THÊM MỘT CÔNG TRÌNH VĂN HOÁ Ở CÔN SƠN

Ngôi Đền sừng sững uy nghi; thấp thoáng dưới tán thông cổ thụ nhìn ra hồ Côn Sơn – Nơi được coi là tụ linh, tụ phúc; tiền án là dãy núi An Sinh. Ngôi Đền đắm mình trong không gian thiên nhiên đầy thơ mộng; có gió thổi, thông reo, suối ngàn vẫn chảy rì rào như đang kể về một thời cổ tích của hơn 600 năm trước

          Cuối thế kỷ XIV cơ đồ nhà Trần lung lay, báo trước sự sụp đổ không xa. Tư Đồ Trần Nguyên Đán xin với 2 vua (Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông) một khu đất ở chùa Côn Sơn để làm nơi lui nghỉ. Cánh trí thiên nhiên ở đây thật hợp với tâm hồn của ông: “Khói ngàn, ráng đỏ như gấm cuốn, như lụa giăng; cỏ rừng, hoa suối hoặc mầu biết đung đưa, hoặc mầu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn….” (1). Sách Lịch triều hiến chương loại chí cũng viết: “Núi Côn Sơn ở xã Chi Ngại trước thuộc huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc hình như con Kỳ Lân. Trên núi có độngThanh Hư, dưới núi có cầu Thấu Ngọc, cây và đá xanh um thật là cảnh đẹp ở nhân gian. Về triều Trần, sư Pháp Loa làm nhà tu ở đấy; sư Huyền Quang cũng thường đến tu ở núi này. Đến cuối thời Trần, Băng Hồ về hưu khi uống rượu, khi ngâm thơ ung dung thích ý” (2)

Trần Nguyên Đán hiệu là Băng Hồ sinh năm Ất Sửu (1325). Quê quán ở hương Tức Mặc, lộ Thiên Trường. Ông là cháu tằng tôn thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và là ông ngoại của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Trần Nguyên Đán thuộc họ tôn thất, nên từ sớm được bổ nhậm làm quan theo quy chế tập chức. Năm 1369, Ông có công dẹp loạn Dương Nhật Lễ đưa Trần Phủ lên ngôi (Trần Nghệ Tông), được phong chức Tư đồ phụ chính. Đời Trần Phế Đế (1377 – 1388) Hồ Quý Ly tiếm quyền, Trần Nguyên Đán biết nhà Trần sắp mất xin về hưu sống ở Côn Sơn.

Trước khi về hưu trí ở Côn Sơn, Tư Đồ đã cùng với hai vua Nghệ Tôn và Duệ Tôn về thăm thú cảnh đẹp chùa Côn Sơn vốn là danh lam nơi đất Bắc, tiêu biểu của trời Nam. Và Tư Đồ cũng cho xây dựng một công trình “Nghỉ ngơi chơi ngắm”. “Động dựng xong đức Duệ Tông tặng 3 chữ ngự bút lớn Thanh Hư Động nêu ở mặt bia, thượng hoàng Nghệ Tông tự chế bài mình khắc vào bia” (3)

Trong 5 năm (1385 – 1390) ông sống ở Côn Sơn, ngoài việc dạy cháu ngoại (Nguyễn Trãi) học, Ông còn có công trồng thông, bà trồng giễ – góp phần làm cho cảnh chùa thêm đẹp, thêm nhộn nhịp.

Những năm ở Côn Sơn, chúng ta cảm thấy Ông sống như để chờ đợi một sự đổi khác. Ở đây Ông đã cho đắp một đàn tế sao Bắc Đẩu (sao Bắc Đẩu là then chốt của trời) mong muốn kéo dài triều đại nhà Trần, khơi dậy một thời hào khí Đông A. Nhưng mong muốn của Ông không thực hiện được.

Năm 1390, Ông ốm mà không uống thuốc vì không muốn sống để trông thấy cảnh nhà Tràn sụp đổ. Ngày 14 tháng 11 năm Canh Ngọ (1390) Ông mất, thọ 65 tuổi. Sau khi Ông mất, ở Côn Sơn có một từ đường thờ Ông. Trong khoảng sau 1390, trước 1395 thượng hoàng Nghệ Tông có về Côn Sơn và đề một bài thơ ở từ đường Trần Nguyên Đán.

“…. Việc muối mơ qua rồi, bia vẫn còn đây

Đàn tinh đẩu bỏ hoang, lối đi đã mờ

Động phủ quạng vắng, người bay lên tiên rồi

Chỉ còn lại dấu vết gợi nên nỗi buồn man mác” (4)

Từ thế kỷ XX đến nay, khu vực Động Thanh Hư chỉ còn là một khu phế tích: Động phủ đổ nát từ lâu, cầu Thấu Ngọc cũng không còn. Năm 1979 và năm 2000, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã tiến hành 2 đợt khai quật khảo cổ ở trên khu vực Động Thanh Hư và dưới chân núi Ngũ Nhạc đã phát hiện được nhiều hiện vật khảo cổ thuộc văn hóa thời Trần.

Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân thắng lợi, Đảng và Nhà nước mới có điều kiện đầu tư xứng đáng cho khu di tích lịch sử quan trọng này. Năm 1992, di tích chùa Côn Sơn được xếp hạng là di tích lịch sử – Danh thắng đặc biệt quan trọng của quốc gia. Hơn 10 năm trở lại đây, nhiều công trình kiến trúc văn hóa ở Côn Sơn được phục dựng: Năm miếu và đường bộ lên Ngũ Nhạc linh từ; Nhà bia nền nhà cũ Nguyễn Trãi; mở rộng tiền đường chùa Côn Sơn; xây mới đền thờ Nguyễn Trãi dưới chân núi Ngũ Nhạc tại vị trí Động Thanh Hư. Tất cả các công trình được phục dựng này đều lộng lẫy hơn xưa.

Ngày 2 tháng 6 năm 2004, UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định số 2138/QĐ-UB về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình: xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi (giai đoạn 2) trong đó có xây dựng am thờ tại động Thanh Hư thờ Trần Nguyên Đán với giá trị dự toán trên 2 tỷ đồng.

Ngôi đền xây dựng trên nền động phủ xưa ở độ cao 60m. Kiến trúc ngôi Đền do Công ty kiến trúc ACC – Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế được thể hiện dưới bàn tay tài hoa của cánh thợ làng nghề Cúc Bồ thuộc Công ty TNHH tu bổ di tích Thanh Bình thi công. Sau gần 2 năm thi công, công trình đền thờ Trần Nguyên Đán đang trong giai đoạn cuối. Dự kiến công trình sẽ khánh thành đón khách tham quan vào lễ hội mùa xuân năm 2006. Đền thờ quan Tư Đồ được làm bằng vật liệu quý hiếm. Đường lên Đền quanh co, khúc khuỷu được lát bằng đá quý. Nghi môn cao vời vợi thể hiện quyền uy, kết cấu tứ trụ. 2 trụ chính đăng đối với nhau qua đường thần đạo vào Đền. Đỉnh trụ là búp nhượng chầu ra bốn hướng đắp tứ linh. Đế trụ đắp vỉa dạng cổ bồng. Giữa 2 trụ chính làm mái nhà chè, lợp ngói vẩy cá. Trụ phụ kết cấu tương tự trụ chính, đỉnh trụ đắp long mã quy chầu, lồng đèn trang trí tứ quý.

Đền chính kiến trúc theo kiểu chữ đinh (J) gồm: Bái đường và hậu cung. Bái đường kết cấu 2 tầng tám mái lớp ngói vẩy cá. Chính giữa bờ nóc là hình hổ phù đội mặt trời bốc lửa, đầu bờ nóc đắp con kìm hiện thân của con ly với bộ mặt dữ tợn đầy quyền uy. Đầu đao tầng mái trên lá kép gồm: rồng, guột mây, lá hóa rồng. Tầng mái dưới đắp đao kép tứ linh: trong hoạt cảnh đầm ấm,biểu hiện sự trường tồn, vĩnh cửu, âm – dương hòa hợp.

Bái đường gồm 1 gian 2 chái, hệ thống của bức bàn chạm hình tiên nữ dâng hoa, đánh đàn. Các gian liên kết với nhau bởi hệ thống vì xà tường bao. 2 bộ vì nóc gian chính điện kết cấu giá chiêng, chồng rường con nhị. Hệ thống cột bằng bê – tông giả gỗ, chân tảng hoa sen.

Hậu cung xây tường hồi bít đốc gồm 1 gian 2 chái. Hệ thống cửa thượng song hạ bản. Phía trên 2 cửa ngách chạm phượng cuốn thư.

Các cấu kiện kiến trúc đền quan Tư Đồ hầu hết được làm bằng bê – tông giả gỗ sơn son thiếp vàng, trừ một số cấu kiện ở mái: hoàng, rui, tầu mái, lái mái, âú tầu và hệ thống cửa được làm bằng gỗ lim. Tất cả những họa tiết trang trí, kiến trúc thể hiện sự tôn quý của ngôi Đền.

Ngôi Đền sừng sững uy nghi; thấp thoáng dưới tán thông cổ thụ nhìn ra hồ Côn Sơn – Nơi được coi là tụ linh, tụ phúc; tiền án là dãy núi An Sinh. Ngôi Đền đắm mình trong không gian thiên nhiên đầy thơ mộng; có gió thổi, thông reo, suối ngàn vẫn chảy rì rào như đang kể về một thời cổ tích của hơn 600 năm trước. Ngôi Đền trầm mặc như vẫn chứa tư tưởng của Băng Hồ Tướng công mà Thượng hoàng Nghệ Tông đã từng ca ngợi.

“Tư Đồ sáng am,

                    Trên núi thâm nghiêm

                    Há phải muốn riêng mình vui thú

                   Chính là để ngụ cái ý lên cao

                   Ngồi trên bàn đá là muốn đặt thế nước yên ổn,

                    Cúi nhìn dòng nước là muốn bàn sâu vào việc nước,

                    Nương dưới bóng cây la muốn mở rộng được sự che chở cho dân

                    Tựa vào khóm trúc là muốn đến với nhiều hiền sĩ” (5)

Bích Sâm

Trả lời