HỘI THẢO KHOA HỌC NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TRÚC LÂM VÀ CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUẦN THỂ DI TÍCH YÊN TỬ – VĨNH NGHIÊM – CÔN SƠN – KIẾP BẠC

Chiều ngày 24/12/2022, tại trụ sở Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Hội khảo cổ học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu lịch sử phật giáo Trúc Lâm và các giá trị văn hóa phi vật thể quần thể di tích Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn – Kiếp Bạc; GS.TSKH Vũ Minh Giang, PGS.TS Đặng Văn Bài, PGS.TS Tống Trung Tín chủ trì hội thảo.

Tham gia hội thảo còn có các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực Khảo cổ học; Tôn giáo, Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hán nôm, Triết học…; lãnh đạo Sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo các Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương cùng cán bộ, nhân viên Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Nội dung hội thảo gồm 2 phần: Phần 1: Lịch sử Phật giáo Trúc Lâm và tư liệu; Phần 2: Hệ giá trị phi vật thể của Khu di tích Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra các tham luận cả 2 nội dung, cung cấp thêm tư liệu làm rõ Phật giáo Trúc lâm: Phật giáo Trúc Lâm từ thời Trần đến nay ở Việt Nam và trên thế giới (GS.TSKH Vũ Minh Giang); Tôn giáo tĩn ngưỡng khu vực Yên Tử, so sánh với tôn giáo tín ngưỡng Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản (PGS.TS Phạm Thị Thu Giang); Bối cảnh lịch sử văn hóa khu vực Đông Á và Đông Nam Á của Phật giáo Trúc Lâm (GS.TS Phạm Văn Kim)… Các nhà khoa học cũng trao đổi đưa ra điểm khác biệt, nổi bật của Phật giáo Trúc Lâm so với Phật giáo của Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản bằng những dẫn chứng cụ thể, thuyết phục cung cấp cho hồ sơ trình UNESCO.

Nội dung Hệ giá trị phi vật thể của Khu di tích Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn – Kiếp Bạc cũng có 14 bài tham luận với các nội dung cụ thể như: Văn hóa sinh thái khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trong bối cảnh sinh thái Việt Nam (PGS.TS Trần Lê Bảo); Tìm hiểu các nghi lễ và thực hành nghi lễ tôn giáo – tín ngưỡng khu di tích Yên Tử từ thời Trần đến nay (TS Phạm Văn Thuấn); Tìm hiểu lễ hội và các giá trị của lễ hội khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc từ thời Trần đến nay (Nhóm nghiên cứu thuộc Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc)… các bài tham luận cung cấp thông tin, tài liệu tương đối đầy đủ về hệ giá trị phi vật thể của Khu di tích Yên Tử – Vĩnh Nghiên – Bắc Giang.

Với những tư liệu các nhà khoa học đưa ra cùng các trao đổi tại hội thảo cung cấp thêm nhiều nhận thức mới, khoa học làm cơ sở nhận diện rõ hơn các giá trị nổi bật toàn cầu, trình UNESCO công nhận “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiên – Côn Sơn, Kiếp Bạc” là di sản thế giới.

Sáng cùng ngày, các nhà khoa học cùng các đại biểu đã dâng hương, tham quan tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI HỘI THẢO:

Tin bài, Ảnh: Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc

 

Trả lời