịch sử.

Về nghệ thuật tạo hình: bộ tượng Tam thế chùa Côn Sơn tiếp tục kế thừa phong cách tạo hình thời Mạc và tiêu biểu cho phong cách tạo hình tượng thời Lê Trung Hưng:

Tam Thế Phật chùa Côn Sơn được tạo tác với phong cách tạo dáng rất hiếm và quý. Tượng được tạc với biểu tượng Sahasrâra (tượng trên đỉnh đầu) là khối cầu đứng độc lập. Kiểu thức tượng Sahasrara dưới dạng một khối gần như tròn thường chỉ có ở tượng Phật thuộc “phong cách Mạc” (nửa cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII), và hiện nay còn lại rất ít (dưới 10 pho, như ở chùa Côn Sơn – Hải Dương, chùa Thái Lai – Mê Linh, Hà Nội, phần nào ở chùa Bà Tề – Phúc Thọ, Hà Nội…).

Tuy vậy, các tượng này vẫn đủ tư cách đại diện cho một phong cách riêng biệt bởi vẫn còn giữ được phong cách tạo tượng Phật từ thời trước đó (có nhiều sự tương đồng về cách tạo tượng của thời Lý…). Cụ thể là: đầu tượng có sọ trên nở, hàm thon hơn, mặt trái xoan, mà theo một số nhà nghiên cứu dân tộc học mỹ thuật truyền thống thì đó là một chi tiết để biểu hiện về sự phát triển cao độ của trí tuệ. Tóc tượng xoắn ốc, phủ đầy ở đầu và cả tóc mai xuống tới tận giữa tai và kín cả nhục kháo (unisa). Những vân ốc này được thể hiện khá đều, cân đối to nhỏ hợp lý, góp phần chưa phân biệt rạch ròi giữa sọ với nhục kháo. Theo một số nhà khảo cổ học di sản văn hóa thì các vân ốc này có thể là sự cường điệu hóa và nghệ thuật hóa một số biểu tượng về sấm chớp đã có từ thời nguyên thủy. Tượng có một bộ mặt mang nét chân dung chuẩn mực, gần gũi với khuôn mặt của người Ấn, với sống mũi cao, thẳng, nguyệt mi cong, mắt nổi khối vồng, miệng cân phân đầy đặn, khóe miệng cong lên trên. Khuôn mặt có nhiều chi tiết thuộc về đạo mà vẫn hết sức đôn hậu, thanh tú.

Thân tượng rất dày, ngực nở căng, bụng thon vừa phải, thế ngồi mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng. Đặc biệt, áo cà sa như chỉ có một lớp, và còn bó sát người như kế thừa từ phong cách nhà Lý (có ảnh hưởng từ dòng nghệ thuật Gandhâra miền Bắc Ấn Độ), với các chi tiết nổi bật như tạo thành hõm rõ rệt ở giữa cánh tay và thân, đồng thời các nếp áo còn ít, không quá nhiều như ở tượng thời kỳ sau.

https://vhttdl.haiduong.gov.vn/uploads/conson300120243.jpg

Chùa Côn Sơn nhìn từ trên cao

Tòa sen mang đậm phong cách thời Mạc. Khối căng, cánh sen phồng lên, đầy đặn.

Qua hình thức biểu hiện, trang trí của bộ tượng này, có thể thấy nghệ thuật tạo hình với nghệ thuật biểu tượng được kết hợp nhuần nhuyễn, vừa tạo cho người xem, người hành lễ bước gần hơn với thế giới Phật giáo, đồng thời cũng mang đến sự cảm khái về vẻ đẹp của mỹ thuật Phật giáo thời Lê Trung Hưng. Các pho tượng được chạm rất kỹ, quan tâm tới từng chi tiết. Người nghệ sĩ đã chú ý tới một vẻ đẹp theo quan niệm đương thời trong hình thức phúc hậu, thanh thoát. Có thể nói, bộ tượng Tam thế Phật mang ý nghĩa về các lực lượng tự nhiên, phản ánh tục cầu mưa, cầu mùa, là khát vọng hằng xuyên của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ. Yếu tố dung dị phóng khoáng của tâm thức bản địa đã Việt hóa những khuôn mẫu tôn giáo, tạo nên sự dung hội văn hóa trong ngôi chùa của người Việt.

Bên cạnh đó, tồn tại lâu đời trong lòng Di tích Quốc gia đặc biệt, bộ tượng Tam Thế Phật góp phần minh chứng một giai đoạn phát triển và khẳng định giá trị lịch sử của chùa Côn Sơn.

Với những giá trị tiêu biểu về trang trí mỹ thuật độc đáo, niên đại cụ thể, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc, ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là Bảo vật Quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (2012), “Hồ sơ khoa học Khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương”, Tài liệu lưu tại Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội.

2.     Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hải Dương, Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (2006), “Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn”, Nxb. Chính trị quốc gia.

3.     Trần Lâm Biền (1996), “Chùa Việt”, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4.   Nguyễn Khắc Minh (2010), “Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc những giá trị lịch sử văn hóa”, Luận án tiến sĩ Sử học, tài liệu lưu tại Thư viện Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Nguyễn Thị Thùy Liên (2006), “Chùa Côn Sơn”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1(14), tr. 62 – 65.

Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Để lại một bình luận