CHÍ LINH BÁT CỔ

Chí Linh bát cổ là 8 di tích điển hình của Chí Linh, đồng thời cũng là 8 di tích quan trọng của tỉnh, quan hệ đến nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử nổi tiếng của dân tộc. Căn cứ nguồn tư liệu đã biết, Chí Linh Bát cổ gồm 8 di tích đại diện cho 8 loại hình của huyện Chí Linh ở thế kỷ XVIII, được sắp xếp theo thứ tự như sau:

1. Trạng nguyên cổ đường

2. Tiều Ẩn Cổ Bích

3. Dược Lĩnh Cổ viên

4. Nhạn Loan Cổ Độ

5. Thượng tể Cổ Trạch

6. Chí Linh Cổ Thành

7. Vân Tiên Cổ Động

8. Tinh Phi Cổ Tháp

Như vậy Bát cổ gồm 8 loại hình kiến trúc cổ khác nhau: Nhà dạy học; Nhà ở; Nơi ẩn cư; Động trong chùa; Thành trì quân sự,; Tháp mộ; Vườn trên núi thuốc; Bến đò. Đây đều là những di tích điển hình của huyện Chí Linh, còn đến thế kỷ XVIII. Đây là những di tích quan hệ đến nhiều nhân vật lịch sử và sự kiện quan trọng của đất nước không riêng của Chí Linh. Vậy Chí Linh bát cổ được bình chọn là từ bao giờ?

Căn cứ bia “Chí Linh Bát cổ” hiện còn tại Văn chỉ Nam Sách, nay thuộc thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, thì vào thời Vĩnh Thọ (1658 – 1661) đến Cảnh Hưng (1740 – 1786), nhiều nhân sĩ đương thời đã có các tác phẩm viết về những cảnh đẹp của Chí Linh, coi thắng cảnh và cổ tích của Chí Linh là cảnh đẹp nổi tiếng của thiên hạ, tương tự như Quế Lâm Bát cảnh của Quảng Đông (Trung Quốc), trong đó có sách Thanh Hiên Khải Phủ Nguyễn Chí Hoà cẩn án các sách thành Bát cổ. Thanh Hiên Khải Phủ là một nhân vật nổi tiếng đương thời, theo thông lệ thì chỉ có những nhân vật tiêu biểu người xưa mới dùng chữ Phủ, như Khổng Tử gọi là Ni Phủ. Vào dịp tiết Trung thu, năm Ất Mão (1795), Thanh Hiên nhân chuyến đi du ngoạn những cổ tích của Chí Linh, cẩn thận mà ghi lại, tặng các nho sĩ địa phương. Các vị thượng lão và quan chức của huyện bàn định, kính cẩn lập bia để ghi những bài thơ ca ngợi Bát cổ do Thanh Hiên cẩn chí. Tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1798), lấy đá ở Động Dương Nham để tạo bia, tháng 11 năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) bắt đầu dựng bia ở Gò Hạc, xã Linh Khê gần nhà học, nhưng việc khắc bia đến ngày rằm tháng 6 năm Nhâm Tuất, Gia Long nguyên niên (1802) mới hoàn thành. Vậy thơ về Chí Linh Bát cổ đã được sáng tác từ năm 1795. Năm 1798, bắt đầu được khắc lên bia. Những người tham gia vào công việc này có Thanh Hiên Khải Phủ Nguyễn Chí Hoà là một tác giả (trong bia ghi là Gia quyển – có thể hiểu người trước tác thơ văn). Vậy Thanh Hiên Khổng Phủ Nguyễn Chí Hoà phải là Nguyễn Du?  Chúng ta biết rằng, Nguyễn Du (1865 – 1820), có thời ông làm tri huyện Phù Dung (Phù Cừ), tri phủ Thường Tín, có tên hiệu là Thanh Hiên. Đây là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu.

Tấm bia bị vùi lập trong chiến tranh, khoảng năm 1995 khi làm đường tại địa phương, nhân dân làng Linh Khê phát hiện tấm bia cổ, di về Văn chỉ Linh Khê. Sau khi nghiên cứu, phiên dịch mới biết là Bia Chí Linh Bát Cổ. Tuy mới gần 200 năm nhưng không được bảo quản chu đáo, chất lượng lại kém, nên bia đã mòn mờ nhiều mảng, rất khó đọc, nhưng rất may thác bản văn bia được làm trước cách mạng đến nay vẫn còn nên đã khôi phục được căn bản văn bia.

Căn cứ Chí Linh phong vật chí, do gia đình họ Đào Ngọc, xã An Lạc, huyện Chí Linh sao lục năm Bảo Đại 11 (1935), tháng ba nhuận. Như vậy đến năm 1935 đã có cuốn Chí Linh phong vật chí. Sách viết từ bao giờ chưa rõ, nhưng không thể trước năm 1802, vì trong đó có chép nội dung bia Chí Linh Bát Cổ, nhưng do sao dịch nhiều lần nên có một số chữ không chính xác, thậm chí một số bài thơ trong bia đã sáng tác thêm những câu mà trong bia không có hoặc bỏ sót nhiều câu. Ví dụ bài Vân Tiên Cổ Động để sót tới 14 câu, ngược lại bài Thượng Tể Cổ Trạch lại thêm vào 3 câu.

Từ hai nguồn tư liệu trên, chúng tôi đã điền dã nghiên cứu, tiến hành khai quật một số di tích, kết quả đất khả quan, góp phần làm sáng tỏ một số di tích.

1. Trạng Nguyên cổ đường:

Tức ngôi nhà dạy học của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1273 – 1346), ông người xã Long Động, dòng dõi Trạng nguyên Mạc HIển Tích, được đào tạo cơ bản từ nhỏ tại Quốc Tử Giám, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Dần, năm Hưng Long 12 (1304). Mạc Đĩnh Chi là nhân vật kỳ tài trong lịch sử văn học nước nhà, niềm tự hào của trí thức ViệtNam. Bản tính ông ngay thẳng, cần mẫn, liêm khiết, được người đương thời trọng vọng, làm quan đến chức Tả Bộc xạ, Nhập nội Hành khiển thời Trần Hiến Tông – tức Tể tướng, quan đầu triều.

Sau ông dựng trường riêng, gần Gò Hạc, tại xã Linh Khê (Chí Linh), nay thuộc xã Thanh Quang, huyện Nam Sách. Nhưng di tích Chùa Quất Lâm, Gò Hạc, văn chỉ Linh Khê vẫn còn. Đến cuối thế kỷ XVIII, khi tuyển chọn Chí Linh Bát Cổ, di tích này được xếp hạng. Theo văn bia, một thời Mạc Đĩnh Chi dạy học ở Chùa Quất Lâm, rồi dựng nhà dạy học, nơi ấy sau thành cơ sở Hội Tư Văn và Tư Võ của huyện, tức địa điểm hiện nay.

2. Tiểu ẩn cổ bích:

Nghĩa đen là bức vách, bức tường cổ quây quanh nhà của Tiều Ẩn, tức là ngôi nhà ẩn dật của Nhà giáo Chu Văn An.

Chu Văn An nguyên có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Trùng Hưng thứ 8 (1292), tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh trì, nay thuộc Hà Nội.

Thuở nhỏ, ChuAn sớm có nghị lực, chuyên cần học tập, nghiêm khắc sửa mình. Khi trưởng thành ông đạt đến mức thông kinh bác sử, danh lợi không màng, tài danh đức độ hơn hẳn các nho sĩ đương thời. Ông dựng nhà ở Huỳnh Cung, mảnh đất gần thôn Văn làm nơi dạy học. Học trò cả nước kéo đến xin học rất đông, trong số đó nhiều người hiển đạt. Đời vua Minh Tông, ông mới ngoài 20 tuổi đã được mời làm Tư nghiệp Quốc Tử giám dạy Thái tử và con quan lại học tập. Trên bia Chí Linh Bát cổ ghi ông là Tiến sĩ.

Trần Dụ Tông lên làm vua năm Tân Tỵ (1341) là người ham vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi nhiều người vi phạm phép nước, ông nhiều lần khuyên vua sửa trị nhưng vua không nghe, ông bèn dâng sớ chém 7 tên nịnh thần đều là những kẻ có thế lực trong triều được vua yêu quý, đương thời gọi là Trất trảm sớ. Tuy thế vua vẫn bỏ qua không xét. Ông trao trả mũ áo từ quan về núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu cho hậu thế. Ông đặc cho mình cái tên mới Tiều Ẩn – một tiều phu ẩn dật trong rừng. Ông sống ở đây khoảng 10 năm cuối đời và tạ thế vào ngày 26 tháng 11 năm Thiệu Khánh thứ nhất (1370), được tôn vinh là Đại Việt Nho tôn.

Nơi ẩn dật của ông được học trò dựng đền thờ, có tên là Phượng Hoàng linh từ. Đền xây bằng đá khối, gồm 3 gian hậu cung và 5 gian tiền tế. Trong kháng chiến chống Pháp, Tiền tế bị đạn giặc bắn đổ, nhưng Hậu cung vẫn còn. Di tích đó gọi là Tiểu ẩn cổ bích, nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh. Di tích được khôi phục năm 1997, xếp hạng quốc gia năm 1998, nay đã được tôn tạo khá khang trang, 7 tên nịnh thần đã có sách ghi được tên họ, nhưng chưa thuyết phục, cần xác minh thêm (1)..

3. Dược Lĩnh cổ viên:

          Vườn cổ trên núi thuốc, đây chỉ là vườn cây thuốc trên Dược Sơn. Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất (1258), Trần Hưng Đạo đóng đại bản doanh tại Vạn Kiếp, sai Phạm Ngũ Lão trồng cây thuốc trên núi phía nam thung lũng Vạn Kiếp, sau gọi đó là Dược Sơn, tức núi trồng cây làm thuốc để chữa bệnh và vết thương cho quân sĩ. Trên Dược Sơn có một vườn cổ, nhiều cây thuốc quý, đời sau gọi là Dược Lĩnh cổ viên. Nay là khuôn viên trước chùa Nam Tào, khu di tích Kiếp Bạc, thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh. Di tích được xếp hạng Quốc gia từ năm 1962, nhiều công trình ở đây đã được tôn tạo, nhưng vườn thuốc nam thì chưa khôi phục được. Nhưng trong bài thơ ca ngợi Dược Lĩnh Cổ Viên không nói gì về thuốc mà chủ yếu ca ngợi Đại vương Trần Hưng Đạo với Nhàn hoa viên trên núi thuốc.

4. Nhạn Loan cổ độ:

          Tức bến cổ Nhạn Loan, nay là bến Triều Dương, thuộc xã Nhân Huệ. Đây là một bến đò có tích từ thời Hùng Vương. Chí Linh phong vật chí cho biết: Thục An Dương Vương bị quân Triệu Đà truy đuổi, ông chạy qua bến đò nay, Trần Khánh Dư khi thất sủng cũng từng bán than tại đây. Đối ngạn với Nhạn Loan qua sông Lục Đầu là bến Bình Than, thuộc ngã ba sông Đuống và Lục Đầu. Đây là những địa danh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc hàng ngàn năm trước, nơi có nhiều dinh thự của tiền triều, quê hương nhiều nhân vật lịch sử, ở đây còn một ngôi chợ lớn bên bến đò, nhưng nay ít được quan tâm.

5.Thượng Tể cổ trạch:

Nhà cũ của quan Thượng tể Trần Quốc Chẩn là em vua Trần Minh Tông, sinh khoảng những năm 70 của thế kỷ XIII. Ông là người có tài đức, được triều đình nể phục, từng giữ nhiều trọng trách trong đời vua Anh Tông và Minh Tông, Năm Khai Thái thứ nhất (1324) được phong chức nhập nội Quốc Phụ Thái Tể, chức quan đầu triều. ông có thái ấp ở Kiệt Đặc (Chí Linh), rộng tới 72 mẫu, có nhà riêng ở giữa cánh đồng, cách sông Kinh Thầy khoảng 100m về phía Bắc.

Năm Khai Thái thứ 5 (1328), Đại Việt sử ký ghi: Bấy giờ Vua (Minh Tông) ở ngôi 15 năm, tuổi đã cao mà chưa lập được Thái Tử, Quốc Chẩn là cha của Hoàng hậu, ông khuyên vua chờ Hoàng hậu sinh con trai mới lập Thái tử, Cương Đông Văn Hiến hầu là con Tá thánh Thái Sư Trần Nhật Duật, muốn đánh đổ Hoàng hậu để lập Hoàng tử Vượng (Hiến Tông), bèn đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu vu cho Quốc Chẩn phản loạn. Vua tin là thật, cho bắt Quốc Chẩn giam vào chùa Tư Phúc, rồi đem việc ấy hỏi Thiếu Bảo Trần Khắc Chung, Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến Hầu, lại là đồng hương với mẹ Vượng liền trả lời: “Bát hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Vua liền cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậu thương cha, mỗi lần vào thăm lấy áo tẩm nước vắt cho cha uống, nhưng không cứu được, Quốc Chẩn uống xong thì chết. Vụ này những người liên luỵ bị xử tử đến hơn trăm, người nào trước khi chết đều kêu oan, nhưng không ai cứu được.

Vài năm sau, vợ cả, vợ lẽ của Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến hầu đút lót vàng tâu Vua, Phẫu bị hạ ngục, ngục quan là Lê Huy là người cương trực, xét xử ngay hôm đó, Phẫu bị tội lăng trì, tức bị xẻo từng miếng thịt để cho chết dần dần, chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Võ, con trai của Quốc Chẩn đã ăn sống hết thịt của nó. Văn Hiến là con nhà hoàng tộc được miễn tội nhưng bị giáng xuống làm thường dân, xoá tên trong sổ hoàng tộc.

Sau khi mất, căn nhà cũ của Quốc Chẩn lập thành đền thờ ông, trải qua 7 thế kỷ đền đã nhiều phen hư hại. Năm 1997, theo chỉ đạo của ngành Văn hoá, nhân dân địa phương tái tạo đền thờ. Năm 2003 được nhà nước xếp hạng Quốc gia. Di tích này thuộc thôn Nẻo, xã Chí Minh, huyện Chí Linh. Sự kiện lập hoàng tử trong trường hợp này đáng cho đời sau suy ngẫm.

6. Chí Linh cổ thành:

          Tức thành cổ Chí Linh, sau gọi là thành Phao Sơn, nay thuộc khu nhà máy nhiệt điện Phả Lại, thành này có từ đời Trần, khi quân Minh xâm lược chúng cố thủ ở đây đến khi thất bại hoàn toàn (1428). Thời Mạc (thế kỷ XVI), thành được gia cố và trở thành căn cứ quân sự quan trọng cho các thời đại sau, khi Pháp xâm lược, chúng biến đây thành khu quân sự (secteur), có trường đào tạo hạ sĩ quan. Thành bị san lấp khi xây nhà máy nhiệt điện Phả Lại, rất tiếc trước khi san lấp thành hào này, công trình chưa được nghiên cứu thấu đáo, vì vậy nay rất thiếu tư liệu nghiên cứu.

7. Vân Tiên cổ động:

          Tức Động cổ Vân Tiên, một công tình kiến trúc thanh lịch và thoát tục, nằm trong khuôn viên chùa Huyền Thiên, một ngôi nhà lớn nổi tiếng từ thời Lý – Trần, thuộc đất Kiệt Đặc, Chí Linh. Chúng ta cần lưu ý rằng, đây là công trình kiến trúc, tương tự như Thanh Hư động, không phải hang động. Tương truyền sư Huyền Thiên luyện thuốc trường sinh ở đây, nhà sư Kiều Bản Tịnh (1100 – 1176), thuộc hệ thứ Tám của Thiền sư Việt Nam, quê hương Phù Diễn, quận Vĩnh Khang. Thuở nhỏ hiếu học, hiểu sâu lẽ sinh tử huyền sinh vi của đạo phật, sửa mình theo đạo đức của nho gia, xuất gia đắc đạo với thiền sư Mãn Giác ở chùa Giao Nguyên. Năm Đại Định thứ hai (1141) Sư đến trụ trì tại một ngôi chùa trên núi Kiệt Đặc (Chí Linh). Phải chăng đó là chùa Huyền Thiên, một ngôi chùa danh tiếng đương thời. Kiến trúc chùa và động đã mất từ trước cách mạng, nay chỉ còn một ngôi tháp và một bia nhỏ cùng những phế tích gạch hoa, ngói mũi hài, tảng hoa sen, bậc, nền, chứng minh cho một công trình hoành tráng một thời. Gần đây nhân dân địa phương mới xây dựng một ngôi chùa nhỏ, hy vọng bảo tồn được khu di tích.

8. Tinh Phi cổ tháp:

          Tức Tháp Mộ Tinh Phi Nguyễn Thị Duệ. Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Du, Ngọc Toàn, tên vua ban là Tinh Phi, sinh khoảng năm 1574, tại Kiệt Đặc – Chí Linh. Từ nhỏ, bà đã chứng tỏ là một người hiếu học, có bản lĩnh và quyết đoán, được gia đình mời thầy dạy học. Năm Quang Hưng 16 tức Khang Hựu nguyên niên (1593), quân Lê Trịnh tàn phá vùng Hải Dương mà người chỉ huy ở đây là Trịnh Tùng, lúc đó đang là Trưởng quốc công, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng lập căn cứ, Bà cùng cha chạy lên Cao Bằng theo nhà Mạc. Tại Cao Bằng, theo tư liệu của Bảo tàng địa phương, nhà Mạc mở tại đây tới 12 khoa thi hội, bà giả trai đi thi đỗ đầu. Theo tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng Cao Bằng thì khoa thi này diễn ra vào năm 1594, đây là người con gái đầu tiên của Việt Nam thi đỗ tiến sĩ. Khi vào dự yến, Vua Mạc phát hiện bà là gái, ông rất cảm phục đã không trị tội mà còn lấy làm vợ. Khi quân Lê – Trịnh tấn công Cao Bằng (khoảng năm 1625), bà bị bắt giải về Thăng Long, được Chúa Trịnh trọng dụng để dạy cung nhân, sau tôn là Đức Lão Lễ sư. Bà có công lớn về giáo dục, đặc biệt là giáo dục từ xa, từng tham gia chấm thi bậc Tiến sĩ. Năm gần 80 tuổi, bà về quê dựng một am nhỏ trước mộ tổ trên đỉnh đồi gần chùa Huyền Thiên để tu hành. Bà qua đời vào ngày 08 tháng 11 khoảng năm 1656 (?). Sau khi mất, mộ của bà được mai táng một lần trong một quách đá sa thạch, cạnh mộ Tổ, trên mộ xây một ngôi tháp đất nung, nhiều tầng, từ xa đã nhìn rõ mầu hồng rực rỡ. Tháp này đã sụp đổ từ thế kỷ XIX, nay chỉ còn phế tích. Năm 2008, khu di tích đã được tôn tạo thành ngôi đền hoành tráng thờ Nguyễn Thị Duệ và đã được xếp hạng cấp tỉnh.

Như vậy Chí Linh bát cổ lừng lẫy một thời đã trở thành phế tích trong hai cuộc chiến tranh, nay phục hồi được 4 di tích và đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. 4 di tích còn lại cũng cần phải nghiên cứu thấu đáo, dù không được khôi phục thì cũng cần có bia biển để thế hệ sau nhận biết, bởi những di tích này có ý nghĩa lớn về lịch sử và văn hoá dân tộc. Riêng chùa Huyền Thiên chúng ta có thể khôi phục làm sống lại một Bát cổ của Chí Linh.

Hẳn có bạn đọc thắc mắc rằng, tại Chí Linh còn nhiều di tích đẹp và lớn hơn như: Chùa Côn Sơn, Chùa Thanh Mai, Đền Kiếp Bạc… tại sao không tuyển vào Chí Linh bát cổ, ngược lại di tích thuộc Nam Sách lại cho vào Bát cổ Chí Linh. Chúng ta biết rằng ở thế kỷ XVIII, những di tích trên còn thuộc huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang (Kinh Bắc), còn Trạng nguyên cổ đường, khi đó thuộc huyện Chí Linh, đến cuối thế kỷ XIX, chính quyền thực dân mới chuyển những xã phía Nam sông Kinh Thày về huyện Thanh Lâm, sau gọi là Nam Sách. Chính vì những thay đổi địa giới như trên mà rất nhiều người đã sai lầm khi viết về lịch sử Chí Linh cũng như Chí Linh bát cổ.

          Trên đây là khái lược về Chí Linh bát cổ để làm sáng tỏ vấn đề này, tại Hội thảo có nhiều tham luận chuyên sâu, hy vọng giúp chúng ta hiểu thấu đáo những di tích này.

Tăng Bá Hoành

Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương

Chú thích:

1. Gần đây người ta đã tìm ra 7 tên nịnh thần trong Thất trảm sớ là: Hoạn quan Mai Thọ Đức, ngự y Trâu Canh, Văn Hiến dầu Bùi Khoan, Nguyễn Thanh Lương, Tâm Đức Ngưu, Đoàn Chữ Cẩu. Báo Hải Dương số: 432, ngày 19/12/2008. Tuy nhiên những nhân vật này cũng cần thẩm tra cho chính xác.

2. Thần tích này có nhiều chi tiết có thể tham khảo để nghiên cứu về Chu Văn  An và di tích ở Phượng Hoàng. Tuy nhiên sau khi thẩm định thấy một số chi tiết không chính xác, một số    bài thơ nói là của Chu Văn Lương nhưng thực chất lại của Trần Nguyên Đán. Thần tích này sao chép vào đầu thế kỷ XX nên có những lầm lẫn cũng không có gì lạ. Nay trích ra đây để tham khảo.

Trả lời