KHÁM PHÁ BÀN CỜ TIÊN TRÊN ĐỈNH NON THIÊNG DỊP LỄ 30/4 -1/5

      Đến với Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, du khách khắp nơi không chỉ được đắm mình vào không khí linh thiêng đậm chất văn hóa, lịch sử mà còn được hòa vào không gian bạt ngàn màu xanh của núi rừng Côn Sơn. Trong đó, Bàn Cờ Tiên là một điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến hành hương của mình.

     Bàn Cờ Tiên nằm ở độ cao 231m, trên đỉnh núi Côn Sơn (tức núi Kỳ Lân). Núi Côn Sơn có chiều dài 1400m, bắt nguồn từ dãy Yên Tử và Huyền Đinh đột khởi mà thành. Đỉnh núi có khu đất bằng phẳng, trời đất giao hòa, khí thiêng ngùn ngụt, thần tiên ngự trị. Vào thời Trần, Tam tổ Trúc Lâm xây dựng Côn Sơn thành trung tâm Phật Giáo Trúc Lâm đã cho dựng Am trên đỉnh núi làm nơi tụng kinh, tu thiền thuyết pháp và là nơi các đạo sĩ tu tiên luyện đan. Nơi đây thường có mây trắng bao phủ nên được gọi là Am Bạch Vân (tức Am mây trắng). Các danh nhân ở các triều đại khi về Côn Sơn trí, du ngoạn như Trần Nguyên Đán, Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát… đều lên Am Bạch Vân thưởng ngoạn cảnh đẹp, sáng tác thi ca và suy tư việc nước. Chuyện xưa kể rằng, đây là nơi trời đất giao hòa, thần tiên chọn làm nơi giao tiếp với hạ giới. Vào những ngày mây trắng bao phủ, tiên trên trời thường xuống đánh cờ. Một sớm mùa thu, các thi nhân rẽ cỏ, vén hoa tìm lên đỉnh núi. Gần tới nơi nghe có tiếng đàn, tiếng sáo văng vẳng vọng xuống nhưng khi đến nơi tịch không một bóng người, họ chỉ thấy có một bàn cờ đang đánh dở. Mọi người cho rằng các vị thần tiên đã xuống đây chơi cờ, múa hát, khi thấy tiếng người vội bay về trời để lại bàn cờ đang đánh dở nên nơi đây còn được gọi là Bàn Cờ Tiên.

     Trải qua thời gian, kiến trúc Am Bạch Vân/Bàn Cờ Tiên không còn. Qua khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích của Am Bạch Vân, nền kiến trúc cổ hình chữ Công. Năm 1992, trên đỉnh Bàn Cờ Tiên dựng một nhà bia, kiến trúc kiểu vọng lâu, hai tầng tám mái cổ kính, cảnh quan được cải tạo, kè đá xung quanh,lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh… Từ chùa Côn Sơn lên Bàn Cờ Tiên trên 600 bậc đá. Đứng trên đỉnh non cao kỳ vĩ, ngắm trời mây non nước xứ Đông, quang cảnh linh thiêng, trời đất giao hòa… chốn bồng lai tiên cảnh là đây.

Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc                                             

Trả lời