THƠ NGUYỄN TRÃI

Ngay cả cuộc đời ông cũng là một cuộc đời đầy những bão táp, thăng trầm. Vì vậy, thơ ông thể hiện rõ một vốn sống đã ở độ chín, một suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời đầy phức tạp và một tình cảm nhân hậu đối với thiên nhiên, con người.

Nguyễn Trãi không những là nhân chứng cho những biến động bão táp của lịch sử thế kỷ XV mà còn là người trực tiếp tham gia vào chính những biến động đó. Ngay cả cuộc đời ông cũng là một cuộc đời đầy những bão táp, thăng trầm. Vì vậy, thơ ông thể hiện rõ một vốn sống đã ở độ chín, một suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời đầy phức tạp và một tình cảm nhân hậu đối với thiên nhiên, con người.

Qua thơ Nguyễn Trãi, ta có thể hiểu thêm rất nhiều điều về con người Nguyễn Trãi với những khát vọng lớn lao và những tâm tư u uất.

I. TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ NGUYỄN TRÃI

– Ðối với Nguyễn Trãi, quê hương chính là nơi xuất phát của những tình cảm cao đẹp. Thơ ông nói rất nhiều về quê hương bằng một tình cảm thiết tha, lắng đọng. Có khi, đó là những hồi ức đẹp thời thơ ấu:

Quê cũ nhà ta thiếu của nào
Rau trong nội, cá trong ao
(Ngôn chí 13)

Có khi, đó là nỗi nhớ day dứt trong những năm tháng xa quê tìm đường cứu nước:

Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng
Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền
(Mạn hứng)

Có khi, đó là tình cảm thân thiết của tác giả đối với quê cũ, ngày trở về ở ẩn:

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
(Côn Sơn ca)

Nhà thơ cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống thanh bần, trong sách nơi quê hương, nơi thanh lọc tâm hồn, gìn giữ phẩm giá người quân tử:

Ngày tháng kê khoai những sản hằng
Tường đào ngõ mận ngại thung thăng 

Yêu quê hương, nhà thơ luôn trăn trở với khát vọng: làm gì cho quê hương

Gia sơn cách đường nghìn dặm
Sự nghiệp buồn, đêm trống ba

II. TẤM LÒNG ƯU QUỐC ÁI DÂN SÂU NẶNG

Trong thơ Nguyễn Trãi, ta thường bắt gặp những từ tiên ưu, ưu ái. Ðây là nét ngời sáng trong tâm hồn Nguyễn Trãi:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Ðêm ngày cuồn cuộn nước triều đông
(Thuật hứng 5)

Oải ốc thê thân kham độ lão
Thương sinh tại niệm độc tiên ưu
Bình sinh độc bão tiên ưu chí
Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên
Gia sơn đường cách nghìn dặm
Ưu ái lòng phiền nửa đêm
Tóc nên bạc bởi lòng ưu ái,..

Xuất phát từ một câu nói nổi tiếng của Phạm Trọng Yêm đời Tống, từ tiên ưu thể hiện rõ quan niệm sống cao cả: yêu nước thương dân, chiến đấu suốt đời vì nước vì dân.

Suốt đời mình, Nguyễn Trãi xem công danh chỉ là điều kiện giúp đời:

Một thân lẩn quất đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia
Vì nợ quân thân chưa báo được
Hài hoa còn bận dặm thanh vân
(Ngôn chí 11) 

Nhà thơ luôn ý thức rõ ràng về trách nhiệm của một kẻ sĩ chân chính:

Ðầu tiếc đội mòn khăn Ðỗ Phủ
Tài còn lọ hái cúc Uyên Minh
(Mạn thuật 9)

Quốc phú binh cường chăng có chước
Bằng tôi nào thuở ích chưng dân

Những khát khao, mơ ước của Nguyễn Trãi luôn đi trước, chỉ đạo mọi hành động:

Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương
(BKCG 43)

Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn
Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền
(Tự thán 4)

Từ mơ ước, tác giả thể hiện rõ một quyết tâm hành động:

Khó ngặt qua ngày xin sống
Xin làm đời trị mỗ thái bình
(Tự thán 28)

Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng
(BKCG 5)

Những năm cuối đời nhiều bất hạnh, thơ Nguyễn Trãi đôi khi lắng đọng một nỗi niềm u uất, chán nản, bi quan, thậm chí thấm thía giọng điệu mỉa mai cho sự nghiệp anh hùng dở dang của mình:

Say mùi đạo trà ba chén
Tả lòng phiền thơ bốn câu
Uất uất thốn hoài vô nại xứ
Thuyền song thôi chẩm đáo thiên minh 

Có lúc, ông mỉa mai chính bản thân mình:

Cưỡi gió lên cao chín vạn tầng
Xưa kia lầm ví với chim bằng

Có lúc, thơ ông thấm lạnh một nỗi cô đơn tê tái trong những đêm dài trên núi Côn Sơn:

Rượu đối cầm đâm thơ một thủ
Ta cùng bóng lẫn nguyệt ba người

Có lúc, ông ví mình như một chiếc thuyền con, giữa trời chiều mênh mông chẳng biết ghé bến nào:

Thuyền mọn còn chèo chẳng khứng đỗ
Trời ban tối biết về đâu

Tuy nhiên, vượt qua tất cả những bất hạnh, thăng trầm của cuộc đời làm quan bị ganh ghét, đố kỵ, Nguyễn Trãi vẫn giữ cho mình Một tấc lòng son còn nhớ chúa- Tóc hai phần bạc bởi thương thu. Có âm điệu buồn trong thơ ông nhưng đó không phải là âm điệu chủ đạo. Vấn đề lớn lao nhất mãi làm ông quan tâm chính là ưu quốc, ái dân, lo cho đất nước và thương nhân dân. Ðiều làm tỏa sáng nhân cách lớn lao của một người anh hùng, một kẻ sĩ chân chính.

III. MỘT TRÍ TUỆ UYÊN BÁC LUÔN TÌM HIỂU ĐỂ NẮM BẮT NHỮNG QUY LUẬT VẬN ĐỘNG CỦA ĐỜI SỐNG

Trong thơ ông, ta thường thấy những tư tưởng triết học phương Ðông được dân tộc hóa và những kết luận có giá trị về quy luật của đời sống. Nhà thơ là con người giàu suy tư để dằn vặt với nỗi đau hữu hạn của đời người cho dù đó là cuộc đời của người anh hùng:

Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu
(Vãng hứng)

Giang san như tạc anh hùng thệ
Thiên địa vô tình sự biến đa
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên
(Quan hải)

Nhà thơ có những kết luận có giá trị về vai trò và sức mạnh vĩ đại của quần chúng, những người làm nên lịch sử:

Phúc chu thủy tín dân do thủy
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
(Quan hải)

Ở yên thì nhớ lòng xung đột
Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày

Có khi, chính vốn sống, sự nếm trải trong cuộc đời thăng trầm đã giúp nhà thơ thấy rõ hơn bản chất của lòng người:

Dễ hay ruột biển sâu cạn
Khôn biết lòng người ngắn dài
Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn
Lòng người quanh nữa nước non quanh

Phải là người có vốn sống, sự từng trải mới có thể có những nhận xét sâu sắc về cuộc đời:

Tĩnh lý càn khôn kinh vạn biến
Nhàn trung nhật nguyệt trị thiên kim
(Thu nguyệt ngẫu thành)

IV. MỘT CHÍ KHÍ HÀO HÙNG, MỘT NHÂN CÁCH CAO THƯỢNG

Mạnh mẽ, hào hùng, khẳng khái, trong sách, đó là nhân cách và chí khí Nguyễn Trãi được thể hiện qua thơ ông.

– Nhà thơ luôn có ý thức vươn lên trong thử thách để khẳng định chí khí hào hùng của mình:

Khó khăn thì mặc có màng bao
Càng khó bao nhiêu chí mới hào 

Ông thường thể hiện chí chí của mình bằng những hình ảnh kỳ vĩ:

Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ
Tráng tâm hô khởi bán phàm phong
(Quá hải)

Với bản lĩnh và nghị lực của một người anh hùng, ông luôn tự hào, tự tin về mình:

Thừa chỉ ai rằng thời khó ngặt
Túi thơ chứa hết mọi giang san
(Tự thán 2)

Gánh khôn đương quyền tướng phủ
Lui ngõ được đất Nho thần
(Trần tình 1)

Vì tự tin, tự hào nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà thơ vẫn giữ được phong thái ung dung, tự tại:

Ðủng đỉnh chiều hôm dắt tay
Trông thế giới phút chim bay
Ðạp áng mây, ôm bó củi
Ngồi bên suối gác cần câu
Quét trúc bước qua lòng suối
Thưởng mai về đạp bóng trăng

Không chỉ có phong thái ung dung tự tại, cách nói của nhà thơ cũng thật khẳng khái, mạnh mẽ:

Dầu bụt dầu tiên ai kẻ hỏi
Ông này đã có thú ông này
Chớ cậy sang mà ép nề
Lời chẳng phải vẫn không nghe

– Là một kẻ sĩ có nhân cách cao thượng Nguyễn Trãi luôn tự hào về những năm tháng làm quan thanh liêm của mình:

Nhất phiến đan tâm chân hống hỏa
Thập niên thanh chức ngọc hồ băng

Ðó là một con người Cốt lãnh hồn thanh chăng khứng hóa, luôn sống thanh bạch, giản dị, không chấp nhận luồn cúi để nhận bổng lộc:

Mắt hòa xanh đầu dễ bạc
Lưng không uốn, lộc nên từ
Cơm kẻ bất nhân ăn, ấy chớ
Áo người vô nghĩa mặc, chẳng thà

Ðó cũng là con người trải bao thăng trầm dâu bể, bao đau đớn bất hạnh vẫn cứ nhìn cuộc đời bằng con mắt xanh, con mắt tin yêu, hy vọng:

Tuổi cao tóc bạc cái râu bạc
Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh

Không những thế, Nguyễn Trãi luôn luôn có ý thức bảo vệ nhân cách       trong sáng của mình, chống lại mọi cám dỗ của đời sống:

Ngọc lành nào có tơ vết  

Vàng thực âu chi lửa thiêu 
V. MỘT TÂM HỒN NHẠY CẢM RỘNG MỞ

Thơ Nguyễn Trãi luôn chan hòa tình cảm đối với thiên nhiên, con người. Ông có cách nhìn, cách cảm tuyệt với trước vẻ đẹp của thiên nhiên, chân thành tha thiết trong tình bạn, hóm hỉnh nhưng tế nhị, sâu sắc trong tình người.
– Ông xem thiên nhiên là bạn, láng giềng, anh em, những người an ủi mình trên đỉnh Côn Sơn cô độc

Cò nằm hạc lặc nên bầy bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con
Láng giềng một áng mây bạc
Khách khứa hai ngàn núi xanh

Vì yêu thiên nhiên nên Nguyễn Trãi đã viết được những câu thơ tuyệt vời về vẻ đẹp của thiên nhiên:

Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Ðêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu
Hương cách gác vân thu lạnh lạnh
Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh

– Với bạn, tác giả luôn bày tỏ tấm lòng chân thành tha thiết:

       Có thuở biếng thăm bạn cũ

       Lòng thơ ngàn dặm nguyệt ba canh

       Danh thơm một áng mây nổi

       Bạn cũ ba thu lá tàn 
– Với con người, tác giả tỏ ra rất sâu sắc, nhạy cảm trong khi phát hiện những biến đổi, xao động phức tạp trong tâm hồn con người: Bài thơ Tiếc cảnh 10, Cây chuối, cảnh hè,..
VI. NGHỆ THUẬT THƠ

Sáng tác thơ của Nguyễn Trãi có trên 100 bài thơ chữ Hán và 254 bài thơ chữ Nôm. Ðặc biệt, qua Quốc âm thi tập, ta có thể thấy rõ những đóng góp đáng trân trọng của Nguyễn Trãi về nhiều phương diện mà tiêu biểu nhất là phương diện thể thơ và ngôn từ:
1. Về thể thơ thất ngôn xen lục ngôn trong thơ Nôm Nguyễn Trãi
– Ðây là một thể thơ được sáng tác dựa trên quy cách và cấu trúc của thơ Ðường luật. Ðiểm khác biệt là ở hiện tượng xen kẽ những câu sáu tiếng vào các câu 7 tiếng của bài thơ bát cú lẫn tứ tuyệt luật Ðường.

– Số lượng các bài thơ được sáng tác theo hình thức này rất lớn (186/254) chứng tỏ rằng Nguyễn Trãi hoàn toàn có ý thức khi vận dụng thể thơ này như một sự thử nghiệm cho việc tìm ra một thể thơ mới cho dân tộc, chống lại ảnh hưởng quá sâu sắc của thi ca Trung Hoa.

– Xét về tác dụng nghệ thuật, câu thơ 6 tiếng trong bài thơ thất ngôn xen lục ngôn khiến lời thơ trở nên cô đọng, giản dị, ý thơ mạnh mẽ, sắc sảo, thường phù hợp với việc diễn đạt những chân lý của đời sống, những quyết tâm hành động của nhà thơ. Ngoài ra, cách ngắt nhịp phong phú của câu thơ 6 chữ khiến nó có khả năng diễn đạt được những cung bậc tình cảm đặc biệt tinh tế, sâu sắc của con người.

– Tuy nhiên, sự xuất hiện của các câu thơ 6 chữ đã làm phá vỡ kết cấu hoàn chỉnh của bài thơ Ðường luật, dẫn đến việc thất niêm, thất luật. Vì vậy, thể thơ này ngày càng ít đực sử dụng, nhường chỗ cho những thể thơ dân tộc khác hoàn chỉnh hơn về mặt cấu trúc và niêm luật.
2. Ngôn từ thơ Nôm Nguyễn Trãi:
– Bị chi phối bởi quan niệm thẩm mỹ của văn chương trung đại, thơ Nôm Nguyễn Trãi vẫn mang tính uyên bác, sử dụng nhiều điển cố và các hình ảnh tượng trưng ước lệ.
– Tuy nhiên, nhờ sử dụng chữ Nôm, thơ Nguyễn Trãi đã ngày càng dung dị, tự nhiên, gần gũi hơn với cuộc sống của nhân dân lao động. Từ ngữ trong thơ Nôm thường có sức gợi tả mạnh và đặc biệt độc đáo.
– Nhờ chữ Nôm, Nguyễn Trãi đã thành công trong việc đưa vào thơ ca bác học nguồn thi liệu vô cùng quý giá của tục ngữ, thành ngữ, ca dao.

Nguồn: http://www.nguyentrai.net

Trả lời