CÔN SƠN – KIẾP BẠC: NHỮNG GIÁ TRỊ DI SẢN NỔI BẬT

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương được lựa chọn đưa vào hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương được lựa chọn đưa vào hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Căn cứ 10 tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới theo quy định của UNESCO.

Chứa đựng minh chứng duy nhất và khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc đã mất

Côn Sơn từ xa xưa đã nổi danh là một trong những trung tâm Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm Đại Việt. Năm 1299, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành, tọa thiền và xây dựng Trúc Lâm thông qua việc lãnh đạo, biên soạn kinh văn, đào tạo tăng sĩ, giảng kinh thuyết pháp, từ đó trở thành Đệ nhất Tổ Trúc Lâm. Tư tưởng Trúc Lâm kể từ đó được truyền bá khắp Đại Việt, có tác động tích cực đến xã hội Đại Việt. Sau khi Phật hoàng nhập diệt, Phật giáo Trúc Lâm phát triển đến đỉnh cao dưới sự lãnh đạo của các sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang, chùa Vĩnh Nghiêm trở thành trụ sở của Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của Đại Việt. Các cơ sở Trúc Lâm được quảng bá và phát triển hơn bao giờ hết. Hàng trăm am chùa, trong đó có hai ngôi chùa lớn và năm bảo tháp được dựng và 200 tịnh xá được xây cho tăng ni. Đặc biệt, khi Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả về trụ trì tại chùa Côn Sơn. Ngài đã cho xây dựng, mở mang sơn cảnh Côn Sơn, đưa Côn Sơn trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất vùng, với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như: Đài Cửu phẩm liên hoa, Am Bạch Vân, xây dựng tăng viện đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp… Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, Đệ tam tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, được vua Trần ban sắc chỉ và xây tháp (Đăng minh bảo tháp) ở sau chùa. Ngày viên tịch của thiền sư Huyền Quang trở thành nguồn gốc lễ hội mùa Xuân Côn Sơn. Lễ hội mùa Xuân được tổ chức vào trung tuần tháng Giêng Âm lịch hàng năm với nhiều nghi thức và các hoạt động lễ hội vô cùng phong phú. Đặc biệt là nghi thức cúng đàn Mông Sơn thí thực do Đệ tam tổ Huyền Quang truyền lại, diễn ra vào ngày 23 tháng Giêng, thu hút đông đảo phật tử, Nhân dân và du khách thập phương tham dự.

                    https://vhttdl.haiduong.gov.vn/uploads/conson300120243.jpg

          Di tích chùa Côn Sơn nhìn từ trên cao 

Nếu như Côn Sơn là trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thì Kiếp Bạc là trung tâm nội đạo thờ Đức Thánh Trần. Vào thế kỷ XIII, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, vị tổng chỉ huy quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông đã chọn Vạn Kiếp để đặt đại bản doanh, xây dựng phủ đệ. Với tài thao lược của Quốc công tiết chế, Kiếp Bạc – Lục Đầu Giang đã phát huy sức mạnh tổng lực của thế trận chiến tranh Nhân dân. Dưới sự chỉ huy của Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương, quân và dân Đại Việt đã “trên dưới một lòng, cả nước giúp sức” lập nên những chiến công vang dội: Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp và cuối cùng là trận Bạch Đằng lừng lẫy, đánh bại hoàn toàn đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Từ sau cuộc đại thắng quân Nguyên lần thứ ba, Trần Hưng Đạo đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp. Ngày 20 tháng 8 năm 1300, Đại Vương mất tại Kiếp Bạc, triều đình đã tôn phong là Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương, Nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần, một trong những vị thánh Bất tử, vị thần Hòa bình và vị thần Bảo trợ của phụ nữ, xây đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ Ngài cùng với vợ, các con trai, con gái cũng như các tướng hầu cận của Ngài. Ngày giỗ của Đại Vương hàng năm trở thành ngày chính hội đền Kiếp Bạc. Các triều đại đương thời và sau đó cùng Nhân dân cả nước đều suy tôn Ngài và Kiếp Bạc trở thành một trong những trung tâm tín ngưỡng linh thiêng nhất của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ học ở khu di tích Kiếp Bạc cho thấy vùng đất này là căn cứ quân sự liên hoàn được xây dựng từ thế kỷ XIII, XIV; gồm hệ thống các di tích: Sinh Từ, Hành Cung, Xưởng Thuyền, Hố Thóc, Xóm Hống, núi thuốc Dược Sơn, Hang Tiền, Ao Cháo, Hố Chân Bia, Viên Lăng, Bãi Thảo, Hồ Bến Tắm… Căn cứ vào tầng văn hoá, hệ thống di vật, đặc biệt là nền móng các công trình kiến trúc, sân lát gạch hoa thị, hệ thống lò gốm, mộ táng… đã chứng minh khu di tích Vạn Kiếp ở thế kỷ XIII, XIV được Hưng Đạo Đại vương xây dựng với quy mô rất lớn. Sau kháng chiến chống Nguyên Mông, khu di tích Vạn Kiếp từ một căn cứ quân sự được xây dựng thành khu vực kinh tế với nhiều ngành nghề như: đóng thuyền, làm thuốc đặc biệt là sản xuất gốm sứ. Nghề sản xuất gốm sứ ở Vạn Kiếp kéo dài từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI. Như vậy sau thời Trần, khu vực Vạn Kiếp mà trung tâm là đền Kiếp Bạc vẫn được các triều đại quan tâm xây dựng, duy trì phát triển, đời sống kinh tế, văn hoá khá ổn định.

Các cuộc khai quật tại địa điểm chùa Côn Sơn đã đưa ra được nhiều bằng chứng mới về di tích và di vật từ đó đã đưa đến nhận thức về quy mô và cấu trúc của chùa Côn Sơn trong suốt diễn trình lịch sử dân tộc, theo đúng như ghi chép của sử liệu chữ viết và văn bia hiện còn lưu giữ tại di tích. Việc tìm được dấu vết kiến trúc của cửu Phẩm liên hoa thời Trần, với mặt bằng kiến trúc Cửu Phẩm khá hoàn chỉnh, góp thêm về tìm hiểu kiến trúc Phật giáo thời Trần – thế kỷ XIV. Đồng thời, là bằng chứng góp phần khẳng định chùa Côn Sơn thời Trần là nơi tu luyện, thuyết giáo, đào tạo phật tử lớn.

Các di vật khảo cổ đã chứng minh một nền văn hoá phát triển rực rỡ tại di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc ở các thời, đặc biệt là thời Trần. Từ công trình kiến trúc đến các đồ chuyên dụng đều mang phong cách, dáng dấp, nghệ thuật, thẩm mỹ tiêu biểu, điển hình của thời đại. Đó là chùa, tháp, Thanh Hư động, Sinh Từ… trung tâm sản xuất gốm Xóm Hống, lò gốm cóc Nam Tào, xưởng đóng thuyền, kho tích trữ thóc, tiền…

Cùng với hệ thống di tích là những bản kinh văn, khoa cúng, các bản sách quý hiếm, chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt giữa một vùng đồi núi trập trùng. Những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ đó luôn đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, được các thế hệ nối tiếp kế thừa ngày một phát triển và đang được các thế hệ thiền sư sau này truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới.

             https://vhttdl.haiduong.gov.vn/uploads/conson300120242.jpg

             Lễ Mông Sơn thí thực, một nội dung quan trọng trong chương trình Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc hàng năm   

Là một thí dụ nổi bật về truyền thống định cư, sử dụng đất hoặc biển đảo đại diện cho một (hoặc nhiều) nền văn hóa, hoặc sự tương tác của con người với môi trường, đặc biệt khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến đổi không thể đảo ngược

Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, từ xưa đến nay qua nhiều thế hệ đã thích ứng, tương tác hài hòa với một cảnh quan và hệ sinh thái thiên nhiên đẹp, gần với cảnh giới Tiên Phật; có kết cấu địa chất vững chắc, vừa an toàn cho công trình, vừa sẵn nguồn vật liệu xây dựng, lại có đủ các điều kiện vật chất thiết yếu khác giúp cho người tu hành đắc đạo và đặc biệt, có điều kiện giao thương, thông tin, liên lạc, an ninh, quốc phòng thuận lợi. Viết về Côn Sơn – Kiếp Bạc, sách Cao Biền di cảo và Chí Linh phong vật chí chép rằng: Côn Sơn – Kiếp Bạc mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình, kỳ dạng, long bàn hổ cứ, như muôn quân, nghìn tướng chầu về… ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời… Khu di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề; Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn – Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa (phía tây Bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, Ngũ nhạc, Lục Đầu giang.

Chùa Côn Sơn xây dựng theo hướng Nam ghé Đông. Lấy núi Kỳ Lân làm hậu chẩm; núi An Lạc làm tiền án; núi An Phụ thế hồi long chầu về; minh đường là hồ Bán Nguyệt, nơi tụ linh, tụ thủy, tụ phúc; Sự đăng đối hồ Bán Nguyệt và núi Kỳ Lân lấy từ tích truyện “Khuấy biển sữa” của cư dân Nam Á. Quan niệm dân gian về “Thực ăn Trăng” (nguyệt thực) rằng: “khi hổ phù nuốt hết mặt trăng mà nhả mặt trăng ra ở phía trên (đằng nách) thì năm đó Nhân dân sẽ đói kém, nếu nhả mặt trăng ra ở phía dưới thì đất nước có chiến tranh. Nhưng hổ phù không nuốt được vầng trăng phải nhả thẳng ra thì năm đó đất nước nhân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu”. Bao thế kỷ qua, hồ Bán Nguyệt vẫn yên ả, thanh bình in hình Tư Phúc tự lung linh trong nước, để lại phía sau con Kỳ Lân nằm phủ phục, chẳng khi nào nuốt nổi vầng trăng, tạo nên sự yên ả tâm linh của bao thế hệ con người. Không gian xung quanh chùa Côn Sơn thanh trong, khói ngàn mờ ảo. Núi rừng hùng vĩ ngàn năm róc rách suối reo. Tới đây, người ta thực sự được thưởng thức hương vị, cảnh sắc núi rừng mà chỉ riêng Côn Sơn mới có:

Côn Sơn suối trong phun châu nhả ngọc,

Côn Sơn vách dựng tùng trúc hiên ngang.

Côn Sơn tịnh thổ, linh thứu, kỳ viên,

Côn Sơn Bạch Vân bồng lai tiên cảnh”.

Đây thực sự là nơi vân du, ẩn dật và tu tâm dưỡng tính của các bậc danh nhân, tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách, tinh hoa văn hóa Việt Nam ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Cuối thế kỷ XIII, Thiền phái Trúc Lâm đã dựng liêu Kỳ Lân cho các tăng ni tu hành. Ba vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã từng tu hành và thuyết pháp ở đây. Trần Nguyên Đán – quan Đại tư đồ phụ chính, nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư động để lui nghỉ những năm tháng cuối đời. Thời Lê sơ, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp với Côn Sơn. Lê Thánh Tông, vị minh quân và là Tao Đàn nguyên súy (thời Lê sơ); Thánh thơ Cao Bá Quát (thời Nguyễn)… đều đã đến đây, vãng cảnh, làm thơ, để lại những thi phẩm giá trị. Tháng 2 năm 1965, Hồ Chủ tịch về thăm Côn Sơn. Người đã lên thăm Thạch Bàn, Thanh Hư động và đọc văn bia trước cửa chùa Hun, bằng sự trân trọng thiêng liêng và niềm giao cảm đặc biệt với cổ nhân.

Đền Kiếp Bạc được xây cất ở nơi vốn là phủ đệ, thái ấp, nơi Hưng Đạo Đại vương huấn luyện quân sỹ. Đây là vùng có hình sông, thế núi hiểm yếu về quân sự, đắc địa về phong thuỷ, có tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng, địa linh nhân kiệt, danh sơn huyền thoại với những thắng cảnh đẹp, những di tích cổ kính gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Vạn Kiếp cũng là nơi nổi tiếng về giao thương, buôn bán. Sách “Đại Nam nhất thống chí” viết về hình thế đất Hải Dương trong đó nêu vai trò quan trọng của khu Vạn Kiếp viết: “Hình thế vững vàng; núi cao có Yên Tử, Đông Triều, sông lớn có Hàm Giang, Lục Đầu. Mặt Tây – Nam nội rộng đất bằng, đường sông như mắc cửi, mặt Đông – Bắc núi cao, biển rộng, thế rất hiểm trở, về việc phòng bị quan hệ rất nhiều” [125, tr. 367]. Vạn Kiếp là nơi hội tụ của 2 long mạch lớn. Phía Đông Bắc muôn ngàn ngọn núi từ dãy huyền đinh, Yên Tử tụ về dừng mạch ở đây đột khởi thành núi Rồng đối ngạn với sông Lục Đầu; Phía Tây Bắc mạch núi Nham Biền hùng vĩ (khởi nguồn từ vòng cung Bắc Sơn) còn gọi là dãy núi Neo tạo thành 100 ngọn, giống như 100 con chim Phượng Hoàng dẫn về Vạn Kiếp, 99 ngọn (99 con chim phượng) ở lại bên hữu ngạn sông Lục Đầu thuộc đất Bắc Giang; Con chim Phượng Hoàng đầu đàn thứ 100 bay sang tả ngạn sông Lục Đầu là núi Phượng Sơn (ngọn núi thứ 100) chầu về đền Kiếp Bạc. Trước đền Kiếp Bạc, sông Lục Đầu uốn khúc thành hình chữ Ất, tựa như cung “Thái Ất kim tinh”. Từ Kiếp Bạc hệ thống giao thông thuỷ, bộ rất thuận tiện, có thể về Thăng Long, lên ngược, về xuôi, ra biển đều dễ dàng. Hệ thống giao thông thuỷ, gồm 6 con sông (Lục Đầu Giang) là những đường giao thông trong nội địa mà còn là những trục giao thông huyết mạch quan trọng có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế, chính trị và quân sự của cả vùng Đông Bắc. Từ Vạn Kiếp theo sông Lục Nam – Minh Đức ngược dòng tới Lục Nam, qua Chũ (Bắc Giang) rồi lên biên giới Lạng Sơn; Từ Lục Nam rẽ phải qua Ba Chẽ (Quảng Ninh) rồi ra biển Đông. Theo sông Thương – Nhật Đức ngược dòng lên tới Bắc Giang, Bắc Sơn, Thái Nguyên… rồi đi sâu vào các địa phương vùng núi phía Bắc. Sông Cầu – Nguyệt Đức dẫn lên Bắc Ninh, Phù Lỗ, Thái Nguyên… Từ Vạn Kiếp theo sông Đuống tới sông Hồng về kinh đô Thăng Long, từ đây lên Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ… Từ Vạn Kiếp theo sông Kinh Thầy tới Bạch Đằng ra cửa Nam Triệu tới khu Bãi Cháy, Hạ Long; Theo sông Thái Bình xuôi dòng qua đất Hải Dương, tới Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Kiến Thuỵ, Quỳnh Phụ (Thái Bình) rồi ra biển Đông [155]. Về đường bộ, Vạn Kiếp nằm trên trục hành lang giao thông Đông, Tây nối kinh đô Thăng Long với khu vực miền Đông Bắc (nay là Quốc lộ 18). Trục giao thông bắc Nam từ khu vực phía Bắc (Lạng Sơn, Bắc Giang, Tiên Yên…) qua Vạn Kiếp xuống Hải Dương, Thái Bình… (nay là Quốc lộ 17). Hệ thống núi đồi ở đây có độ cao trung bình từ 50 đến 200m, hợp mạch liên hoàn với hệ thống núi Phả Lại, Phượng Hoàng, Côn Sơn tạo thành bức tường thành che chắn vững chắc bao bọc khu vực Vạn Kiếp. Rất thuận lợi cho việc dụng binh, dấu quân và lập căn cứ quân sự an toàn. Giữa các dãy núi là những thung lũng rộng lớn có thể tập kết hàng chục vạn quân, hàng nghìn thuyền chiến, cũng là nơi phát triển hậu phương vững chắc. Vì vậy nơi đây luôn là vị trí quân sự quan trọng bậc nhất, là căn cứ quân sự chiến lược bảo vệ cho kinh đô Thăng Long mà các triều đại phong kiến đều lấy Vạn Kiếp để xây dựng phòng tuyến trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.

         https://vhttdl.haiduong.gov.vn/uploads/conson300120241.jpg

         Nghi môn đền Kiếp Bạc, công trình có giá trị lịch sử, nghệ thuật 

Có liên hệ trực tiếp hoặc hữu hình với các sự kiện hay truyền thống sinh hoạt, với các ý tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm văn học, nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu

Qua nhiều nguồn tư liệu để lại cho đến ngày nay được biết, thiền phái Trúc Lâm có ba vị tổ là: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Văn bia ở Đăng Minh Bảo tháp có ghi pháp hiệu của ba vị thánh tổ của dòng thiền Trúc Lâm như sau:

 Đệ nhất đại Thánh tổ: Nam Mô Ma Ha Yên Tử Sơn, Hoa Yên Thiền Viện, Huệ Quang Kim Tháp, Đệ Nhất Đại Thánh Tổ Trúc Lâm Đầu Đà, Tịnh Huệ Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông Vương Phật.

Đệ nhị đại Thánh tổ: Nam Mô Ma Ha Phật Tích Sơn, Thanh Mai Thiền Viện, Viên Thông Bảo Tháp, Đệ Nhị Đại Thánh Tổ Trúc Lâm Đầu Đà, Pháp Loa Tôn Giả, Quốc Tứ Đặc Phong Phổ Tuệ Tịnh Trí Giác Thiền Tọa Hạ.

Đệ tam đại Thánh tổ: Nam Mô Ma Ha Côn Sơn, Chân Phúc Viện, Đăng Minh Bảo Tháp, Đệ Tam Đại Thánh Tổ Trúc Lâm Đầu Đà, Huyền Quang Tôn Giả, Quốc Tứ Đặc Phong Tam Giáo Trạng Nguyên Thiền Tọa Hạ.

Thiền phái Trúc Lâm được sáng lập trong hoàn cảnh nhà Trần hưng thịnh với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giang sơn được mở rộng, kinh tế phồn vinh, chính trị ổn định. Tư tưởng của “Thiền Trúc Lâm lấy sự giác ngộ trong lòng làm gốc, mong muốn đưa Phật đến mọi nhà, mọi người đồng thời cũng gắn Phật với cuộc sống thực tại, với vận mệnh của dân tộc”. Và như vậy, Thiền Trúc Lâm ra đời không để cứu rỗi chúng sinh lầm than như các tôn giáo khác, mà Thiền Trúc Lâm là phương tiện để hoàn thiện một giáo lý, một chân lý đốn ngộ và giải thoát bằng cách mỗi cá thể con người hãy làm việc thiện, hòa nhập mình trong khối đoàn kết của cộng đồng dân tộc.

Thiền phái Trúc Lâm là Phật giáo hướng nội, Phật giáo nhập thế, khai phóng, vị tha. Thiền phái Trúc Lâm chủ trương gắn đạo với đời, gắn xu thế nhập thế của Thiền với việc giữ gìn làng nước của cả dân tộc, nó mang đậm bản sắc dân tộc, tinh thần yêu nước chân chính, tinh thần nhập thế tích cực, kết hợp chặt chẽ Đạo với Đời, Đời với Đạo. Giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm được kết tinh bởi nhiều yếu tố và kế thừa, phát huy. Trên cơ sở kế thừa, Trúc Lâm Tam Tổ đã tập hợp lại thành các kinh văn, các bản sách rất quí giá như: “Thiền lâm thiết chủy ngữ lục”, “Đại Hương Hải ấn thi tập”, “Tăng già toái sự”, “Thạch thất mỵ ngữ”, “Truyền Đăng Lục”, “Thượng Sĩ hành trạng”, “Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương”, “Phổ Tuệ ngữ lục”, “Khoa cúng Cửu Phẩm”… Đây là những cuốn sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối và tu hành thập thiện.

Từ thế kỷ XV đến nay, Phật giáo có lúc thịnh lúc suy nhưng tư tưởng Thiền Trúc Lâm – Thiền nhập thế cứu đời vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay tư tưởng Thiền Trúc Lâm vẫn được phát huy, để đời và đạo hòa làm một, củng cố tinh thần tự tôn dân tộc, hưng bang đất nước, lợi lạc quần sinh.

Phật giáo Trúc Lâm có nhiều hình thức tu tập. Là một Thiền phái cởi mở, Trúc Lâm đã tiếp thu tinh hoa của các tôn giáo cũng như các Thiền phái Phật giáo khác. Trúc Lâm coi trọng việc tu dưỡng giới hạnh, sám hối, niệm Phật, tọa thiền, dần dần giác ngộ thành Phật, hoằng dương phật pháp. Các nhà sư Trúc Lâm đương thời đặc biệt chú trọng đến việc tu, đọc kinh niệm Phật mỗi ngày. Nhiều kinh văn của Tam Tổ Trúc Lâm đã được biên soạn, chú giải và thuyết giảng trong hầu hết các “an cư kiết hạ” ở hầu khắp các chùa Trúc Lâm ở Yên Tử cũng như trên toàn quốc. Các khóa tu và các hình thức sám hối Trúc Lâm vẫn đang được tăng ni các chùa Trúc Lâm thực hành.

Về nghi lễ thờ cúng, tại chùa Côn Sơn, Tam Tổ Trúc Lâm được tạc tượng thờ tại Tổ đường. Phía sau chùa là Đăng Minh Bảo tháp, tháp mộ của Đệ Tam tổ Huyền Quang. Tại đền Kiếp Bạc, các nghi lễ thờ cúng Đức Thánh Trần được cử hành trang trọng. Các nghi thức cúng tế ở đây từ xưa, được ghi vào điển lễ nhà nước, được quy định cụ thể và thực hiện nghiêm ngặt qua các thời kỳ lịch sử. Việc thờ cúng ở Côn Sơn cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng thờ Phật Trúc Lâm với Nho giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đền Kiếp Bạc thể hiện sự kết hợp giữa thờ cúng tổ tiên, các vị Thánh và các Anh hùng dân tộc. Việc thờ cúng ở đây đã được quy định từ thời nhà Trần với mục đích là tôn vinh vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, vị Quốc công Tiết chế có công đánh giặc Mông trong thế kỷ 13. Chính điện đền Kiếp Bạc thờ các thành viên trong gia đình Ngài, gồm Trần Hưng Đạo, phu nhân, tứ vị vương tử, nhị vị vương cô và người con rể là danh tướng Phạm Ngũ Lão, cùng với hai tướng cận vệ Yết Kiêu và Dã Tượng. Trần Hưng Đạo được tôn là Đức Thánh Trần và dưới ảnh hưởng của Đạo giáo, là Cửu Thiên Vũ Đế, thay mặt Ngọc Hoàng cai quản Tam giới (Trailokya) ở trời Nam. Ở hai bên đền thờ Ngài có đền Nam Tào, Bắc Đẩu (thờ hai vị thần phụ tá của Ngọc Hoàng).

Ở khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc có lễ hội mùa Xuân và lễ hội mùa Thu. Các lễ hội đều được tổ chức với quy mô rất lớn và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thu hút một số lượng rất lớn khách hành hương. Lễ hội chùa Côn Sơn được sử liệu cổ mô tả như sau: “Tục cũ cứ đến đầu năm mới, trai thanh gái lịch kéo nhau về đây vãng cảnh, đường xá đi lại đông như mắc cửi, thực là một nơi đại thắng tích” (Vũ Phương Đề, thế kỷ 19 thời Nguyễn 2001: 36). Các lễ hội có nhiều hình thức cúng dường chư Phật Trúc Lâm, nghi lễ cúng Phật, cúng trời đất để cầu quốc thái dân an, lễ đàn Mông Sơn thí thực…

Lễ hội đền Kiếp Bạc là lễ hội đặc sắc được tổ chức vào tháng 8 Âm lịch. Quang cảnh lễ hội lớn nhất miền Bắc này được ghi lại từ đầu thế kỷ 20: “Hàng năm, đám đông đủ sắc màu nối trên các nẻo đường, thuyền bè nhộn nhịp cập bến với vô số người hành hương về Kiếp Bạc. Các đoàn rước, diễu hành được tổ chức với nhạc truyền thống và nhiều đồ cúng” (M. Durand 1959: 80). Lễ hội ở đây tập trung tôn vinh vị Anh hùng chống ngoại xâm thế kỷ 13, trong đó có diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu gợi nhớ trận thủy chiến của vị Thống tướng, nghi lễ hầu thánh tôn vinh oai linh và sức mạnh của Đức Thánh Trần trong việc bảo vệ đất nước, gìn giữ hòa bình và bảo trợ phụ nữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (2012), “Hồ sơ khoa học Khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương”, Tài liệu lưu tại Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội.

2. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hải Dương, Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (2006), “Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn”, Nxb. Chính trị quốc gia.

3. Nguyễn Khắc Minh (2010), “Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc những giá trị lịch sử văn hóa”, Luận án tiến sĩ Sử học, tài liệu lưu tại Thư viện Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.

4Nguyễn Thị Thùy Liên (2006), “Chùa Côn Sơn”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1(14), tr. 62 – 65.

5. Lê Duy Mạnh (2015), “Đại bản doanh Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4(89) .

Ngô Thị Lượng 

Trả lời