NGUYỄN TRÃI TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA VIỆT NAM

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) sống và hoạt động trong một thời kỳ đầy biến động, đầy hoạn nạn và âu lo của lịch sử Việt Nam. Ông là con đẻ của thời đại ấy và là ngôi sao Khuê lấp lánh trên bầu trời lịch sử Việt Nam thời đại ấy.

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) sống và hoạt động trong một thời kỳ đầy biến động, đầy hoạn nạn và âu lo của lịch sử Việt Nam. Ông là con đẻ của thời đại ấy và là ngôi sao Khuê lấp lánh trên bầu trời lịch sử Việt Nam thời đại ấy.

Về chính trị xã hội, Nguyễn Trãi đã sống 20 năm cuối triều Trần – một quyền lực truyền thống đã xa đoạ và gần như đã nằm trong tay không chế của Hồ Quý Ly; 7 năm dưới triều Hồ – một quyền lực đang xây dựng dang dở; 20 năm dưới thời thuộc Minh và chống Minh thuộc – một thời kỳ đầy bão táp của bạo lực bành trướng và đô hộ Trung Quốc, đầy bão của bạo lực quần chúng, của toàn thể dân tộc được tổ chức, vùng dậy đấu tranh chống bánh trướng và đô hộ Trung Quốc, giải phóng dân tộc, dành độc lập, tự do; và 15 năm đầu triều Lê, với những lộn xộn sau chiến tranhvà đảo lộn thân phận xã hội quá nhanh của một triều đại dân tộc lớn cuối cùng của của lịch sử Việt Nam, đã có xu hướng chuyên chế “ kiểu châu Á”.

Về văn hoá, Nguyễn Trãi sống trong một thời kỳ quá độ, thời kỳ bản lề của hai chặng đường lịch sử văn hoá Việt Nam. Trước Nguyễn Trãi, là một văn hoá Đại Việt được cấu trúc theo mô hình Phật giáo; sau Nguyễn Trãi là một văn hoá Đại Việt được cấu trúc theo mô hình Nho giáo (Tống Nho, hay Tân Nho giáo theo quan niệm của học giả phương Tây). Mô hình, thì chẳng bao giờ đóng khuôn được hết những “tràn bờ” của tư tưởng, văn hoá Việt Nam.

Nguyễn Trãi tắm mình trong một bầu không khí văn hoá, ở đó đang diễn tiến cuộc đấu tranh gay gắt giữa TRUYỀN THỐNG và ĐỔI MỚI, cuộc đấu tranh gay gắt giữa xu hướng Trung Quốc hoá với xu hướng giải Trung Quốc hoá trong nội bộ các thế lực cầm quyền và giới trí thức, văn hoá Đại Việt. Hai mươi năm Minh thuộc, với chủ trương và âm mưu tái Trung Quốc hoá nên văn hoá Việt của bọn giặc Minh, càng làm gay gắt thêm, phức tạp thêm cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một nên văn hoá Việt Nam, một lối sống Việt Nam. Nguyễn Trãi đã dấn thân hết mình vào cuộc đấu tranh chính trị, văn hoá, xã hội này; và tiếc thay, ông đã ra khỏi cuộc đời này một cách bi thảm!

II

Hàng ngàn năm trước công nguyên, trước sự xâm nhập của Trung Quốc, người Việt có một lối sống riêng, với một nền văn minh độc đáo (văn minh Đông Sơn) gắn bó với gia đình các dân tộc và văn hoá Đông Nam Á.

Bành trướng Trung Quốc, từ một vài thế kỷ trước công nguyên, đã từ lưu vực Trường Giang tràn đến lưu vực Sông Hồng. Bắt đầu một thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc về chính trị. Hán hoá và giải Hán hoá, một thế lưỡng phân lịch sử, một mâu thuẫn cực kỳ cơ bản của xã hội và văn hoá Việt Nam. Đất Việt có nguy cơ bị dứt khỏi nền đồng văn Đông Nam Á để trở thành vùng phía trước của nền văn minh Trung Hoa ở khu vực này. Nhưng mà không! 10 thế kỷ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, đất Việt có bị giải thể văn hoá ít nhiều, có sự giao tiếp văn hoá Việt-Hoa, cũng như trào lưu chống hỗn dung văn hoá. Ba quá trình hỗ tương giao tác, tất yếu sản sinh hai khuynh hướng văn hoá: Khuynh hướng Trung Quốc hoá: hữu thức về phía bọn đô hộ, bọn tay sai, bọn vọng ngoại, gần như vô thức về phía những đại biểu của dân tộc và nhân dân. Khuynh hướng Việt hoá: bảo lưu tinh hoa truyền thống, giải hán hoá, thâu hoá những đóng góp của các yếu tố ngoại sinh, kết hợp tất cả lại trong một cấu trúc mới, trong một dòng tạo mới. Văn hoá Đại Việt – Thăng Long ra đời trên cơ sở đó.

Chối từ sự đô hộ của nước ngoài, khong chối từ phần đóng góp rất có thể là quan trọng về nhiều mặt của các yếu tố văn hoá ngoại sinh: đó là cái đặc điểm hằng xuyên của của đất Việt, người Việt, văn hoá Việt.

III

Ra khỏi thời Bắc thuộc và bước vào kỷ nguyên Đại Việt, tổ tiên ta – trước hết là những người và tầng lớp đại biểu cho dân tộc – đứng trước những thực tế lịch sử này:

1. Người Việt là một dân tộc – cư dân, một dân tộc nông dân, với một “nền văn hoá xóm làng”. Làng Việt là một mô hình xã hội – văn hoá Việt, một yếu tố nội sinh có tính thông nhất nhưng cũng mang tính phân tán, có xu thế giải tập trung.

2. Nước Việt là một Dân tộc – Quốc gia. Nhà nước có chức năng xã hội tham gia – với xóm làng – quản lý Đê điều và tổ chức chiến tranh, chủ yếu chống bành trướng Trung Quốc. Nhà nước Việt ra đời từ thế kỷ X đã theo mô hình Trung Quốc, kiểu vương quyền và đế quyền. Ra khỏi thời bắc thuộc, giai tầng thống trị Việt bị mắc vào một thế lưỡng, do có hai hệ quy chiếu:

Hệ quy chiếu Trung Quốc: di sản sẵn có của quá khứ Bắc thuộc, do quyền lợi giai cấp, do học Tàu để chống Tàu, do tư tưởng dập khuôn, do tự ti “Nam nhân Bắc hướng” mà cũng do tự tôn muốn “bất dị Trung Quốc”, “vô tốn Trung Quốc” v.v…Có xu hướng Bắc hoá về chính trị – hành chính, văn hoá, giáo dục, thi cử v.v…

Hệ quy chiếu dân tộc: đã chống Bắc thuộc và còn phải chống bành trướng Trung Quốc, giai tầng thống trị Việt – đại biểu cho dân tộc ta khi ấy – phải cố gắng thoát ly ảnh hưởng của Trung Quốc sâu gốc bền rễ trong nhân dân và dân tộc để tự tạo cho mình một bản lĩnh riêng. Muốn thế phải gần dân, thân dân, khoan dân, hạn chế chuyên quyền độc đoán, kết hợp mềm dẻo giữa tập trung nhà nước và dân chủ xóm làng, cái Nhà nước và cái xã hội, cái chính thức (chính thống) và cái dân gian, cái ngoại sinh và cái nội sinh,cái bảo lưu truyền thống và cái bung ra đổi mới,v.v…Có xu thế dân tộc hoá, cả pháp độ, văn hoá, giáo dục v.v…Mắc vào thế lưỡng này, cả tầng lớp cầm quyền trị nước, cả tầng lớp trí thức, tăng đồ, Nho gia, Đạo sĩ… khó ai có một diện mạo nhất định ở đương thời mà thoát được cái thế lưỡng này, kể cả Nguyễn Trãi; duy chỉ có điều ở người này, ở thời này , xu thế nào là xu thế chính, có tính chất chi phối mà thôi.

Khúc Hạo là nhà cải cách đầu tiên của nước Việt ở đầu thế kỷ X, người chiến sĩ tiên phong của công cuộc giải Hán hoá và dân tộc hoá cơ cấu nhà nước và văn minh Việt. “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, dân chúng đều được yên vui”(Cương mục). Kỷ nguyên Đai Việt,cho đến đầu thế kỷ XIV, theo cương lĩnh bốn chữ “KHOAN-GIẢN-AN-LẠC”, phát triển dưới hai định hướng DÂN TỘC và THÂN DÂN.

Các vua Lý và Trần – trước Dụ Tông – không phải hay chưa phải là những vua độc tài, chuyên chế, quá xa dân. Chính vì chính trị thuần từ nhân dân mà nhà Lý đã dành thắng lợi chống xâm lược Tống, hun đúc ý chí “Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Chính vì theo đường lối nới sức dân,khoan dung với người dưới mà triều Trần ba lần đại thắng xâm lược Mông Nguyên, tạo dựng “hào khí Đông A”. Dân là gốc nước. Đã yêu nước thì phải yêu dân. Và đã gắn bó với dân thì tự nhiên nảy sinh long tự hào dân tộc. “Tìm về dân tộc” và “thân dân” là phương thuốc tích cực nhất để giải nọc độc vọng ngoại, giải Hán hoá. Phép tổ chức quân sự, Tống còn phải học Lý. Tống thua Mông Nguyên, Trần thắng Mông Nguyên. Các vua Trần không bắt chước chế độ nhà Tống, Đó là thực tế lịch sử rất lớn – như bây giờ ta thường nói: chiến tranh là một sự thử thách lớn đối với một chế độ xã hội, khiến Minh Tông có thể nói: “Nước nhà (chỉ nhà Trần) đã có phép tắc riêng nhất định: Nam, Bắc phong tục khác nhau. Ông vua truỵ lạc Trần Dụ Tông vẫn còn một điểm lương tri khi làm thơ ca ngợi đức độ Trần Thái Tông: “Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng”. “Tuy Đồng mà Bất Đồng” là một công thức hay để chỉ thế đối sánh Việt Nam – Trung Quốc. Đồng ở cách, bất đồng ở cốt, giống nhau ở phần biểu kiến, hiện tượng – kết quả Trung Quốc hoá, hội nhập văn hoá với Trung Quốc trên bề mặt – khác nhau ở phần tiềm ẩn, bản chất – kết quả dân tộc, giải Hán hoá dưới bề sâu.

Thực thể dân tộc tính đầu đời Trần rõ ràng đến mức, trăm năm sau, cái ông vua thiếu quả quyết và bất lực như Nghệ Tông cũng biết nói một câu khôn ngoan, đúng đắn: “Triều đình ngày trước dựng nước tự có pháp độ riêng, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam, Bắc đều làm chủ nước mình, không cần phải bắt chước nhau”.

IV

Nếu ý thức hệ là cái cốt lõi của một nền văn hoá, thì như đã nói ở trên, hệ tư tưởng yêu nước thương dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt kỷ nguyên Đại Việt, quán xuyến văn hoá Thăng Long. Nếu “văn” là văn hoá, “hiến” là hiền tài, thì quả thật nền văn hiến của kỷ nguyên Đại Việt – Thăng Long phát triển vô cùng rực rỡ: “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang” (Nguyễn Trãi).

Cố nhiên, nền văn hoá Việt Nam trong kỷ nguyên Đại Việt – như bất cứ nền văn hoá nào khác đương thời, đều mang một hình thức tôn giáo nhất định, Nói cho đúng, ngày xưa tôn giáo không chỉ là hình thức của văn hoá, mà còn là nội dung, là chất men say, là một bộ phận cấu thành hữu cơ của văn hoá. Đạo Phật là tôn giáo lớn phát triển mạnh nhất ở đât Việt thời Bắc thuộc. Bên cạnh, là Đạo giáo; Nho giáo thì kém phát triển hơn. Thế kỷ X, khi nước ta dành lại được độc lập dân tộc thì Phật giáo và thiền là hai hệ Phật giáo hưng thịnh nhất của thời đại.

Từ thời Đinh, Phật Giáo được chính thức thừa nhận làm nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho vua. Rất nhiều Thiền sư tham dự chính sự tuy không tham gia chính quyền. Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, những ông vua đều xuất thân võ tướng, cần đến sức học, sự hiểu biết của các vị Thiền sư là thành phần chủ yếu của giới trí thức lúc bấy giờ. Nho sĩ tuy đã có nhưng chưa nhiều, mới chỉ là thư lại. Sư bàn cả việc quân sự, khuyên vua đánh Tống, bình Chiêm, nghĩa là rất “nhập thế”. Các vua đời đời Lý so với các vua Đinh, Lê thì giỏi hơn nhiều về mặt học thức. Họ đều có học Phật, học cả Nho, lại nuôi cả Đạo sĩ trong cung, cũng như nhiều Thiền sư, họ am tường cả Tam giáo.

Trước thời hậu Lê, triều đình Đại Việt biết dung hợp cả ba ý thức hệ Phật, Đạo, Nho. Từ sau việc lập Văn miếu và mở khoa thi Nho(1070-1075), trong triều ngoài nội dã xuất hiện một tầng lớp Nho sĩ. Dần dà Nho sĩ làm mọi việc triều đình, còn Thiền sư chỉ làm cố vấn về phương diện chỉ đạo tinh thần không trực tiếp làm nhữngviệc tiếp sứ, thảo chiếu dụ, văn thư… như trước nữa. Cuối thế kỷ XII đã xuất hiện các Nho thần như Đàm Dĩ Mông bài xích Phật giáo.

Nhưng dù sao ảnh hưởng của các thiền sư trên triều đình còn mạnh. Các vua đầu thời Trần, từ Thái Tông đến Anh Tông, đều có căn bản vững chắc về Phật học. Thiền phái Trúc Lâm ra đời và phát triển mạnh, có tính dân tộc. Dưới sự chi phối của tinh thần dân tộc, của hệ tư tưởng yêu nước, Phật giáo đời Trần cũng mang tính cách “nhập thể” mạnh, Thiền và thiền Đại Việt – có tính năng động cao. Phật, Nho và Đạo đều phụng sự cho đời sống, đời sống tâm linh giải thoát cũng như đời sống xã hội thực tiễn. Cũng do yêu cầu cố kết nhân tâm và hoà hợp dân tộc , mà cũng như thời Lý, Tam giáo vẫn thịnh hành cùng với những tín ngưỡng dân gian khác. Vua tu thiền, nhưng các con vua có thể tu thiền, theo Đạo hoặc mở trường dạy Nho. Tinh thần khoan dung và tự do vẫn chi phối thời Trần như và hơn thời Lý. Chính nhứng Phật tử thuần thành nhất như Thái Tông, Thánh Tông, do ở ngôi vua, do yêu cầu phát triển của chế độ trung ương tập quyền và bộ máy quan liêu, đã mở rộng Nho giáo. Nhưng Lý – Trần không chỉ thi Nho mà thi cả Tam giáo. Có thể nói, nền giáo dục thi cử Lý – Trần mang tính chất tổn hợp Tam Giáo và không có tính cách từ chương. Về mặt này Trần Nguyên Đán, ông ngoại Nguyễn Trãi, rất tự hào mà so sánh với Trung Quốc:

Hán, Đường, nhị Tống hựu Nguyên, Minh,
Lệ thiết từ hoa tuyển tuấn anh.
Hà tự thánh triều cầu thực học,
Dương tri vạn tuế tuyệt cơ bình.

(Hán,Đường,hai Tống lại Nguyên, Minh,
Lệ đặt khoa thi chọn tuấn anh.
Sao giống triều ta cầu thực học,

Để muôn đời dứt tiếng phê bình).

Cạnh văn là võ. Cái tinh thần cơ bản cua thời Lý-Trần vẫn là tinh thần thượng võ. Tuổi trẻ thời Trần, từ quý tộc đến bình dân phần nhiều chuộng vũ dũng, Lê Quý Đôn hết lời ca ngợi nhà Trần đãi ngộ nhân tài một cách khoan dung, cởi mở, cẩn trọng, lễ phép, “cho nên nhân sĩ thời ấy ai ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vũ vượt qua ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với Trời Đất, há phải đời sau kịp được đâu!” (Kiến văn hoá tiểu lục).

Văn hoá thời Lý-Trần là nền văn hoá dân tộc, độc lập. Chữ Nôm ra đời. Một nền văn học Nôm hình thành và bước đầu phát triển, Những bộ sử đầu tiên của dân tộc ta ra đời. Tình trạng nhị nguyên văn hoá chưa thật rõ rệt, sinh hoạt văn hoá cung đình vẫn đậm đà tính chất dân gian, đậm đà chất Đông Nam Á ngàn xưa: đấu vật, hất phết, đua thuyền, hát chèo, múa đội mo nang cầm dùi đục, rối cạn và rối nước, v.v…

V.

Giữa và cuối thế kỷ XIV, nhà Trần bắt đầu suy, xa rời đường lối thân dân, khoan dân.Quyên lực truyền thống không còn được thói quyen kính trọng, nó dần dần biến thành bạo lực: quân chúng “nổi loạn” và bị võlực đàn áp. Rối loạn ngoại nội (khởi nghĩa nông dân, nô tỳ), rối loạn cung đình (loạn Dương Nhật Lễ). Rối loạn toàn xã hội … Chu Văn An dâng thất trảm sớ (1362), bị bỏ qua không xét, đã treo ấn từ quan, đi ẩn. Trần Nguyên Đán ban đầu cũng muốn “dấn thân” nhưng rồi cũng chán ngán dần.

Phật giáo cũng suy đồi cùng với các triều đình vốn ủng hộ nhà chùa quá mức. Những Nho thần như Trương hán Siêu, Lê Quát, tiếp theo Lê Văn Hưu của thế kỷ thứ XIII, bắt đầu công kích thế lực Phật giáo, tố cáo việc dựng quá nhiều, người cạo đầu làm sư quá lắm; các ông muốn “dùng Đạo Thánh ( Nho giáo) để giáo hoá dân chúng” (Bia Chùa Thiện Phúc). Nhưng ở các địa phương, trường học Nho thì thiếu, Văn Miếu thì không! Bắt đầu đấu tranh gay gắt về ý thức hệ: Nho bài xích Phật. Bắt đầu cạnh tranh gay gắt về quyền lực, giữa một thế giới Nho sĩ xuất thân bình dân đã lớn mạnh và giới Tăng đồ vốn được hai vương triều Lý-Trần trọng đãi, được cấp nhiều ruộng đất và điền nô… Lê Quát cùng với Phạm Sư Mạnh – đều là học trò Chu Văn An, hai người tạo nên một học phong rầm rộ mà Nguyễn Trãi ngợi ca là “Phong lưu Lê, Phạm” – đề nghị Minh Tông cải cách chế dộ theo mô hình Nho giáo, cũng tức là bắt chước Trung Quốc, bắt chước nhà Minh, Minh thắng Nguyên (1368), nhà Nho họ Phạm đầy ảo tưởng:
Phương kim Trung Quốc dụng Nho trị,
Hà phương cộng hỉ thánh ân đàm.
(Mà nay Trung Quốc dùng Nho trị,
Ơn Thánh phương xa cũng sướng vui).

Trần Minh Tông gạt phăng đề nghị cải cách của Tàu của hai ông Lê, Phạm: “Nếu nghe theo kế của kẻ học trò mặt trắng ( Nho sĩ) tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay”. Lê Quát thất vọng, nghĩ đến chuyện về vườn. Nhưng rồi Minh Tông mất (1354); khoảng niên hiệu Đại Trị (1358-1369) thời Dụ Tông, Lê, Phạm được đại dụng, vào chính phủ, làm hiến pháp, bắt chước Tàu. Mô hình Nho giáo đầy tính chất kỳ thị, thay thế thái độ mềm dẻo bằng một thái độ cứng ngắc, thay thế tinh thần khoan dung bằng một tinh thần nghiêm khắc, thay thế tinh thần hoà đồng, tự do bằng một tinh thần độc tôn có khuynh hướng chuyên chế về tư tưởng và chính trị, bách hại, đàn áp những kẻ có ý kiến, quan điểm tín ngưỡng nghịch với mình. Nước không khỏi loạn, trái lại còn loạn thêm, Loạn Dương Nhật Lễ (1369), họ Trần tưởng mất ngôi vua nhưng lại tạm thời được dựng lại (1370), song vương triều Trần, từ thời Nghệ Tông trở đi, nếu chưa phải là một cái xác không hồn thì cũng đã là một người hấp hối. Sau khi thấy pháp độ đã bị Trung Quốc hoá đi ít nhiều Nghệ Tông rất muốn trở lại truyền thống và pháp độ của các vị vua đầu đời Trần. Ông nói: “Khoảng năm Đại Trị, kẻ học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý sâu xa của sự lập pháp, đem pháp chế cũ của tổ tông thay đổi thành tục phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương, không thể kể hết”. Từ đây, chính trị buổi đầu thời Nghệ Tông trở lại theo đúng lệ cũ đời khai thái (Minh Tông). Nghịch lý của cuối thế kỷ XIV là: Thời thế đã thay đổi, vậy cần đổi mới. Nhưng cái đề nghị đổi mới lại là xu hướng Trung Quốc hoá, phản dân tộc (đại diện là các Nho Thần Lê Phạm). Cái truyền thống thì bảo thủ (mất tính năng động buổi đầu Trần) muốn giữ nguyên trạng, nhưng lại nhân danh dân tộc, nên nêu lên một nguyên lý đúng: “Nam, Bắc khác nhau không cần bắt chước nhau”!

Xã hội, văn hoá khủng hoảng mà không có đường lối giải quyết. Đúng lúc ấy nhân vât Hồ Quý Ly xuất hiện trên chính trường lịch sử. Hồ Quý Ly vừa muốn thanh lọc Phật giáo, vừa muốn phê phán xét lại Nho giáo, nhưng cũng chưa xây dựng nổi một một ý thức hệ Việt Nam làm cốt lõi cho nền văn hoá Việt Nam. Ông bất lực trước việc hoạch định một một mô hình dân tộc của sự phát triển. Ôâng kiên quyết chống Minh, ông cũng muốn giải Hán hoá nền văn hoá Việt, giáo dục Việt. Song ông chỉ mới thổi “tiếng kèn ngập ngừng”, sử dụng những biện pháp nửa vời. Tâm thức ông cũng đầy mâu thuẫn giữa hai dòng nước Trung Quốc hoá và dân tộc hoá: sau bốn lần lấy họ Lê, ông lại lấy họ Hồ, truy lên gần 500 năm về trước là gốc Hoa, từ Phúc Kiến di cư sang xứ Nghệ; tự cho là dòng dõi Ngu Thuẫn bên Tàu để đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Trả lời xứ Minh hỏi về phong tục nước ta, ông cũng lại lấy Hán, Đường là “chuẩn mực”:

Tá vấn An Nam sự,

An Nam phong tục thuần .

Y quan đường chế độ,

Lễ nhạc Hán quân thần.

Ông xây dựng một nền độc tài cá nhân.Ông không nắm được dân, “trăm vạn người trăm vạn lòng”, ông không cố kết được nhân tâm, hoà hợp dân tộc. Dân tâm lìa tan và ông để mất nước vào tay bọn giặc Minh. Nho sĩ nào lúc bấy giờ còn tỏ ra kính phục nhà Minh thì hiện thực đã được giải ảo. Bọn bành chướng Minh hiện nguyên hình ác quỷ, hiện nguyên hình là những tên man rợ mới, man rợ lớn. Chúng ráo riết thực hiện âm mưu Tái Trung Quốc hoá đất Việt, người Việt, văn hoá Việt. Cướp được nước ta, trong khoảng 20 năm trời (1407-1427), bên nền đô hộ hà khắc về chính trị, vơ vét tham tàn về kinh tế, giặc Minh đã thi hành một chính sách huỷ diệt độc ác về văn hoá. Giặc Minh đã quyết tâm đạp cho tan nát những cơ cấu văn hoá dân tộc xây dựng suốt hơn 400 năm, chủ yếu dưới thời Lý-Trần. Vua Minh đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm lăng, khi tiến quân vào nươc ta, thấy bất cứ cuốn sách cuốn vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu huỷ đập phá hết. Tên tướng Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim của ta, đóng thùng trở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418), nhà Minh còn sai tiến sĩ Hạ Thì và Hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm hết các sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết. Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo của Trung Quốc sang thay thế cho cho những sách trước kia chúng lấy đi. Chính sách huỷ diệt văn hoá thâm độc đó đã phá loại gia tài văn hoá, tinh thần của dân tộc ta không phải là ít. Nếu không, cái gia tài văn hoá, văn học, tư tưởng thời Lý-Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào!

Khởi nghĩa Lam Sơn và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ thứ XV sau bao năm đấu tranh gian khổ đã giành lại độc lập dân tộc. Thắng lợi đó có ý nghĩa cứu vớt những di sản văn hoá dân tộc của thời Lý-Trần.

Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, kế tục và phát huy truyền thống “dân tộc và thân dân” thời Lý-Trần, đã có những cố gắng để khôi phục và phát triển nền văn hoá dân tộc. Trong Bình Ngô đại cáo, ông nhấn mạnh sự “dị thù” giữa Đại Việt và Trung Quốc cả về cương vực, cả về văn hoá. Dư địa chí ghi lệnh cấm người Việt bắt chước phong tục Ngô. Bản chất tư tưởng Nguyễn Trãi có thể gọi là tư tưởng Nho giáo dân gian (Confusianisme populaire). Nhưng cuộc tranh luận giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng về việc soạn nhạc cung đình, sự bất đồng ý kiến sâu sắc giữa hai người, việc Nguyễn Trãi xin rút khỏi việc soạn nhạc, việc Lương Đăng hoàn toàn mô phỏng nhạc thể và nhạc cụ triều Minh trong việc soạn nhạc cung đình triều Lê đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự tiến triển của tình trạng nhị nguyên văn hoá giữa cung đình và dân gian. Nhà Lê nhất là từ đời Lê Thánh Tông (1460-1497), về chính trị thì củng cố chế độ trung ương tập quyền theo hướng chuyên chế, về tư tưởng thì theo hướng độc tôn Nho giáo,bài xích Phật, Đạo và tín ngưỡng dân gian, về văn hoá thì xa rời vốn liếng dân gian, vua Lê về thăm quê, trai gái đổ ra đường đón mừng, hát múa những làn điệu dân gian thì bị dẹp đuổi, bảo là “Dâm”. Nghệ thuật chèo bị Thánh Tông xua đuổi khỏi cung đình vì bị kết tội là “hay châm biếm những bậc trưởng thượng”. Trạng nguyên Lương Thế Vinh thích kê cứu phật, yêu thích Toán học, say mê nghiên cứu hí trường, thì tuy phải nhận là “tài hoa vượt bậc” vẫn không được trọng dụng, không được tham gia làm thành viên hội Tao Đàn, không được coi là một trong những “Nhị thập bát tú”, mà chỉ làm chân “sai phu” (quét dọn), bị coi là có tật hay khôi hài, thiếu nghiêm chỉnh. Cuối cùng, trạng Lường cũng phải về hưu non (1441 – trước 1497) và sau khi chết, chỉ vì viết sách Phật, nên bị Lê Hiếu Tông không cho thờ cúng trong Văn miếu. Tinh thần kỳ thị tôn giáo, chuyên chế tư tưởng của triều Lê nặng nề đến như vậy! Một khi đã xa dời truyền thống dân gian, truyền thống dân tộc thời Lý-Trần thì nền văn hoá chính thống triêu Lê ngày càng rơi vào quỹ đạo của văn hoá phong kiến Trung Quốc. Từ sách giáo khoa, việc học, việc thi, việc bảng vàng bia đá để danh, cho đến âm nhạc mỹ thuật v.v… đều nhất nhất mô phỏng theo thể chế nhà Minh. Sức sống của nền văn hoá dân tộc giờ đây phải tìm về kho tàng văn hoá dân gian, ở đó các cương lĩnh Nho giáo đã bị lật ngược lại.

Cố nhiên, trước thực tế dân tộc khác Trung Quốc, triều Lê cũng không thể nhắm mắt mù quáng sao chép mô hình Trung Quốc về mọi mặt. Luật Hồng Đức chẳng hạn dù có tham chiếu Hình luật Đường, Tống, Minh.. thì, do sự phóng rọi của văn hoá dân gian, tập tục xã hội lên trên triều chính, vẫn là một sự trọng thị đối với yếu tố nội sinh của dân tộc Việt. Nhưng thực tế ngoại diên bao giờ cũng vượt lên trên cái duy ý chí của tầng lớp thống trị. Cuối thế kỷ XVIII, được dựng lên sau một cuộc chiến tranh nông dân và chiên tranh bảo vệ tổ quốc đánh thắng giặc Thanh xâm lược, triều đại Quang Trung – Nguyễn Huệ (1789-1792) đã lại khởi sự một quá trình giải Trung Quốc hoá nền văn hoá Việt (dịch sách Hán sang chữ Nôm, chú trọng quốc văn, ý định xây dựng kinh tế tự cường , không cần mua hàng của Trung Quốc…). Triều Tây Sơn đổ, triều Nguyễn lên thay, càng độc tôn Nho giáo, càng mô phỏng Tàu, càng chuyên chế, càng xa dân và cuối cùng để mát nước cho giặc Pháp.

VI.

Đặt Nguyễn Trãi trong bối cảnh văn hoá của thời đại ông, rồi mở rộng sự suy tư về vận mệnh của nền văn hoá Việt Nam từ ngàn xưa cho đến nay, nhấn nhá vào một trong những cung bậc thăng trầm chính của nó, tôi nghĩ rắng có thể rút ra một vài kết luận sau đây:

Một cái gốc Việt từ thời đại các vua Hùng. Rồi cả một quá trình liên tục, dài dằng dẵng, đầy những âm mưu (từ phía Trung Quốc), và ngộ nhận (từ bên trong dân tộc) của sự Trung Quốc hoá và những nỗ lực phi thường từ Khúc Hạo, Hồ Quý Ly cho đến Quang Trung nhằm giải Trung Quốc hoá nên văn hoá Việt, với những lưỡng lực và những nghịch lý và lịch sử, thậm chí của từng nhân vật lịch sử như Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi .Cuộc đấu tranh giữa mô hình dân tộc và mô hình kiểu Tàu cho đên khi phong kiến hết thời vẫn chưa chấm dứt thì thếa kỷ XIX lại đem tới đất Việt một nền đô hộ mới kiểu mẫu phương Tây, rồi vào những thập kỷ 50 -70 của thế kỷ XX, trên nửa nước này một lối sống Mỹ.

Mô hình phương Tây là một công cụ vô thức của lịch sử góp phần giải Hán hoá nền văn hoá Việt Nam, nhưng đã làm giải thể nhiều mặt truyền thống dân tộc , là một mô hình có tính chất huỷ diệt dân tộc. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người Việt Nam vĩ đại, người Việt Nam trăm phần trăm, đã thâu thái hội nhập tinh hoa văn hoá Đông, Tây, phác lên một mô hình Việt Nam trong thời đại mới. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, với Đề cương văn hoá Việt Nam (1943), với đường lối cách mạng văn hoá tư tưởng từ Đại hội III (1960), đã và vẫn đang diễn ra trên đất Việt cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm tiếp tục giải Hán hoá – cái ngày xưa tổ tiên chưa bài tiêt hết và cái gần đây mới hội nhập vào – giải Tây hoá, giải Mỹ hoá nhằm xây dựng một lối sống Việt Nam, xây dựng NỀN VĂN HOÁ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM./.

  GS. Trần Quốc Vượng

Trả lời