TÌM PHƯƠNG ÁN CẤP NƯỚC CHO SUỐI CÔN SƠN

Chú thích ảnh Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Trường Giang phát biểu ý kiến tại Hội thảo. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Trường Giang cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phục hồi dòng chảy cho suối Côn Sơn, thuộc Đền thờ Nguyễn Trãi, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Khu di tích Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ thứ X gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm. Năm 2000, tỉnh Hải Dương đã xây dựng Đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn với tên gọi Ức Trai linh từ. Bên phải đền là dòng suối Côn Sơn. Những năm qua, công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo đền thờ Nguyễn Trãi được tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm. Suối Côn Sơn dài khoảng 5km nằm giữa núi Ngũ Nhạc và núi Côn Sơn và chảy về hồ Côn Sơn ở hạ lưu. Suối Côn Sơn gắn với cuộc đời Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, là hình ảnh đẹp, thiêng liêng của khu di tích. Tuy nhiên 20 năm nay, hầu hết thời gian trong năm, dòng suối khô cạn, chỉ khi có mưa lớn mới có dòng chảy.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, với những giá trị to lớn và tầm quan trọng của suối Côn Sơn trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt, việc duy trì dòng chảy suối Côn Sơn là rất cần thiết để phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử. Theo đặt hàng của tỉnh Hải Dương, năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy suối Côn Sơn thuộc khu di tích Đền thờ Nguyễn Trãi” và giao Viện Thủy công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) chủ trì thực hiện. Thời gian thực hiện 36 tháng từ tháng 10/2020.

Chú thích ảnh TS. Phan Trường Giang, Viện Thủy công, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Tiến sĩ Phan Trường Giang, Viện Thủy công, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết, sau khi đánh giá thực trạng và nguyên nhân suy kiệt dòng suối Côn Sơn, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp gồm 4 phương án cấp nước được nghiên cứu, đưa ra hội thảo để lựa chọn phương án tối ưu.

Cụ thể, ngoài phương án đã được phê duyệt là bơm nước từ hồ Bán nguyệt lên bể phòng cháy, chữa cháy để đạt được dòng chảy trên suối tối thiểu 5 lít/giây, nhóm nghiên cứu đề xuất thêm 3 phương án. Phương án 1 là bơm nước từ hồ Côn Sơn lên bể phòng cháy, chữa cháy với lưu lượng cấp 10 lít/giây để đạt dòng chảy ở suối tối thiểu 5 lít/giây. Phương án 2 là bơm nước hồ Côn Sơn lên bể phòng cháy với lưu lượng cấp 20 lít/giây để đạt được dòng chảy ở suối khoảng 10 lít/giây. Phương án 3 là bơm nước từ hồ Côn Sơn lên ao điều tiết thượng nguồn với lưu lượng cấp 20 lít/giây để đạt dòng chảy ở suối khoảng 20 lít/giây.

Đa số ý kiến chuyên gia, nhà khoa học ủng hộ phương án 3, xây dựng ao điều tiết trên núi để cấp nước cho suối Côn Sơn. Thi công ao trên núi nên tính toán diện tích rừng và phương án thi công hợp lý để hạn chế tác động đến cảnh quan di tích, trong đó lưu ý tính đa mục tiêu của hệ thống cấp nước cho suối Côn Sơn. Vì là một công trình trong Khu Di tích Quốc gia đặc biệt nên khi triển khai cần đảm bảo hài hòa về cảnh quan, có điểm nhấn kiến trúc và kiến trúc các công trình cần hài hòa để đảm bảo yếu tố tâm linh của khu di tích, việc đầu tư xây dựng cần có tính lâu dài, bền vững; cân nhắc chọn vật liệu xây dựng, cách xử lý nước để đảm bảo môi trường nước luôn sạch.

Chuyên gia Đại học Thủy lợi và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Toàn, Đại học Mỏ địa chất cho rằng phương án 3 là phương án ưu việt; lưu ý khi triển khai cần tính toán giảm bề rộng, tăng độ sâu cho ao cấp nước trên núi và phải đánh giá tác động môi trường.

Còn theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, nếu triển khai phương án lấy nước hồ Côn Sơn lên và xây dựng công trình ao điều tiết trên núi, cần lưu ý diện tích thực hiện công trình này là rừng đặc dụng, tỉnh phải xin ý kiến của Thủ tướng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích rừng này.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc lý giải phương án 3 sẽ đáp ứng nhiều yếu tố để phát triển di tích, vừa đạt được các giá trị về mặt hóa, tâm linh phong thủy, cảnh quan vừa là điểm kết nối các di tích. Suối Côn Sơn là một điểm nhấn, góp phần làm đẹp cảnh quan cho khu di tích Quốc gia đặc biệt. Nếu dự án triển khai sớm sẽ rất thuận lợi vì quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đang trong quá trình đề nghị UNESO công nhận là Di sản thế giới. Việc duy trì được dòng chảy suối Côn Sơn vừa bảo tồn được di sản vừa phát triển được dich vụ du lịch tại khu di tích, đáp ứng mong mỏi của nhân dân Hải Dương và du khách thập phương. Về kinh phí, Ban Quản lý di tích cho rằng bên cạnh nguồn ngân sách, có thể xem xét phương án xã hội hóa.

Chú thích ảnh Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, phát biểu tại Hội thảo. 

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân đồng tình với ý kiến với các chuyên gia, nhà khoa học về phương án 3 và xây dựng ao điều tiết trên núi (có thể cân nhắc cách gọi là bể trời trữ nước) để điều tiết, tạo dòng chảy cho suối Côn Sơn. Công trình cần lưu ý giảm bề rộng và tăng chiều sâu vừa để giảm diện tích rừng bị ảnh hưởng vừa có tác dụng hạn chế việc bốc hơi nước. Phương án thi công ao điều tiết trên núi lấy nước từ hồ Côn Sơn lên với lưu lượng 20 lít/giây để đảm bảo dòng chảy trên suối khoảng 20 lít/giây (có thể lớn hơn) đảm bảo chiều dài dòng chảy suối trong khu di tích 935m. Ưu điểm của phương án này là đầu tư một lần, máy bơm đặt bên ngoài khu di tích nên không ảnh hưởng đến không gian tôn nghiêm, nguồn cấp nước hồ Côn Sơn ổn định và ao điều tiết trên núi sẽ tạo thêm cảnh quan khu di tích. Tuy nhiên phương án này phát sinh thêm kinh phí nên cần tính toán việc sử dụng đất rừng và phương án thi công.

Để triển khai phương án 3 đảm bảo tính khả thi, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tham mưu UBND tỉnh bố trí phần kinh phí phát sinh đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở ngành, UBND thành phố Chí Linh tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích đất rừng đặc dụng dự kiến làm bể trời trữ nước, điều tiết tuần hoàn dòng chảy suối Côn Sơn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc khẩn trương phối hợp với Viện Thủy công và cơ quan chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành địa phương liên quan tiếp tục khảo sát thực tế, nghiên cứu lập phương án xây dựng phục hồi suối Côn Sơn và các hạng mục phụ trợ như đường dạo, cảnh quan theo phương án 3. Ông Trần Văn Quân cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và công tác thực hiện Đề tài đảm bảo đúng các quy định hiện hành.

Nguồn: https://baotintuc.vn/

Để lại một bình luận