Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ nổi tiếng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam với việc giả trai đi thi và đỗ đầu.
Để tưởng nhớ công lao của nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, nhân dân đã lập đền thờ bà trên đỉnh đồi Mâm Xôi ở khu dân cư Trại Sen, phường Văn An (Chí Linh)
Bà còn là người góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục thời Lê trung hưng, trong đó có hình thức “giáo dục từ xa”.
Nữ nhân kiệt xuất
Nguyễn Thị Duệ còn có tên gọi Nguyễn Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền, sinh ngày 14-3 vào khoảng năm 1574 tại tổng Kiệt Đặc. Tại quê hương, nơi bà mất và an nghỉ được nhân dân tôn kính lập đền thờ. Công trình tọa lạc trên đỉnh đồi Mâm Xôi ở khu dân cư Trại Sen, phường Văn An (Chí Linh). Thời Lê, khu lăng mộ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ được xếp vào một trong “Chí Linh bát cổ”.
Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ được biết đến là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, thông minh, tài giỏi. Từ nhỏ Nguyễn Thị Duệ đã tỏ ra bản lĩnh, quyết đoán và rất thông minh. Gia đình cho giả trai lấy tên Văn Du đi học cùng chúng bạn và rất được bạn bè nể phục. Mới 9 tuổi Văn Du đã thuộc làu kinh sử, tinh thông thơ phú, sau càng lớn càng phô bày nhan sắc tuyệt thế, gia đình đành mời thầy họ Cao về dạy học tại tư gia. Năm Quang Hưng thứ 17 (1594), vua Mạc Kính Cung mở khoa thi hội, Nguyễn Thị Duệ giả trai ứng thí cùng thầy giáo của mình và đỗ đầu. Khi vào dự yến tân khoa, vua Mạc thấy diện mạo như con gái bèn cho xét hỏi. Biết được sự thật, vua đã không khép tội khi quân mà còn giữ nguyên học vị, phong là Tinh Phi. Nguyễn Thị Duệ được vào cung, vua Mạc rất sủng ái, giao cho việc dạy các phi tần.
Năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), quân Lê, Trịnh tiến đánh Cao Bằng, quân Mạc đại bại. Tinh Phi lánh vào chùa nhưng sau bị quân triều đình bắt đưa về Thăng Long. Thấy tài năng, sắc đẹp và lối ứng xử thông minh của bà, chúa Trịnh thán phục phong là Lễ Phi, dạy nghi lễ cho cung nhân trong phủ.
Bình duyệt bài thi
Với học vấn uyên thâm, Nguyễn Thị Duệ dạy cho mọi người biết giữ gìn lễ nghi, hướng dẫn họ làm văn, đọc sách. Khi vào phủ chúa, mỗi lần chúa hỏi han, bà đều lấy văn chương cung phụng, viện dẫn kinh sử, sự tích kim cổ rành mạch và lựa lời khuyên chúa nên theo những lời răn dạy của thánh hiền, lấy dân làm gốc. Nguyễn Thị Duệ và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông) có mối giao hảo thân tình, hằng tháng cùng đi lễ chùa, vãn cảnh. Qua những cuộc đàm đạo với các sư sãi và những bậc hiền tài, Nguyễn Thị Duệ nắm được tình hình đất nước và đời sống của dân chúng, từ đó có được những kế sách hay cố vấn cho triều đình ban bố những cải cách hợp lòng dân.
Không chỉ chúa Trịnh, ngay cả vua Lê Thần Tông cũng rất trọng bà, phong là Nghi Ái Quan, cho phép được bình duyệt những bài thi hội, thi đình của các sĩ tử. Dân gian vẫn còn lưu truyền giai thoại lý thú về Nguyễn Thị Duệ chấm thi. Năm Đức Long thứ 3, bà làm giám khảo kỳ thi tiến sĩ (1631) được tổ chức tại Mao Điền. Có rất nhiều sĩ tử dự thi, trong đó có Nguyễn Minh Triết, người thôn Lạc Sơn, xã An Lạc (Chí Linh). Sau khi thi xong, xem các quyển đỗ, chúa Trịnh Tráng hỏi những quyển lưu xét có quyển nào hay không. Lúc đó quan chủ khảo thưa có một quyển làm 4 mục rất tốt, nhưng lại để sót 8 mục. Quyển thi của Nguyễn Minh Triết được trình lên, chúa đọc thấy tâm đắc, nhưng liền đó lại băn khoăn vì còn nhiều chỗ chưa hiểu. Chúa bèn đưa bài cho nữ học quan đọc. Đọc xong, bà diễn giải điển tích cùng những ý tứ sâu xa trong văn bài của Nguyễn Minh Triết. Chúa và các vị đại thần đều cảm phục người diễn giải lẫn bài thi, đã lấy Nguyễn Minh Triết đỗ đầu.
Vì quý trọng tài năng nên triều đình Lê, Trịnh rất ưu ái bà. Năm 1625, chúa Trịnh Tạc ban lệnh chỉ: tiền đóng góp về binh lính, tô thuế ruộng công, thuế đò, thuế chợ cùng các thứ thuế khác thu ở quê Kiệt Đặc của bà đều để làm bổng lộc cho bà. Từ đó về sau, suốt 20 năm dân làng Kiệt Đặc được bà miễn trừ sưu thuế, phu phen, tạp dịch.
Hình thức khuyến học độc đáo
Một trong những đóng góp lớn của nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ thời Lê trung hưng là góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đương thời. Hiểu rõ sự học là cái gốc thái bình của thiên hạ, bà luôn coi trọng việc học và triển khai rất nhiều hình thức khuyến học.
Theo ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ luôn mong muốn mở mang sự học khắp chốn thiên hạ, đào tạo được hiền tài cho quốc gia. Có thể coi bà chính là người đã phát triển hình thức giáo dục từ xa. Bằng chứng là việc bà ra đề cho các sĩ tử ở quê hương làm rồi mang về kinh đô để mình chấm.
Theo văn bia và một số tài liệu, mỗi tháng 2 kỳ, Nguyễn Thị Duệ sai người làm cỗ, họp các sĩ tử hàng huyện lại cho tập làm văn. Đề bài do bà đặt ra rồi sai người từ kinh đô mang về. Bài làm xong giao Hội Tư văn Chí Linh niêm phong lại đem nộp cho bà. Bà tự chấm bài, đúng hạn trả lại và cho đăng tên, điểm lên văn chỉ. Phương pháp của bà đã góp phần quan trọng khích lệ tinh thần hiếu học tại quê hương bản quán. Nhiều người nhờ được bà rèn giũa sau này đã thi đỗ đại khoa. Riêng làng Kiệt Đặc, quê hương bà có 3 người đỗ tiến sĩ, tiêu biểu là Nguyễn Quang Trạch đỗ tiến sĩ khoa thi năm Đinh Mùi (1667) dưới triều vua Lê Thần Tông.
Bà còn khuyến học bằng cách trích ra 10 mẫu ruộng lộc điền được triều đình phong dọc sông Kinh Thầy thưởng cho những tân tiến sĩ của quê hương luân phiên cày cấy thu hoa lợi. Với các việc làm khuyến học, miễn trừ sưu thuế, phu phen, tạp dịch, bà được nhân dân quê nhà vô cùng tôn kính, biết ơn. Hiện tại đình làng Kiệt Đoài có một pho tượng đẹp gọi là vua bà (tức Nguyễn Thị Duệ) và một sắc phong thờ phụng: “Chánh vương phủ, thị nội cung tần, lễ sư Nguyễn Thị Ngọc tôn thần. Người có công giúp nước, che chở cho dân…”. Ngoài ra tại thôn Trung Hà, xã Nam Tân (Nam Sách), đất phong của bà mà ngày nay nhân dân vẫn gọi là “Dải yếm bà Chúa Sao Sa” cũng có đền thờ bà gồm có tượng và sắc phong của nhiều triều đại.
Cuộc đời của nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ là cuộc đời của một nhà giáo dục lớn. Cho dù là Tinh Phi dưới thời Mạc hay Lễ Phi, Chiêu Nghi, Đức lão Lễ sư dưới thời Lê, Trịnh thì bà vẫn đem hết tài năng, đức độ và sự thông tuệ của mình để cống hiến và phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Với giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, năm 2014, đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
NGỌC HÙNG
Nguồn: Baohaiduong.vn