TRÒ CHƠI ĐU TIÊN TRONG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG – MÙA XUÂN CÔN SƠN

Đánh đu là một trò chơi phổ biến trong lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn, được tổ chức từ ngày 16 và kéo dài cho đến ngày 18 tháng Giêng, với hình thức phổ biến là đu đôi, vẫn được gọi là đu tiên, với từng cặp (một nam, một nữ) thanh niên cùng lên đu so tài.

Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng, như trong câu ca:

Nhún mình như thể nhún đu.

Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm

Để tổ chức trò Đu tiên, ngoài việc phải chôn một cây nêu cao vút, cắm những lá cờ lưỡi hổ ngũ sắc ra, bao giờ người ta cũng dành một khoảnh đất có cỏ ở bên sân  sân chùa làm bãi đu. Dựng cây đu trên bãi đu là cả một công trình của Ban tổ chức. Họ phải đi chọn tre, đẵn tre, đào hố, chôn cột đu… bắc qua hai cột đu vững chắc là một cây tre đực, thẳng. Cả một hệ thống ròng rọc bằng gỗ, những con sỏ, những dây tre cuốn sẵn buộc chặt lấy bộ phận khớp đu. Từ đây, buông dài xuống gần mặt đất là hai thanh tre dài, dẻo mà rắn chắc, ngay thẳng. Hai tay tre đặc biệt này được gọi là tay đu. Phía dưới của hai tay đu được nối liền với nhau qua một chiếc bàn gỗ gọi là bàn đu, là nơi để người đánh đu đứng lên.

http://consonkiepbac.org.vn/Content/Images/UserFiles/image/2015/thang%205/du%20tien.JPG

Hình ảnh trò chơi đu tiên 

          Khi đánh đu, nếu là một người thì chỉ việc đứng lên bàn, hai tay nắm lấy hai tay đu rồi nhún cho đu bay. Nếu đánh đu kiểu một nam một nữ thì bốn bàn chân của hai người đều đứng lên bàn đu kiểu so le. Hai tay của cô gái nắm chặt vào hai tay đu. Hai tay người con trai cũng bám vào tay đu nhưng ở vị trí cao hơn hoặc thấp hơn một chút. Hai người giáp mặt nhau. Tư thế này là tư thế vòng tay xiết. Khi bắt đầu đu, họ thường đu là là trước rồi mới lấy đà bay cao lên dần dần để cây đu đưa người lên trời. Đu bay lên rồi lại hạ xuống, rồi lại bay vút lên không ngừng, tượng trưng cho sự vận hành của vũ trụ, của trời đất, âm dương. Người trên đu làm ra gió và gió giao hòa với mặt đất màu mỡ.

Đánh đu hoặc chơi đu còn là một trò chơi thượng võ, trò chơi “mạnh”. Trẻ, già, trai, gái đều bị cuốn hút vào bãi đu một cách mãnh liệt nhưng chủ yếu là với những nam, nữ còn trẻ. Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy cho cần đu vút lên cao trong sự thán phục của mọi người. Những người đu giỏi và mạnh dạn có thể nhún cần đu vút lên cao ngang ngọn đu, thậm chí quay thành một vòng tròn càng thú vị. Nếu đã có người đu rồi, người đến sau phải đỡ đu, nghĩa là lựa lúc đu gần xuống mặt đất mà giữ đu đứng lại. Người trên đu sẽ nhường cho người đến sau thay phiên. Có khi không giữ lại được thì phải chờ: “người thì lên đánh, kẻ ngồi trông…”. Dù thế nào, mọi người đều vui vẻ. Người đứng đu, muốn thôi đu sẽ giảm tốc độ lại, đu thấp xuống, quặp chân vào dây đu ra hiệu để cho người khác ra giữ đu lại mà lên ngồi.

Những trai gái đánh đu ở vào trạng thái hưng phấn cao thì đã đành. Những người xem, thưởng thức ở bãi đu cũng reo lên ầm ĩ, trầm trồ, cười, nói, bình luận trong âm thanh của những tiếng trống liên hồi. Nơi đây, những chàng trai được coi là những người hùng, những cô gái được coi như những hoa hậu. Có năm còn tổ chức thi đu. Các bậc đàn anh thành thạo về nghệ thuật đu căn cứ vào trình độ đu đẹp, nhún nhịp nhàng, đánh bổng… của các cặp đu mà so sánh rồi trao giải thưởng. Người ta còn đánh giá dáng vóc, cách ăn mặc của cặp đu. Khi đu, phải giữ được nét mặt tươi tỉnh, tự nhiên, ăn ý với nhau; động tác phải nhịp nhàng; nụ cười phải đằm thắm, duyên dáng. Tức là phải nam thanh nữ tú. Phần thưởng là danh dự, nhưng cũng có vài vuông vải điều, mấy gói chè thơm và một chút tiền.

Trả lời