Sáng ngày 23/02/2022 (tức ngày 23 tháng Giêng âm lịch), tại Khu di tích Côn Sơn, Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ giỗ ĐỆ TAM TỔ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM HUYỀN QUANG TÔN GIẢ.
Dự lễ có Ban lãnh đạo Sở VHTTDL; Ban lãnh đạo Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc; Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương; các tăng, ni, phật tử cùng nhân dân thập phương.
Lễ giỗ được diễn ra đúng nghi thức truyền thống gồm: cúng Phật, cúng Thánh, cúng chúng sinh…
Nghi thức cúng chúng sinh tại chùa Côn Sơn
Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả tên thật là Lý Đạo Tái, quê ở xã Vạn Ty, huyện Gia Định thuộc lộ Bắc Giang, nay thuộc Gia Bình, Bắc Ninh. Ngài sinh ngày mùng 1 tháng Giêng năm Giáp Dần (1254). Khi sinh, thấy ánh sáng lạ kỳ, hương thơm ngào ngạt. Ngài nằm trong bào thai 12 tháng mà bụng mẹ không chuyển động. Bà mẹ ngờ là có bệnh, nên uống thuốc phá thai nhưng vẫn không phá được, nên lúc sinh đặt tên là “Kiên Cương Nam”. Lớn lên tướng mạo khác thường, cha mẹ rất yêu quý, học một biết mười, có tài của bậc á thánh Nhan Tử, cha mẹ đặt tên cho là Đạo Tái. Năm Bảo Phù thứ 2 (1274), đời vua Trần Thánh Tông, Đạo Tái đỗ Trạng nguyên. Lúc trẻ, Ngài đã đính ước nhưng chưa cưới xin. Khi đỗ trạng, Ngài được vua ban gả Liễu Nữ công chúa là cháu vua, nhưng Ngài không nhận. Về sự kiện này còn có một dị bản khác: Gia đình Ngài rất nghèo, lúc chưa đỗ, trong làng không ai muốn gả con gái cho ngài. Đến khi đỗ trạng, mọi người tranh nhau gọi gả con gái. Vì thế mới có thơ rằng:
Lúc nghèo thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ trạng tám nghìn nhân duyên.
Khi làm quan, Ngài được làm việc ở viện Hàn Lâm, phụng mệnh đi tiếp sứ Bắc, hai bên văn thư qua lại, Ngài viện dẫn kinh nghĩa, ứng đối lưu loát, ngôn từ hơn hẳn thượng quốc và các nước xung quanh.
Năm Hưng Long thứ 12 (1305), Đạo Tái theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phượng Nhãn, nghe nhà sư Pháp Loa thuyết pháp, Ngài liền giác ngộ tiền duyên rồi xúc động mà than rằng: “Làm quan là lên được Bồng Đảo, đắc đạo là đến được Phổ Đà. Đó là cảnh tiên nơi trần thế, cõi Phật chốn Tây Thiên vậy, phú quý vinh hoa cũng như chiếc lá đỏ mùa thu, đám mây trắng mùa hạ, có gì đáng để luyến tiếc đâu”. Vì vậy, ngài nhiều lần dâng biểu từ chức để xuất gia. Ý nguyện của Ngài được nhà vua phê chuẩn. Ngài thụ giáo quốc sư Pháp Loa và được đặt pháp hiệu là Huyền Quang (ánh sáng kỳ diệu).
Năm 1330, lúc này nhà sư đã 77 tuổi, Ngài giao lại sơn môn Yên Tử cho quốc sư An Tâm về tu tại chùa Côn Sơn. Tại đây, nhà sư mở rộng tăng viện Kỳ Lân, lập cửu phẩm liên hoa, giảng các phẩm kinh để truyền cho bậc hậu học. Đặc biệt sư tổ Huyền Quang lập đàn Mông Sơn thí thực cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, nhân khang vật thịnh… Đến nay nghi lễ và khoa cúng đàn Mông Sơn vẫn được bảo tồn, phát huy và sử dụng trong các kỳ lễ hội là nét văn hóa tâm linh tiêu biểu của lễ hội truyền thống Côn Sơn. Huyền Quang Tôn Giả có công lớn trong việc phát triển Thiền phái Trúc Lâm, đưa Côn Sơn thành tăng viện Kỳ Lân – một trong ba chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Ngày 23 tháng giêng năm 1334, Quốc sư viên tịch tại chùa Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông ban cho 10 lượng vàng xây tháp sau chùa, đặt tên là Đăng Minh bảo tháp. Nhà vua còn cấp cho chùa 150 mẫu 5 sào ruộng ở các xứ làm tự điền để quanh năm thờ phụng và đặt tên thuỵ là: Trần triều Trúc Lâm thiền sư đệ tam tổ, sắc phong tam giáo trạng nguyên tự tổ Huyền Quang tôn giả tôn thần. (Tôn giả là đồ đệ bậc cao của Phật).
Tưởng niệm ngày mất của thiền sư Huyền Quang trở thành ngày hội truyền thống hàng năm của chùa Côn Sơn.
Lễ giỗ diễn ra trong không khí trang trọng, linh thiêng, đúng nghi thức truyền thống, tri ân công đức lớn lao của Tam tổ Trúc Lâm; thể hiện được lòng thành kính của thế hệ con cháu hôm nay đối với bậc Thánh nhân. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch cũng được đảm bảo tại Khu di tích.
Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc