Hải Dương là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Trong tiến trình lịch sử, Hải Dương đã giao lưu với nhiều vùng miền, nhiều nước làm phong phú đời sống văn hóa. Nhận thức rõ vị trí của di sản văn hóa đối với phát triển, các cấp, các ngành tỉnh Hải Dương quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội.
Hải Dương thuộc vùng đất cổ ở đồng bằng sông Hồng, nơi phát tích nền văn minh sông Hồng. Đó là vùng đất tiếp giáp từ kinh đô Thăng Long kéo dài tới bờ biển Đông. Theo kết quả nghiên cứu những di chỉ khảo cổ đã khai quật trên đất Hải Dương cho thấy, từ thời kỳ đồ đá trên vùng đất Hải Dương đã có con người sinh sống. Tại các di chỉ ở khu vực sông Kinh Thầy (Kinh Môn) thấy những di vật cách đây 3.000- 4.000 năm. Ở Tứ Thông, Ngọc Uyên, Đồng Niên (TP Hải Dương) cũng tìm thấy những mộ táng trong đó có những vật tùy táng bằng gốm từ thời Hùng Vương. Năm 1965, tìm thấy trống đồng ở làng Hữu Chung (Tứ Kỳ) có niên đại khoảng 2.500 năm. Ở Ngọc Lặc (Tứ Kỳ) và ở Nam Sách nhiều mộ táng quan lại người Việt và người Hán thời đầu Công nguyên. Trong các mộ đều có đồ tùy táng như vò, nậm, cối giã trầu, rìu, cung nỏ, dao kiếm, khuôn đúc đồng… bằng sành sứ, đồng hoặc sắt.
Kết quả khai quật đã phần nào phản ánh đời sống vật chất, tinh thần phong phú, đa dạng với trình độ kĩ thuật và thẩm mỹ cao của cư dân Việt cổ trên vùng đất Hải Dương xưa.
Hải Dương là đất học, đất khoa bảng, có 485 Tiến sĩ, đứng đầu về tiến sĩ nho học của cả nước. Văn Miếu Mao Ðiền (Cẩm Giàng) – Văn Miếu trấn Hải Dương xưa là một minh chứng cho truyền thống hiếu học của người xứ Ðông. Vùng đất Hải Dương ở bất kể thời đại nào cũng xuất hiện người tài, có công với nước. Chỉ trong triều Lý, Trần, Lê, Hải Dương đã có 372 Tiến sĩ, 11 Trạng nguyên, 10 Bảng nhãn, 20 Thám hoa, 150 Hoàng giáp (đứng thứ hai chỉ sau Kinh Bắc).
Nhiều tiến sĩ nho học của Hải Dương là những tác gia nổi tiếng, để lại hàng trăm tác phẩm có giá trị trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn học, ngoại giao như: Tuệ Tĩnh, Mạc Ðĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Vũ Hữu, Nguyễn Dữ,…
Riêng Mạc Đĩnh Chi là người duy nhất ở nước ta được phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Ðặc biệt là Nguyễn Thị Duệ – nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam.
Làng Mộ Trạch (Bình Giang) được gọi là “Làng tiến sĩ” vì nơi đây đã sinh ra 39 Tiến sĩ qua các thời kì.
Hải Dương có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, độc đáo. Tổng số có 2.843 điểm di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng trong danh mục bảo vệ. Trong đó, có 146 di tích xếp hạng quốc gia, 2 di tích (Côn Sơn và Kiếp Bạc) quốc gia đặc biệt, 161 di tích xếp hạng cấp tỉnh (đến năm 2012); có 4 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Các di tích ghi dấu lịch sử thời kỳ đồ đá cũ có niên đại trên 3 vạn năm đến những di chỉ, di vật có giá trị thời đại đồ đồng, các đình, chùa,… thể hiện tài hoa và trình độ nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc.
Đặc biệt, Di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn (Chí Linh) là quần thể chùa tháp, núi non, bàn cờ tiên, suối và rừng thông, rừng trúc, ghi dấu về Nguyễn Trãi. Đền Kiếp Bạc (Chí Linh) là di tích anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trên núi Phượng Hoàng (xã Văn An- Chí Linh) có di tích lịch sử bao gồm mộ và đền thờ thầy giáo Chu Văn An. Chỉ trong một không gian chừng 5km2 đã có hàng chục di tích ghi dấu ba danh nhân của đất nước và thế giới.
Động Kính Chủ (Kinh Môn) là di tích lịch sử, đồng thời là một danh thắng hấp dẫn, còn lưu giữ nhiều văn bia ghi lại lịch sử văn hóa dân tộc. Trên núi An Phụ (Kinh Môn) có tượng Trần Hưng Đạo uy nghi, hoành tráng và đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, người sinh thành ra Trần Hưng Đạo.
Trên địa bàn Hải Dương có nhiều lễ hội thể hiện sắc thái văn hóa địa phương nổi bật. Tiêu biểu là lễ hội chùa Côn Sơn vào dịp rằm tháng Giêng, lễ hội đền Kiếp Bạc từ ngày 15 đến 20-8 âm lịch. Các lễ hội chùa Muống (Kim Thành), đền Sượt (TP Hải Dương), đền Tranh (Ninh Giang), xứ đạo Kẻ Sặt (Bình Giang)…
Làng Bồ Dương (Ninh Giang) duy trì nghệ thuật múa rối nước, một số xã như Minh Đức, Quang Khải (Tứ Kỳ), Nghĩa An, Tân Hương (Ninh Giang) vào tháng 3, 4 âm lịch còn tổ chức hội trò chơi đánh pháo đất, một trò chơi vui dân gian độc đáo.
Hải Dương – Xứ Đông còn nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo vùng Ðồng bằng Bắc Bộ. “Chiếng chèo Ðông” với những nghệ nhân tên tuổi như: Phạm Thị Trân, Trùm Thịnh, Trùm Bông, Cả Tam, Minh Lý,… có công lớn trong việc xây dựng và phát triển nghệ thuật hát chèo Việt Nam. Ngoài ra còn nhiều loại hình văn nghệ dân gian như: nghệ thuật tuồng, rối nước, xiếc, ca trù, hát trống quân, hát đối, hát ru, ca dao, tục ngữ.
Hải Dương có nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng như chạm khắc đá Kính Chủ (Kinh Môn), chạm khắc gỗ Ðông Giao (Cẩm Giàng), kim hoàn Châu Khê, gốm Cậy (Bình Giang), gốm Chu Ðậu (Nam Sách), khắc ván in Hồng Lục – Liễu Tràng (Gia Lộc), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), dệt chiếu Tiên Kiều (Thanh Hà). Những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống thể hiện sự sáng tạo, khéo léo, tài hoa của người xứ Ðông.
Truyền thống lịch sử, văn hóa vùng đất và con người như vậy là nền tảng hình thành các phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống của cộng đồng dân cư Hải Dương, với cả một tập hợp đặc sắc và vô cùng sinh động.
Lễ hội cổ truyền, trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương có 731 lễ hội cổ truyền. Văn hóa lễ hội Xứ Ðông mang đậm yếu tố lịch sử, thể hiện phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, ước vọng cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, ngợi ca những bậc tiền nhân, anh hùng dân tộc có công với dân với nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hướng đến những giá trị cao đẹp.Các lễ hội đều gắn liền với các di tích như đình, đền, chùa, miếu. Trước kia, tuỳ vào từng nhân vật được thờ, từng làng xã hay những năm “mưa thuận gió hoà”, “phong đăng hoà cốc” mà lễ hội diễn ra với quy mô khác nhau.
Ngay từ ngày 1 Tết Nguyên Ðán, chùa Ðồng Ngọ (Thanh Hà) đã mở hội đánh chuông. Ðây là lễ hội mở đầu cho các lễ hội mùa Xuân của tỉnh.
Lễ hội xứ Ðông, với các đám rước lớn, các trò chơi dân gian đặc sắc: diễn xướng hội quân – lễ hội đền Kiếp Bạc; bơi chải – lễ hội đền Quát, đánh thó – lễ hội đền Cuối (Gia Lộc); hát chầu văn (Ninh Giang); trò đánh bệt – lễ hội đền Sượt (thành phố Hải Dương); thi nấu cơm – lễ hội chùa Hào Xá (Thanh Hà); đu tiên, leo núi, du xuân – lễ hội Côn Sơn,…
Về Truyền thuyết, hầu hết các làng xã đều có các truyền thuyết về thành hoàng của làng, về di tích được lưu giữ truyền miệng, tiêu biểu như truyền thuyết về Di tích đền Kiếp Bạc và Đức thánh Trần Hưng Đạo, và Danh tướng Yết Kiêu, Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và các danh tướng thời Trần, Đền Tranh và Quan lớn Tuần Tranh, đền Bia và Đại danh y Tuệ Tĩnh; các giai thoại về Đệ nhị, Đệ tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm Pháp Loa, Huyền Quang, về cụ nghè Nguyễn Quý Tân (thời Nguyễn),…
Các truyện Nôm khuyết danh được lưu truyền như Phạm Tải Ngọc Hoa (Nhân vật lịch sử Ngọc Hoa có đền thờ tại xã Thanh An, Thanh Hà).
Hát ru chỉ còn được lưu giữ trong lớp người trên 50 tuổi, biết hát và thuộc nhiều bài. Qua kiểm kê, sưu tầm được 55 bài hát ru.
Hải Dương là vùng đất có hầu hết các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ như hát chèo, ca trù, hát văn, hát đối, hát trống quân, tuồng, rối nước, múa rồng, múa lân, đánh trống… Theo khảo sát, trước kia có 547 làng lưu giữ loại hình nghệ thuật này.
Các loại hình nghệ thuật dân gian đa số diễn ra trong không gian và thời gian tổ chức lễ hội làng xã. Hiện nay, về cơ bản, những loại hình nghệ thuật còn lại hầu như theo lối hát mới tồn tại dưới hình thức các đội văn nghệ thôn, xã. Trên địa bàn tỉnh có: Chèo: 190 đội; tuồng: 2 đội; ca trù: 5 câu lạc bộ; hát trống quân: 1 đội; hát đối: 1 đội; rối nước: 3 phường; hát văn có ở nhiều làng; hát văn gắn với hầu đồng tại một số đền, miếu. Trên địa bàn tỉnh có hàng chục thanh đồng, hàng chục tổ cung văn.
Những thành viên trong cộng đồng ưa thích, gắn bó với các loại hình nghệ thuật cổ truyền này hầu hết đều là những người có độ tuổi trung niên trở lên, trừ các bộ môn múa rồng, múa lân và đánh trống. Những loại khác như hát chèo, hát văn, hát dân ca không được thế hệ trẻ quan tâm.
Tỉnh đã điều tra, ghi được: 30 làn điệu chèo cổ, 28 bài hát ca trù, 25 lời bài hát văn.
Tập quán xã hội, ngoài các phong tục chung của vùng Bắc Bộ, nhiều làng có những tập tục riêng độc đáo diễn ra trong một năm như Làng Đại, xã An Lạc thành phố Chí Linh có tới 25 sự lệ; làng Thanh Cương, thành phố Hải Dương có 27 sự lệ,… Một số phong tục đã bị mai một, thậm chí biến mất, đặc biệt là những phong tục liên quan đến nông nghiệp như: đổi tên phần âm cho con, lễ dựng nêu, hạ nêu, lễ xuống đồng, lễ cơm mới…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy di sản văn hoá đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) được triển khai. Tỉnh đã tổ chức 2 đợt kiểm kê, điều tra di sản, lần thứ nhất năm 2005, đợt kiểm kê lần thứ 2 năm 2010-2011.
Các di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được lập dự án tu bổ bằng nguồn vốn đầu tư cuả Trung ương và của tỉnh và xã hội hóa. Các di sản văn hoá tiêu biểu hàng năm được cấp kinh phí nghiên cứu, phục dựng. Tuy nhiên, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nên trong quá trình thực hiện tại tỉnh Hải Dương có dự án kéo dài nhiều năm như Đền Long Động, đình Nhân Lý (Nam Sách)…
Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quản lý di sản văn hóa gồm: 1 chỉ thị, 1 quy chế, 1 quy hoạch; 2 đề án và Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành nhiều văn bản mỗi năm: Chỉ thị số 46 – CT/TU ngày 29-11-2004 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo tồn bảo tàng trong thời kỳ mới; Quy chế xếp hạng và quản lý di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương (Ban hành kèm theo Quyết định số 1987/2004/QĐ- UBND ngày 19- 5- 2004 của UBND tỉnh Hải Dương); Quy hoạch Tổng thể bảo tồn và phát huy di sản văn hóa từ 2008 đến 2015 và định hướng đến 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 393/QĐ-UBND ngày 30-1-2008; Đề án nâng cấp lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn 2006-2010,… Bên cạnh đó việc bảo vệ các di sản văn hoá được thể hiện trong các quy ước làng, khu dân cư.
Công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hoá được chú trọng thực hiện.
Hệ thống di tích lịch sử văn hoá đã được tiến hành kiểm kê phổ thông 3 lần. Lần thứ nhất vào năm 1967-1968, lần thứ hai năm 1994, lần thứ 3 năm 2009- 2010.
Công tác tu bổ, tôn tạo di tích, hàng năm, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích khá lớn, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều di tích xuống cấp nặng cần được tu bổ. Việc thực hiện Nghị định 70/2012/NĐ-CP ngày 18-9-2013 của Chính phủ về bảo quản tu bổ và phục hồi di tích còn khó khăn.
Hoạt động khảo cổ,từ năm 2001 đến 2012, trên địa bàn tỉnh tiến hành 11 cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ: Di tích Đền Kiếp Bạc: 1 cuộc; Di tích chùa Côn Sơn: 2 cuộc; Di tích Gốm Chu Đậu (Nam Sách): 1 cuộc; Chùa Trông (Ninh Giang): 1 cuộc; Đến Quát (Gia Lộc) : 2 cuộc; chùa Huyền Thiên (Chí Linh: 1 cuộc); Di tích thành Phao Sơn (Chí Linh): 1 cuộc; di tích đền Long Động: 1 cuộc; Chùa Thanh Mai (Chí Linh: 1 cuộc).
Các di tích gốm sứ đều được nghiên cứu khai quật góp phần xây dựng bản đồ di chỉ gốm sứ cổ Hải Dương và lấy tư liệu, hiện vật cho nhà trưng bày gốm sứ cổ Hải Dương.
Các công trình xây dựng trong quá trình thi công, phát hiện được di sản đã thông báo cho ngành văn hoá. Từ năm 2001-2012, có 15 phát hiện được xử lý (5 mộ cổ, 2 bia đá, 2 nền chùa, các di vật…). Sở Tài nguyên Môi trường quy hoạch các khu vực, điểm cấm khai thác khoáng sản, trong danh mục có các di tích trong tiêu chí bảo vệ.
Công tác quản lý cổ vật,tại các di tích từ năm 2001 đến 2012, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa các huyện, thành phố đã tiến hành kiểm kê, đăng ký, lập hồ sơ khoa học cho 6.221 cổ vật tại các di tích; có 1.889 hiện vật đưa vào danh mục kiểm kê phổ thông. Số cổ vật, di vật của các nhà sưu tầm tư nhân được đăng ký là 53.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể,tỉnh đã tiến hành sưu tầm, điều tra, bảo tồn ở dạng tư liệu; phục dựng, truyền dạy; quảng bá, tuyên truyền, tập trung trên các loại hình: lễ hội, nghề cổ truyền; nghệ thuật cổ truyền; phong tục tập quán; ẩm thực cổ truyền; ngữ văn dân gian. Bằng các nguồn kinh phí, Sở Văn hóa đã thực hiện 4 nghiên cứu về làng nghề, lễ hội tiêu biểu. Tổ chức điều tra, sưu tầm 6 loại hình: Hát chèo, ca trù, hát văn, hát đối, hát ru, hát trống quân; nghiên cứu về phong tục tập quán. Tổ chức chuyển giao kỹ năng thực hành như thực hiện dự án sân khấu học đường môn nghệ thuật chèo tại một số trường THCS, 6 lớp hát ca trù, 1 lớp làm con rối nước.
Cùng với việc truyền dạy,cứ 2 năm, tỉnh tổ chức liên hoan rối nước, hát chèo, hát ca trù, pháo đất (các cấp). Từ năm 2010, dịp Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm, tỉnh tổ chức thi gói, nấu bánh chưng, nấu xôi, giã bánh giầy.
Các cuộc liên hoan đã đưa về các cơ sở. Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ các đội chèo, ca trù, rối nước tham dự tại các hội diễn, liên hoan quốc gia và khu vực.
Trên cơ sở các đợt kiểm kê di sản văn hóa, các di sản văn hóa tiêu biểu đã được nhận diện phục vụ cho công tác xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy di sản và làm căn cứ thực hiện bảo tồn hàng năm. Từ năm 2006, tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa-Thông tin xây dựng và thực hiện đề án nâng cấp lễ hội Côn Sơn- Kiếp Bạc. Nhiều nội dung lễ hội được phục dựng và bổ sung phù hợp với cuộc sống đương đại.
Hải Dương là một trong 15 tỉnh có không gian ca trù được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009). UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ca trù thực hiện Công ước quốc tế.
Hoạt động của Bảo tàng, hàng năm, Bảo tàng tỉnh duy trì các mặt hoạt động như sưu tầm hiện vật, khai quật khảo cổ học, kiểm kê đăng ký di vật, cổ vật và lập hồ sơ xếp hạng di tích, tham gia nghiên cứu khoa học. Năm 2006, nhà trưng bày được cải tạo, nâng cấp phục vụ tham quan.
Trong những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh tăng cường sưu tầm tư liệu, hiện vật về một số chuyên đề. Đến năm 2012 đã kiểm kê, lập hộ chiếu khoa học 21.706 hiện vật. Hiện vật được bảo quản theo chất liệu.
Về xã hội hoá hoạt động di sản văn hoá, đã thu hút sự tham gia của xã hội vào việc tu bổ di tích, lễ hội, diễn xướng dân gian (hát ca trù, chầu văn, hát chèo). Tất cả các di tích trên địa bàn tỉnh khi tu bổ, tôn tạo đều có sự tham gia đóng góp của các tập thể cá nhân từ 0,5 – 50% kinh phí. Từ năm 2001 đến 2012, số kinh phí do nhân dân đóng góp tu bổ di tích là 87.909,8 triệu đồng. Năm 2009, 1 câu lạc bộ cổ vật thành lập có 21 hội viên tham gia.
Sự phối hợp trong hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa. Ngành văn hóa phối hợp với ngành giáo dục – đào tạotổ chức nhiều hoạt động, như trưng bày truyền thống ngành giáo dục tại Văn miếu Mao Điền, giáo dục truyền thống thông qua việc tham quan bảo tàng, nhà truyền thống, di tích. Các trường học đều đăng ký và tham gia bảo vệ di tích trên địa bàn,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, ở Hải Dương cũng còn một số hạn chế, bất cập:Hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn hạn chế.Trong giao lưu, hội nhập, nhiều vấn đề đang đặt ra, như giữa giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa – xây dựng nếp sống văn minh, tác phong hiện đại; đổi mới tư duy – gìn giữ truyền thống, giữa phát triển hạ tầng – bảo tồn không gian truyền thống… Vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở nhiều nơi với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa còn mờ nhạt; ý thức bảo vệ di sản của một bộ phận nhân dân còn thấp. Kinh phí còn hạn chế. Chế độ đãi ngộ cho người làm công tác bảo tồn các di sản văn hoá còn chưa phù hợp.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phải gắn với cộng đồng văn hóa truyền thống và bảo đảm sinh kế người dân tại chỗ
Lợi ích vật chất và tinh thần từ bảo tồn, khai thác di sản văn hóa cần đem lại cho chính cộng đồng chủ nhân của di sản đó. Do vậy, cần quan tâm hiệu quả và quyền lợi người dân tại chỗ. Lợi ích từ di sản văn hóa đem lại nếu không thiết thực cho người dân tại chỗ, như tạo được thuận lợi trong sinh kế chính đáng thì di sản văn hóa đó khó có thể “phát triển bền vững”.
Hai là, để di sản văn hóa truyền thống “sống” trong không gian xã hội
Di sản văn hóa dân gian “sống” trong cộng đồng dân gian là một yếu tố thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để bảo tồn và phát huy. Một số loại hình di sản văn hóa – đặc biệt là lễ hội ở các di tích, khi người dân là chủ thể văn hóa thực sự thì tự thân các sinh hoạt, hoạt động liên quan có sức sống mãnh liệt. Các lễ hội mà người dân “sống, hòa mình và làm nên” sẽ tạo nên một tinh thần đúng nghĩa trong di sản văn hóa. Nó khác với việc tổ chức lễ hội “sân khấu hóa”, người dân ở ngoài lề, là khán giả.
Ba là, nâng cao nhận thức của xã hội về di sản văn hóa
Tuyên truyền để toàn xã hội cùng hiểu vai trò và chung tay gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Cần đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp để phục vụ tốt công tác quản lý di tích. Cần kịp thời tập huấn thành viên các ban quản lý di tích, đại diện chủ sở hữu, cán bộ quản lý văn hóa ở địa phương,.. các quy định về quản lý di sản.
Bốn là, thực hiện thường xuyên, kịp thời các biện pháp tu bổ, chống xuống cấp
Ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử có giá trị đặc biệt quan trọng; các di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao. Đẩy mạnh việc xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích.
Một số đề xuất, kiến nghị
– Luật Di sản văn hoá ra đời và thực thi hơn 10 năm, Chính phủ cần chỉ đạo thống nhất về bộ máy quản lý của các tỉnh, thành phố trong phân cấp quản lý theo thứ bậc xếp hạng của di tích: Di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, quốc gia đặc biệt, quốc gia, cấp tỉnh.
– Các dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia hiện do Bộ thẩm định. Căn cứ thực tế, nên phân cấp thẩm định dự án đối với di tích đặc biệt quan trọng hoặc uỷ quyền cho Sở Văn hóa thể thao và du lịch.
– Cần có cơ chế hỗ trợ tổ chức, cá nhân có đóng góp lớn trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Cần cấp giấy chứng nhận sử dụng đất (sổ đỏ) cho các di tích đã được xếp hạng.
– Cần có Quy định về hình thức và phân cấp tổ chức hoạt động kỷ niệm tôn vinh danh nhân thống nhất toàn quốc.
– Xây dựng tiêu chí cụ thể và có chính sách cụ thể tôn vinh các nghệ nhân dân gian. Đối với các nghệ nhân làng nghề chỉ cần thống kê các công trình di tích đã chủ trì tu bổ, căn cứ vào hồ sơ và chất lượng công trình có thể xét đặc cách, không nên chỉ có các kiến trúc sư có bằng đào tạo mới được cấp chứng chỉ hành nghề như hiện nay.
TS NGUYỄN THẮNG LỢI
Nguồn: lyluanchinhtri.vn