XÂY DỰNG BẢO TÀNG TRẦN HƯNG ĐẠO Ở KIẾP BẠC

Việc xây dựng Bảo tàng Trần Hưng Đạo sẽ góp phần gìn giữ, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu ông cha ta để lại ở mảnh đất thiêng Vạn Kiếp, khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo (TP Chí Linh).

dsc_2192.jpg Tượng thờ Trần Hưng Đạo ở đền Kiếp Bạc. Ảnh: Thành Chung

Di sản văn hoá Vạn Kiếp

Đền Kiếp Bạc nằm trong quần thể di tích lịch sử Vạn Kiếp, địa danh quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (thế kỷ XIII) của quân dân Đại Việt. Nơi đây lưu giữ và toả sáng các giá trị tư tưởng, tín ngưỡng tâm linh liên quan đến danh tướng huyền thoại Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Dưới thời Trần, các vương hầu đều có phủ đệ riêng ở các địa phương, khi có triều yết thì về kinh đô. Phủ đệ của Hưng Đạo Đại vương ở Vạn Kiếp xưa, là Kiếp Bạc ngày nay.

z5397854288068_c9825a004ebff8f6d4ab2ca41b35bec5.jpg Đền Kiếp Bạc (Chí Linh) gắn liền với tên tuổi của Anh hùng dân tộc, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ngôi đền này nổi tiếng linh thiêng

Tại phủ đệ, Hưng Đạo Đại vương đã xây dựng quân đội hùng mạnh, chuẩn bị lương thực, vũ khí, luyện võ, viết Binh thư yếu lược, Hịch tướng sĩ khơi dậy tinh thần toàn dân chống giặc ngoại xâm. Dưới sự chỉ huy của ông, quân dân nhà Trần đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng, trong đó có trận Vạn Kiếp năm Ất Dậu (1285).

Ngày 20/8/1300 (âm lịch), Hưng Đạo Đại vương mất tại phủ đệ. Vua Trần phong ông là Thái sư Thượng phụ, Thượng quốc công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương. Ông được nhân dân lập đền thờ ngay trên nền của phủ đệ Vạn Kiếp. Đây là điều “độc nhất vô nhị” bởi một người có thật được phong thánh chứ không phải nhân vật trong truyền thuyết.

Năm 1972, Viện Bảo tàng lịch sử quốc gia (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) khai quật phía sau đền Kiếp Bạc và đã tìm thấy dấu tích nền móng kiến trúc phủ đệ Vạn Kiếp với quy mô lớn, mang phong cách kiến trúc hoàng gia điển hình của triều Trần. Đoàn khai quật nhận định: “Đây là một di tích kiến trúc với những mảng còn lại cho biết có quy mô lớn, gợi cho chúng ta những tòa dinh thự nguy nga trong thời kỳ Vạn Kiếp” hay “Từ trước tới nay, ở nước ta đào được di tích như thế này rất ít. Đây là những di tích rất có giá trị”.

z5397847565803_9cb5c560ea39e15286ed796ad527f5e3.jpg Hiện vật cổ đang được trưng bày ở đền Kiếp Bạc

Đền Kiếp Bạc ngày nay không chỉ là đền thờ tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo mà còn liên quan mật thiết đến lịch sử phủ đệ Vạn Kiếp của ông, gắn liền với thái ấp Vạn Kiếp, một địa danh nổi tiếng trong lịch sử chống quân xâm lược của nhà Trần. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến Kiếp Bạc đã để lại dòng lưu bút khẳng định vai trò và giá trị đặc biệt của khu di tích Kiếp Bạc trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Cần thiết xây dựng

z5397846898196_1eff4354bb7b56b9afe9de13a36825c1.jpg Phía sau đền Kiếp Bạc, nơi dự kiến xây dựng Bảo tàng Trần Hưng Đạo

Việc xây dựng Bảo tàng Trần Hưng Đạo được đánh giá phù hợp chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá của Hải Dương, phù hợp quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử, văn hoá Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch chung TP Chí Linh đến năm 2040.

Bảo tàng sẽ góp phần hoàn thiện các công trình kiến trúc và cảnh quan nội tự đền Kiếp Bạc, nâng tầm giá trị lịch sử khu di tích quốc gia thông qua việc trưng bày di tích, di vật khảo cổ học giới thiệu về phủ đệ Vạn Kiếp, Hưng Đạo Đại vương, lịch sử hào hùng của triều đại nhà Trần. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trên thế giới, nhiều bảo tàng danh nhân được xây dựng như nhà Bảo tàng của đại danh họa Claude Monet, văn hào Victor Hugo ở Pháp, nhà soạn nhạc Mozart ở Áo…

z5397849514788_3f1ca9e49c748a28d9bfa2deb82b0923.jpg Khu di tích Vạn Kiếp trên bản đồ

Bảo tàng Trần Hưng Đạo dự kiến được xây dựng phía sau đền Kiếp Bạc, hiện trồng cây xanh, bãi đỗ xe và một phần khu vực vườn hoa cạnh khu nhà khách của Ban Quản lý di tích, với tổng diện tích mặt bằng 8.934 m2. Bảo tàng gồm 2 công trình đối xứng nhau: Bảo tàng Trần Hưng Đạo rộng khoảng 655 m2, nhà trưng bày tín ngưỡng Đức Thánh Trần có diện tích khoảng 446 m2. Ngoài ra còn có khu trưng bày lộ thiên di tích khảo cổ học kiến trúc phủ đệ Vạn Kiếp thời Trần và cảnh quan, tiểu cảnh, biểu tượng mang đặc trưng giá trị lịch sử của khu di tích…

Theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 1/3/2024 về việc điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và năm 2024 (lần 2); UBND tỉnh có Thông báo số 53/TB-UBND ngày 6/3/2024 danh mục dự án và dự kiến kế hoạch vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 nguồn ngân sách tỉnh, công trình này có tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng.

Việc xây dựng Bảo tàng Trần Hưng Đạo được nhiều người dân sống quanh khu vực Kiếp Bạc đồng tình, ủng hộ. Ông Lê Văn Hảo ở xã Hưng Đạo (TP Chí Linh) cho biết: “Tôi thấy việc xây dựng Bảo tàng Trần Hưng Đạo là cần thiết bởi sẽ lưu giữ và trưng bày được nhiều tư liệu quý liên quan đến Đức Thánh Trần. Từ đó, giúp những người đến thăm di tích hiểu thêm về vị anh hùng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

z5397852844066_03310647a10f49531596ce639b2eeeca.jpg Nghi môn đền Kiếp Bạc

Bảo tàng Trần Hưng Đạo được thực hiện sẽ bảo tồn và phát huy những giá trị khoa học, chính trị, văn hoá, xã hội sâu sắc, để cho thế hệ con cháu tỏ lòng thành kính với những chiến tích của Đức Thánh.

Nguồn: baohaiduong.vn

Để lại một bình luận