CÔN SƠN – KIẾP BẠC SẴN SÀNG CHO LỄ HỘI MÙA XUÂN NĂM 2024

Côn Sơn – Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia, nơi đây gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đặc biệt là chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần; Nơi tu hành, viên tịch của thiền sư Huyền Quang – vị tổ thứ 3 của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Hàng năm, tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc có hai kỳ lễ hội mùa xuân và mùa thu, thu hút hàng vạn nhân dân và phật tử từ mọi miền đất nước hành hương về tưởng niệm các bậc vĩ nhân. Trải qua hơn 700 năm tồn tại và phát triển, lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc đã trở thành nơi “quốc lễ” của đất nước, là lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc.

Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một lễ hội quan trọng của đất nước mỗi dịp tết đến xuân về. Lễ hội mùa xuân năm nay được tổ chức từ ngày 19/02 đến ngày 03/3/2024 (tức ngày 10 – 23 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với các nghi lễ và hoạt động hội phong phú, đậm chất dân gian, khẳng định những giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc trong hành trình di sản thế giới, bao gồm: Lễ rước nước, Lễ Khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024, tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả và công bố Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ công nhận Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là Bảo vật quốc gia, Lễ Khai mạc Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và xúc tiến Thương mại (ngày 16 tháng Giêng âm lịch); Lễ tế trên Ngũ Nhạc linh từ, Giải chạy “Hành trình kết nối di sản văn hóa” (ngày 17 tháng Giêng âm lịch); Lễ giỗ Đệ tam tổ Huyền Quang, Lễ Mông Sơn thí thực (ngày 23 tháng Giêng âm lịch); và các hoạt động hội: Hội thi bánh chưng, bánh giầy, pháo đất, cờ tướng, đấu vật, viết thư pháp, hát chèo, hát quan họ…

Để chuẩn bị cho Lễ hội mùa xuân, ngay từ trước Tết nguyên đán, công tác trang trí, cải tạo cảnh quan tại khu di tích đã được Ban quản lý di tích khẩn trương hoàn thành. Đến thời điểm này, đã triển khai xong việc cắm 5000 lá cờ hội và hồng kỳ tại các điểm di tích và dọc đường từ Côn Sơn sang Kiếp Bạc. Trang trí hàng nghìn mét cờ dây, cờ phướn, 1.000 đèn lồng tại các di tích. Tại khu di tích Côn Sơn, từ khu vực cổng vé cho đến khu vực Bàn Cờ Tiên đã được dọn dẹp, khai quang sạch đẹp. Hai bên đường nhất chính đạo dẫn vào chùa là những thảm hoa rực rỡ muôn màu với rất nhiều loại hoa: hoa mua, mẫu đơn, dạ yến thảo, hoa cúc… được chăm sóc, cắt tỉa theo những chủ đề khác nhau tạo điểm nhấn và không gian rực rỡ khi du khách dừng chân tại đây. Đặc biệt, phía trước gác chuông chùa Côn Sơn là “cây ước nguyện” rực rỡ sắc màu, nơi gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng của du khách khi đến du xuân tại Côn Sơn. Tại khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi, lòng suối Côn Sơn được dọn dẹp, khơi thông, trồng thêm rất nhiều loại hoa tạo nên những suối hoa đỏ rực chắc chắn là những điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách. Đường lên Ngũ Nhạc cũng được dọn vệ sinh, cắt tỉa cây cối vừa tạo cảnh quan thông thoáng vừa dễ dàng cho việc di chuyển của du khách. Tại khu di tích Kiếp Bạc, công tác chỉnh trang cũng được khẩn trương thực hiện. Đường vào khu di tích, từ ngã ba An Lĩnh đến cổng đền là những dải hoa giấy rực rỡ sắc màu. Hai bên đường thần đạo dẫn vào đền và cảnh quan phía sau đền đã được cải tạo khang trang, sạch đẹp với những tiểu cảnh được tạo nên bởi hàng nghìn bông hoa đang thi nhau khoe sắc. Tất cả đã sẵn sàng để chào đón du khách thập phương về trẩy hội.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trực quan tại di tích được đẩy mạnh. Trên các tuyến đường dẫn vào khu di tích, trang trí hàng trăm băng rôn, phướn chữ… tuyên truyền về di tích và lễ hội. Hệ thống biển bảng chỉ dẫn, giới thiệu tại các điểm di tích được bổ sung song ngữ Việt – Anh, dán mã QR Code để giúp du khách tìm hiểu thêm thông tin về di tích nhanh hơn, đầy đủ hơn. Xây dựng hàng chục giàn ảnh trưng bày giới thiệu về di tích và lễ hội tại chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền thờ Nguyễn Trãi. Đặc biệt, tại đường nhất chính đạo chùa Côn Sơn trưng bày và giới thiệu đề cử di sản thế giới ”Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh với nội dung đa dạng, phong phú. Xây dựng, đăng tải nhiều video clip, bài giới thiệu, tuyên truyền về di tích và lễ hội trên trang website và fanpage của cơ quan.

Công tác bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự và dịch vụ lễ hội liên tục được đổi mới nhằm hạn chế tình trạng trộm cắp, bâu bám, ép giá…Các bến xe tại hai khu di tích được tu sửa và tăng cường lực lượng tham gia điều tiết, hướng dẫn giao thông… BQL di tích phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức cho các hộ dân trong khu di tích ký cam kết không tăng giá và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp diễn ra lễ hội; xử lý nghiêm các trường hợp hành nghề mê tín dị đoan, nâng giá, chèo kéo du khách thập phương. Dịch vụ hàng quán được sắp xếp gọn gàng, nề nếp để đảm bảo yêu cầu “An toàn, vui tươi, xanh, sạch, đẹp” khi du khách đến với di tích.

Côn Sơn – Kiếp Bạc đã sẵn sàng cho Lễ hội truyền thống mùa xuân năm 2024. Kính mời nhân dân và du khách thập phương về dự lễ!

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI DI TÍCH

Du khách dâng hương tại chùa Côn Sơn

Không gian trưng bày ảnh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc

Những chậu cúc vàng được Ban quản lý chuẩn bị, trang trí trên đường từ cổng tam quan vào sân chùa

Cây ước nguyện chùa Côn Sơn

Du khách xin lộc đầu năm tại chùa Côn Sơn

Không gian tại hành lang chùa Côn Sơn

Khu vực trải nghiệm cùng di sản tại hành lang chùa Côn Sơn

Du khách đọc giới thiệu bia “Côn Sơn tư phúc tự bi” chùa Côn Sơn

 

Phòng Nghiệp vụ

 

 

Trả lời