CỐNG HIẾN LỚN LAO CHO PHẬT GIÁO TRÚC LÂM CỦA ĐỆ NHỊ TỔ PHÁP LOA

Trong tiến trình lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung, Thiền phái Trúc Lâm thời Trần có vị trí đặc biệt quan trọng. Sau vị Sơ Tổ Giác Hoàng Điều ngự, người có công lao to lớn trong việc phát triển Thiền phái này là Pháp Loa.

Phật giáo được truyền bá rộng rãi ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ II, khi đất nước đang chìm đắm dưới ách đô hộ của nhà Hán. Những giáo lý đầy chất nhân bản và đề cao sự hòa đồng của Phật giáo nhanh chóng bắt nhập với văn hóa làng xã của người Việt. Phật giáo như một chất xúc tác tinh thần, góp phần làm tăng thêm sự kết dính của các thành viên và giữa các làng xã với nhau, thúc đẩy sự phát triển quan hệ “siêu làng”, tạo tiền đề xã hội cho quá trình hình thành cộng đồng tiền dân tộc.

Trong tiến trình lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung, Thiền phái Trúc Lâm thời Trần có vị trí đặc biệt quan trọng. Sau vị Sơ Tổ Giác Hoàng Điều ngự, người có công lao to lớn trong việc phát triển Thiền phái này là Pháp Loa. Để hiểu sâu sắc những cống hiến của Đệ Nhị Tổ, trước hết cần phải nói về sứ mệnh của Phật giáo Trúc Lâm và tầm vóc của người đã sáng lập ra Thiền phái đó.

             Vị trí của Phật giáo Trúc Lâm trong lịch sử

Đến thế kỷ XIII Phật giáo đã có hơn một thiên niên kỷ đồng hành cùng dân tộc. Vào thế kỷ thứ VI tại chùa Pháp Vân, thiền sư người Ấn Độ Vinitaruci (Tì ni đa lưu chi) lập ra dòng Thiền thứ nhất. Sư là học trò của Đệ tam tổ Tăng Xán nên Thiền phái Tì ni đa lưu chi vừa có dáng dấp của Bà la môn Ấn Độ, vừa theo giáo lý và phương pháp tu tập của Thiền tông Trung Quốc. Vào đầu thế kỷ thứ IX, tại chùa Kiến Sơ, một Thiền sư Trung Quốc là Vô Ngôn Thông lập ra phái Thiền thứ hai. Dòng thiền này chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa nhiều hơn Tì ni đa lưu chi, đồng thời còn tiếp nhận nhiều yếu tố của Tịnh độ tông và Mật tông. Dưới thời Lý, trong thời gian chiến tranh với Chămpa, vào năm 1069, Lý Thánh Tông đã đưa về Thăng Long một Thiền sư Trung Quốc khác là Thảo Đường. Nể trọng kiến thức của vị cao tăng, Vua đã phong ông làm Quốc sư. Nét nổi bật của Thiền phái này là chú trọng các triết lý bác học và đề cao văn chương, thơ phú nên ảnh hưởng trong nhân dân không sâu đậm như Thiền phái Vô Ngôn Thông. Sự hình thành và phát triển của ba dòng Thiền nói trên đã tạo nên sự hưng thịnh của Phật giáo Đại Việt. Không phải không có lý khi nhiều học giả đã mặc nhiên coi Phật giáo có thời từng là quốc giáo. Tuy nhiên, ở vào giai đoạn cuối thời Lý, nhất là từ thời Lý Thần Tông, Thiền tông bị chi phối bởi Mật tông và nhuốm màu Đạo giáo và các tín ngưỡng cổ truyền nên sự sùng mộ đạo Phật dần gắn với các nghi thức dị đoan. Từ đây bắt đầu xuất hiện dấu hiệu nhân tâm rối loạn, nhà chức trách bỏ phí thời gian vào việc hão huyền, việc thưởng phạt trong Triều đình phần nhiều căn cứ vào những điều không chính đáng. Đó là chưa kể tới những khác biệt về giáo lý và phương pháp tu tập của ba Thiền phái đã hạn chế tính thống nhất của tư tưởng Phật giáo và làm ảnh hưởng không nhỏ khối đoàn kết trong triều đình cũng như ngoài xã hội thời bấy giờ.

Ngoài Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo thời cuối Lý, đầu Trần đã bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Được du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc và có ảnh hưởng lớn ở Giao Châu – An Nam trong vòng 10 thế kỷ, nhưng sau khi giành lại độc lập, các chính quyền Việt trong vòng hơn một thế kỷ đầu dưới thời Ngô, Đinh, Tiền Lê và đầu Lý (938 – 1075) dường như đã quay lưng lại Nho giáo, với tâm thức mà nhiều học giả gọi  là “giải Hán hóa”. Khi nền độc lập đã vững vàng và nhu cầu xây dựng một chính quyền trung ương tập quyền mạnh ngày càng trở lên bức thiết, Nho giáo lại được nhìn nhận như một học thuyết cai trị đặc sắc có thể đáp ứng đòi hỏi này. Năm 1070, Vua Lý cho lập miếu thờ Khổng Tử. Năm năm tiếp theo (1075) Triều đình cho mở khoa thi đầu tiên, dùng Nho học để kén chọn quan lại và năm sau (1076) Quốc Tử Giám được thành lập. Những sự kiện diễn ra liên tục ấy là chỉ báo rõ rệt về mức độ gia tăng ảnh hưởng của Nho giáo lên chính quyền và xã hội. Triều Lý đã có nhiều cố gắng trong việc dung hòa quan hệ giữa Phật giáo, vốn có vai trò rất lớn trong đời sống chính trị với Nho giáo và Đạo giáo. Năm 1195, Hoàng đế Lý Cao Tông đã quyết định đưa kiến thức của cả Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo vào các kỳ thi, với yêu cầu những người đỗ đạt được bổ vào các chức vụ cai trị không chỉ nắm vững Tứ thư, Ngũ kinh mà còn phải hiểu được sâu sắc những tôn giáo đang rất thịnh hành thời bấy giờ.

Sang đến thời Trần, Đại Việt đứng trước thử thách vô cùng hiểm nghèo. Đất nước trở thành đối tượng nhòm ngó của quân Mông Cổ, một đạo quân thiện chiến và hung hãn từng chinh phục khắp lục địa Á – Âu. Ba lần chiến thắng một đế chế hùng mạnh vào bậc nhất thế giới thế kỷ XIII, quân và dân Đại Việt đã trưởng thành không chỉ trên lĩnh vực nghệ thuật quân sự mà còn tích lũy được những bài học vô giá về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí thống nhất. Việc Hoàng đế Trần Nhân Tông rũ bỏ ngai vàng, chuyên tâm xây dựng Thiền phái Trúc Lâm, trong bối cảnh ấy, không thể hiểu giản đơn theo một tiếp cận đơn tuyến. Những gì Phật hoàng đã làm và di sản của ông để lại là hướng tới việc tạo dựng một nền tảng tư tưởng mới cho Triều đình và cho cả dân tộc. Không khó để nhận ra Thiền phái Trúc Lâm là tập đại thành của tất cả các trào lưu Phật giáo. Đây không đơn thuần như một sự thống nhất các Thiền phái để tạo thành một Thiền phái mới mà giống như một lần “kết tập” Phật giáo để tổng kết, đánh giá, bổ sung và nâng cao cả phương diện lý luận và thực tế của Phật giáo Việt Nam theo hướng thổi hồn văn hóa Việt, nâng tầm ý thức quốc gia dân tộc và gắn chặt hơn nữa đạo với đời. Đây chính là tư tưởng cao siêu nhất, sâu xa nhất của Phật giáo. Tính chất nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm đã làm nổi bật tư tưởng Phật pháp tại thế gian, việc đạo không thể tách rời việc đời mà ở tại đời và có trách nhiệm với đất nước trên mọi lĩnh vực. Phật giáo Trúc Lâm đã trở thành bệ đỡ tinh thần cho Đại Việt và đưa Phật giáo lên tầm cao mới.

             Tầm vóc Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam suốt thời kỳ quân chủ, không có nhân vật nào so sánh được với Trần Nhân Tông. Ông sinh ra giữa lúc đất nước vừa trải qua cuộc chiến chống quân Mông Cổ vô cùng gay go và ác liệt (1258). Khi ông lên ngôi (1278), Đại Việt đứng trước nguy cơ xâm lược lần thứ 2 của quân Nguyên. Đứng đầu đất nước khi mới tròn 20 tuổi, Trần Nhân Tông đã phải lĩnh nhận một sứ mệnh vô cùng lớn lao. Một mặt, phải thực thi một đường lối ngoại giao hết sức mềm dẻo để trì hoãn một cuộc chiến tranh quy mô lớn với nhà Nguyên, nhất là sau khi người Mông Cổ thôn tính toàn bộ lãnh thổ Nam Tống, đưa biên giới đến sát Đại Việt vào năm 1279, nhưng mặt khác phải ra sức xây dựng lực lượng, củng cố sức mạnh toàn diện sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến gay go và ác liệt. Với nhãn quan sáng suốt, Trần Nhân Tông đã ra sức xây dựng một nền chính trị thân dân dựa trên quan hệ hòa đồng làng xã, tư tưởng bao dung nhân ái của Phật giáo, nhưng giữ nghiêm kỷ cương của một thiết chế tập quyền theo những chuẩn mực của Nho giáo. Năm 1282, trước yêu cầu phải thống nhất “kế đánh, phòng”, ông đã triệu tập một hội nghị quân sự rộng rãi ngay tại bến Bình Than, nơi dự kiến sẽ diễn ra những trận đánh ác liệt khi chiến tranh xảy đến. Ngoài những kế sách quân sự được vạch ra, một quyết định quan trọng của Hoàng đế Trần Nhân Tông được đưa ra sau hội nghị này là phong cho Trần Quốc Tuấn chức Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn bộ lực lượng vũ trang (bao gồm cả thân binh của các vương hầu, quý tộc và dân binh). Năm 1284, khi đất nước đối mặt với nguy cơ một cuộc xâm lược mới, cùng với Thượng hoàng Thánh Tông, ông đã cho mời các bô lão về điện Diên Hồng để truyền tới nhân dân các làng xã quyết tâm kháng chiến của Triều đình và đồng thời cũng qua đó nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân. Đây là một bước chuẩn bị hết sức quan trọng cho một cuộc chiến tranh nhân dân.

Không chỉ là vị hoàng đế xuất chúng trên phương diện chính trị, Trần Nhân Tông còn là một nhà quân sự lỗi lạc. Việc đặt ra chức Quốc công tiết chế là xuất phát từ tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân và tổ chức hội nghị quân sự do đích thân ông chủ trì ở gần Vạn Kiếp đã thể hiện trù tính của ông trong việc phát huy sở trường thủy chiến của người Việt, khắc chế sở trường kỵ- bộ của quân Nguyên. Diễn biến của cuộc kháng chiến thứ hai và thứ ba đã chứng tỏ điều đó. Cùng với những quyết định mang tầm chiến lược ấy, ông còn chủ động cho xây dựng một căn cứ quân sự ở Trường Yên làm dày và sâu hơn hậu cứ Thiên Trường khi Triều đình và quân chủ lực phải rời Thăng Long tránh “thế giặc lúc ban mai”. Khi trực tiếp cầm quân, Trần Nhân Tông là một vị thống soái thao lược. Chính ông đã đích thân chỉ huy các trận đánh lớn, trong đó đặc biệt phải kể đến trận chiến năm 1285 tại cửa ngõ hành cung Vũ Lâm.

Là một vị vua anh hùng, quyết liệt trong chiến tranh, nhưng hình ảnh bao trùm của Trần Nhân Tông lại là biểu tượng của tư tưởng nhân ái, khoan dung. Chính sự độ lượng của ông đã giúp cho Trần Khánh Dư có cơ hội lập công chuộc tội, trở thành người anh hùng trong trận chiến Bạch Đằng. Sau khi cuộc chiến kết thúc ông đã ra lệnh đốt hết các sớ xin hàng của những quan lại, tướng tá, trong lúc khiếp sợ đã dâng lên quan giặc, khiến họ yên lòng và trung thành hơn với Triều đình.

Nhưng chỉ với tất cả những điều nói trên chưa thể nói Trần Nhân Tông là nhân vật không thể so sánh trong lịch sử Trung đại. Điều tạo nên vị thế ấy là cùng với những đóng góp về mặt chính trị, quân sự và nhân cách lớn, ông còn là một nhà tư tưởng lớn đã có công lao xây dựng một bệ đỡ tinh thần cho cả một dân tộc. Hai chữ Phật Hoàng mà đời sau kính cẩn nói về ông hàm chứa đầy đủ tầm vóc của ông đối với lịch sử và trong lòng các thế hệ tiếp theo.

             Pháp Loa xứng đáng với sự tin cậy của Phật Hoàng

Như đã nói ở trên, vì sứ mệnh lớn lao của Trúc Lâm nên cùng với việc rèn cặp vua trẻ, quan tâm đến công việc của Triều đình với vị thế của một Thái thượng hoàng, giao lưu mở rộng và thắt chặt quan hệ với lân bang, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đích thân đi khắp nơi để tìm kiếm người đủ tài đức, xứng tầm kế tục sự nghiệp lớn lao ông vừa gây dựng. Sau nhiều năm đi khắp nơi trong nước để tìm người kế thừa, năm 1304 Điều Ngự đã phát hiện được chàng trai Đồng Kiên Cương ở hương Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Ngay khi vừa mới gặp, Trần Nhân Tông đã nói: “Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là pháp khí” và cho theo về thụ giới Sadi. Có khí chất hơn người, lại được đào tạo hết sức bài bản, chỉ trong một thời gian ngắn Đồng Kiên Cương đã thông thạo kinh sách và được Phật Hoàng tin cậy, trao trọng trách sớm. Năm 1305, Điều Ngự đích thân truyền giới Thanh văn và Bồ Tát cho hiệu là Pháp Loa. Chỉ một năm sau (1306), ông được Điều Ngự cử làm chủ giảng tại chùa Báo Ân. Từ đó Pháp Loa trở thành trợ thủ đắc lực trong việc điều hành mọi công việc của Phật giáo Trúc Lâm.

Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, Pháp Loa chính thức được suy tôn là Tổ thứ 2 thiền phái Trúc Lâm, trở thành người lãnh đạo Phật tử trong cả nước. Uy tín của ông với chúng tăng và trong xã hội không ngừng tăng lên. Chỉ trong một thời gian ngắn, số người xin xuất gia và quy y học đạo rất đông, số lượng lên tới hàng vạn người.

Với tư cách người đứng đầu giáo phái có đầu óc thông tuệ, có kiến thức uyên bác, Pháp Loa đã đảm nhiệm công việc giảng dạy bộ kinh lớn như Kim Cương, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác, Pháp Hoa và Niết Bàn và các bộ ngữ lục như Đại Tuệ Ngữ Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục…Ngoài ra, ông còn tới thuyết pháp cho tín đồ tại các chùa Quỳnh Lâm và nhiều đại, tự đại viện khác.

Một cống hiến hết sức lớn lao của Pháp Loa với Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và văn hóa Phật giáo nói chung là hoàn thành công việc khắc và in 1000 bộ Đại tạng kinh. Công việc này thực ra bắt đầu vào khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ XIII (trong khoảng những năm 1295-1296). Khi ấy Trần Nhân Tông đã từng giao cho Bảo Sát tổ chức thực hiện, nhưng đến khi Phật Hoàng qua đời (1308) công việc vẫn chưa xong. Năm 1311 Pháp Loa tiếp nhận sau 8 năm (1319) thì việc khắc hoàn thành và sau đó cho in được 5.000 bộ kinh Đại Tạng nổi tiếng còn được lưu truyền đến ngày nay.

Dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đệ Nhị Tổ Trúc Lâm, Phật giáo trong nước cũng phát triển nhanh chóng. Trong một thời gian ngắn ông đã cho xây gồm 800 cơ sở mới (bao gồm các chùa chiền, Phật viện), dựng hai đài giảng kinh, 5 tòa bảo tháp. Đồng thời, ông cũng đã cho tiến hành đúc 1300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng. Nếu như Phật Hoàng là vị Tổ khai mở thì người có công hoằng dương Phật pháp để Phật giáo phát triển thịnh vượng dưới thời Trần chính là Pháp Loa Đồng Kiên Cương.

Khác với Điều Ngự Giác Hoàng, Pháp Loa thuần túy là nhà tu hành. Uy tín của ông là nhờ đạo đức, sự uyên bác và tinh thần làm việc quên mình. Tuy xuất thân bình dân nhưng ông lại được Triều đình và Hoàng tộc rất mực quý mến và kính trọng. Vua Anh Tông rất tôn kính Pháp Loa, thường khiêm tốn xưng với ông là đệ tử. Năm 1311 ông được Hoàng đế đích thân giao việc khắc in kinh Đại tạng. Năm 1318, khi đã truyền ngôi lên làm Thượng Hoàng, ông vẫn mời Pháp Loa về cung Thiên Trường để giảng cho mình về bộ Tuyết Đầu Ngữ Lục. Sau khi khóa giảng kết thúc, Thượng Hoàng tự tay viết bốn chữ “Phổ Tuệ Tôn Giả” tặng Pháp Loa. Khi Pháp Loa viên tịch, Hoàng đế Trần Minh Tông vô cùng thương tiếc, đã làm bài thơ Đề chùa Thanh Mai viếng Pháp Loa tôn giả ( Vãn Pháp Loa Tôn giả đề Thanh Mai tự) viếng ông, trong đó có câu:

          Kim cổ cùng nhau nay vắng vẻ,

          Viếng ai một khúc lệ đôi hàng.

             Dấu ấn Pháp Loa

Tinh thần, triết lý sống của Pháp Loa thể hiện rõ trong bốn câu kệ ông viết trước lúc ra đi :

Muôn duyên cắt đứt, tấm thân nhàn,

          Hơn bốn mươi năm cõi mộng tàn.

          Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa,

          Bên kia trăng gió mặc thênh thang.

Ý tứ bài kệ nói lên sự thanh thản không vương vấn bụi trần nhưng cũng hàm ý ông yên tâm với những gì đã làm được cho đạo, cho đời, trong đó có cả việc đã chọn cho Trúc Lâm một người kế tục sự nghiệp xứng đáng. Đó là Tiến sĩ Lý Đạo Tái người học trò xuất sắc nhất được ông đích thân đào tạo.

Với Đệ Nhị Tổ, Thiền học Trúc Lâm đã phát triển lên một bước mới. Ngày ngày đàm Thiền, thuyết pháp trong tinh thần “vô nhất pháp nhi khả đắc”, nơi nơi tiếp xúc độ sinh, theo tinh thần “phi chúng sinh nhi bất lợi”, Pháp Loa đã đưa Phật giáo Trúc Lâm đến gần với quần chúng hơn. Và một con đường gắn đạo với đời, yếu tố Mật tông có phần gia tăng dưới thời Đệ Nhị Tổ.

Dưới thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông, do có ý đề cao triết lý minh bạch và giải dị đoan nên Mật tông không được chú trọng. Khi ấy việc hoằng pháp Phật giáo rất thuận vì nhờ uy tín và vị thế của Trần Nhân Tông. Nhưng đến thời Pháp Loa, muốn truyền bá rất cần đến yếu tố Mật tông.

Một trong những di sản quý báu của Pháp Loa là trước tác. Tuy nhiên, những tác phẩm của Pháp Loa để lại ngày nay không còn nguyên vẹn. Duy chỉ có một phần của sách Tham Thiền Yếu Chỉ còn giữ lại dưới nhan đề Thiền Đạo Yếu Học, in trong sách Tam Tổ Thực Lục. Qua đó chúng ta còn biết Pháp Loa đã viết rất nhiều, chẳng hạn như Thạch Thất Mị Ngữ Niêm Tụng ( Niệm tụng về quyển Thạch Thất Mị Ngữ của Trúc Lâm) viết năm 1308; Tham Thiền chỉ yếu, soạn năm 1322, theo lời yêu cầu của Thượng Hoàng Minh Tông, Kim Cương Trường Đà- la- ni kinh khoa chú ( Phân tích chú giải kinh Kim Cương Trường- đà- na- ni); Niết bàn đại kinh khoa sớ: Phân tích và sớ giải kinh Đại Niết bàn)…

Công lao lớn nhất của Pháp Loa chính là hoằng dương Phật pháp, rất đúng với cái tên Pháp Loa mà ông đã được Điều Ngự đặt cho. Đó chính là người có sứ mệnh mở rộng ra công chúng tư tưởng lớn của Phật Hoàng về những tư tưởng Phật giáo nhập thế và sự hòa hợp của các dòng chảy tư tưởng với văn hóa Việt.

 

GS.TSKH VŨ MINH GIANG

Nguồn: Tạp chí Thế giới di sản, số 4- 2017 (127).

Trả lời