Hải Dương là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hiến, nơi sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt, bao danh nhân lỗi lạc. Nhiều thế kỷ trôi qua, các giá trị tiêu biểu đó được gìn giữ, bảo lưu qua hệ thống văn hoá vật thể, phi vật thể đặc sắc như di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán v.v.
Hải Dương là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hiến, nơi sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt, bao danh nhân lỗi lạc. Nhiều thế kỷ trôi qua, các giá trị tiêu biểu đó được gìn giữ, bảo lưu qua hệ thống văn hoá vật thể, phi vật thể đặc sắc như di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán v.v.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1098 di tích (theo điều tra năm 1996) được phân bố ở hầu khắp các làng xã. Trong số đó, có 02 di tích là Côn Sơn và Kiếp Bạc được xếp hạng đặc biệt quan trọng của quốc gia, 140 di tích xếp hạng quốc gia và 62 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, sự nghiệp bảo tồn di tích của tỉnh Hải Dương cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trước đây, có nhiều di tích bị xuống cấp, đổ nát, hoang tàn. Đến nay, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đã được tu bổ, khôi phục và tôn tạo xứng đáng với tầm vóc của các danh nhân đất nước và các giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch vốn có. Điển hình là khu di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, đền Cao An Lạc, đền thờ thầy giáo Chu Văn An … ở Chí Linh; khu di tích danh thắng An Phụ ở Kinh Môn; cụm di tích thờ danh y Tuệ Tĩnh và Văn miếu Mao Điền ở Cẩm Giàng, đền thờ Khúc Thừa Dụ ở Ninh Giang… Hàng năm, các di tích trên địa bàn tỉnh đã đón hàng chục vạn du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, sự nhiệt tình công đức của nhân dân, hệ thống di tích lịch sử văn hoá của tỉnh Hải Dương (tiêu biểu nhất là khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc) đang được bảo tồn và phát huy tác dụng nhiều mặt, đặc biệt là giá trị giáo dục sâu sắc, lâu dài.
Côn Sơn – Kiếp Bạc là quần thể di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng nổi tiếng từ lâu đời, gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của nhiều danh nhân nổi tiếng: Trần Hưng Đạo, ba vị Phật tổ của Thiền phái Trúc Lâm (Đệ nhất tổ, Điều Ngự Giác Hoàng, Trần Nhân Tông Hoàng đế, Đệ nhị tổ Pháp Loa, Đệ tam tổ Huyền Quang), Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi… Uy đức và tài năng kiệt xuất của họ đã góp phần hun đúc nên hồn thiêng sông núi, để lại tiếng vang muôn thuở. Côn Sơn và Kiếp Bạc còn là hai trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn của đất nước, có sự liên quan gắn bó về lịch sử, văn hóa và tâm linh với nhiều di tích ở trong và ngoài tỉnh Hải Dương. Trải qua hơn 700 năm tồn tại, phát triển, mối liên quan ấy ngày càng có ý nghĩa sâu sắc; những tri thức về các di tích liên quan sẽ góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu giá trị nhiều mặt của khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc nói riêng, của hệ thống di tích lịch sử văn hoá trên đất Hải Dương nói chung.
Nhằm giới thiệu cho du khách những thông tin cần thiết, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc giới thiệu một số di tích tiêu biểu có liên quan trong địa phận tỉnh Hải Dương.
A. Các di tích có liên quan tới Đức Thánh Trần:
1. Đền Quát, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc.
2. Khu di tích đền Sinh, đền Hoá, xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh.
3. Đền chùa Trung Quê, xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh.
4. Đền Cao An Phụ, xã An Sinh, huyện Kinh Môn.
5. Đền Gốm, xã Cổ Thành, thành phố Chí Linh.
B. Những di tích liên quan đến các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm:
1. Chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh.
2. Chùa Minh Khánh, thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà.
3. Chùa Sùng Nghiêm, thị trấn Phả Lại, thành phố Chí Linh.
C. Tám di tích cổ nổi tiếng của thành phố Chí Linh xưa (Chí Linh bát cổ)
1.Thượng Tể cổ trạch (Đền thờ Quốc Phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn)
2. Tinh Phi cổ tháp (Tháp mộ của bà Tinh Phi Nguyễn Thị Duệ, tức bà chúa Sao Sa, theo tư liệu hiện còn, là nữ tiến sỹ đầu tiên của nước ta).
3. Tiều Ẩn cổ bích (nhà cũ của Tiều Ẩn – biệt hiệu của Chu Văn An khi từ quan về núi Phượng Hoàng)
4. Huyền Thiên cổ tự ( Chùa cổ Huyền Thiên)
5. Nhạn Loan cổ độ (bến đò cổ Nhạn Loan)
6. Dược Lĩnh cổ viên (Vườn thuốc Dược Sơn từ thời Trần Hưng Đạo truyền lại)
7. Phao Sơn cổ thành (Thành cổ Phao Sơn, tức thành Phả Lại xưa)
8. Trạng Nguyên cổ đường (nhà cũ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi)
D. Các sinh hoạt văn hoá phi vật thể tiêu biểu diễn ra tại các di tích, danh thắng của tỉnh Hải Dương
1. Lên đồng tại đền Tranh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang.
2. Các nghi thức tế lễ, các sinh hoạt hầu bóng, hát văn;
3. Các trò chơi dân gian đặc sắc như: đánh vật, chơi đu, pháo đất, cờ tướng, cờ người, bắt vịt, đi cầu thùm, thổi cơm thi… diễn ra trong những ngày Xuân và những ngày lễ hội tại hầu hết các di tích danh thắng của tỉnh.