Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung, di tích nho học nói riêng không chỉ là trách nhiệm của ngành VHTTDL mà đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các tập thể, cá nhân, gia đình, dòng họ… để tạo cho di tích thêm sức sống, để mỗi di tích là một bảo tàng sống/có hồn.
1. Đặt vấn đề.
Theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, “Hải Dương xưa thuộc bộ Dương Tuyền”, một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng rực rỡ (1). Tỉnh Hải Dương cách trung tâm thành phố Hà Nội 60km về phía Đông Bắc – với vị trị nằm trong tam giác kinh tế, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh; nơi tiếp giáp với các tỉnh như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hưng Yên và Thái Bình. Chính điều đó đã tạo cho Trấn Đông xưa – Hải Dương nay có vị thế trọng yếu về quận sự; nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước; nơi sinh thành, nuôi dưỡng, hun đúc và chở che cho nhiều bậc hiền tài; nơi tìm về và lập nghiệp của nhiều danh nhân đất nước; nơi hội tụ di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc; đặc biệt đây cũng là nơi sản sinh nhiều tiến sĩ của cả nước với 486/2089 người (đứng đầu cả nước)(2) và làng Mộ Trạch có số tiến sĩ nhiều nhất cả nước (39 tiến sĩ). Theo số liệu kiểm kê bước đầu năm 2009, trên địa bàn tỉnh có 2207 di tích, trong đó có 147 di tích nho học (chiếm 6%) (3), gồm các di tích tiêu biểu: đền Phượng Hoàng – thờ Chu Văn An, đền tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, Văn miếu Mao Điền, đền Long Động, đình – miếu Mộ Trạch…
2. Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích nho học
2.1. Công tác quản lý:
Xuất phát từ việc nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích nói chung – di tích nho học nói riêng, trong những năm qua, những văn bản pháp lý về Di sản văn hóa như: Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009; Nghị định số 98/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa; Quyết định 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 của Bộ Văn hóa – Thông tin về Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06/02/2003 của Bộ Văn hóa – Thông tin về Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản, các quy hoạch về: Phát triển du lịch tỉnh Hải Dương đến 2020; Quy hoạch phát triển sự nghiệp VH-TT tỉnh Hải Dương đến 2015 và định hướng đến 2020; Quy hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến 2020; Quy hoạch lễ hội tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến 2020; Quy hoach khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc; Quy hoạch hệ thống hang động trên địa bàn huyện Kinh Môn…và Quyết định số 1987/2004/QĐ-UBND ngày 19/5/2004 ban hành Quy chế xếp hạng và quản lý di tích tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Dự thảo quy chế thành lập và tổ chức hoạt động của Ban quản lý di tích cơ sở trên địa bàn tỉnh; Dự thảo quy chế đầu tư và thu hút đầu tư trong lĩnh vực di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh vào năm 2007. Các di tích trọng điểm được thành lập Ban quản lý riêng như Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Ban quản lý di tích huyện Kinh Môn, thị xã Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Trong công tác phối hợp với các ngành, Sở VHTTDL cùng với Sở Giáo dục – Đào tạo có văn bản ký thỏa thuận về việc triển khai thực hiện theo Kế hoạch số 7575 của Liên Bộ GD-ĐT, VHTTDL, TƯ Đoàn TNCSHCM, ngày 19/8/2008 về triển khai phong trào thi đua “trường học thân thiện – học sinh tích cực”; có quy chế phối hợp giữa Ngành VHTTDL- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – Hội Văn học nghệ thuật về lĩnh vực có liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…
Có thể thấy, công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương được tiến hành một cách đồng bộ, quy trình bài bản cụ thể; việc thành lập các Ban quản lý di tích trọng điểm, các ban quản lý cấp huyện là việc làm đúng và phù hợp với điều kiện thực tế nhằm chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và tính chủ động trong quản lý, tham mưu tạo điều kiện cho cơ sở phát huy một cách hiệu quả.
2.2. Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích
Hàng năm, Sở VHTTDL căn cứ vào báo cáo tổng hợp và văn bản đề nghị của 12 huyện, thị xã, thành phố về việc lập hồ sơ xếp hạng di tích. Trên cơ sở đó, Sở giao cho Phòng Di sản văn hóa (DSVH) và Bảo tàng tỉnh xây dựng Kế hoạch khảo sát bước đầu theo nội dung đề nghị. Kết thúc đợt khảo sát, Bảo tàng và phòng DSVH báo cáo kết quả với Lãnh đạo Sở để xem xét ra thông báo chính thức đối với những di tích đủ điều kiện xếp hạng. Mỗi năm, tỉnh Hải Dương lập hồ sơ đề nghị xếp hạng từ 10 đến 20 di tích (vừa quốc gia và cấp tỉnh). Đây là những di tích tiêu biểu, trong đó có những di tích nho học – nơi thờ tiến sĩ và các vị tiên hiền của tỉnh hoặc ở vùng miền khác đến lập thân – lập nghiệp. Các di tích thờ các tiến sĩ đều đã lần lượt được khảo sát lập hồ sơ đề nghị xếp hạng (tùy vào mức độ giá trị của di tích và công trạng của nhân vật để đề nghị xếp hạng quốc gia hoặc cấp tỉnh) sao cho tương xứng với di tích. Qua đó, để có cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ di tích trước sự xâm hại về đất đai hoặc việc tu bổ một cách tùy tiện, làm phá vỡ kiến trúc, cảnh quan không gian di tích.
Nếu như các di tích có liên quan đến nho học mà trước khi ban hành quyết định 1987 của UBND tỉnh chưa được/đủ điều kiện-tiêu chí xếp hạng thì những năm gần đây đã lần lượt được xếp hạng như: từ đường họ Trần Điền Trì (Nam Sách); nhà thờ họ Vũ Trí, đình Chúc Thôn (Chí Linh); đình Ngô Đồng, đình Hà Liễu (Nam Sách); Lăng mộ Trần Xuân Yến (TP Hải Dương); đền Từ Ô (Thanh Miện), đình La Xá (Thanh Miện)…Bên cạnh đó còn nhiều di tích đã, đang tiến hành khảo sát sơ bộ như: đình Tả thờ Trạng nguyên khai khoa xứ Đông Trần Quốc Lặc (Nam Sách), đền thờ trạng nguyên Phạm Trấn (Gia Lộc)…hoặc các di tích được nâng cấp từ cấp tỉnh lên quốc gia như: đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (Chí Linh), miếu Mộ Trạch được bổ sung vào cụm di tích quốc gia đình đình – miếu Mộ Trạch (Bình Giang) để tôn vinh công trạng và giá trị lịch sử của các di tích, tạo cơ sở để quản lý và bảo vệ, giữ gìn phát huy giá trị các di tích này trong tổng thể các di tích tỉnh Hải Dương. Đến nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 358 di tích, khu di tích được xếp hạng, trong đó có 2 khu di tích quốc gia đặc biệt, 145 di tích quốc gia và 211 di tích cấp tỉnh. Trong số những di tích đã xếp hạng, di tích nho học có 64, chiếm 17,8%(4), công việc này đang, sẽ tiếp tục được thực hiện để có cơ sở khoa học bảo tồn các di tích nho học ngày một hiệu quả.
2.3. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích
Việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm, chú trọng; tiến hành theo đúng các quy trình, quy định của Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 98 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật cũng như quy chế 05 của Bộ VHTT về bảo quản, tu sửa di tích.
Đối với Hải Dương, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích nho học không nằm ngoài các quy định, quy trình về trùng tu, tôn tạo di tích; đối với các di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, quốc gia, cấp tỉnh hoặc nằm trong không gian bảo vệ của di tích thì đều phải có đơn đề nghị của Chính quyền địa phương, sau đó có tờ trình của UBND cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý gửi Sở VHTTDL về việc tu bổ, tôn tạo; sau khi nhận được văn bản đề nghị, giám đốc Sở VHTTDL giao cho các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành khảo sát thực tế để có văn bản trả lời và xin ý kiến chỉ đạo thỏa thuận của Bộ VHTTDL đối với di tích Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt; các di tích cấp tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh thì mới được tiến hành; các nội dung trong văn bản xin tu bổ, tôn tạo phải được cơ quan quản lý của Sở hướng dẫn để thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Quy chê số 05 về bảo quản, tu bổ di tích. Những di tích lớn, trước khi tu bổ, tôn tạo đều được thám sát hoặc tiến hành khai quật khảo cổ để có tư liệu làm căn cứ phục vụ việc phục hồi theo đúng quy định như đền thờ Nguyễn Trãi (khu di tích Côn Sơn), đền Phượng Hoàng – nơi thờ nhà giáo Chu Văn An (Chí Linh), đến Long Động – thờ Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (Nam Sách)…Với cách làm đó, hiện tỉnh Hải Dương đã làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo và phục dựng lại các công trình kiến trúc cổ đã từng tồn tại trong lịch sử.
Không chỉ làm tốt các khâu về chuẩn bị quy trình văn bản, thám sát khảo cổ học mà trong công tác đầu tư, huy động nguồn kinh phí phục vụ cho trùng tu, tôn tạo cũng được đặt lên hàng đầu. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND và các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến nguồn vốn hỗ trợ cho các công trình di tích, trong đó có các di tích nho học như: xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi – Danh nhân văn hóa thế giới; đền thờ Nhà giáo Chu Văn An – khánh thành năm 2008 (giai đoạn 1), giai đoạn 2 đang triển khai; đền thờ Bà chúa Sao Sa – tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (xây mới) – giai đoạn 2 lập quy hoạch tổng thể và làm các công trình tả hữu vu, đường lên, nghi môn; Văn miếu Mao Điền, đền Bia, đền Xưa (Cẩm Giàng)…
Nguồn vốn dành cho việc tu bổ chống xuống cấp hàng năm và phục dựng lại các hạng mục công trình tại các di tích thông qua tư liệu lịch sử hoặc báo cáo khai quật khảo cổ học để lấy đó làm cơ sở cho việc lập dự án đối với các công trình lớn, trọng điểm như: đền thờ Nguyễn Trãi, đền Phượng Hoàng, đền Long Động, Văn miếu Mao Điền, đền Bia…Các công trình này được đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn của tỉnh và nguồn xã hội hóa; các công trình nhỏ – tầm ảnh hưởng giới hạn trong phạm vi của làng, xã thì đề nghị UBND Tỉnh cấp và huy động từ nguồn xã hội hóa tại địa phương như: Nhà thờ họ Nhữ, đình – miếu Mộ Trạch (Bình Giang), nhà thờ họ Trần (Nam Sách), đàn Thiện Phù Tải, mộ và đình Đỗ Uông, đình Đông (Thanh Miện)…
Tính từ năm 2012 đến nay, nguồn vốn dành cho việc tu bổ, tôn tạo các di trên địa bàn tỉnh là: 34.486.300.000đ, trong đó kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích nho học là: 12.968.000.000đ, chiếm 38% (trong đó nguồn ngân sách nhà nước trung ương và tỉnh cấp là: 11.940.000.000đ, nguồn xã hội hóa: 1.028.000.000đ (4), chiếm 8,6%)(5). Thông qua số liệu trên cho thấy, nguồn kinh phí đầu tư cho các di tích nho học là tương đối lớn so với tổng số các di tích trong toàn tỉnh. Điều đó cho thấy, các di tích nho học có tầm ảnh hưởng và giá trị về nhiều mặt, đã được quan tâm, đầu tư để bảo tồn và khai thác.
2.4. Công tác nghiên cứu khoa học:
Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học về bảo tồn di tích nho học đã có sự chuyển biến tích cực, được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Do vậy, việc đầu tư kinh phí và công sức để làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan đến di tích và nhân vật được thờ; hoặc đến việc tu bổ, tôn tạo, hướng đi cho các di tích từng bước được chú trọng. Các cuộc Hội thảo, tọa đàm, các đề tài, các bài viết ngày một nhiều hơn, sự tham gia của nhiều đối tượng trong và ngoài ngành; chất lượng nội dung có bài bản, chuyên sâu, được thể hiện qua các cuộc nghiên cứu: Hội thảo bảo tồn các di tích thời nhà Trần trên đất Hải Dương (trong đó có những di tích nho học như: đền Phượng Hoàng (Chí Linh), đền Long Động (Nam Sách); nghiên cứu các công trình kiến trúc cổ; nghiên cứu trưng bày giới thiệu các di tích nho học tại Bảo tàng tỉnh; Hội thảo về dựng bia tiến sĩ nho học Hải Dương tại Văn miếu Mao Điền; sưu tầm, bổ sung tư liệu phòng trưng bày về nho học tại Văn miếu Mao Điền; các tài liệu, luận văn, luận án nghiên cứu về các di tích nho học như: Mộ Trạch – làng tiến sĩ, tác giả Vũ Huy Phú năm 1997; Tiến sĩ nho học Hải Dương, do tác giả Tăng Bá Hoành chủ biên năm 1999; luận văn thạc sĩ của tác giả Dương Văn Sáu về Văn miếu Mao Điền Hải Dương – giá trị lịch sử văn hóa năm 2000; sách di sản Hán nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2007; luận án tiến sĩ của tác giả Dương Văn Sáu về: Các di tích văn miếu Bắc Ninh – Hải Dương – Hưng Yên năm 2008; luận văn phát triển du lịch bền vững ở Hải Dương của tác giả Phạm Thu Liên năm 2009; luận văn tìm hiểu về danh nhân Chu Văn An từ góc nhìn Văn hóa học; luận văn về công tác quản lý di tích trên địa bàn Hải Dương năm 2010; luận văn về Hậu duệ Nguyễn Trãi sau vụ án Lệ Chi Viên năm 2012; đền thờ Nguyễn Trãi trong đời sống cộng đồng năm 2014…Tiếp tục nghiên cứu đưa các nghi lễ, các sự lệ, các trò chơi dân gian đã bị mai một hoặc bổ sung mới để làm gia tăng sức sống/phần hồn cho các di tích vào trong các dịp tổ chức lễ hội như lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi, lễ hội về Nguồn tại đền thờ Nhà giáo Chu Văn An, lễ chữ và vinh danh các em học sinh tại Văn miếu Mao Điền…Đây là nguồn tư liệu quý báu, cơ sở khoa học để tham khảo phục vụ thiết thực công tác trùng tu, tôn tạo di tích, phục dựng lễ hội và kế hoạch phát triển đối với di tích.
2.5. Công tác tuyên truyền
Việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các di tích nho học đang được quan tâm: Tại các điểm di tích ngoài tuyên truyền trực quan như biển, bảng, tranh ảnh trưng bày còn có đội ngũ thuyến minh, giới thiệu di tích; trên các trang webside của tạp chí và cổng thông tin điện tử của Sở VHTTDL, cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, của Trung tâm Xúc tiến du lịch; của các ngành, các cấp, các Ban quản lý di tích cấp huyện đều thường xuyên đăng tải, giới thiệu những nét khái quát về di tích, về thân thế sự nghiệp của các nhân vật được thờ; về lễ hội truyền thống, về các nghi lễ, sự lệ và trò chơi dân gian; ẩm thực đặc sắc; về tuor tuyến, điểm kết nối du lịch giữa các di tích trong tỉnh và các điểm với ngoài tỉnh một cách chân thực, rõ ràng, kịp thời, chính xác. Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày lưu động về di tích nho học tại Bảo tàng và các trường học trên địa bàn tỉnh.
Mỗi dịp/kỳ lễ hội diễn ra, các di tích đều xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo in, báo điện tử như: Đài truyền hình tỉnh, báo Hải Dương, các tạp chí, chuyên san như: Người làm báo xứ Đông, tạp chí Văn học nghệ thuật…và xây dựng những chuyên mục, chuyên trang trong các báo; in pogam, sách về di tích, lễ hội, nhân vật để tuyên truyền giới thiệu, quảng bá một cách sâu rộng đến với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ (trong đó có học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên)… Thông qua việc tuyên truyền, hiệu ứng/sự lan tỏa là rất cao, kết quả mang lại rất lớn được thể hiện bằng nguồn thu từ bán vé và nguồn công đức của du khách đến tham quan chiêm bái tăng dần theo từng năm.
2.6. Công tác phối kết hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan
Đến nay đã làm tốt công tác phối kết hợp với Sở Giáo dục và đào tạo; các tổ chức khuyến học các cấp trong, ngoài tỉnh; tổ chức các chương trình hành động như phong trào trường học thân thiện – học sinh tích cực, lễ hội về nguồn, lễ tôn vinh, báo công…tại các di tích đền Chu Văn An, đền Nguyễn Trãi…Đây là hoạt động thu hút đông đảo các thành phần tham gia, có hiệu ứng tốt góp phần làm tăng thêm giá trị của di tích.
3. Một số kinh nghiệm và giải pháp đã và đang tiếp tục thực hiện để bảo tồn và phát huy giá trị di tích nho học trên địa bàn tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua về công tác bảo tồn và phát huy giá trị những di tích nho học trên địa bàn tỉnh ở các lĩnh vực: công tác quản lý, lập hồ sơ xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, huy động nguôn lực kinh tế của trung ương và địa phương và nguồn xã hội hóa để phục dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích theo đúng các văn bản quy định của Nhà nước từ trung ương đến địa phương; làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền gắn với thực hành bằng việc giáo dục di sản cho các em học sinh tại di tích. Sở VHTTDL đã, đang và tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, trong đó có di tích nho học. Chủ động đề xuất các giải pháp về bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực phù hợp cơ cấu, điều kiện cụ thể của địa phương, phù hợp với giá trị và tầm ảnh hưởng của nhân vật; phù hợp với các tour tuyến du lịch; di tích trọng điểm có Ban quản lý riêng, các huyện có ban quản lý của huyện, các xã có ban quản lý xã; đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia bảo vệ phải là những cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành, được giao nhiệm vụ phù hợp với khả năng để phát huy vai trò trong tổ chức thực hiện và nghiên cứu.
– Các di tích cấp xã đều có Ban quản lý, do Chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã làm trưởng ban, các phó gồm trưởng thôn/KDC hoặc cán bộ văn hóa xã đã được đào tạo qua lớp trung cấp về văn hóa hoặc bảo tàng (từ năm 2012 trở lại, cán bộ văn hóa xã là những công chức có trình độ đại học chuyên ngành Bảo tàng – Đại học văn hóa đảm nhận; cán bộ phòng VH-TT là chuyên viên khi tuyển dụng đều có bằng tốt nghiệp đại học ở các chuyên ngành lịch sử, bảo tàng (10/12 huyện có cán bộ chuyên môn đại học); các ban quản lý di tích cấp huyện hầu hết đều tốt nghiệp ở các trường đại học văn hóa hoặc khoa học xã hội nhân văn (số cán bộ chiếm 75% của cơ quan); đối với phòng di sản văn hóa và bảo tàng tỉnh thì 90% tốt nghiệp ở các chuyên ngành nêu trên đang tham gia thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Vì vậy, việc tham gia bảo tồn là vô cùng thuận lợi (về trình độ kiến thức, ý thức trách nhiệm …)
– Công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn để tham mưu giúp UBND tỉnh về di sản được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, dựa trên các văn bản của nhà nước để kịp thời đưa vào cuộc sống như việc lập hồ sơ xếp hạng và tu bổ tôn tạo đều phải có đơn của nơi quản lý trực tiếp di tích, sau đó qua phòng VHTT xác nhận và UBND cấp đó lập tờ trình gửi lên Sở VHTTDL để tổng hợp, khảo sát, hướng dẫn trả lời, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều đó tránh cho việc làm tùy tiện, hoặc gửi đơn vượt cấp, tránh mất thời gian và thủ tục hành chính rườm rà, tránh gây sách nhiễu đối với địa phương.
– Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Sở Giáo dục và đào tạo, các cấp, các ngành, các trường học để tổ chức các hoạt động, chương trình hành động lễ hội về nguồn tại đền thờ nhà giáo Chu Văn An, giáo dục di sản văn hóa tại di tích Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ, đền Nguyễn Trãi, Văn miếu Mao Điền, tại Bảo tàng tỉnh…hoặc các hoạt động của ngành có liên quan, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng và học sinh, sinh viên trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích nho học trong tỉnh.
– Xây dựng các điểm đến, các tour tuyến du lịch như: tuyến làng Mộ Trạch – Văn miếu Mao Điền – đền Sượt; hoặc Văn miếu Mao Điền – đền Sượt – đền Long Động – Côn Sơn – Kiếp Bạc hoặc đền Nguyễn Thị Duệ – Chu Văn An – Côn Sơn – Kiếp Bạc….
– Tranh thủ sự ủng hộ của các nhà khoa học trung ương và địa phương về công tác chỉ đạo, công tác chuyên môn để tổ chức các cuộc Hội thảo, tọa đàm nhằm tăng cường sự gắn kết giữa chính quyền các cấp với các tổ chức xã hội, với cộng đồng nhân dân địa phương.
– Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực, tăng cường tính chủ động, tự lực cánh sinh. Kết hợp tối đa tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, nhất là của Bộ VHTTDL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của giới tri thức, của các tổ chức, cá nhân, gia đình và dòng họ trong hoạt động bảo tồn di tích.
– Xây dựng và triển khai sâu rộng các hoạt động khuyến học, khuyến tài để vinh danh những nhà khoa học, những cá nhân tiêu biểu của dòng họ tại các di tích như họ: Vũ làng Mộ Trạch, họ Nhữ, xã Thái Học (Bình Giang); họ Mạc, họ Trần (Nam Sách); họ Phạm (Tứ Kỳ); họ Nguyễn (Chí Linh)…
4. Lời kết
Có thể nói, xứ Đông xưa – Hải Dương nay, cũng giống như các vùng đất khác như Kinh Bắc, xứ Đoài (Hà Tây cũ), Hải Dương – mảnh đất địa linh nhân kiệt – nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa – nơi có số lượng tiến sĩ và các di tích nho học nhiều thứ hai trong cả nước. Đây được coi là gia tài, hương hỏa của tổ tiên để lại, là vốn quý, nguồn nội lực to lớn của tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Giữ gìn, khai thác và phát huy giá trị những di tích này không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện sự tri ân, lòng thành kính, tình cảm thiêng liêng của thế hệ hôm nay với các bậc tiền nhân sao cho xứng đáng với công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) và phù hợp với việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được thông qua trong chương trình hành động của Tỉnh ủy Hải Dương năm 2014.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung, di tích nho học nói riêng không chỉ là trách nhiệm của ngành VHTTDL mà đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các tập thể, cá nhân, gia đình, dòng họ… để tạo cho di tích thêm sức sống, để mỗi di tích là một bảo tàng sống/có hồn. Từ đó, tạo sức hút cho du khách khi đến tham quan, chiêm bái cảm nhận được giá trị tiềm ẩn, sức sống lâu bền của di tích, góp phần nâng cao nhận thực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị với các di tích “Nho học” trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
VŨ ĐÌNH TIẾN
Giám đốc Bảo tàng Hải Dương