Ngày nay khi đề cập đến văn bản thơ Nguyễn Trãi, chúng ta không thể không nhắc tới bộ Ức Trai di tập (1). Đây là bộ sách được biên tập vào thế kỷ thứ XIX, nội dung thu thập một số lượng tư liệu khá phong phú, nhờ đó trở thành văn bản quan trọng nhất lưu truyền cho đời sau nhiều trước tác thuộc các lĩnh vực của Nguyễn Trãi
Ngày nay khi đề cập đến văn bản thơ Nguyễn Trãi, chúng ta không thể không nhắc tới bộ Ức Trai di tập (1). Đây là bộ sách được biên tập vào thế kỷ thứ XIX, nội dung thu thập một số lượng tư liệu khá phong phú, nhờ đó trở thành văn bản quan trọng nhất lưu truyền cho đời sau nhiều trước tác thuộc các lĩnh vực của Nguyễn Trãi. Đáng quí nữa là sách đã được khắc in, nhờ đó càng làm tăng thêm độ tin cậy của văn bản. Nhưng bên cạnh bản in và vài bản sao in lại nguyên bản in này, hiện cũng còn nhiều bản chép tay khác cũng liên quan đến sách ƯTDT. Mặt khác hầu hết những bản chép tay này đều tỏ ra tàn khuyết, thiếu hoàn chỉnh, đồng thời không thể tránh khỏi lỗi về sao chép thông thường, nhưng mặt khác trong chúng lại có chứa nhiều điểm khác biệt cả về hình thức lẫn nội dung so với bản in, khiến ta phải nhìn nhận chúng với tư cách là những dị bản (chứ không phải bản sao đơn thuần). Cá biệt còn có những dấu hiệu cho thấy niên đại sao chép của chúng còn lớn hơn bản in nhiều năm. Biên tập, chỉnh lý sách ƯTDT là một quá trình kéo dài hàng mấy chục năm, kể từ khi thu thập tài liệu cho đến lúc khắc ván in. Muốn đi sâu tìm hiểu về quá trình đó cần phải xem xét một cách toàn diện tất cả các văn bản hiện còn.
1. Tình trạng văn bản:
Văn bản ƯTDT lưu tàng ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Sử học hiện tất cả có 20 bản, có thể phân làm 3 nhóm như sau:
a) Bản in Ức Trai di tập, do Phúc Khê tàng bản, khắc in mùa Thu năm Tự Đức Mậu Thìn (1868), gồm 7 quyển: 1) Thi loại. 2) Phụ lục thơ văn Nguyễn Phi Khanh. 3) Văn loại. 4) Quân trung từ mệnh tập. 5) Sự trạng bình luận. 6) Dư địa chí. 7) Quốc âm thi tập. Ký hiệu các quyển của bản này A.139 (91-96); VHv.1772/1-3 (9.1-9.6); A.26/6(94); VHv.697/1-2 (9.3-9.6); VHv.5 (9.7); VHv.57(2) (9.3, 95, 9.6); VHv.23/1-3 (9.1 – 9.6).
b) Bản sao lại bản in; các ký hiệu: A.31/98 (9.4-9.6) VHv.1498 (9.1-9.6); A.139 (9.7); VHv.143 (9.7).
c) Các bản chép tay khác:
1. Bản sao của Phạm Lí: gồm đề ƯTDT kí hiệu VHv.2159; Hành trạng khảo (9.1), Thi loại (9.2), Văn loại, Quân trung từ mệnh.
2. ƯTDT, kí hiệu A.1753, gồm: Văn loại, Dư địa chí, Bình luận chư thuyết.
3. Bản sao của Diệp (Xuân) Huyên ƯTDT, kí hiệu A.131 gồm: Hành trạng khảo; Văn loại; Ức Trai di tập (Thơ chữ Hán); Nguyễn Phi Khanh thi tập.
4. ƯTDT, kí hiệu VHv.179, gồm: Hành trang khảo, 9.1; Thi loại, chia ra Thượng: thơ chữ Hán, Hạ: thơ chữ Nôm; Dư địa chí; Quân trung từ mệnh tập; Văn loại; Thơ văn Nguyễn Phi Khanh.
5. ƯTDT, kí hiệu VHv.462, gồm: Hành trạng; Văn loại – Quân trung từ mệnh tập; Văn loại.
6. ƯTDT, kí hiệu A.206, gồm: Sự Trạng; Bình luận; 9.2: Dư địa chí; 9.3: Văn loại.
7. Ức Trai tập, kí hiệu A.110, gồm: Hành trạng khảo; Quân trung từ mệnh tập; Văn loại; Ức Trai thi tập.
8. Ức Trai tiên sinh thi tập, kí hiệu là VHv.106, gồm: Thi loạ i (thơ chữ Hán).
9. Ức Trai thi văn, kí hiệu VHv.466, gồm: Hình trạng khảo; Thi loại; Văn loại – Quân trung từ mệnh; Văn loại; Thơ văn Nguyễn Phi Khanh.
Tổng cộng có tất cả 29 bản mang kí hiệu khác nhau, trong đó bản in 7 bản, bản sao lại bản in 4 bản và các bản chép tay khác 9 bản.
2. Những thông tin trực tiếp về quá trình biên tập sách ƯTDT:
Điều may mắn là trong ƯTDT còn giữ lại khá đầy đủ các bài Tựa, Chí của những nhân vật liên quan đến sự hình thành bộ sách. Căn cứ vào đó ta có thể dựng lại tương đối chi tiết từng bước công việc biên tập sách.
Người có công đầu trong việc biên tập nên sách ƯTDT là Dương Bá Cung (1791 – 1868). Ông cũng là người làng Nhị Khê, vốn yêu mến văn thơ Nguyễn Trãi từ lâu, xót xa trước tình trạng thất tán của chúng nên trong nhiều năm trời, khi đi du lịch khắp trong nam ngoài bắc, ông luôn để tâm dò hỏi, thu thập di văn của Nguyễn Trãi mang về, rồi theo loại mà sắp thành một tập(3). Đến đầu những năm 30 thế kỉ XIX, lúc tài liệu thu thập đã tương đối phong phú, Dương Bá Cung mới mang đến cho Nguyễn Năng Tĩnh xem. Trong lời tựa đề năm Minh Mệnh thứ 14 (1833). Nguyễn Năng Tĩnh viết: “Người đồng hương với ức Trai là ông lệnh doãn Gia Binh họ Dương Bá Cung đem đến cho tôi xem những trước tác của tiên sinh ức Trai và của vị thân sinh là Nguyễn Phi Khanh, cùng với các tờ báo sắc phong tặng qua các đời, ghi chép trong gia phả và những lời bàn luận về ức Trai mà ông hàng ngày thu thập được, rồi yêu cầu tôi biên soạn, sắp xếp, phê bình kiểm duyệt và đề lời tựa. Về thơ văn so với thơ của ức Trai chép trong các sách Việt âm thi tập và Hoàng Việt văn tuyển thì có phần đủ hơn. Về Quân trung từ mệnh và Dư địa chí đã thấy được nói đến và ghi tên trong sử sách. Tôi nhân đó xếp thành 4 quyển, ở cuối lại phụ chép thơ văn Nguyễn Phi Khanh làm quyển 5, rồi lấy nhan đề là Ức Trai di tập.
Qua đây ta biết rằng sưu tập của Dương Bá Cung lúc này gồm 3 phần chính: thơ văn Nguyễn Trãi, các tài liệu về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi (lấy từ các cáo sắc, gia phả, bình luận…) và thơ văn Nguyễn Phi Khanh. Có lẽ đó mới chỉ là một bản thảo tập hợp những hồ sơ, tư liệu mà Dương Bá Cung đã thu thập được, qua sơ bộ “phân loại mà gom thành tập”(5). Có thể hiểu việc phân loại là đem trước tác Nguyễn Trãi chia ra hai loại Văn và Thơ, trong đó lại dựa theo tên những tập sách đã từng được biên tập từ đời trước nhưng đã thất truyền như Ức Trai di tập, Quân trung từ mệnh tập, Dư địa chí… mà xếp theo tập. Ghi nhận công lao của Dương Bá Cung, lời Chí của Diệp Xuân Huyên cũng chỉ nói “Kẻ hậu học, đồng hương với tiên sinh ức Trai là Dương Bá Cung ra sức sưu tầm tập hợp thơ văn của tiên sinh được một số loại”…(6). Như vậy tập bản thảo lúc này vẫn chưa thể coi là định hình. Chính từ cơ sở đó theo yêu cầu của Dương Bá Cung, Nguyễn Năng Tĩnh đã biên tập thành bộ 5 quyển, đặt tên là ƯTDT, đồng thời tiến hành hiệu duyệt, bình chú và đề tựa.
Năm Giáp Ngọ (1834), Dương Bá Cung đến thăm Ngô Thế Vinh (1802 – 1856) mang theo tập sách. Kết quả sự hợp tác với Nguyễn Năng Tĩnh. Bài của Ngô Thế Vinh đề tựa tập sách ấy ghi năm Minh Mệnh Đinh Dậu (1837) có đoạn nói: “Mùa xuân năm Giáp Ngọ được gặp người bạn học là Dương Bá Cung ở Gia Bình. Ông Dương vốn là đồng hương với tiên sinh ức Trai, tay trao cho tôi sách này, gồm có 4 quyển, và bảo tôi đề tựa cho sách”.
Tại sao ở đây Ngô Thế Vinh lại nói sách chỉ có 4 quyển ? Điều này được Phạm Lí giải thích trong lời Chí đề năm Tự Đức Bính Thìn (1856) như sau:
“Xét tập sách này tức ƯTDT là do ngài Dương Bá Cung biên tập, gồm có 5 quyển, trong đó 4 quyển là thơ văn của tiên sinh Ức Trai, quyển cuối cùng phụ chép trước tác của thân phụ Nguyễn Phi Khanh…. Nay ông Dương Đình Ngô Thế Vinh của tôi viết lời Tựa chỉ nêu có 4 quyển, và không để lại lời bình chú ở phần thơ văn của cụ Phi Khanh không phải là không có ý riêng, không có dấu tích phê bình văn ông Phi Khanh và trong lời Tựa chỉ nêu có 4 quyển, ấy chính là muốn chỉ bàn riêng về văn của Tế Văn Hầu Nguyễn Trãi mà thôi (7).
Như vậy ƯTDT đến tay Ngô Thế Vinh gồm 5 quyển như Nguyễn Năng Tĩnh đã sắp xếp. Có thể đoán định 5 quyển đó là: 1) Thi loại; 2) Văn loại; 3) Quân trung từ mệnh; 4) Dư địa chí; 5) Phụ thơ văn Nguyễn Phi Khanh. Yêu cầu của Dương Bá Cung được Ngô Thế Vinh chấp nhận(8). Thực tế ông đã để lại một bài tựa và hơn nữa, ở một số bản còn lưu lại nhiều đoạn bình của ông cùng Nguyễn Năng Tĩnh chứng tỏ Ngô Thế Vinh có đóng góp nhiều vào việc hiệu đính, bình chú. Có lẽ vào lúc này Ngô Thế Vinh đã viết lời Văn chí gửi Dương Bá Cung, đại ý nói: Sách đáng để lưu hành ở đời đã khó thấy , người được sách ấy mà biết đem công bố ra ngoài càng khó thấy hơn. Nay ngài đã cất công lên rừng xuống bể góp nhặt ngọc châu cho khỏi đắm chìm trong sương khói, lẫn lộn ở bụi gai, thực gắng sức cần cù biết bao. Nhưng nếu trong sách mà còn những chỗ chép sai chép lộn thì dẫu có được lưu hành cũng chưa thể coi là toàn bích. Ngài vốn đã thận trọng, nay càng mong sửa chữa thêm cho sáng tỏ những chỗ đó, chớ ngại rườm rà. Vậy có mấy lời, may mà được ngài lưu ý cho(9).
Theo gợi ý đó, Dương Bá Cung trở về chỉnh lại sách, và đến năm Bính Thân (1836) lại đem tới cho Ngô Thế Vinh xem lại. Lần này tập sách đã được “biên soạn sắp xếp rõ ràng hoàn chỉnh hơn hẳn lần trước, đủ thấy tấm lòng và công sức của họ Dương như Ngô Thế Vinh đã viết. Rồi hai ông bàn nhau đem công bố sách ấy cho mọi người cùng biết. Nhưng phải mãi đến năm Tự Đức thứ 21 (1868) dự định ấy mới được thực hiện khi bản in Phúc khê ra đời.
Hơn ba chục năm ấy là quãng thời gian để Dương Bá Cung và những người khác tiếp tục tu bổ chỉnh lí ƯTDT, đồng thời cũng là thời gian sách đựơc truyền nhau sao chép ra nhiều bản chép tay khác nhau. Hai trong số những bản chép tay hiện còn có ghi rõ xuất xứ và niên đại sao chép văn bản: Bản thứ nhất là từ bản A.131 do Diệp (Xuân) Huyên, tự Cổ Hiên, hiệu Di Nhiên Phủ sao chép Lời Chí đề tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 5 (1844) có đoạn nói: “Tôi tìm được sách này ở nhà ông Trọng Phu (Ngô Thế Vinh)”(10). Lời Chí thứ hai là của Phạm Lý tự Nhã Chi hiệu An Phong đề năm Tự Đức Bính Thìn (1856) chép nối sau lời Tựa của Ngô Thế Vinh ở bản VHv.2159. Sau khi giải thích việc Ngô Thế Vinh đề Tựa và phê bình tập sách ƯTDT, Phạm Lý viết: “Lý tôi kính sao chép lại nguyên bản cất giữ ở nhà tiên sinh (Ngô Thế Vinh)”(11). Qua đó ta thấy, bản gốc dùng cho sao chép lúc ấy ngoài phần sưu tập của Dương Bá Cung, ít nhất còn một nguồn cung cấp nữa là kho sách nhà Ngô Thế Vinh. Chỉ sau khi bản in Phúc Khê xuất hiện, do có thể được ấn hành với số lượng đáng kể, hơn nữa sách in tỏ ra có kết cấu chặt chẽ hoàn chỉnh hơn thì việc sao chép mới dừng lại, hoặc nếu còn thì hầu như đều dựa theo bản in đó của nhà Phúc Khê.
3. Liên hệ giữa các văn bản:
Trên cơ sở phân tích lai lịch văn bản đã nói ở trên, có thể thấy quá trình hình thành các văn bản như sau:
Trước hết bản in Phúc Khê (1868) là văn bản hoàn chỉnh cuối cùng của ƯTDT. Bản này có đầy đủ 3 bài tựa của Nguyễn Năng Tĩnh (1833), Ngô Thế Vinh (1837) và Dương Bá Cung (1868). Kết cấu 7 quyển (tức là có chênh lệch số quyển so với hồi đầu Nguyễn Năng Tĩnh sắp xếp). Hai quyển dôi ra là Sự trạng bình luận và Quốc âm thi tập. Riêng quyển Sự trạng bình luận, mặc dù nội dung của nó đã thấy được đề cập đến trong các Lời tựa trước đó, nhưng xem kỹ quyển này có thể tìm được những bằng chứng khá chắc chắn cho thấy có sự thay đổi, bổ sung cả trong nội dung. Ví dụ đạo sắc của triều đình phong tặng danh hiệu: “Tuấn mại Cương trung Trung đẳng thần” cho vị thần “Tuyên Linh Diên Khánh” (thần hiệu của Nguyễn Trãi) và cho phép dân chúng Vùng hậu duệ của Nguyễn Trãi thôn Hạ xã Nhị Khê được tiếp tục thờ cúng như cũ. Sắc đề ngày 14 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 6 (1853), tức nhiều nhất là 15 năm trước khi khắc ván in nó đã được đưa vào sách, nối tiếp ngay sau đạo sắc đời Minh Mạng. Qua đó có thể nhận định rằng sau khi ƯTDT được hình thành và chỉnh lý từ những năm 1833 – 1837 trở về sau, nội dung và hình thức của sách vẫn được tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện, kể cả việc bổ sung tài liệu mới. Những sự thay đổi sẽ tiếp tục được chỉ ra khi đối chiếu với các văn bản chép tay khác.
Hai bản chép tay của Diệp (Xuân) Huyên và Phạm Lý đều ghi nhận nguồn gốc sao chép từ nhà Ngô Thế Vinh và cho biết niên đại sao chép tương đối là trước năm 1844 và 1856. Hai bản này mới chỉ có bài Tựa của Nguyễn Năng Tĩnh và Ngô Thế Vinh mà chưa có Tựa của Dương Bá Cung. Cũng chưa có cả đạo sắc phong năm Tự Đức 5 (1853) mặc dù bản Phạm Lý được chép sau khi đã ban bố đạo sắc này. Qua đối chiếu với bản in có thể nhận thấy hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, ở hai bản này, phần Hành trạng khảo được gộp với các bài Tựa trở nên phần phụ mở đầu sách mà chưa tách thành quyển riêng. Thứ hai là tiêu đề quyển 2 ở bản Phạm Lý được viết khá đặc biệt là Văn loại – Quân trung từ mệnh. Xem nội dung thì quyển này không phải gộp chung hai quyển Văn loại và Quân trung từ mệnh ở bản in mà thực tế chỉ tương đương quyển Quân trung từ mệnh mà thôi. Tuy nhiên đây không phải sự nhầm lẫn, bởi vì tiêu đề đặc biệt này còn thấy xuất hiện ở một bản khác là bản VHv.462(12). Bản này bị tàn khuyết hầu hết, chỉ còn nguyên vẹn được một quyển Văn loại – Quân trung từ mệnh. So sánh quyển này với bản Phạm Lý thì thấy chúng giống nhau gần như hoàn toàn: Các văn kiện ở đây và 40 văn kiện đầu của bản Phạm Lý(13) trùng khớp nhau cả về số lượng, thứ tự sắp xếp và nội dung sao chép, đồng thời cùng giữ được những lời bình của họ Nguyễn, họ Ngô và một số câu ghi chú đặc thù khác. ỏ bản VSH này, sau 40 văn kiện của Văn loại – Quân trung từ mệnh là đến quyển Văn loại chỉ còn sót lại 2 văn kiện. Vậy thì tại sao có quyển Văn loại rồi lại còn Văn loại – Quân trung từ mệnh? Cách đặt tiêu này có thể giải thích như là kết quả dung hòa giữa hai phương thức biên tập sách ƯTDT đã nêu ở trên. Đó là cách chia theo thể loại thơ và văn, và cách xếp theo tên những sách đã được biên soạn từ đời trước. Theo đó thì những thơ từ do Nguyễn Trãi soạn thảo thuộc loại Văn, nhưng đồng thời chúng đã được Trần Khắc Kiệm biên tập thành Quân trung từ mệnh từ đời Hồng Đức, do đó chúng được gộp thành một quyển với tiêu đề kép là Văn loại – Quân trung từ mệnh. Còn đối với những bài văn riêng lẻ khác như biểu, tấu cáo, văn bia v.v… thì dành lại gọi chung là Văn loại. Theo đó mà suy thì quyển Dư địa chí ắt phải mang tiêu đề Văn loại Dư địa chí? Quả như vậy, ở một bản ƯTDT khác mang ký hiệu A.1753 có chép phần Dư địa chí, và phần này đúng là mang tiêu đề Văn loại Dư địa chí. Từ cách đặt tiêu đề đặc biệt theo một phương thức nhất quán của 3 văn bản trên, cộng với một số đặc điểm chung khác cho phép đi tới nhận định rằng chúng là những phần có nguồn gốc chung từ một bản nào đó cất giữ ở nhà Ngô Thế Vinh. Cùng nguồn gốc trên còn có bản chép của Diệu (Xuân) Huyên mang ký hiệu A.131. Bản này cấu tạo bởi hai phần có kiểu chữ khác nhau ghép lại, trong đó, qua giám định, thì thấy chỉ có phần chép kiểu chữ chân ở 50 trang đầu là thuộc phần sao chép của Diệp Xuân Huyên mà thôi(14). Đến đây, từ những phần riêng lẻ còn lại trong 4 bản: Phạm Lý, VSI, A.131 và A1753 ta có thể ghép lại để dựng nên kết cấu của một bản có nguồn gốc ở nhà Ngô Thế Vinh đại để gồm:
Phần mở đầu:
– Tựa của Nguyễn Năng Tĩnh và Ngô Thế Vinh (Bản Phạm Lý và A.131). – Hành trạng khảo (Phạm Lý, A.131, VSH).
Thân sách:
– q.1. Thi loại (Phạm Lý).
– q.2. Văn loại Quân trung từ mệnh (Phạm Lý, VSH).
– q.3. Văn loại (A131, VSH).
– q.4. Văn loại Dư địa chí (A. 1753).
Phụ lục: Bình luận chư thuyết (A. 1753).
Ngoài ra, có thể bổ sung vào nội dung trên ở phần Phụ lục quyển Thơ Văn Nguyễn Phi Khanh, vì trong lời Chí của Phạm Lý nói rõ bản nhà Ngô Thế Vinh vốn đã có quyển này nhưng khi chép ông lược bỏ đi (15). Thêm nữa, ở đầu quyển 1 Thi loại bản Phạm Lý có lời chú: “Về thơ Nôm Quốc âm có một tập gồm 69 bài, phụ chép ở tập cuối”(16). Như vậy bản nhà Ngô Thế Vinh cũng còn phần thơ Nôm (Quốc âm thi tập) nhưng vì 4 bản hiện nay không bản nào còn nguyên vẹn đến cuối nên ta không thấy có phần này trên thực tế.
Nhìn vào văn bản vừa được xác lập (dưới đây tạm gọi tắt là bản Ngô Thế Vinh: NTV) ta nhận thấy văn bản này tỏ ra gần gũi với kết cấu 5 quyển do Nguyễn Năng Tĩnh sắp xếp hơn là 7 quyển của bản in Phúc Khê. Đối chiếu tỉ mỉ hơn thấy có nhiều dị đồng lớn nhỏ khác cả hình thức lẫn nội dung giữa bản NTV này với bản in. Cụ thể một số dị đồng chính ở các quyển như sau:
Thị loại: Bản NTV còn giữ lại các lời phê bình cuả Ngô, Nguyễn bên cạnh chính văn mà không thấy có ở bản in, ngược lại bản NTV lại không phụ chép mấy bài thơ tặng đáp như bản in. Ngoài ra còn thấy một số tiểu dẫn có ít nhiều sai khác hoặc đảo lộn vị trí.
Văn loại: ở bản NTV, quyển này tuy không còn trọn vẹn nhưng có thể nhận định văn kiện chép ở đây có số lượng ít hơn và có xáo trộn vị trí.
Văn loại Dư địa chí: Bản NTV có thêm đoạn cuối “Trúc Am Sử thị viết…”, trong khi không có tất cả các lời Cẩn án ghi ở cuối mỗi phần viết về một đơn vị hành chính của bản in.
Hành trạng khảo: Bản NTV không có 5 đoạn tư liệu: Trích Thông sử, Tài liệu về năm Quang Thuận thứ II Kỷ Dậu, năm Vĩnh Trị II đời Hi Tông, năm Vĩnh Thục V đời ý Tông và năm Tự Đức 6.
Bình luận: Bản NTV có thêm đoạn dẫn thơ Hà Nhậm Đại triều Mạc nhưng lại thiếu toàn bộ đoạn cuối trích từ các sách Kiến văn lục, Nhân vật chí, Thiên Nam thực lục, Tang thương ngẫu lục, Lại thi phong thủy chí, Văn thần Lê Trãi thi tự và Huân hiền Nguyễn Trãi truyện.
Quốc âm thi tập: Bản NTV nói chỉ có 69 bài thơ Nôm trong khi ở bản in số bài lên tới 254 bài, chênh lệch 185 bài.
Văn loại Quân trung từ mệnh: Theo mục lục, số lượng văn kiện ở bản in là 42, trong khi ở bản NTV là 40. Nhưng sự chênh lệch 2 văn kiện ở đây không phải do bản NTV chép thiếu mà chỉ bởi có sự xáo trộn, thay đổi vị trí văn kiện giữa hai quyển Văn loại Quân Trung từ mệnh và quyển Văn loại. Cụ thể là ba văn kiện Biểu cầu phong số 21(17). Văn tấu cáo 22 Tấu cầu phong 44 vốn có ở quyển Quân trung từ mệnh bản in được bản NTV chép sang quyển Văn loại, bản in lại được tách ra đem về quyển Văn loại Quân trung từ mệnh của bản NTV. Rõ ràng việc thay đổi vị trí trên không phải do sao chép tùy tiện mà là được tiến hành có chủ định, bởi nhờ thế mà văn kiện ở quyển Văn loại Quân trung từ mệnh trở nên thuần nhất: tất cả 40 văn kiện đều là thư đấu tranh ngoại giao và thư dụ hàng gửi quân tướng giặc Minh.
Có thể đặt câu hỏi: Tất cả những thay đổi, thêm bớt làm cho bản NTV khác với bản in như đã trình bày trên là của bản thân bản này hay chỉ là sao chép lại theo một bản có trước nó? Chúng ta chú ý đến một câu chú thích nhỏ nhưng quan trọng ở bản Phạm Lý: Trong quyển Văn loại Quân trung từ mệnh bản này, sau tiêu đề thư cho Vương Thông của văn kiện số 42 có chú rằng: “Thử thiên Dương bản nguyên tải tại đệ tam quyển Văn loại trung, Trình tình tạ tội biểu văn chi thượng kinh dĩ thư loại tịnh lục vu thử”. Dịch: “Bức thư này ở bản Dương (Bá Cung) vốn được chép trong quyển 3 Văn loại nằm trên Biểu trần tình tạ tội. Nay vì (thấy nó cũng thuộc về) loại thư từ nên chép cùng vào đây”.
Lời chú thích trên cho biết khi chép bản này người ta đã dựa vào một văn bản gọi là bản Dương (Bá Cung). Người sao chép đã tỏ ra không thụ động, mà khi thấy có sự bất hợp lý đã mạnh dạn tiến hành những sửa chữa cần thiết, đồng thời còn thận trọng lưu lại lời chú thích rõ về sự thay đổi đó. Bên trên qua đối chiếu cho thấy, ngoài trường hợp văn kiện 42 này, Văn loại Quân trung từ mệnh bản NTV còn có sự đổi vị trí 3 văn kiện khác nữa. Dò tìm trong quyển này, ta thấy được đầy đủ cả 3 lời chú liên quan. Đó là:
– Trước văn kiện 10 Thư gửi Hoa đại nhân, có chú: “Thượng hữu cầu phong biểu”, tức là “Trước (thư này) có Biểu Câu phong”;
– Sau văn kiện 20 Lai thư cho Sơn thọ, chú: “Hạ hữu Tấu cáo văn” tức là “Sau (thư này) có Văn tấu cáo”
– Trước văn kiện 43 Lai thư cho Vương Thông, chú: “Thượng hữu cầu phong biểu văn”, tức là “Trước (thư này) có Biểu cầu phong”.
Ý nghĩa của mấy câu chú thích này là tại vị trí xảy ra sự thay đổi, người sao chép đã lưu lại thông tin về thực trạng của nguyên bản trước khi tiến hành sự thay đổi đó. Nếu vậy ta có thể sử dụng mấy câu chú này, kết hợp với câu chú về tập thơ Nôm Quốc âm thi tập ở đầu quyển Thi loại để làm chìa khóa xác định ra nguyên bản được gọi là “Dương bản” là bản nào. Liệu nó có giống như bản in không? Theo sự chỉ dẫn của những câu chú thích, chúng tôi đã đối chiếu với vị trí tương ứng ở bản in Phúc Khê thì thấy hầu như không phù hợp. ở bản in, trước văn kiện 10 Thư gửi Hoa đại nhân không có Biểu cầu phong; sau văn kiện 20 Lại thư cho Sơn Thọ không phải Văn tấu cáo; trước văn kiện 43 Thư cho Vương Thông đúng là có Biểu (hay Tấu) cầu phong. Còn bức thư 42 Thư cho Vương Thông tuy đúng là ở quyển 3 Văn loại nhưng lại đặt dưới Biểu trần tình tạ tội. Và như đã biết, Quốc âm thi tập ở đây có những 254 bài. Rõ ràng “Dương bản” chắc chắn có trước bản in, như vậy đây lại thêm bằng chứng cho thấy cho tới lúc in, ƯTDT đã được sửa chữa thay đổi so với tiền thân của nó.
Cũng như cách làm như đối với bản in, khi tiếp tục đem đối chiếu với bản Hv.179(18) thì thấy kết quả rất phù hợp với các chú thích. Ba văn kiện Biểu, Cáo, Tấu ở quyển Quân trung từ mệnh hoàn toàn nằm đúng vị trí được chỉ ra. Số lượng thơ Nôm ở phần Thi loại hạ khớp đúng với con số 69 bài. Chỉ tiếc rằng phần đầu quyển Văn loại bản này bị để trống một đoạn nên không thể đối chiếu vị trí văn kiện số 42 được. Nhưng như thế cũng là đủ để xác định bản VSI này có khả năng mang nội dung của “Dương bản” được nhắc tới trong bản Phạm Lý.
Bản VSI là bản có nội dung đầy đủ nhất trong các bản chép tay. Tuy các bộ phận trong sách không đề rõ đủ quyển trật, nhưng vẫn có thể nhận ra kết cấu của nó gồm 5 quyển và phần mở đầu sách. Đặc biệt là bản này mới chỉ có một bài Tựa của Nguyễn Năng Tĩnh năm 1833 mà chưa có Tựa của Ngô Thế Vinh hoặc Dương Bá Cung. Đây có thể coi là chi tiết xác nhận niên đại sớm của nó so với các bản. Phần Hành trạng khảo và Lịch đại thế biên (tức Bình luận chư thuyết) ở đầu sách đều còn sơ sài, ít tài liệu hơn bản in và bản NTV. Quyển1 được đặc biệt chia ra hai phần: Thi loại, thượng chép thơ chữ Hán và Thi loại, hạ chép 69 bài thơ Nôm. Quyển Dư địa chí chép sơ sài, và giống như bản NTV, không có các phần Cẩn án. Quyển Quân trung từ mệnh có số lượng văn kiện là 42, bằng bản in nhưng thứ tự có sai khác như đã nêu trên. Số lượng văn kiện phần Văn loại bản này ít hơn nhiều so với bản in (có thể còn do nguyên nhân sao chép), nhưng đặc biệt lại có chép thêm 5 văn kiện mà bản in và nhiều bản khác không có. Đó là:
– Tế Dạ Trạch từ văn (ở văn kiện này có dòng chữ son “(bài văn) trên là do người đời sau phụ hội đặt ra, nên cắt bỏ đi”)
– Cầu phong biểu văn, mang tên Trần Cảo.
– An chỉ đối: trả lời vua Lê Thái Tông về việc xử chém 7 tên tội phạm.
– Định nhại thời sở thượng trát tử: tờ trát dâng vua khi tham gia định âm nhạc.
– Định nhạc thời hặc hoạn quan trát tử: tờ trát hặc tội quan lại khi tham gia định âm nhạc.
Từ những đặc điểm vừa giống với bản in vừa tương tự với bản NTV của bản VSI thấy được qua so sánh trên cho phép ta nghĩ rằng nội dung một “Dương bản” chứa trong bản VSI chính là nguồn gốc chung của cả hai bản in Phúc Khê và bản NTV. Việc sửa chữa “Dương bản” ban đầu ấy thành bản NTV theo chúng tôi, chỉ có thể do chính Ngô Thế Vinh tiến hành. Người ta đã tìm và sao lại các văn bản NTV từ kho sách trong nhà ông. Ngô Thế Vinh chủ yếu chỉ sắp xếp lại các quyển trong sách hoặc thay đổi vị trí các tài liệu của từng quyển ở những chỗ ông cho là chưa hợp lý, chứ không có sự bổ sung tài liệu mới như Dương Bá Cung. Rõ ràng, Ngô Thế Vinh đã tiến hành một cách độc lập với Dương Bá Cung. Vì thế nhiều sự thay đổi của bản NTV vẫn giữ nguyên như cũ ở bản in của Dương Bá Cung, ngược lại, những tài liệu nội dung mới được Dương Bá Cung bổ sung vẫn không xuất hiện ở bản NTV. Tình hình văn bản cũng chứng tỏ rằng, việc sửa chữa của Ngô Thế Vinh không phải là hoàn thành trong một lúc, mà thực tế được tiến hành sửa chữa từng bước một. Hiện còn những bản mà nội dung của nó có tính chất trung gian giữa “Dương bản” và bản NTV, như các bản HV.466 và A.140. Hai bản này về cơ bản đã gần tương tự như bản sao của Phạm Lý và Diệp Xuân Huyên, 3 tờ biểu, tấu đã được tách ra khỏi phần Quân trung từ mệnh, nhưng phần Văn loại còn sót bức Thư gửi Vương Thông chép trước tờ Biểu trần tình tạ tội. Hoặc như ở quyển Văn loại bản HV.466, bài Văn tế đền Dạ Trạch đã bị cắt bỏ theo lời chú son ở bản VSI, nhưng ở đây vẫn còn chép bài Nguyễn Trãi trả lời Lê Thái Tông (bản này gọi là Nhân nghĩa pháp lệnh luận) và 2 tờ trát làm khi đặt định âm nhạc. Tới bản A.140, cả bốn văn kiện này đều bị lược bỏ. Nếu tiếp tục so sánh các văn bản trên ta sẽ có thể tìm hiểu chi tiết, cụ thể hơn quá trình sửa chữa của Ngô Thế Vinh.
Cuối cùng, còn một vấn đề khá quan trọng cũng liên quan đến quá trình hình thành ƯTDT cần phải làm sáng tỏ. Qua khảo sát ở trên cho thấy, gắn liền với quá trình đó là tên tuổi của các ông Dương Bá Cung, Ngô Thế Vinh và Nguyễn Năng Tĩnh. Ba vị này đã có đóng góp vào việc biên tập, hiệu duyệt, sửa chữa hoàn chỉnh bộ UTDT và đều để lại lời tựa, lời bình chú và nhiều dấu vết khác trên văn bản. Nhưng trong một số sách vở tài liệu của ta hiện nay còn nêu thêm tên một người nữa là Nguyễn Văn Siêu, ghi nhận ông cũng tham gia bình duyệt phần QTTM của bộ sách. Xuất phát của vấn đề này có lẽ là từ Trần Văn Giáp, khi cụ nghiên cứu dòng chữ ghi ở đầu quyển VL. QTTM của bản Phạm Lý.
“Hậu học, Thượng Phúc Nhị Khê Dương Bá Cung biên tập, Hà thành Phương Đình Nguyễn Tị Ban (sửa là Tốn Ban) châu bình. Khúc giang Ngô Dương Đình Thế Vinh mặc bình”.
Tuy nhiên cần chú ý rằng câu viết tương tự như trên không chỉ xuất hiện riêng ở quyển VL QTTM của bản Phạm Lý, mà còn được ghi ở đầu các quyển trong một số văn bản khác(19). Do đó nếu coi đây là căn cứ ghi nhận Nguyễn Văn Siêu phê bình QTTM thì lại phải xét lại về tác giả những lời phê mực son ở một số quyển khác trong sách. Nhưng như ta đã thấy, Nguyễn Năng Tĩnh là người đầu tiên được Dương Bá Cung tin tưởng và yêu cầu cùng biên tập bộ ƯTDT từ khi nó mới chỉ là tập hồ sơ bản thảo vừa sưu tập được. Chính ông là người đầu tiên đề tựa cho sách. Vậy nếu ta thừa nhận ông đã phụ trách bình chú bằng mực son hầu hết các quyển của sách, thì vì cớ gì riêng đối với QTTM ông lại chừa ra cho người khác làm. Trong khi đó, bản thân ƯTDT cũng như các tài liệu liên quan khác, không ở đâu đề cập trực tiếp đến Nguyễn Văn Siêu. Do vậy, nếu chỉ dựa vào lời chú có ghi họ, tên tự, tên hiệu, quê quán trùng hợp với Nguyễn Văn Siêu ở một quyển riêng rẽ, trong một văn bản riêng rẽ để kết luận Nguyễn Văn Siêu đã phê bình quyển QTTM thì e rằng chưa đủ sức thuyết phục. Ta hãy so sánh câu ghi chú này ở các văn bản:
– Quyển Thi loại: VHv.2159; Phương Đình Nguyễn Năng Tĩnh Châu bình.
VHv.106: Hậu học Hà Thành Phương Đình Nguyên Năng Tĩnh Tốn Ban châu bình.
Hv.466: Hà Thành Phương Đình Nguyễn Năng Tĩnh Tốn Ban châu bình.
– Quyển VLDĐC: A.1753: Hậu học Phương Đình Nguyễn Năng Tĩnh Tốn Ban châu bình duyệt.
– Quyển VLQTTM: VHv.2159: Hà Thành Phương Đình Nguyễn Tị Ban châu bình.
Hv.462: Hà Nội Phương Đình Nguyễn Năng Tĩnh Tốn Ban châu bình duyệt.
Như vậy là chỉ trừ ở quyển VLQTTM của bản VHv.2159 ra, còn các bản khác đều ghi đích danh Phương Đình Nguyễn Năng Tĩnh, đặc biệt trong số đó có cả quyển VLQTTM của bản Hv 462 là bản đã được chứng minh có cùng nguồn gốc với bản VHv.2159. Như vậy người phê bình bằng mực son đối với quyển QTTM cũng như các quyển khác của ƯTDT chỉ là Nguyễn Năng Tĩnh mà thôi. Có sự nhầm lẫn ghi Nguyễn Văn Siêu phải chăng chỉ vì hai ông đều có tên hiệu là Phương Đình (với 2 chữ Phương đồng âm nhưng khác nghĩa)(20).
4. Thay phần kết luận:
Ngay từ thời Hồng Đức, sau khi vụ án Nguyễn Trãi được minh oan, thơ văn của ông đã được Trần Khắc Kiệm sưu tầm, biên tập lại. Nhưng rồi những công trình biên tập của Trần Khắc Kiệm do chưa được khắc in nên truyền bản của nó trở nên hiếm hoi và bị tan lạc mất. Đời sau chỉ còn biết được chúng qua những điều mô tả trong sách của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú mà thôi. Ngoài ra, rải rác ở một số sách vở khác cũng có chép thơ văn Nguyễn Trãi, trong đó một số thơ chữ Hán được đưa vào các tuyển tập thơ lớn nhỏ như Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương, Tịnh tuyển chư gia luật thi của Dương Đức Nhan, Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích v.v… Nhiều bài văn thư, từ lệnh, chiếu, cáo… thì được lưu giữ trong các sách như Hoàng Việt văn tuyển, An Nam Vũ cống, Hoàng Lê Hoàng các di văn, Hoàng triều dữ Minh nhân vãng phục thư tập, Bang giao lục v.v… Tuy nhiên đến đầu thế kỷ XIX, nhìn chung có thể nói tác phẩm của Nguyễn Trãi vẫn chưa được tập hợp lại trong một bộ sưu tập hoàn chỉnh. Tình trạng phân tán về mặt văn bản trước tác của một danh nhân đất nước như vậy đã đặt ra cho các nhà nho đầu triều Nguyễn nhiệm vụ cần phải tập hợp chúng lại trong một bộ sách mang tính toàn tập về Nguyễn Trãi. Dương Bá Cung là người có công đầu trong công việc đó, từ khâu thu thập tư liệu ban đầu cho đến những chỉnh lý về sau. Đồng thời trong quá trình đó còn có sự tham gia tích cực của Nguyễn Năng Tĩnh và Ngô Thế Vinh. Hai ông không chỉ đóng góp những lời bình chú và đề tựa giới thiệu bộ sách mà còn trực tiếp chỉnh lý sắp xếp tư liệu và tiến hành những sửa chữa, bổ sung nhằm hoàn chỉnh bộ sách. Quá trình đó phần nào đã thể hiện ra trên các văn bản hiện còn. Việc khảo sát văn bản như đã trình bày ở các phần trên không những làm sáng tỏ quá trình diễn biến, sửa chữa đó mà quan trọng hơn, theo chúng tôi, nó còn mang những ý nghĩa thực tiễn trong việc xử lý vấn đề văn bản học của các tác phẩm Nguyễn Trãi sau đây:
1. Một lần nữa khẳng định giá trị của bản in Phúc Khê. Bản này đã kết thúc quá trình hình thành của ƯTDT, nó đã tổng hợp trí tuệ, công sức của những người tham gia biên tập và hoàn chỉnh bộ sách, trong đó nhất là công sức trong nhiều năm của Dương Bá Cung. Vì thế nó có kết cấu hoàn chỉnh nhất, nội dung phong phú nhất, và đôi khi là hợp lý nhất (như việc gộp hai phần Sự trạng khảo và Bình luận chư thuyết, hay tách phần Quốc âm thi tập thành quyển riêng v.v…).Bản này còn được bổ sung thêm nhiều tư liệu, đặc biệt là nhờ đó số lượng thơ Nôm tăng gấp bội so với bản khác.
2. Từ những văn bản liên quan đến sự sửa chữa, biên tập lại của Ngô Thế Vinh có thể thấy được một số quan điểm riêng của ông trong việc biên tập một bộ sách mang tính toàn tập về Nguyễn Trãi cũng như đối với nội dung kết cấu của từng quyển trong sách đó. Ví dụ như cách xử lý đối với phần thơ Nguyễn Phi Khanh; hoặc sự phân biệt rõ ràng giữa những văn kiện thuộc QTTMT và văn kiện thoại Văn loại, một vấn đề mà cho tới ngày nay vẫn chưa phải là đã ngã ngũ trong giới nghiên cứu. Xem ra những quan điểm này của ông cũng mang tính khoa học nhất định đáng để tham khảo.
3. Thông qua khảo sát, bản VSH (Hv.179) được xác định là mang nội dung của bản cơ sở cho những chỉnh lý sửa chữa về sau, đồng thời cũng là bản chép tay còn giữ được hoàn chỉnh nhất. Do đó bản này phải được coi là văn bản quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất sau bản in trong việc xử lý hiệu khám, phiên dịch thơ Nguyễn Trãi, trong đó đặc biệt cần thay đổi cách đáng giá đối với 69 bài thơ Nôm chép ở bản này như trước đây quan niệm rằng chỉ có tác dụng là “nhờ vào nó để có chỗ đối chiếu cho một số bài thơ”(21) mà thôi.
4. So sánh đối chiếu những văn bản đã được xác định ở những vị trí khác nhau trong quá trình diễn biến văn bản ƯTDT sẽ giúp ta hiểu được khá cụ thể những thêm bớt, thay đổi các phần nội dung của sách, từ đó xác định cách xử lý cho từng trường hợp. Ví dụ, những lời “Cẩn án” được coi là của Nguyễn Thiên Tích in trong quyển Dự địa chí bản Phúc Khê hoàn toàn không thấy có ở bản VSI và cả bản NTV. Như vậy có thể khẳng định chúng là phần được Dương Bá Cung bổ sung vào đời Tự Đức, từ đó ta sẽ không còn băn khoăn trước những địa danh vốn chỉ xuất hiện sau thời Lê sơ ghi ở phần này như phủ Phụng Thiên, các huyện Sơn Minh, Phụ Dực, Nam Chân, Vũ Giang Tiên Phúc v.v… Ngược lại với một số tài liệu bị loại bỏ trong quá trình sửa chữa trường hợp mất mấy bài văn dôi thêm ở quyển Văn loại bản VSI ta cũng cần đặt vấn đề xem xét lại một cách nghiêm túc về tính chân thực của nó, để tránh làm mất mát thêm những trước tác của Nguyễn Trãi vốn đã bị tàn khuyết nghiêm trọng trong quá trình lịch sử.
Nguyễn Văn nguyên
CHÚ THÍCH
(1) Ức Trai di tập: dưới đây viết tắt là ƯTDT
(2) Trong bài, sách mang kí hiệu Hv là của Thư viện Viện sử học. Các ký hiệu khác đều là sách của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(3) Tóm lược ý trong lời Tựa của Dương Bá Cung đề năm Tự Đức thứ 21 (1863). Để cho ngắn gọn trong bài chỉ trích phiên âm và dịch những chỗ thấy là quan trọng và cần thiết.
(4) Bài Tựa này ở bản in Phúc Khê bị thiếu sót. Đây trích theo bản VHv.2159 và A.131.
(5) Trích lời Tựa của Dương Bá Cung, nguyên văn là “Vựng dĩ thành tập”.
(6) Trích theo bản A.131. Nguyên văn: “Tiên sinh đồng ấp hậu học Dương tử Bá Cung cực lực sưu nhi tu chi, đắc nhược can loại”.
(7) Trích theo bản VHv.2159.
(8) Bài Tựa của Ngô Thế Vinh ở bản in lại viết là Ngô Thế Vinh từ chối mãi (“mỗi từ chi”) đối với lời yêu cầu của Dương Bá Cung, là không phù hợp với thực tế. Các bản chép khác đều không có cả những chữ này.
(9) Lược dịch lời văn chỉ của Ngô Thế Vinh chép ở bản A.131.
(10) Trích lời Chí của Diệp Xuân Huyên ở bản A.131. Nguyên văn: “Thị tập dư đắc chi Trọng Phu thị”.
(11) Nguyên văn: “Lý Phụng sao tiên sinh gia tàng nguyên bản”, bản VHv.2159 dưới đây gọi là bản Phạm Lý.
(12) Bản VHv.462 của Thư viện Viện Sử học, dưới đây viết tắt là VSH (Viện Sử).
(13) Mấy văn kiên cuối quyển Văn loại – Quân trung từ mệnh bản Phạm Lý được chứng minh là không thuộc vào sách ƯTDT. Xem Nguyễn Văn Nguyên: “Về hai nhóm văn bản Quân trung từ mệnh hiện còn ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm”, Nghiên cứu Hán Nôm, số 2 – 1985, tr.16.
(14) Gần 10 trang cuối bản A.131 chép bằng đá thảo không thể do Diệp Xuân Huyên sao chép vì nội dung phần này mâu thuẫn nghiêm trọng với lời Chí của ông: ở đây có lời Tựa của Dương Bá Cung viết sau thời gian sao chép của Diệp Xuân Huyên hơn hai chục năm. Phần này lại có cả ƯTDT trong khi Diệp Xuân Huyên đề chí nói rõ: “Còn về tập thơ của tiên sinh Ức Trai do đã có đầy đủ trong Toàn Việt thi lục nổi lên không chép lại ở đây nữa”. Qua đối chiếu, có thể thấy phần chữ thảo này được chép lại từ bản in Phúc Khê.
(15) Phần thơ của Nguyễn Phi Khanh chép ở bản A.131 thuộc phần chữ thảo nên không coi là thuộc bản nhà Ngô Thế Vinh.
(16) Nguyên văn: “Kì quốc ngữ thi thất tập, lục thập cửu thủ, phụ chi mạt tập”.
(17) Khi so sánh, số thứ tự văn kiện được lấy thống nhất theo phần Quân trung từ mệnh tập của sách Nguyễn Trãi toàn tập (Nxb. KHXH, H. 1969).
(18) Bản Hv.179 của Thư viện Viện Sử học viết tắt là VSH.
(19) Ví dụ: quyển Văn loại Dư địa chí bản A.1753, VLQTTM bản VSH, Thi loại bản VHv.106 và Hv.466 v.v…
(20) Phương Đình Nguyễn Văn Siêu với chữ Phương là vuông, Phương Đình Nguyễn Năng Tĩnh với chữ phương là thơm.
(21) Trích Lời dẫn phần Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi toàn tập. Sđd, tr.376./.