DƯ ĐỊA CHÍ TRUYỀN BẢN VÀ THỂ LOẠI

Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện tàng trữ 5 bản DĐC, trong đó có 1 bản in và 4 bản chép tay. Bản in mang kí hiệu VHv. 1772/3, là quyển thứ 6 của bộ Ức Trai di tập gồm 7 quyển, do Phúc Khê ấn hành năm Tự Đức thứ 21 (1868), các bản chép tay mang kí hiệu VHv. 1489; A. 2251; A. 2815 và A. 53.

Dư địa chí (từ đây trở xuống, viết tắt là DĐC), qua bản dịch của Phan Huy Tiếp và bản hiệu chú của Hà Văn Tấn, đến với đông đảo bạn đọc đã hơn một phần tư thế kỷ(1). Vậy mà nhiều vấn đền về tác phẩm quan trọng này cho tới nay vẫn chưa được đi sâu nghiên cứu, thí dụ DĐC đã thành sách là lưu truyền như thế nào; DĐC thuộc thể loại gì vàothời thời Nguyễn Trãi vàcó thể xếp vào những bộ môn gì trong thời đại chúng ta; DĐC liên quan như thế nào đến một số ngành khoa học hiện đại?…

Với bài viết này, chúng tôi muốn trình bày một vài suy nghĩ của mình về hai vấn đề đầu, tức truyền bản và thể loại DĐC, nhằm góp phần đưa việc nghiên cứu DĐC lên một tầm cao xứng đáng.

I. Truyền bản Dư địa chí

Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện tàng trữ 5 bản DĐC, trong đó có 1 bản in và 4 bản chép tay. Bản in mang kí hiệu VHv. 1772/3, là quyển thứ 6 của bộ Ức Trai di tập gồm 7 quyển, do Phúc Khê ấn hành năm Tự Đức thứ 21 (1868), các bản chép tay mang kí hiệu VHv. 1489; A. 2251; A. 2815 và A. 53. Cả 4 bản này đều có nguồn gốc chung từ bản in Phúc Khê 1868, chất lượng sao chép của tứng bản cố nhiên không đồng đều. Có thể nói bản in Phúc Khê hiện là bản khá nhất, khả dĩ làm chỗ dựa để nghiên cứu DĐC của Nguyễn Trãi.

Thế nhưng đến lượt nó, bản Phúc Khê lại chứa đựng nhiều điều khó hiểu, xét về mặt văn bản học.

Trước hết là vấn đề người biên soạn DĐC. ở bản chữ Hán ký hiệu VHv. 1772/3, tờ 1a, sách chép: “Năm Thiệu Bình thứ hai (1435), đức giáo nhà vua lan ra khắp bốn phương, các nước chư hầu đến triều cống. Quan Hành khiển Lê Trãi bèn làm sách đề bạt với vua rằng…”. Như vậy tác giả DĐC là Lê Trãi, tức Nguyễn Trãi. ở tờ 32a, bản Phúc Khê lại chép: “Bèn sai Nguyễn Thiên Túng làm tập chú, Nguyễn Thiên Tích làm cẩn án, Lý Tử Tấn làm thông luận”. Như vậy, người chú thích DĐC là Nguyễn Thiên Túng, người khảo cứu DĐC là Nguyễn Thiên Tích, và người bình luận DĐC là Lý Tử Tấn. Đó là những điều sách nói. Bây giờ chúng ta hãy xem cách trình bày bản in. Phần chính văn, tức lời của tác giả Nguyễn Trãi, được thể hiện bằng chữ lớn, các dòng đều đài lên một chữ; phần chú giải của Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn cũng được in bằng chữ lớn, nhưng các dòng đều thụt xuống một chữ, nhằm phân biệt với chính văn. Thế là từ chỗ sách nói đến cách trình bày bản in đều mang tính nhất quán.

Nhưng đi sâu vào văn bản, ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong phần chính văn lại dùng những địa danh như Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc… là những đơn vị hành chính cấp tỉnh, mãi đến thời Lê Thánh Tông, tức sau khi Nguyễn Trãi mất ngót 30 năm mới xuất hiện. Hoặc những tên đất như Ninh Sơn, Tân Phúc, Thao Giang… lại vì kiêng húy Lê Trang Tông, Lê Kính Tông, Trịnh Giang… mà đổi thành Yên Sơn, Tiên Phúc, Lâm Thao…(2). Và cũng thật là lạ khi thấy trong phần chú giải của Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn lại có cả những câu như “Dân bộ là Bộ hộ, Chính thư là sách dùng vào việc nước thời bấy giờ” (tờ 4b). “Bộ hộ” là một trong 6 bộ đến thời Lê Nghi Dân (1459), tức sau khi DĐC ra đời gần 25 năm mới được thiết lập(3); và những chữ “thời bấy giờ” (đương thời) cũng cho thấy câu chú thích này là của người không sống cùng thời với các nhà chú giải DĐC. ở phần chú thích, tờ 32a, lại có câu “Thiên Túng, Thiên Tích hồi bấy giờ đang làm việc ở Viện Can gián, phần nhiều có lời nói thẳng. Tử Tấn thì từ chức Hành khiển đạo Bắc được điều về Kinh làm thừa chỉ, trông coi việc soạn thảo chiếu cáo, văn chương thâm sâu, thanh nhã, có những bài đáng ca ngợi”. Chẳng lẽ Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn lại tự khoe mình như vậy sao, đặc biệt là ở một văn bản soạn cho nhà vua đọc?

Từ ngạc nhiên, chúng ta dần dần đi đến chỗ lúng túng khi thấy DĐC hkông chỉ là công trình riêng của Nguyễn Trãi và những người sống cùng thời với ông như lời sách nói, mà còn có sự gia công, thêm thắt của các thể hệ sau, phần này được bản Phúc Khê in bằng chữ nhỏ hơn, một số trường hợp có ghi cả tên người bổ chú. Chẳng hạn tờ 2b, dưới chữ Phiên Ngung, có chú thích “nay thuộc Quảng Đông”; tờ 9a, dưới chữ Phúc Lộc, có chú thích thêm “thuộc Mê Linh thời cổ”; tờ 13b, dưới chữ Yên Bang có chú thích thêm “về sau, vì kiêng húy, đổi tên là Yên Quảng”… ở các tờ 10a, 13b, 14b, 16b, 17b, 24b, 27b đều có phụ lục. Thí dụ, phụ lục ở tờ 10a chép: “Thần núi Tản Viên – Trụ Quốc Đại Vương – là linh hiền hơn cả. Lý Nhân Tông sai thợ xây ngôi đền ngay trên ngọn thứ nhất của núi này, có lầu cao 20 tầng. Tĩnh Vương đi dẹp giặc miền Tây về, muốn lên thăm ngôi đền, bỗng nổi cơn mưa to gió lớn, tướng sĩ lạc đường, không thể nào trèo tới”. Trường hợp có ghi tên người bổ chú, như các tờ 4b, 9b có ghi “Nguyễn Thị nói”, Nguyễn Thị đây không thể là Nguyễn Thiên Túng hay Nguyễn Thiên Tích, vì được in bằng chữ nhỏ, và trong lời văn có nói tời Long Đức (1732 – 1735), một niên hiệu xuất hiện sau Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích rất lâu. ở tờ 4b còn ghi “Ngô Thị nói”, Ngô Thị ở đây có lẽ là Ngô Thế Vinh, người từng tham gia chỉnh lý Ức Trai di tập thời Tự Đức. ở các tờ 13a, 16a, 20a, 24b, 26b có ghi “Nguyễn Thư Hiên nói”, Nguyễn Thư Hiên đây phải chăng là Nguyễn Tông Khuê (1693- 1767) hiệu Thư Hiên? Tờ 33a có ghi “Chúc Lý Ngô Thị nói” Chúc Lý đây, theo Hà Văn Tấn, là tên hiệu của Ngô Sĩ Liên(4)…

Thức tế trên đây đưa ta tới nhận định là bản in Phúc Khê năm 1868 rốt cục chỉ có thể xem như một truyền bản gần đúng về DĐC của Nguyễn Trãi.

Quá trình hình thành DĐC, theo những ghi chép mà bản thân sách cung cấp có thể phác họa như sau: Vào năm Thiệu Bình thứ hai (1435), Nguyễn Trãi dâng lên Thái Tông một báo cáo nói về cương vực, dòng giống, các đơn vị hành chính và tình hình hộ khẩu nước ta qua các đời (từ tờ 1a đến tờ 4a). Xem xong báo cáo này, vua Lê bèn ra lệnh cho Dân bộ ghi lại những phần có liên quan để làm tài liệu trị nước. Vua lại yêu cầu Nguyễn Trãi trình bày tiếp bằng văn bản những đổi thay về Kinh đô, nơi trung tâm chính trị văn hóa của cả nước, cùng tình hình đất đai, thổ sản, phong tục, tập quán các địa phương (4b). Nguyễn Trãi đáp ứng một cách xuất sắc yêu cầu này của nhà vua, qua bản báo cáo thứ hai, được ghi lại từ tờ 5a đến thờ 31b trong DĐC. Xem xong bản báo cáo Thái Tông đặc biệt khen ngợi, nhưng có lẽ vì Nguyễn Trãi viết quá cô đúc, nên vua đã ra lệnh cho Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích và Lý Tử Tấn đem bản báo cáo lần này cùng bản báo cáo lần trước của Nguyễn Trãi ra chú thích, khảo cứu, bình luận, cốt làm cho văn kiện trở nên dễ đọc, dễ hiểu hơn (tờ 31b và 32a). Chỉ trong 10 ngày, toàn bộ công việc hoàn tất, báo cáo chuyển lại cho vua xem. Lê Thái Tông hết sức khích lệ người làm báo cáo (tờ 32a) và Nguyễn Trãi cũng thật bụng vui mừng có được một đấng bề trên hiểu lòng kẻ bề tôi (tờ 33a).

Về quá trình lưu truyền DĐC, cũng theo những nguồn tin mà bản thân sách cung cấp, có thể hình dung như sau: DĐC đã chú giải được Lê Thái Tông đánh giá cao, ra lệnh đem in để công bố. Năm 1442, Nguyễn Trãi gặp nạn, cả bản khắc lẫn bản in DĐC đều bị hủy sạch, trừ một bản duy nhất để tại Thư viện Hoàng gia. Bản này sau được Lê Nhân Tông phát hiện và đưa về phòng ngủ cảu mình làm sách tham khảo trong việc trị nước (tờ 33b). Đến thời Hồng Đức, Tần Khắc Kiệm theo lệnh triều đình sưu tầm, chỉnh lý toàn bộ di cảo của Nguyễn Trãi, trong đó có DĐC, và đưa in năm 1480. Trong lần in này, Trần Khắc Kiệm đã sử dụng một số ý kiến của Lý Tử Tấn làm lời bạt cho DĐC (tờ 33b). Từ đấy về sau, do có sự kiêng húy, sự thay đổi các đơn vị hành chính, sự thất lạc, sự sao đi chép lại, sự bổ sung, bình luận, chú thích thêm và rất nhiều nguyên nhân khác nữa, sách đã không còn giữ nguyên bộ mặt ban đầu. Bản in Phúc Khê 1868 đã phản ánh toàn bộ con đường trải qua trên đây của DĐC.

II. Thể loại Dư địa chí

DĐC của Nguyễn Trãi được gọi là An Nam Vũ cống (sách mang kí hiệu A.2251), hoặc Lê triều cống pháp (sách mang kí hiệu A. 53). Như chúng ta đều biết. “Vũ cống” trong “An Nam Vũ cống” vốn là tên một thiên sách trong Kinh thư, nội dung nói về việc Hạ Vũ chia đất ra làm 9 châu, tiến hành công tác thủy lợi, tổ chức sản xuất và thu thuế. Chính hai chữ “cống pháp” trong tên sách “Lê triều cống pháp” cũng nhấn mạnh cái ý “thu thuế” đó. Các bộ thư mục cổ Trung quốc xếp Kinh thư vào loại “Lục nghệ” như Thất lược của Lưu Hâm đời Hán; hoặc vào loại “Kinh điển” như Thất chí của Vương Kiệm đời Lưu Tống; Thất lục của Nguyễn Hiếu Chử đời Lương… Từ đời Đường trở về sau, trong các bản thư mục như Tùy thư Kinh tịch chí, Đường thư Kinh tịch chí, Tân Đường thư Nghệ văn chí, Tống sử Nghệ văn chí, Minh sử Nghệ văn chí, Tứ khố toàn thư tổng mục, Thanh sử cảo Nghệ văn chí… các tác phẩm kiểu Vũ cống đều được xếp vào mục Đại lý thuộc bộ Sử.

Đề tựa cho mục Địa lý, Tùy thư Nghệ văn chí chép: “Lưu Hướng có nói sơ qua về các vùng đất, thừa tướng Trương Vũ sai người ghi chép thêm về phong tục, Ban Cố nhân đấy soạn sách Địa lý chí, các vấn đề như châu quốc, quận huyện, núi sông hiểm trở, phong tục khác nhau, tính tú phân chia, phong khí nảy nở, khu vực rộng hẹp, hộ khẩu nhiều ít… đều trình bày cả, giống như các thiên Vũ cống, Chu quan(5) thời cổ vậy (…). Đến đời Tấn, Chấp Ngu phỏng theo Vũ cống, Chu quan làm sách Kỳ phục kinh, trong đó ghi đầy đủ tình hình các châu, quận, huyện, vùng trời, bờ cõi, sự nghiệp, đô thành, núi non, sông rạch, đình trạm, thành trì, đường sá, ruộng đất, con người, sản vật, phong tục, nhân tài… gồm tất cả 170 quyển”(6).

Đến đây ta thấy DĐC của Nguyễn Trãi được mệnh danh An Nam Vũ cống hay Lê triều cống pháp là có lý do riêng của nó.

Bên cạnh nhan đề An Nam Vũ cống hay Lê triều cống pháp, kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn một bản DĐC nữa mang tên Nam Việt Dư địa chí A. 2815, ý muốn nhấn mạnh đây là một cuốn sách địa lý nước ta. Các bản thư mục cổ Việt Nam không xếp loại tác phẩm địa lý vào bộ Sử như Trung Quốc. Trong Nghệ văn chí (Lê triều thông sử), Lê Quý Đôn xếp Nam Bắc phiên giới địa đồ  Thiên hạ bản đồ vào phần Hiến chương; xếp Cao Vương di cảo, Hoàng Phúc cảo, Hình thể địa mạch ca, Tả Ao địa lý luận vào phần Phương kỹ. Trong Văn tịch chí (Lịch triều hiến chương loại chí), Phan Huy Chú xếp các đồ bản vào phần Hiến chương, xếp các sách phong thủy vào phần Truyện ký. Đến Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Trần Văn Giáp cũng theo truyền thống nước ta, không xếp các tác phẩm địa lý vào phần Lịch sử(7), mà tách ra thành một phần độc lập – phần địa lý – bao gồm 3 mục: Địa lý chí (địa lý toàn quốc), Sơn xuyên lý lộ (phong thủy), Địa phương chí (địa lý địa phương). Theo tính chất và trật tự thời gian, DĐC của Nguyễn Trãi thuộc về phần Địa lý chí, có thể xếp sau các tác phẩm Nam Bắc phiên giới địa đồ của Lý Anh Tông, soạn năm 1147; An Nam chí lược của Lê Trắc, soạn vào khoảng cuối thế kỉ mười ba đầu thế kỉ mười bốn, và trước các tác phẩm Thiên hạ bản đồ đời Hồng Đức; Tân định bản đồ đời Bảo Thái… Tìm hiểu kho sách Hán Nôm sở dĩ không đưa DĐC vào phần Địa lý chí, có lẽ vì xem DĐC như là một bộ phận khăng khít của Ức Trai di tập đã được giới thiệu ký ở phần Lịch sử trước đó rồi.

Qua phân tích trên về DĐC, có đối chiếu trong chừng mực nhất định với cách sắp xếp loại sách này ở các bản thư mục cổ Trung Quốc và Việt Nam, ta thấy tác phẩm Nguyễn Trãi cũng như nhiều sách địa lý cổ khác, bao quát một nội dung thường rọng hơn nhiều so với khái niệm “địa lý” hiện đại của chúng ta. Nó gắn không ít với các vấn đề mà hiện nay chúng ta đang quan tâm như đất nước và con người, quốc gia và khu vực, truyền thống và hiện đại. Các ngành khoa học như kinh tế học, dân số học, dân tục học, địa chất học và nhất là khoa địa lý hiện đại chắc chắn sẽ tìm thấy ở DĐC của Nguyễn Trãi một số tư liệu và gợi ý bổ ích cho công tác nghiên cứu của mình.

Trần Nghĩa

CHÚ THÍCH

(1) Xem Dư địa chí, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960.

(2) Xem Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb KHXH, Hà Nội, 1969, tr.184.

(3) Dẫn theo Hà Văn Tấn. Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd tr.523.

(4) Xem Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.621.

(5) Chu quan: nội dung nói về cách đặt quan, phân chức, dùng người của nhà Chu (Thư, Tự, Truyện)

(6) Trung Quốc cổ đại mục lục học giản biên, Trùng Khánh xuất bản xã, Trùng Khánh, Trung Quốc, 1983.

(7) Khái niệm “Lịch sử” ở đây hẹp hơn và hiện đại hơn khái niệm Sử hay bộ Sử thời cổ.

Trả lời