Nằm cách đền Kiếp Bạc trừng 800m về phía đông nam bên dòng Lục Đầu Giang hùng vĩ là di tích Sinh Từ – ngôi đền được vua Trần cho lập thờ Trần Hưng Đạo ngay từ khi còn sống. Hiện nay, Sinh Từ không còn nữa. Người ta chỉ có thể nhận biết về di tích qua truyền thuyết, các đợt khai quật khảo cổ học và một số tư liệu chính sử.
Trần Hưng Đạo là người anh hùng dân tộc và là vị tướng soái lỗi lạc của nhân loại. Cuộc đời, sự nghiệp của ông gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vĩ đại của dân tộc ở thế kỷ XIII. Sau khi đã dẹp yên giặc ngoại xâm, ông về sống tại tư dinh Vạn Kiếp (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Với những cống hiến to lớn, ông đã được vua Trần phong tướcc Đại Vương và cho lập đền thờ sống gọi là Sinh Từ, cho khắc bia ghi công đức đặt tại Sinh Từ gọi là Sinh bi. Việc lập Sinh Từ, Sinh bi là sự ngưỡng vọng đặc biệt mà nhà vua và nhân dân đã dành cho ông. Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Mùa thu tháng 8 ngày 20, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương. Thánh Tông có soạn bài văn bia ở Sinh Từ (của Trần Quốc Tuấn), ví ông với Thượng Phụ (ngày xưa)”. Trong Đại Nam nhất thống chí cũng ghi: “Đền Trần Hưng Đạo Đại vương ở sơn phận xã Vạn Yên, huyện Phượng Nhãn. Vương tự là Quốc Tuấn, đời Trung Hưng đánh tan quân Nguyên, được lập Sinh Từ ở chân núi, sau khi mất ở đây, Trần Thánh Tông làm bài văn bia ở Sinh Từ sánh Quốc Tuấn với Thượng phụ”.
Sinh Từ nằm trong phủ đệ xưa của Trần Hưng Đạo (còn gọi là Thung Trong), nhìn ra sông Lục Đầu, thuộc hương Vạn Kiếp thời Trần. Nơi đây có địa thế hiểm trở. Hệ thống Lục Đầu Giang vừa hội tụ vừa lan toả, những thung lũng, sông nựng, đồi núi đan xen tạo thành một trận đồ thiên tạo xung yếu. Không chỉ vậy, Vạn Kiếp còn mang chiều sâu tâm linh. Nếu hệ thống đồi núi của Chí Linh có đủ tứ linh quần tụ (long, lân, quy, phượng) thì tại Vạn Kiếp đã có hai dãy núi mang tên hai con vật thiêng: Long, Quy (cả hai dãy núi này đều bao bọc Sinh Từ ).
Dấu tích di tích Sinh Từ tại khu di tích đền Kiếp Bạc
Xung quanh Sinh Từ là quần thể các di chỉ, di tích thời Trần gắn liền với Trần Hưng Đạo và cuộc kháng chiến chống quân Nguyên: Phía trước có sông Vang, Xưởng Thuyền, xóm Hống, di tích Bắc Đẩu, đường Hành Cung…phía tây bắc là đường mòn gánh gạch, phía đông bắc có dãy núi Rồng…núi bao bọc ba mặt tạo thành một bức tường thành tự nhiên che chắn vững chắc. Núi Bắc Đẩu, núi Quy Sơn tạo thế tay ngai đăng đối. Tại những địa điểm này, người ta đều phát hiện thấy gạch ngói, gốm sứ có niên đại thế kỷ XIII – XIV…
Qua bao năm tháng thăng trầm, phủ đệ xưa của Trần Hưng Đạo, Sinh Từ không còn nữa. Hiện nay, tại khu vực Thung Trong vẫn con một nền đất hình chữ nhật có kích thước 48,5 x 29m, ở độ cao từ 1 – 1,5m so vớ mặt ruộng được gọi là nền Từ hay Từ Cũ. Tuy vậy, có thể dễ dàng nhận ra kiến trúc ở đây không chỉ có Nền Từ mà còn phân bố ra xung quanh. Tại khu vực này, người ta đã phát hiện nhiều đồ gốm sứ cao cấp thời Trần có men ngọc, da lươn… nhiều lớp ngói, ngạch trang trí, gạch kiến trúc, hàng chục kg tiền thời Trần, chì lưới đánh bắt cá lớn, còn phát hiện nhiều đinh thuyền ở phía tây nền Từ, phát hiện đầu rồng bằng đất nung… Đặc biệt trong đợt khai quật khảo cổ học khá quy mô vào năm 2000 do Bảo tàng lịch sử và Sở Văn hoá thông tin phối hợp với Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tiến hành đã phát hiện dấu tích nền móng kiến trúc, dấu tích bờ kè, bếp lửa, ống dẫn nước cỡ lốn, gạch tang trí, gạch kiến trúc, nhiều đồ gốm sứ thời Trần…
Với ý nghĩa lớn lao của di tích, trong quy hoạch tổng thể của khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn (2010 – 2020); di tích Sinh Từ được ưu tiên tôn tạo, đáp ứng ngưỡng vọng nhân dân cả nước, đó cũng là việc làm thiết thực thẻ hiện lòng biết ơn của dân tộc đối với Hưng Đạo Vương – Đức Thánh Trần, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.