Phật giáo có một vai trò quan trọng không phải chỉ bởi xuất hiện sớm từ buổi đầu lịch sử dân tộc, mà còn có sự đóng góp vào nền văn hóa chung của dân tộc và đã trở thành một bộ phận hữu cơ trong đời sống văn hóa Việt Nam. Trong quá trình phát triển Phật giáo, Thiền phái Trúc lâm với các vị tổ đã đóng góp to lớn vào lịch sử phát triển tư tưởng Việt Nam, trong đó có Thiền sư Huyền Quang, vị tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm.
THIỀN SƯ HUYỀN QUANG (1254 – 1334)
Thiền sư Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải thuộc lộ Bắc Giang. Thân phụ Ngài là Huệ Tổ dòng dõi quan lại, có công dẹp giặc Chiêm Thành, được nhà Trần bổ làm quan nhưng không nhận, chỉ ưa giao du sơn thủy. Thân mẫu ngài dòng họ Lê là người hiền đức.
Thủa nhỏ, Lý Đạo Tái dung nhan kỳ lạ nhưng rất có chí hướng học hành. Ông rất thông minh, biệt tài nanh lợi. Ông đỗ đầu Trạng Nguyên năm 20 tuổi. Cha mẹ tuy đã định hôn cho ông nhưng chưa cưới. Sau khi thi đậu, nhà vua gọi gả công chúa cho nhưng ông vẫn từ chối. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm quan ở Hàn lâm viện, phụng mạng tiếp đón xứ Trung Hoa. Văn chương ngôn ngữ của ông lưu loát, đối đáp trôi chảy nên rất được người Tàu nể phục.
Một hôm ông theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm thuộc huyện Phụng Nhã nghe thiền sư Pháp Loa giảng kinh. Từ đó, ông tâm đắc với đạo phật liền dâng biểu từ quan xin xuất gia tu hành và được nhà vua chấp thuận. Năm 1305, ông xuất gia thụ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, làm thị giảng Đức Điều Ngự và được ban pháp hiệu là Huyền Quang Tôn Giả.
Niên hiệu Hưng Long thứ 17 (1309), Tôn giả theo hầu Pháp Loa theo lời phó chúc của đức Điều ngự, Tôn giả vâng mệnh trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Do Tôn giả đa văn uyên bác học, tinh thâm đạo lý nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên rất đông. Tôn giả phụng chiếu thường đi giảng kinh dạy học các nơi và soạn truyền kinh sách Phật học, cho khắc in nhiều bản để truyền bá trong dân. Vua Trần đã khen “các sách vở nói về đạo Phật do chính Huyền Quang viết ra không nên thêm bớt một chữ nào”. Những khoa giáo trong nhà Thiền đều phải qua tay Ngài cả.
Ngày 15 tháng giêng năm Quý Sửu (1313), vua Anh Tông mời Tôn giả về kinh ở chùa Báo Ân giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau đó, Tôn giả dâng chiếu xin về quê thăm cha mẹ, nhân đây Ngài lập ngôi chùa đề hiệu là Đại Bi Tự.
Tôn giả trở về chùa Vân Yên khi Ngài đã 60 tuổi. Nhà vua muốn thử lòng Tôn giả nên cho Thị Bích là một cung nhân tìm cách gần gũi Tôn giả, song Thị Bích về tâu dối vua. Vì thế Tôn giả bị tai tiếng. Nhưng sau cuộc lễ chuẩn tế của Tôn giả, thấy những sự linh thiêng lạ thường, nhà vua hết nghi ngờ. Vua liền phạt Thị Bích làm kể nô bộc quét chùa trong cung Cảnh Linh ở nội điện.
Năm 1330, tại chùa Quỳnh Lâm, Pháp Loa lấy áo Cà sa của đức Điều Ngự Trần Nhân Tông cùng với bài kệ Tâm ấn trao cho Huyền Quang Tôn giả trụ trì chùa Côn Sơn, mở mang chùa cảnh, lập đài Cửu Phẩm Liên Hoa, mở rộng tăng viện Kỳ Lân… Ngài viên tịch tại chùa Côn Sơn ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334) thọ 84 tuổi. Vua Trần Minh Tông cấp ruộng để thờ cúng, cấp 10 lạng vàng để xây tháp mộ phía chân núi sau chùa, ban thụy là “ Trúc Lâm Thiền sư Đệ Tam đại”.
Huyền Qang Tôn giả đã soạn các kinh sách như “Thích khoa giáo”, “Chư phẩm kinh”, “Công văn tập”… Ngài còn sáng tác nhiều bài kê và thơ thể hiện tình cảm gắn bó với thiên nhiên, với đạo với đời và tư tưởng triết lý thiền rất sâu sắc.
THIỀN SƯ HUYỀN QUANG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM
Như chúng ta đã biết, Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt, nó là xướng sống của một nền văn hóa Việt Nam tự chủ. Nền văn hóa này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của phật giáo Trung Hoa và Ấn Độ nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình. Đặt trong tương quan giữa Phật giáo và văn hóa dân tộc, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử có một vị tri đặc biệt trong việc mở rộng hoằng dương Phật pháp giữa chúng sinh mọi người đều giảng kinh sách cho Phật tử. Qua thi kệ bằng chất liệu thiền đã đi sâu biện giải mối quan hệ giữa “hữu” và “vô”, giữa “thân” và “tâm”, đề cao bản ngã chủ thể “nghiệp lặng”, “an nhàn thể tính”, “tự tại thân tâm”, “sống giữa cõi trần hãy tùy duyên mà vui với đạo”; đồng thời coi trọng cuộc sống thực tại, cảnh tỉnh lối tu hành cực đoan, cố chấp: Ai trói buộc chi, tìm giải thoát – khác phàm đâu phải kiếm thần tiên,…
Nối tiếp Trần Nhân Tông đệ nhất tổ, ngài Pháp Loa đệ nhị tổ, Thiền sư Huyền Quang đệ tam tổ để lại hơn 20 bài thơ chữ hán, một bài phú vịnh chùa Vân Yên bằng chữ nôm cho thấy nghệ thuật sử dụng chữ nôm của Thiền sư làm cho văn hóa, ngôn ngữ đã có bước tiến rõ nét, trở nên dung dị, dễ hiểu: Buông niềm trần tục – Náu tới Vân Yên – Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy – Gió tiên đưa đòi bước thần tiên. Thiền sư Huyền Quang còn soạn nhiều sách giảng kinh điển Phật học hướng dẫn việc tu hành mong mọi người tu sao mau thành chính quả. Cùng với phú “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông, bài “Chùa Diệu Hựu” hay bài thơ “Am Yên Tử” của Thiền sư Huyền Quang cho chúng ta thấy tinh thần phóng khoáng thể nhập chân như, tự tại thân tâm của người giác ngộ giải thoát. Nếu nói đức Điều Ngự Trần Nhân Tông là người khởi xướng thiền phái Trúc Lâm thì Thiền sư Huyền Quang là người góp phần làm hoàn thiện và quảng bá cho thiền phái này ngày càng phát triển mở rộng. Những bài giảng đạo thuyết pháp của Thiền sư Huyền Quang là những bài học đạo đức, khuyên răn con người hướng thiện đã đến với muôn dân, đã được khắc in và truyền lại cho hậu thế. Những tác phẩm của Trúc Lâm Tam Tổ đã trở thành những giá trị tinh thần dân tộc, vừa là di sản văn hóa của cha ông, vừa là những áng văn thơ còn mãi với thời gian, nhiều chuyên nghành khoa học xã hội như lịch sử tư tưởng, triết học, văn học, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ… đều có thể tìm đến khai thác các văn bản này. Trên phương diện văn hóa vật thể, dấu tích những ngôi chùa, tháp, am, đường tùng, trúc, suối giải oan, vường ngự dược, tượng đá Am Kỳ Sinh, chùa Đồng trên đỉnh núi hợp thành một quần thể sống động giữa nơi non cao rừng thẳm.
Khi nói đến thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là nói đến Đức Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang (Tam tổ TRúc Lâm) đã đi vào tiềm thức người dân Việt. Mặc dù khả năng tiếp nhận và sự đánh giá có khác nhau nhưng ngay cả các nhà nho nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm… đều đánh giá rất cao thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Phật học nói chung. Đến ngày nay, danh phái Trúc Lâm đã được đặt tên cho nhiều ngôi chùa, thiền viện khắp trong Nam ngoài Bắc và mở rộng sang cả các nước Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Italia, Ukraina… Tên tuổi của thiền sư Huyền Quang vẫn sẽ còn mãi mãi gắn với thiền phái Trúc Lâm trong thời gian và không gian vô tận.
THIỀN SƯ HUYỀN QUANG VỚI LỄ HỘI CÔN SƠN
Chùa Côn Sơn là 1 trong 3 trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng với Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh. Nơi đây đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như: Trần Nguyên Đán, Thiền sư Huyền Quang và người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Thiền sư Huyền Quang đã trụ trì tu hành và viên tịch ở đây. Sau khi Thiền sư Huyền Quang mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh Bảo Tháp và từ đó đến nay ngày mất của Thiền sư Huyền Quang dần trở thành ngày Hội xuân Côn Sơn.
Hằng năm theo lệ cổ vào ngày mất của Đức thánh Trần Hưng Đạo (20 tháng 8 âm lịch) và ngày viên tịch của Thiền sư Huyền Quang (23 tháng giêng âm lịch) Triều đình đều cử các quan đại thần, các quan phủ, trấn vùng lân cận về dự tế, lễ cầu quốc thái dân an. Nhân dân và Phật tử xa gần nô nức hành hương về trảy Hội Côn Sơn – Kiếp Bạc, tưởng niệm các bậc vĩ nhân. Chính thức lễ hội bắt đầu từ ngày 15 tháng giêng đến ngày 23 tháng giêng thì kết thúc. Cái thu hút hấp dẫn khách thập phương vì Côn Sơn là một vùng danh lam cổ kính nổi tiếng. Từ 600 năm trước, Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) đã mô tả: “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới, bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát hợp với tai mắt người ta ở đây đều có cả”. Nguyễn Trãi sau đó cũng mô tả bằng thơ:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”.
Côn Sơn tức núi Kỳ Lân, hay tên dân gian quen gọi là núi Hun cao gần 200m, dài trên 1km; chùa Côn Sơn cũng có tên là chùa Hun. Ngày xưa dân trong vùng thường lên núi lấy củi mang xuống chân núi gần chùa đốt than, quanh chùa khói luôn nghi ngút nên gọi là chùa Hun, nay thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 13. Đến giữa đầu thế kỷ 14 chùa được Thiền sư Huyền Quang trụ trì với quần thể Giếng Ngọc, Bàn Cờ Tiên và Thạch Bàn trong khu di tích càng làm cho chùa Côn Sơn trở nên hoành tráng thơ mộng và đẹp đẽ. Đến thế kỷ 17 -18, chùa được trùng tu mở rộng và mấy năm gần đây được tôn tạo rất khang trang. Di tích Côn Sơn đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia ngay đợt đầu tiên năm (1962) và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và đọc bia về Nguyễn Trãi .
Đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo cũng nằm trong quần thể di tích danh thắng Côn Sơn càng làm cho dải đất thiêng thêm lộng lẫy, tạo nên một vùng văn hóa tâm linh với lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn những bậc vĩ nhân đã có công giúp dân giúp nước.
Trải qua trên 700 năm tồn tại và phát triển, lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc trở thành nơi “Quốc lễ” của đất nước, là lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh người Việt. Ngày nay nhiều hình thái văn hóa phi vật thể trong các lễ hội đã được bảo lưu, trình diễn đặc sắc và hấp dẫn như tế, rước bộ, hội quân, lễ mộc dục, lễ cầu an và nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đáp ứng các nhu cầu tâm linh: Cầu duyên, cầu tự, cầu con, cầu sức khỏe, cầu tài, cầu lộc… Mong được Thần, Phật chứng tâm độ cho thỏa nguyện, đó là thuần phong mỹ tục lâu đời góp phần làm lên bản sắc văn hóa đa dạng và tốt đẹp của dân cư Đồng bằng Bắc Bộ.
Giờ đây, qua năm tháng phôi phai, thiên nhiên môi trường ở đây đang xuống cấp nghiêm trọng. Dù cảnh quan có thay đổi, con người cũng trở lên vô tình với thiên nhiên hơn nhưng khí thiêng hồn xưa vẫn còn đó, Côn Sơn cũng phải cố gắng giữ lại và phục dựng những gì đã có: Có bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Tiếng suối reo xa vời và hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt và tâm hồn con người chúng ta. Muốn làm được như vậy phải xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của di tích, phải có kế hoạch dài hơi, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hóa với Tài nguyên – Môi trường và Du lịch để cùng giữ gìn và bảo tồn phát triển di tích lễ hội Côn Sơn.
Lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc là nét văn hóa đặc sắc của nhân dân tỉnh Hải Dương nói riêng và nhân dân khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung tôn vinh công đức to lớn của các anh hùng dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam chúng ta; cần phải được giữ gìn và phát huy đúng với giá trị của nó.
Thượng Tọa Thích Gia Quang
Phó tổng thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học