Hải Dương không chỉ có tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, giá trị lịch sử văn hoá mà còn thuận lợi về giao thông thuỷ, bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không, như quốc lộ 5 Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng; quốc lộ 18 Hà Nội – Hải Dương – Quảng Ninh…
Sức cạnh tranh trong phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền, quốc gia là tính khác biệt, sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch bên cạnh tính đa dạng của hệ thống sản phẩm du lịch tại điểm đến để thu hút khách du lịch. Điều đó đồng nghĩa với việc phát triển du lịch chất lượng cao của điểm đến chính là phát triển du lịch dựa trên chất lượng và sự khác biệt của sản phẩm du lịch. Và phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương không phải là ngoại lệ.
Tiềm năng và thế mạnh
Trong suốt chiều dài lịch sử, con người Xứ Đông xưa – Hải Dương nay luôn sáng tạo và tiếp biến có chọn lọc nhằm phát huy tốt những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể dựa trên những tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch. Hải Dương nằm ở phía Đông Thăng Long – Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), có diện tích tự nhiên 1.668 km2, dân số khoảng 1,9 triệu người, tiếp giáp 6 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Hưng Yên. Từ bao đời, Hải Dương là “phên dậu phía Đông” của kinh thành Thăng Long, nơi gắn bó với tên tuổi của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như: Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi… Với 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 144 di tích được xếp hạng Quốc gia, 04 khu di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt (khu di tích và danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được Chính phủ đưa vào danh mục xây dựng thành khu du lịch quốc gia); 08 bảo vật quốc gia và 09 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh. Và, trên địa bàn tỉnh còn nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, núi An Phụ, núi Dương Nham, chùa Nhẫm Dương – tổ đường của Thiền phái Tào Động Việt Nam, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như xương động vật, xương người tiền sử hóa thạch, công cụ lao động bằng đá, đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, tiền cổ… khẳng định loài người đã cư trú liên tục ở vùng đất Kinh Môn từ 5-3 vạn năm cách ngày nay, động Kính Chủ, sông Lục Đầu, rừng dẻ, rừng phong, bãi rễ,… và những vùng sinh thái hấp dẫn như sông Hương, Đảo Cò Chi Lăng Nam, Bến Tắm…
Chùa Nhẫm Dương – Kinh Môn
Cùng với đó, Hải Dương còn có nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng như: chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), gốm Chu Đậu (Nam Sách), kim hoàn Châu Khê (Bình Giang), Khắc ván in Hồng Lục, Liễu Tràng (TP Hải Dương), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), giày dép Tam Lâm (Gia Lộc), dệt chiếu Tiên Kiều (Thanh Hà)… Và một miền quê dạt dào các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, tuồng, hát ca trù, hát chầu văn, múa rối nước… đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và nhiều món ăn đặc sản ẩm thực nổi tiếng khắp trong, ngoài nước như: bánh đậu xanh – top 10 đặc sản quà tặng Châu Á, bánh khảo, bánh cuốn (TP Hải Dương), bánh gai (Ninh Giang), bánh đa Kẻ Sặt (Bình Giang), giò chả (Gia Lộc), gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi (Kinh Môn), vải thiều (Thanh Hà), rươi, cáy ở huyện (Tứ Kỳ, Kim Thành)… Tương ứng với hệ thống di tích được phân bổ khá dày, Hải Dương có trên 700 di tích tổ chức được lễ hội, trong đó có những lễ hội lớn như Côn Sơn, Kiếp Bạc (Chí Linh), Đền Cao (Kinh Môn), Đền Tranh (Ninh Giang)… Có thể nói, lễ hội và di tích ở Hải Dương là một tiềm năng, thế mạnh lớn về văn hóa tâm linh cho ngành du lịch của tỉnh và của cả vùng Đông Bắc.
Với lợi thế đa dạng sinh học, giàu tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp – nông thôn, những năm qua tỉnh đã tiến hành quy hoạch các vùng, khu, điểm du lịch và liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố phía Bắc. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có một số nhà đầu tư lớn nghiên cứu đầu tư phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị xanh, sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng với quy mô cấp vùng như: khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái Bến Tắm, Ngũ Đài Sơn (TP Chí Linh); khu du lịch sinh thái sông Hương (Thanh Hà); khu đô thị sinh thái Nam Đồng, bắc cầu Hàn, Ecopark (TP Hải Dương) và dọc hai bên bờ sông Thái Bình…
Hải Dương không chỉ có tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, giá trị lịch sử văn hoá mà còn thuận lợi về giao thông thuỷ, bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không, như quốc lộ 5 Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng; quốc lộ 18 Hà Nội – Hải Dương – Quảng Ninh, cao tốc Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng, cảng biển Hải Phòng và cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Nội Bài (Hà Nội), đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng như: cầu Dinh, cầu Quang Thanh kết nối với Hải Phòng; cầu Triều, cầu Đông Mai với Quảng Ninh; cầu Hiệp với Thái Bình … đây sẽ là lợi thế tốt để đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu đầu tư để tạo sự bứt phá phát triển du lịch trong thời gian tới.
Phát triển du lịch chất lượng cao tương xứng với tiềm năng
Những năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đã luôn chủ động và tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều văn bản quan trọng để khai thác và phát huy những tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, cụ thể: Năm 2011, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đây là căn cứ vô cùng quan trọng, kim chỉ nam cho phát triển du lịch của tỉnh. Từ quy hoạch tổng thể này, Sở tiếp tục triển khai tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa những chủ trương, định hướng của quy hoạch như: Đề án phát triển du lịch Hải Dương giai đoạn 2011-2015, 2016-2020; điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch đã được Chính phủ phê duyệt; Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện; điều chỉnh Quy hoạch Đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện) và Quy hoạch phát triển du lịch sông Hương, huyện Thanh Hà; đề tài xây dựng 04 sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Hải Dương. Trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế, thời gian qua du lịch Hải Dương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận với những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và góp phần làm thay đổi hình ảnh những vùng có du lịch phát triển. Trong giai đoạn từ 2010 – 2019, du lịch Hải Dương luôn tăng trưởng trên 2 con số (doanh thu du lịch tăng từ 1.482 tỷ năm 2016 lên 1.800 tỷ năm 2018, năm 2019 lên 1.980 tỷ đồng, tăng trưởng trung bình 10-10,1%/ năm so với cùng kỳ các năm trước). Ngành du lịch đang phát triển với những tín hiệu đáng mừng. Lượng du khách về tỉnh ta năm sau cao hơn năm trước cho thấy du lịch Hải Dương đã bắt đầu có sự chuyển biến không chỉ về lượng mà cả về chất.
Mặc dù đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển, tuy nhiên, du lịch chưa trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vì có những nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Du lịch Hải Dương chưa xây dựng được sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao; một số khu du lịch chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tầm; việc phát triển làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch còn nhiều khó khăn; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được đầu tư tương xứng; ngân sách đầu tư cho phát triển du lịch còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn khó khăn; chưa có nhiều chính sách ưu đãi và tính quyết liệt để hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm; các huyện, thị xã, thành phố chưa xác định rõ được sản phẩm du lịch đặc thù để ưu tiên và lộ trình phát triển… Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, cần có sự nhận thức đúng đắn, tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng nhân dân từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt là các cơ quan quản lý tham mưu giúp việc cho tỉnh trong việc tạo cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện.
Tại “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 đã xác định Hải Dương thuộc tiểu vùng du lịch trung tâm có vị trí gần với thủ đô Hà Nội, là điểm đến có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc cũng như chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Quan điểm và mục tiêu về phát triển du lịch bền vững của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hải Dương nói riêng được thể hiện một cách rõ ràng hơn trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh giữa các điểm đến trong hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển KT – XH của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị. Nói cách khác, chất lượng tăng trưởng du lịch là yếu tố nền tảng để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời góp phần nâng cao tính cạnh tranh du lịch của một điểm đến qua đó thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đưa ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện 19 chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội đó là “… Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển của dịch vụ của tỉnh. Tập trung phát triển du lịch thông minh, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu…”. Ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Chương trình hành động số 02-CTr/TU và Quyết định số 47-QĐ/TU ngày 09/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát huy giá trị văn hóa Xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050”.
Lễ hội quân trên sông Lục đầu
Với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm cao của tập thể lãnh đạo và cán bộ, đảng viên ngành văn hoá, thể thao và du lịch trong tư duy nhận thức luôn xác định tính chủ động, sáng tạo theo quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm như “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương” và phương châm hành động cùng tinh thần 5 rõ “Rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả và rõ trách nhiệm”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang cùng đơn vị tư vấn xây dựng đề án “Du lịch thông minh” và đặc biệt phối hợp với Viện Du lịch Bền vững Việt Nam gấp rút triển khai thực hiện xây dựng đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050” với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển du lịch Hải Dương thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là hết sức quan trọng và cần thiết. Kết quả của đề án này là căn cứ quan trọng để tỉnh Hải Dương chủ động trong việc khai thác, mời gọi đầu tư nhằm phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt từ những lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hoá góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch có đủ sức cạnh tranh trong vùng, khu vực và cả nước trước xu thế hội nhập và phát triển.
Vũ Đình Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hải Dương
Nguồn: vhttdl.haiduong.gov.vn