ĐỀN KHÊ KHẨU

Đền Khê Khẩu là nơi thờ tướng quân Trần Hiển Đức – danh tướng thời Trần (thế kỷ XIII). Tương truyền, di tích được xây dựng sau khi ông qua đời, cùng với việc xây dựng đền thờ Trần Hiển Đức nhân dân trang Khê Khẩu đã xây dựng các công trình: lăng Cố Phụ (thờ thân phụ tướng quân), lăng Cố Mẫu (thờ thân mẫu tướng quân) và Nghè Hạ (thờ hai vị phu nhân) tất cả tạo thành quần thể di tích Khê Khẩu…

Đền Khê Khẩu là nơi thờ tướng quân Trần Hiển Đức – danh tướng thời Trần (thế kỷ XIII). Tương truyền, di tích được xây dựng sau khi ông qua đời, cùng với việc xây dựng đền thờ Trần Hiển Đức nhân dân trang Khê Khẩu đã xây dựng các công trình: lăng Cố Phụ (thờ thân phụ tướng quân), lăng Cố Mẫu (thờ thân mẫu tướng quân) và Nghè Hạ (thờ hai vị phu nhân) tất cả tạo thành quần thể di tích Khê Khẩu.

Theo tấm bia tấm bia “Thần tích bi ký” do Lễ bộ thượng thư Đông các Đại học sĩ Nguyễn An khởi soạn vào năm Hồng Đức tam niên (1472) và được khắc dựng lại năm Bảo Đại thập tứ niên (1939) cho biết:

Trần Hiển Đức sinh ngày 02 tháng 02 năm Nhâm Dần (?) tại huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Thân phụ ông Trần Hiển Công, làm nghề dạy học và bốc thuốc chữa bệnh. Thân mẫu là bà Lê Thị Đạt, người nổi tiếng đoan trang, tiết hạnh. Cả hai ông bà đều nhân hậu, chăm lo việc làm thiện tâm.             

Từ nhỏ, Trần Hiển Đức đã bộc lộ tư chất thông minh ham học hỏi, lại được rèn luyện trong một gia đình có giáo dục, nên sớm thông thạo văn võ. Năm ông 18 tuổi cha, mẹ đều qua đời. Đất nước lâm nạn giặc Nguyên Mông xâm lược, Trần Hiển Đức đã theo “Chiếu cầu hiền” của vua Trần, tham gia vào đội quân trai tráng hơn một ngàn người ra trận. Vua Trần nhận thấy Trần Hiển Đức là người văn võ toàn tài, liền gia phong làm tướng quân.

Với tầm nhìn chiến lược của một vị tướng tài, Trần Hiển Đức nhận thấy trang Khê Khẩu là nơi có địa thế hiểm yếu, núi sông bao bọc, từ đây có đường tắt để rút quân về tổng hành dinh Vạn Kiếp, có sông Khê Khẩu rộng lớn thuận lợi cho tập luyện thuỷ quân, từ đây có thể đi đường sông Kinh Môn tiến quân ra cửa Bạch Đằng chặn giặc. Vì vậy, Ông đã xin với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn về bản trang tuyển chọn quân sĩ, thành lập một cánh quân thuỷ lấy tên là Ứng Nguyên, đội quân này lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1287, là đội quân tiên phong trong chiến thắng Bạch Đằng.

Đất nước trở lại thanh bình, Trần Hiển Đức đựoc vua Trần ban thưởng, phong chức tước, và cho hưởng lộc ấp ở trang Khê Khẩu. Ông cùng hai phu nhân về sống tại trang Khê Khẩu và mất tại đây vào ngày 16 tháng 10 âm lịch.

Sau khi ông qua đời, Vua Trần truy tặng ông tước Đại Vương, cử quan lại triều đình về tế lễ, đồng thời ban sắc chỉ cho nhân dân trang Khê Khẩu lập đền thờ Ông, cùng miếu thờ Thân phụ, Thân mẫu, nhị vị Phu nhân ngay tại khu doanh đồn cũ của Tướng quân.

Trải qua thời gian, đền xưa không còn. Tại đền Khê Khẩu hiện còn nền móng của một công trình kiến trúc cổ với 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp di tích bị phá huỷ nặng nề. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự đóng góp của nhân dân, di tích được phục hồi lại rất khang trang, hiện nay đền kiến trúc chữ Đinh, lợp ngói mũi, trong đền còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: thần tích, sắc phong, bia đá, ngai thờ, bát huơng…Căn cứ vào giá trị của di tích, năm 2007, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định công nhận Đền Khê Khẩu là di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Hàng năm, tại khu di tích, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội mùa xuân từ ngày 30 tháng giêng đến ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch, kỷ niệm ngày sinh của tướng quân Trần Hiển Đức; đây là lễ hội lớn nhất trong năm. Ngoài ra, còn tổ chức tế lễ vào ngày 16 tháng 10 (ngày mất).

Công việc chuẩn bị cho lễ hội diễn ra rất trang trọng. Làng Khê Khẩu có 3 giáp (giáp cụ Tạo, giáp cụ Thứ và giáp cụ Yên). Sáng ngày 30, mỗi giáp mang một con lợn (cân đủ theo quy định của làng) ra Đền và làm thịt. Chiều cả làng tập trung tại đền rước sắc phong xuống Nghè Hạ (nơi thờ nhị vị Phu nhân) làm lễ. Sau đó, rước về đền làm lễ tế xin được mở lễ hội. Trên đường đi qua miếu Cố Phụ và miếu Cố Mẫu kiệu rước quay tròn để bái vọng (vì đường hẹp không rước vào được). Lễ hội chủ yếu diễn ra tại đền. Tại đây, các thành viên của làng đều có trách nhiệm trong việc tổ chức lễ. Trước đây các giáp có ruộng công cho trưởng giáp cấy để lấy hoa lợi làm lễ đám trong năm. Đền Khê Khẩu có tục tế “tam sinh”.

Trong các ngày lễ hội, tại đền còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: Vật, chơi cờ người, tổ tôm điếm, đi cầu thùm… buổi tối có hát chèo, tuồng cổ…

 

 

 

Để lại một bình luận