Bản phiên dịch Ức trai thi tập được in trong Nguyễn Trãi toàn tập(1) từ trang 265 đến trang 392 và phần chú thích từ trang 663 đến trang 702.
Trong Lời dẫn nhập từ trang 249 đến trang 255, cụ Đào Duy Anh đã trình bày về cách thức khảo đính, phiên dịch và chú thích của mình.
Chúng tôi sau khi đã đọc từng phần tập thơ phiên dịch ấy, xin được đóng góp một vài ý kiến như sau
Bản phiên dịch Ức trai thi tập được in trong Nguyễn Trãi toàn tập(1) từ trang 265 đến trang 392 và phần chú thích từ trang 663 đến trang 702.
Trong Lời dẫn nhập từ trang 249 đến trang 255, cụ Đào Duy Anh đã trình bày về cách thức khảo đính, phiên dịch và chú thích của mình.
Chúng tôi sau khi đã đọc từng phần tập thơ phiên dịch ấy, xin được đóng góp một vài ý kiến như sau:
I. Về việc sao chép lại các bài thơ bằng chữ Hán
Điều lấy làm tiếc là bản sao chép các bài thơ chữ Hán đã có quá nhiều sai lầm, từ bài đầu đến bài cuối, hầu hết bài nào cũng có chữ viết sai.
Chúng tôi không thể liệt kê ra hết tất cả những chữ viết sai được vì nếu lập hết bảng đính chính thì cũng phải dài mấy trang.
Các chữ viết sai ấy chúng tôi cũng có chia loại: chữ thì viết thiếu nét, chữ thì viết thừa nét, chữ thì viết sai bộ thủ, chữ thì viết lộn phải trái, chữ thì viết nhầm chữ nọ ra chữ kia, có chữ viết sai hẳn không đọc được ra chữ gì nữa.
Thật là một điều đáng tiếc: Nó làm cho công việc khảo đính mất hẳn giá trị đi.
II. Về phần phiên âm các bài thơ chữ Hán
Các bài thơ bằng chữ Hán được phiên âm sang quốc ngữ cũng có nhiều sai lầm.
Chúng tôi không nói tới các chữ in sai do các ấn công gây ra như:
Bài 12, câu 8, chữ chẩm in sai thành chữ chẫm
Bài 29, câu 2, chữ mao – mão
Bài 21, câu 3, chữ chỉ – chi
Bài 25, câu 1, chữ khấu – khẩu
Bài 38, câu 4, chữ trướng – tướng
Bài 56, câu 7, chữ họa thư – hạ thủ
mà chúng tôi sẽ chỉ nói tới những chữ phiên âm sai có lý do rõ ràng thôi.
Chúng tôi xin phân chia các lỗi phiên âm ra mấy loại chính như sau:
1. Phiên âm sai về dấu giọng:
Các lỗi phiên âm loại này kể có tới gần ba chục chữ, chúng tôi chỉ nêu ra hai thí dụ.
Thí dụ 1:
Bài 2, câu thứ 8 có chữ 荷 cụ Đào Duy Anh đã phiên âm là “hà” (Đoản lạp hà xuân sử). Nhưng chữ “hà” có hai âm:
a) Nếu phiên âm là “hà” thì nó có nghĩa là cây sen.
b) Nếu phiên âm là “hạ” thì nó có nghĩa là vác trên vai, gánh hoặc đội.
Ở đây câu thơ có nghĩa là vác cuốc đi làm đồng thì chữ đó phải phiên âm là “hạ” mới đúng.
Thí dụ 2:
Bài 73, câu thứ tư có chữ 騎 : cụ Đào Duy Anh đã phiên âm là “kỵ”:
“Mộng kỵ hoàng hạc thượng tiên đàn”
(Chiêm bao cưỡi hạc lên đàn tiên)
Nhưng chữ này có hai âm:
a) Nếu phiên âm là kỵ thì chữ ấy được dùng làm danh từ: Quân mã viết kỵ.
b) Nếu phiên âm là kỳ thì chữ ấy được dùng làm động từ: Nãi thượng mã kỳ.
Ở câu thơ này phải phiên âm là “kỳ” mới đúng nghĩa là cưỡi hạc (kỳ hạc) và câu thơ mới đúng luật bằng trắc: Mộng kỳ hoàng hạc thượng tiên đàn.
B B T T T B B
2. Phiên âm không đúng với nghĩa của nó.
Chữ Hán, một chữ có thể có nhiều âm mà mỗi âm lại có một nghĩa riêng: khi phiên âm ta phải phân biệt âm nào vào với nghĩa nấy.
Loại sai lầm này cũng có tới gần hai chục chữ, chúng tôi xin nêu ra hai thí dụ như sau.
Thí dụ 1:
Bài 2, câu 5 có chữ 瓠 : cụ Đào Duy Anh đã phiên âm là “hồ” (Hồ lạc tri bà dụng).
Nhưng chữ này có hai âm chính:
a) Nếu phiên âm là hồ (hoặc hộ) thì nó có nghĩa là quả bầu.
b) Nếu phiên âm là hoạch thì nó đi với chữ lạc thành một từ kép.
“Hoạch lạc” có nghĩa là nông cạn (bình thiển). “Hoạch lạc”cũng dùng như “khuyếch lạc” để chỉ người làm việc không thiết thực hay là kẻ không thích hợp với đời.
Thí dụ 2:
Bài 54, câu 2 có chữ 魄 , cụ Đào Duy Anh đã phiên âm là phách.
“Nhất sinh lạc phách cánh kham liên”
(Một đời luân lạc càng đáng thương)
Nhưng chữ này có hai âm:
a) Nếu phiên âm là “phách” và dùng chữ “lạc” thì lạc phách có nghĩa là sợ quá mất cả vía, sợ mất hồn.
b) Nếu phiên âm là “thác” (Khang Hy tự điển, Tha các thiết âm thác) thì có nghĩa là thất nghiệp đi lang thang hết nơi này sang nơi khác không có chỗ nương tựa.
Ở câu đây câu thơ có nghĩa là: “Một đời luân lạc không có chỗ nương tựa, thật đáng thương!” thì hai chữ này phải được phiên âm là “lạc thác” mới đúng.
3. Phiên âm chữ nọ lẫn ra chữ kia.
Chữ Hán có nhiều chữ tự dạng gần giống nhau nên lúc đọc chữ nọ dễ lẫn với chữ kia: các cụ thường nói chữ tác đánh chữ tộ là vì vậy.
Các lối phiên âm loại này có độ mười trường hợp, chúng tôi xin nếu ra một thí dụ như sau:
Bài 15, câu thứ 8, chữ 景 (cảnh) đã bị phiên âm lầm là “ảnh”. Sách đã phiên âm cả câu:
Lâm lưu phủ “ảnh” nan thăng vì sai chữ “cảnh” ra chữ “ảnh” nên cụ dịch câu ấy sai hẳn đi là:
“Cúi xuống dòng sông mò bóng ý khôn xiết”.
Đúng ra câu ấy phải phiên âm là:
“Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng”
và phải giải nghĩa là: Tới dòng sông ngắm cảnh lòng cảm nghĩ khôn xiết.
4. Phiên lộn âm Nôm với âm Hán Việt
Trường hợp phiên lộn âm Nôm với âm Hán Việt chỉ có mấy chữ, chúng tôi xin nêu ra một thí dụ như sau:
Bài 15 câu thứ ba có chữ 噴 cụ Đào Duy Anh đã phiên âm là “phun”.
Kình phun lãng hống lôi nam bắc
Thực ra chữ ấy phải được phiên âm là “bồn”
Kinh bồn lãng hống lôi nam bắc.
Chữ bồn nghĩa là phun.
Chữ này còn thấy trong bài 40 câu thứ hai, phiên là:
“Thiên phong xuy khởi lãng hoa phun”
chữ này phải được phiên âm là “bồn” mới đúng, nó không những đúng về âm mà còn đúng cả về vần của câu thơ nữa.
Bài thơ có 5 vần là: môn, bồn, thôn, tôn, hồn. Nhưng chữ này cũng có một âm nữa là “phún” mà nghĩa cũng là phun.
Thí dụ: phún thạch: đá do núi lửa phun ra.
Vậy chữ này có hai âm: bồn và phún, ta phải tùy trường hợp mà lựa chọn cho thích hợp với thanh vận của câu thơ.
5. Phiên âm sai lạc hẳn với chữ viết
Đây là một trường hợp sơ ý: cụ Đào Duy Anh đã phiên âm nhan đề bài thứ 85 là “Tiên du tự”(2) trong khi chữ Hán rõ ràng viết là “Du sơn tự”. Nhưng đã sơ ý lầm, cụ lại chú thích rõ ràng: Tiên du tự, chùa Tiên Du, tức chùa Vạn Phúc hay Phật Tích tỉnh Bắc Ninh ngày sau…”
Qua năm loại phiên âm sai lầm kể trên chúng tôi nhận thấy cần phải chỉnh lý lại để sự sai lầm khỏi lan rộng qua các sách báo khác khi trích dẫn mà không có in kèm theo bản chữ Hán.
III. Về phần dịch nghĩa và chú thích
Các bài thơ bằng chữ Hán sau khi phiên âm, đã được dịch nghĩa ra văn xuôi, trước khi đem dịch ra bằng thơ. Điều này rất quí cho người đọc để có thể hiểu rõ được nguyên tác của Nguyễn Trãi.
Nhưng trong phần dịch nghĩa này cũng có khá nhiều sai lầm, sai lầm trong nghĩa của từng chữ, sai lầm trong nghĩa của toàn câu hoặc có bài diễn ý không thông suốt từ đầu đến cuối, khiến người đọc không hiểu được nội dung bài thơ tác giả muốn nói gì.
Chúng tôi xin nêu ra ở mỗi loại nhận xét trên một hai thí dụ để dẫn chứng.
1. Sai lầm trong việc giải nghĩa một chữ
Các trường hợp này khá nhiều, chúng tôi xin kể ra một chữ làm thí dụ như sau:
Bài số 1, Thính vũ, câu 4 chữ @ (sổ): cụ Đào Duy Anh đã dịch là “mấy” thì sai.
Chữ “sổ” nếu dùng làm số lượng hình dung từ thì có nghĩa là “mấy”: sổ niên (mấy năm)
Chữ “sổ” nếu dùng làm động từ thì có nghĩ là đếm: tính, khoảng chừng.
Hai câu:
“Tiêu tao Kinh khách chẩm
Điểm trích sổ tàn canh”
có hai động từ là “kinh” và “sổ” đặt đối nhau nên phải dịch là:
Tiếng não nùng làm kinh động đến gối khách,
Giọt thánh thót như đếm từng canh tàn.
2. Sai lầm trong việc giải nghĩa một câu
Trường hợp này cũng xảy ra ở nhiều bài thơ, chúng tôi xin nêu ra một câu làm thí dụ như sau:
Bài số 54, Mạn hứng, câu thứ nhất:
“Thế lộ sa đà tuyết thượng điên”
Sách đã dịch là:
“Đường đời vất vả như điên đảo lội trong tuyết”
và trong phần chú thích cụ có nói thêm rằng: chữ Hán “tuyết thượng điên” nghĩa là điên đảo lội trong tuyết. Theo sự góp ý về nghĩa chữ “điên” của Ban Hán Nôm.
Chúng tôi nhận thấy giảng như vậy thì không ổn vì chữ “điên” trong câu thơ đó có nghĩa là đỉnh núi, chứ không phải là chữ “điên” có nghĩa là ngả nghiêng điên đảo.
Nếu bảo “tuyết thượng điên” là điên đảo lội trong tuyết thì cũng sai,vì tuyết đâu phải là bùn mà lội được.
Người ta chỉ thường nói trượt tuyết, đạp tuyết như “đạp tuyết tìm mai” thôi.
Vậy trước khi giải nghĩa chúng tôi xin phân tích câu thơ ấy như sau:
Thế lộ: đường đời
Sa đà: lần lữa lỡ thời ta thường nói Sa đà.
Tuế nguyệt để chỉ người lần lữa năm tháng không làm được việc gì. Mấy chữ này chỉ về thời gian qua đi.
Tuyết thượng điên: tuyết rơi trắng trên đỉnh núi. Người ta thường mượn màu trắng của tuyết, của sương để chỉ tóc bạc (tóc điểm sương, tóc pha tuyết).
Vì câu này ý nói về thời gian (sa đà) nên con người cũng bạc đầu qua năm tháng. Chính Nguyễn Trãi trong bài Hải khẩu dạ bạc đã viết:
“Tuế nguyệt vô tình song mấn bạch”
(Năm tháng vô tình qua đi, hai mái tóc nay đã bạc trắng cả).
Và trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi cũng viết:
“Rày, biên tuyết, đã nên ông”
(Bài 26)
Biên tóc mười phần chịu những sương
(Bài 82)
Sương, tuyết là chỉ mái tóc bạc trắng như pha sương, như điểm tuyết.
Vậy theo sự phân tích và dẫn chứng ở trên, chúng tôi đề nghị nên dịch câu:
“Thế lộ sa đà tuyết thượng điện” là: Trên đường đời cứ lần lữa mãi chẳng làm nên việc gì mà đầu đã bạc trắng như tuyết”.
3. Giải nghĩa không thông suốt được ý tưởng của tác giả trong cả bài thơ
Cái khó của việc dịch nghĩa là làm sao cho người đọc hiểu thông suốt được ý tưởng của tác giả trong cả bài thơ.
Điều khó này cũng đến nhiều lần với cụ Đào Duy Anh, chúng tôi chỉ xin nêu một bài làm thí dụ.
Bài số 2, Tặng hữu nhân, vì có mấy chữ khó hiểu nên người đọc không thông suốt được ý nghĩa cả bài.
Tôi xin nói lại về chữ “hoạch lạc” mà sách đã phiên âm là “hồ lạc” và đã giả thích như sau:
“Hồ lạc” bản Dương Bá Cung cùng các bản khác đều chép lộn là “hồ lạc”. “Hồ lạc” mới đúng(3). Đây là chữ của sách Trang Tử, thiên Tiêu dao du nghĩa là nông choèn, nông cạn.
Sự giải thích ấy chưa được rõ. Chúng tôi xin nói thêm như sau: Thiên Tiêu dao du có đoạn: “Ngụy vương di ngã đại hồ chi chủng, ngã thụ chi thành nhi thực ngũ thạch dĩ thình thủy tương kỳ kiên bất năng tự cử giã, phần chi dĩ vi biểu tắc hoạch lạc vô sở dụng”(4).
(Huệ Thi nói với Trang tử rằng: Vua Ngụy cho tôi một giống bầu lớn, tôi đem trồng nó ra quả nặng đến năm thạch, dùng đựng nước thì lớp vỏ của nó không đủ để nhấc lên được mà đem bổ ra làm cái phẫu thì nó lại nông choèn thành cũng chẳng đựng được gì).
Vậy “hồ lạc” ở trong câu đó phải đọc là hoạch lạc (đã nói trong phần phiên âm) thì mới có nghĩa là nông cạn.
Sau người ta dùng chữ hoạch lạc để chỉ những người không thiết thực làm việc cho đời, cứ lang thang hoài hoặc những kẻ không thích hợp với đời. Vì cứ lang thang hoài nên Vi Ứng Vật mới có câu thơ rằng:
“Cổ lai hoạch lạc giả
Cân bất sự điền viên.”
Những người cứ đi phiêu bạt lang thang đều không biết đến cảnh điền viên.
Ngoài chữ “hoạch lạc” ra, trong bài còn có chữ “thê trì” mà cụ Đào Duy Anh không có chú thích. Chữ “thê trì” là chữ trong Kinh thi, bài Hành môn:
“Hành (hoành) môn chi hạ,
Khả dĩ tê (thê) tri.
Bi chi dương dương,
Khả dĩ lạc cơ.”
(Dưới cổng thô sơ bỉ lậu,
Có thể đi dạo chơi mà nghỉ ngơi.
Dòng suối nước cuốn đi,
Có thể vui chơi mà quên đói)
Đó là lời người ở ẩn tự vui thích mà không cần đến điều gì cả.
Vậy “thê trì” là ngụ ý ở ẩn không làm gì, chỉ nhởn chơi mà nghỉ ngơi cho thỏa tâm trí. Cụ Đào Duy Anh đã dịch bài thơ Tặng hữu nhân như sau:
TẶNG BẠN
Nghèo và bệnh ta thương ngươi,
Phóng túng điên rồ ngươi giống ta.
Cùng đều làm khách nơi muôn dặm,
Cùng đều đọc sách được mấy hàng.
Nông quá như chúng mình biết làm gì được,
Chơi nhởn thì chắc là chúng mình có thừa.
Hẹn nhau năm nào về Nhụy Khê,
Đội nón ngăn (chụp) vác cuốc xuân (làm nông dân).
Đọc bài thơ dịch nghĩa ra văn xuôi ấy của cụ Đào Duy Anh, chúng ta chưa thông suốt được ý của tác giả.
Chúng tôi xin dịch nghĩa lại như sau để làm sao cho ý thơ được thông suốt từ đầu đến cuối:
TẶNG NGƯỜI BẠN
Cùng cảnh nghèo và đau bệnh tôi thương anh,
Bản tính phóng túng và ngông cuồng anh giống tôi.
Hai chúng ta cùng là khách nơi ngàn dặm,
Nếu cứ sống không thiết thực mãi như thế này thì cũng chẳng ích gì.
Mà ý tưởng muốn về ở ẩn chắc chúng ta cũng có thừa,
Thôi thì ta hãy cùng hẹn nhau năm nào về quê cũ.
Lại đội chiếc nón ngắn vác cuốc mùa xuân ra đồng làm ruộng cho vui.
Chúng tôi chỉ nêu ra một vài trường hợp như trên về phần dịch nghĩa, vì nếu nói vào chi tiết thì sẽ quá dài.
IV. Về phần dịch thơ
Về phần dịch thơ chúng tôi cũng chỉ nêu ra một vài nhận xét, vì nếu xét về nghệ thuật dịch thì nó vượt quá phạm vi của bài này.
Chúng tôi xin chia làm mấy loại khuyết điểm như sau:
1. Chữ dùng quá gượng ép
Có lẽ vì phải theo vần điệu câu thơ dịch nên cụ Đào Duy Anh nhiều chỗ đã dùng chữ quá gượng ép. Chúng tôi xin nêu ra một vài thí dụ như sau:
Thí dụ 1:
Bài 29, câu thứ tư: “Kim môn mộng giác lậu thanh tàn”, cụ Đào Duy Anh đã dịch là: Kim môn mộng tỉnh lậu giờ xoay, thì quả thực không ai hiểu được câu ấy. Câu thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi có nghĩa là: ở Kim Môn khi tỉnh mộng thì không còn nghe thấy tiếng nước ở cái đồng hồ (lậu) dỏ giọt nữa.
Thí dụ 2:
Bài 40, câu thứ nhất: “Vũ hậu xuân triều trướng hải môn” cụ Đào Duy Anh đã dịch là: “Sau mưa cửa biển nước sinh con” thì hết cả chất thơ, trong khi câu thơ chữ Hán có nghĩa là: sau cơn mưa, nước triều về mùa xuân tràn cao lên cửa biển.
Thí dụ 3:
Bài 50, Văn lập, câu thứ ba: “Tiên sát hoa biên song bạch điểu”, cụ Đào Duy Anh đã dịch là: Thèm chết bên hoa chim trắng dỡn thì thật là quá gượng ép. Thèm chết ý nói là thèm lắm, thèm muốn chết đi được, nhưng không ai lại viết như vậy. Bài thơ này chúng tôi xin dịch lại như sau để tránh hai chữ “thèm chết” đi:
“Buổi chiều đứng ngắm cảnh.
Trời cao tịch mịch nước mênh mang,
Thu muộn non sông đổ lá vàng.
Những muốn như chim bên bãi cát,
Xa miền tục lụy tới Thương Lang.”
Chúng tôi đã theo bản Toàn Việt thi lục chép câu thứ ba: “Tiện sát sa biên song bạch điểu” nghĩa là: “Rất thèm muốn được như đôi chim trắng (chim âu) nằm ở bên bãi cát”.
Hai chữ “sa biên” xem ra hợp lý hơn. Cụ Đào Duy Anh đã dịch câu thứ tư: “Nhân gian lụy bất đất đáo Thương Châu” là “Bãi nhàn xa tục lụy không vương” và cụ có giải thích “Bãi nhàn: tức Thương Châu, ví chỗ người ở ẩn”.
“Thương Châu” đúng ra phải viết hoa vì nó là tên của một bãi trên sông Thương Lang.
Bãi sông Thương Lang và bến sông Tự Phố đều chỉ nơi ẩn dật như Nguyễn Trãi đã viết trong bài Hải khẩu dạ bạc hữu cảm:
“Ba tâm hạo điểu Thương Châu nguyệt,
Thụ ảnh sâm si Tự Phố yên.”
(Giữa làn nước mênh mông chỉ thấy bóng trăng trên bãi sông Thương Lang.
Nơi rặng cây lô nhô cao thấp khói phủ mờ bến sông Tự.)
2. Đổi chữ nọ ra chữ kia để dịch
Như ở bài 54, Mạn hứng, câu 5 và câu 6:
“Tảo tuyết chử trà hiên trúc hạ,
Phần hương đối án ổ mai biên.”
Dịch nghĩa là:
Quét tuyết, nấu nước pha trà ở dưới hiên trúc.
Đốt hương, ngồi trước án sách bên cửa sổ cạnh cây mai.
Cụ Đào Duy Anh đã dịch sang thơ là:
Quét tuyết đun chè bên trúc ổ,
Đốt hương đọc sách dưới mai hiên(4).
và cụ cũng có chú thích thêm:
Nguyên văn “hiên trúc hạ” và “ổ mai hiên” là dưới cây trúc ở hiên và bên cây mai ở giậu, nhưng vì niêm luật phải đảo “hiên” và “ổ” với nhau mà dịch ra là “trúc ổ” và “mai hiên” là những từ quen thuộc.
Sự giải thích đó có điều không đúng vì hiên trúc hạ đâu phải là dưới cây trúc ở hiên và ổ mai biên đâu phải là bên cây mai ở giậu. Đúng ra thì hiên trúc hạ là dưới mái hiên mà phía ngoài sân có trồng bụi trúc và ổ mai biên là bên cửa sổ có trồng cây mai phía trước sân. Chính vì để cho được rõ nghĩa như vậy nên hai bản Toàn Việt thi lục và Tinh tuyển chư gia thi tập chép là “các mai hiên”:
“Tảo tuyết chử trà hiên trúc hạ,
Phần hương đối án các mai hiên.”
Nghĩa là:
Quét tuyết, nấu nước pha trà dưới mái hiên phía ngoài sân đằng trước mặt có bụi trúc.
Đốt hương, ngồi đọc sách trước cái án kê ở trong gác cạnh cửa sổ phía ngoài sân có cây mai ở gần bên.
Khung cảnh phải là như vậy mới đúng chứ có đâu lại:
Quét tuyết đun chè bên trúc ổ,
Đốt hương đọc sách dưới mái hiên.
Vì bài thơ này dịch có nhiều chỗ sai với nguyên tác nên chúng tôi xin đề nghị bản dịch lại như sau:
MẠN HỨNG
Đường đời lần lữa tuyết buông dầy,
Luân lạc thân mình nghĩ khổ vay.
Lưu phúc cháu con tâm địa tốt,
Vô tình chim cá tự nhiên thay.
Pha trà quét tuyết ngoài hiên trúc,
Đọc sách thêm hương bên gác mai
Quê cũ đêm rồi vương mộng nhẹ,
Bình than tráng ngập, rượu khoang đầy.
3. Bài thơ dịch bị sai niêm luật
Trong số các bài thơ dịch ta thấy cũng có bài bị sai niêm luật như bài số 57, Đề Trình xử sĩ Vân oa đồ:
Khách quí gặp nhau ngày dạo đàn,
Núi quế về quách hứng khôn ngăn.
Đỉnh sảnh hương tỏa cây sinh gió.
Ghềnh đá trăng soi trúc rậm ngàn,
Bên gối chim trưa khua giấc mộng,
Ngoài hoa chè núi rửa niềm trần.
Ngày dài ngồi nhẫn đường quên nói,
Ai vô tâm người với bạch vân.
chữ thứ hai câu tám phải là thanh trắc mới đúng niêm luật, cụ Đào Duy Anh đã dùng chữ “vô” thì sai hẳn.
Cụ có giải thích như sau:
“Vô tâm” chữ Hán “hữu tâm” chúng tôi không dịch là “có lòng” mà lại dịch là “vô tâm”, vì với chữ “vô tâm” cũng thấy rõ ý của tác giả. Tác giả hỏi “người với đám mây trắng ai là hữu tâm, ai là vô tâm”. Ý tác giả muốn nói chưa chắc đám mây trắng kia đã là vô tâm (Đào Tiềm có câu thơ: “Vân vô tâm dĩ xuất tụ = mây vô tâm ngẫu nhiên mà bay ra khỏi thung lũng), hay chính người cũng vô tâm. Vô tâm là không để lòng đến cái gì, cứ theo tự nhiên”.
Chúng tôi nhận thấy câu chữ Hán của Nguyễn Trãi viết là: “Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm?” (Người với mây trắng ai là kẻ hữu tâm ?) thì ta có thể dịch thẳng ngay là:
Mây trắng hay người ai hữu tâm !
Như vậy bài thơ khỏi sai niêm luật và đúng với ý của Nguyễn Trãi.
Có một bài thơ nữa, bài 79, Mạn thành, cụ Đào Duy Anh cũng đã dịch sai luật bằng trắc.
Chúng tôi nhận thấy câu thứ 6, chữ thứ 6 của bài này đúng luật phải là thanh trắc mà cụ Đào Duy Anh đã dùng một chữ thuộc thanh bằng.
“Mạnh Tử lo cho tôi mồ côi”
Câu thơ ấy nguyên văn chữ Hán là:
“Mạnh Tử cô thần lự hoạn tâm”
thì có thể dịch nghĩa như sau:
“Mạnh Tử lo lắng cho kẻ cô thần.”
chữ “cô thần” đã rất thông dụng, nói lên ai cũng hiểu ngay là kẻ bề tôi bị lẻ loi ở trong cung đình, không có vây cánh, không được vua tin yêu.
Cụ Đào Duy Anh dịch là “tôi mồ côi” thì quả thực là gượng ép(6).
Chúng tôi đề nghị sửa lại là Mạnh Tử lo cho kẻ lẻ loi và ta có thể hiểu “kẻ lẻ loi” ở đây là “kẻ bề tôi bị lẻ loi”.
Nêu một số nhận xét về phần dịch thơ của cụ Đào Duy Anh, chúng tôi cũng thông cảm rằng dịch thơ chữ Hán là một điều rất khó. Nhưng chúng ta phải làm sao để có được những bản dịch khá hơn, hay hơn, những bản dịch không phản lại nguyên tác, hầu có thể giúp những bạn đọc không biết chữ Hán chỉ xem qua bản dịch cũng có thể thưởng thức được nguyên tác.
Việc dịch thơ vì vậy mà trở thành một điều rất quan trọng: nếu bản dịch hay thì nguyên tác sẽ được mọi người ưa thích, nếu bản dịch dở, nguyên tác cũng bị coi rẻ luôn. Chúng tôi mong rằng quyển Ức Trai thi tập sẽ ngày càng được người đọc ưa thích nhờ các bản dịch.
V. Về phần hiệu đính các bài thơ
Trong Lời dẫn về tập thơ Ức Trai thi tập cụ Đào Duy Anh có cho biết đã lấy bản của Dương Bá Cung làm căn cứ để hiệu đính trong khi so sánh với các bản của Lê Quí Đôn và Nguyễn Năng Tĩnh.
Thí dụ như khi gặp một chữ mà các bản chép khác nhau thì cụ đã cân nhắc giữa các chữ để lựa chọn lấy một chữ mà cụ cho là đúng hơn cả và cụ có ghi chú ở phần “chú thích”.
Trường hợp bài số 2: Tặng hữu nhân, câu thứ 7 bản Dương Bá Cung chép là “Nhị Khê điếu”, bản Lê Quí Đôn, Nguyễn Năng Tĩnh chép là “Nhị khê ước”, cụ Đào Duy Anh cho rằng chữ “ước” đúng hơn nên đã lựa chọn chữ ấy.
Những chỗ cụ căn cứ vào các bản cổ thì việc hiệu đính nói chung không có điều gì vô lý.
Nhưng ở những chỗ cụ không dựa theo các bản cổ mà dùng suy luận cá nhân thì không đúng với nguyên tác.
Ví dụ như trong bài số 7, Ký hữu, câu cuối các bản đều chép là:
“Bàn vô mục túc họa vô chiên”
cụ đã sửa lại là:
“Bàn duy mục túc tọa vô chiên”
và đã giải thích như sau: “Chữ Hán là “bàn vô mục túc” (mâm không có món mục túc). Tiết Lệnh Chi người đời Đường, làm quan ở Đông cung, không có bổng lộc gì, làm thơ tự than có câu: “Bàn trung hà sở hữu mục túc trường lan can” (Trong mâm có gì đó? Chỉ mục túc liên miên). “mục túc” là một thứ rau đậu tầm thường, người ta dùng để ăn chay hay là dùng cho gia súc ăn, cũng dùng làm phân xanh. Các bản đều chép: “Bàn vô mục túc” nghĩa là trong mâm không có rau mục túc, như thế thì câu thơ tối nghĩa. Đối chiếu với câu thơ của Tiết Lệnh Chi chúng tôi tưởng có lẽ là “Bàn duy mục túc” (chữ “duy” và chữ “vô” dễ lẫn với nhau). Như thế thì câu thơ nghĩa là ăn thì chỉ toàn rau mục túc. Chúng tôi theo ý mà lấy rau muống thay vào món mục túc của Trung Quốc”.
Tác giả sách đã dùng suy luận cá nhân để hiệu đính lại chữ này, cho rằng chữ “duy” dễ lẫn với chữ “vô”.
Thực ra hai chữ đâu có giống nhau và cũng rất khó lầm lẫn được. Nếu hiệu đính cổ văn mà cứ nói rằng: “Chúng tôi tưởng có lẽ là… chữ “này” với chữ “kia” dễ lẫn với nhau” thì thiếu hẳn tính khoa học.
Theo ý chúng tôi thì câu này phải chép là: “Bàn vô mục túc tọa vô chiên” như tất cả các bản cổ đã chép. Nghĩa của câu ấy rất rõ ràng và nghĩa của nó lại còn sâu xa hơn nữa. Vì hai chữ “vô” trong một câu mới cực tả cái nghèo của tác giả. Nghèo đến nỗi cơm cũng chẳng có cả lá mục túc, ngôi cũng chẳng có tấm chiếu lót cho êm.
Sách đã dẫn câu thơ của Tiết Lệnh Chi: “Bàn trung hà sở hữu, mục túc Dương lan can” và đã dịch là “Trong mâm có gì đó ? Chỉ mục túc liên miên” (Lan can đâu phải là liên miên).
Cây mục túc mà lấy rau muống gọi thay và thì cũng không hợp vì nó là một loại cây leo mọc lan tràn trên mặt đất, lá nhỏ như lá rau ngót, hoa màu vàng, dùng cho trâu bò và ngựa ăn thay cỏ. Lá non thì người ta hái để ăn, nấu canh như nấu canh rau ngót nên nếu có gọi thay thì dùng rau ngót còn đúng hơn rau muống.
Chúng ta không thế suy đoán để hiệu đính nếu sự suy đoán ấy không có chứng cứ rõ rệt.
Trong Ức Trai thi tập có những chỗ cần phải hiệu đính lại thì không thấy làm. Thí dụ như trong bài 51, Mạn hứng, câu thứ 6: “Phần hương đối án ổ mai biên” (Đốt hương ngồi trước án bên cạnh cây mai ở sân).
Chúng tôi nhận thấy không có ai lại đem cái án sách kê bên cạnh cây mai ở sân cả.
Hai quyển Toàn Việt thi lục và Tinh tuyển chư gia thi tập đã chép là:
“Tảo tuyết chử trà hiên trúc hạ,
Phần hương đối án các mai biên”.
thì hợp lý hơn. Hai câu ấy nghĩa là:
Quét tuyết, đun nước pha trà dưới mái hiên phía ngoài sân cỏ bụi trúc ở trước thềm.
Đốt hương, ngồi trước án đọc sách trong gác phía ngoài sân có cây mai ở bên cửa sổ.
Hai chữ hiên trúc đối với các mai xem ra chỉnh hơn là “hiên trúc” đối với “ổ mai”. Chúng tôi đề nghị nên hiệu đính lại câu thứ 6 bài Mạn hứng là: “Phần hương đối án các mai biên.”
Lại một thí dụ nữa:
Bài 50, Văn lập, câu thứ ba:
“Tiện sát sa biên song bạch điểu.”
cụ Đào Duy Anh đã chép là:
“Tiện sát hoa biên song bạch điểu(6)”
Chúng tôi nhận thấy bản Toàn Việt thi lục chép chữ (sa) thì hợp lý hơn.
Sa biên: ở bên bãi cát.
Hoa biên: ở bên hoa.
Câu thơ đó nên hiểu là “rất thèm được như đôi chim trắng bơi ở gần bãi cát”.
Các cảnh đó nó thực hơn là “đôi chim trắng bơi ở bên đóa hoa”.
Trong Nguyễn Trãi toàn tập câu này cũng không có hiệu đính lại.
Trong tập thơ Ức Trai thi tập cũng còn có những chữ phải hiệu đính lại, chúng tôi sẽ bàn đến vấn đề này trong một bài khác.
Qua năm phần trình bày về bản phiên dịch tập thơ Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi trong Nguyễn Trãi toàn tập, chúng tôi đã đóng góp một vài ý kiến, nhận xét để mong chỉnh lý lại bản phiên dịch.
Chúng tôi mong ước rằng lần tái bản tới, phần sao lục thơ chữ Hán sẽ được sửa chữa lại cho thật đúng và các phần dịch, dịch nghĩa cũng như dịch thơ, cùng phần phiên âm, chú thích được hoàn chỉnh hơn.
Nếu sau này quyển Ức Trai thi tập được phổ biến rộng rãi thì công của người phiên dịch không phải là nhỏ vậy.
Nguyễn Quảng Tuân
CHÚ THÍCH
(1) Nxb. KHXH in lần thứ hai năm 1976, có sửa chữ và bổ sung.
(2) Quyển Thơ văn Nguyễn Trãi của Nxb. Giáo dục, 1980 đã chép theo y như vậy không có sửa lại gì.
(3) Chữ 瓠 có nhiều âm: “hồ” hoặc “hộ” thì có nghĩa là quả bầu; “hoạch” thì dùng với chữ “lạc”; “hoạch lạc”mới là nông cạn.
(4) Bản Thơ văn Nguyễn Trãi của Nxb. Văn học chép “vô sử dụng” là sai.
(5) Trong Nguyễn Trãi toàn tập lại in sai “mái hiên”.
(6) Trong bài số 4, Loạn hậu cảm tác, cụ cũng dịch cô trung là lòng trung mồ côi; trong bài 97, Đồ trung ký hữu, cụ cũng dịch chữ “trung cô” là lòng trung phải mồ côi. Nhưng dịch như vậy cũng không lạ lùng bằng khi cụ dịch chữ cô chu (Bài 75, Trai đầu xuân độ) là chiếc thuyền mồ côi. Chữ “cô” có hai nghĩa; – trẻ mất cha mẹ gọi là cô – lẻ loi, trơ trọi, một mình cũng gọi là cô. Vậy cô chu phải dịch là chiếc thuyền lẻ loi mới đúng.
(7) Cụ Đào Duy Anh đã dịch là “Thèm chết bên hoa chim trắng dỡn”. Hai chữ “thèm chết” như trên đã nói, nghe không ổn.