Chào mừng ngày giải phóng miền nam 30/4 và quốc tế lao động 1/5, Ban quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc tổ chức trưng bày: “Hình ảnh và hiện vật cổ đền Kiếp Bạc” tại khu di tích quốc gia đặc biệt Kiếp Bạc,từ ngày 30/4/2021. Trưng bày bao gồm nhiều hình ảnh về di tích, lễ hội đền Kiếp Bạc từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX; và nhiều hình ảnh, hiện vật từ các cuộc khai quật khảo cổ học tại Kiếp Bạc. Những hình ảnh, hiện vật đã tái hiện 1 cách sinh động câu chuyện cổ xưa về đền Kiếp Bạc. Nơi đây, vào thời nhà Trần ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn- vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, vị tổng chỉ huy quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông đã chọn Vạn Kiếp để đặt đại bản doanh, xây dựng phủ đệ. Với tài thao lược của Quốc Công Tiết Chế, Kiếp Bạc- Lục Đầu Giang đã phát huy sức mạnh tổng lực của thế trận chiến tranh nhân dân. Dưới sự chỉ huy của Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, quân và dân Đại Việt đã “trên dưới một lòng, cả nước giúp sức” lập nên những chiến công vang dội: Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp và cuối cùng là trận Bạch Đằng lừng lẫy, đánh bại hoàn toàn đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, để non sông toàn vẹn, dân tộc khải hoàn ca khúc thái bình. Từ sau cuộc đại thắng giặc Nguyên lần thứ ba, Trần Hưng Đạo đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp cho tới cuối đời. Đây cũng là nơi Ngài đã viết lên những tác phẩm bất hủ: “Binh gia diệu lý yếu lược”, “Hịch tướng sỹ”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”…
Bởi Đại Vương là danh tướng bậc nhất, lập nên công nghiệp hiếm có, Ngài được triều đình nhà Trần cho lập đền thờ ngay khi còn sống, gọi là Sinh Từ; Thượng hoàng Trần Thánh Tông tự soạn văn bia ca ngợi công đức Đại Vương. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), Đại Vương mất tại Kiếp Bạc. Triều đình đã tôn phong là Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương; nhân dân Đại Việt tôn là Đức Thánh Trần, xây đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ công lao to lớn đối với non sông đất nước. Ngày giỗ Đại Vương hàng năm trở thành ngày chính hội đền Kiếp Bạc, thu hút hàng chục vạn con dân Đại Việt từ khắp mọi miền đất nước về kính bái, nguyện cầu.
“Dù ai buôn bán gần xa
Hai mươi tháng tám giỗ Cha thì về”.
Trải qua hơn 700 năm tồn tại và phát triển, đền Kiếp Bạc luôn được các triều đại đặc biệt quan tâm, đầu tư xây dựng và tu bổ, trở thành mảnh đất tâm linh, nơi tìm về dâng tấm lòng tri ân thành kính của biết bao thế hệ con dân đất Việt.
Có thể nói, mỗi cảnh sắc, hiện vật, dấu tích ở Kiếp Bạc đều gợi nhớ về bản hùng ca giữ nước của dân tộc ở triều đại nhà Trần, gợi nhớ về Đức Thánh Trần linh thiêng trong tâm thức dân tộc Việt- Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Và những hình ảnh, hiện vật cổ đền Kiếp Bạc chính là một trong những minh chứng hào hùng, đặc sắc nhất.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRƯNG BÀY
Toàn cảnh đền Kiếp Bạc năm 1920
Đền Kiếp Bạc năm 1895
Lễ hội đền Kiếp Bạc đầu thế kỷ XX
Lễ hội đền Kiếp Bạc năm 1982
Dấu tích phủ đệ của Hưng Đạo Đại Vương thế kỷ XIII,
khai quật khảo cổ học sau đền Kiếp Bạc năm 1972
Tin bài, ảnh: Phòng Nghiệp vụ