“BÀ NGỰA” TRONG QUỐC ÂM THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI

Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có ba tổ hợp từ “bà ngựa”

– Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn (bài số 1)

– Bà ngựa dù lành nào Bá Nhạc (bài số 114)

– Rợ đất khôn cầm bà ngựa dữ (bài số 137)

Bài số 1 và 137, “bà ngựa” thể hiện bằng mã chữ 馭, bài số 114 bằng mã chữ 婆馭. Cả hai mã chữ này đều đọc là “bà ngựa”…

         Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có ba tổ hợp từ “bà ngựa”

– Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn (bài số 1)

– Bà ngựa dù lành nào Bá Nhạc (bài số 114)

– Rợ đất khôn cầm bà ngựa dữ (bài số 137)

Bài số 1 và 137, “bà ngựa” thể hiện bằng mã chữ 馭, bài số 114 bằng mã chữ 婆馭. Cả hai mã chữ này đều đọc là “bà ngựa”.

Qua ý nghĩa của ba bài thơ trên người ta có thể hiểu “bà ngựa” trong những trường hợp này đều có nghĩa tương đương với con ngựa ngày nay. Mặc dù vậy, người ta không khỏi bỡ ngỡ. Khác với “đầu cá”, tuy chỉ xuất hiện một lần trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi “Trong nuôi cá được ngàn đầu” (bài số 154), nhưng người ta dễ chấp nhận, vì tục ngữ có “cá kể đầu, rau kể mớ”.

Trong ca dao và truyện cổ người ta thấy xuất hiện những loại từ: “ông” trong ông voi, “chú” trong chú chuột. “cậu” trong cậu gà, “cái” trong cái cò, còn phần lớn là loại từ con. Bài Lý ngựa ô dân ca Nam Bộ còn giữ được từ “lục lạc” (Lục lạc đồng đen). Lục lạc là từ cổ, nay được thay bằng nhạc. Từ điển Pigneau de Béhaine năm 1772, từ điển của Taberd năm 1877 cho đến tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của sau này đều có ghi được từ lục lạc, nhưng không có “bà ngựa”. “Bà ngưa” đã đưa người ta từ bỡ ngỡ đến băn khoăn. Nhất là từ “bà”. Liệu “bà ngựa” có bao hàm nghĩa chỉ con ngựa đực không?

Lần tìm trong các từ thư và các từ điển cổ, “bà ngựa” vẫn không thấy bóng chim tăm cá. Lâu nay đành mặc nhiên coi đây là trường hợp cá biệt, để chờ tìm thêm những thực chứng… Thì sách Nôm đã giúp ta gỡ mối băn khoăn đó.

Hồng nghĩa giác tư y thư, sách do Thái y viện triều Lê in ra năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717), bài Nam dược Quốc ngữ phú có câu “Xích tiểu đằng là dây răng bà ngựa” và “Mã hành, lấy não bà ngựa”(1).

Như thế, “bà ngựa” tức là con ngựa, mang nghĩa trung tính, có nghĩa bao hàm cả ngựa đực. “Bà ngựa” không phải là trường hợp cá biệt nữa.

“Bà ngựa” xuất hiện trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi thế kỉ XV và trong Hồng nghĩa giác tư y thư thế kỉ XVIII. Có lẽ về sau nó đã được thay thế bằng “con ngựa”.

Ngôn ngữ vốn có quy luật đơn giản hóa và loại trừ những trường hợp cá biệt.

“Bà ngựa” có lẽ rơi vào quy luật này(2)

Cao Hữu Lạng

CHÚ THÍCH

(1) Theo bản dịch của sách Hồng nghĩa giác tư y thư, Nxb Y học, Hà Nội, 1978, tr. 41, chú thích “Mã hành: ngọc hành con ngựa, đây giải là não bà ngựa khôn rõ nghĩa”… Có ý kiến cho rằng chữ não (腦) là lầm của chữ nhục (肉) và cức (亟).

(2) Bài viết được sự góp ý của giáo sư Nguyễn Sĩ Lâm, xin ghi lời cảm ơn.

Trả lời