THÊM MỘT CÔNG TRÌNH VĂN HÓA TẠI KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT CÔN SƠN

Chùa Côn Sơn, từ thế kỷ XIII, XIV được đệ nhất tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang hưng công xây dựng, phát triển thành một trong ba trung tâm nổi tiếng của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam. Bình đồ kiến trúc của chùa nội công ngoại quốc, gồm nhiều hạng mục công trình như: Tam quan, Lầu chuông, Gác trống, Phật điện, Cửu Phẩm liên hoa, Tổ đường, Hậu đường, tiền hành lang, hậu hành lang, lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, các tòa tháp, Am Bạch Vân… Trong đó, lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát là công trình tôn giáo có giá trị đặc sắc, được xây dựng ở dưới chân núi Kỳ Lân, cạnh Giếng Ngọc, trên trục Nhất chính đạo chùa Côn Sơn. Trong lầu thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên đài sen.

Quán Thế Âm tiếng Phạn là Avalokitesvara, dịch sang tiếng Hán là Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại. Ngài cùng Đại Thế Chí Bồ Tát thị giả Đức Phật A Di Đà ở cõi Tây Phương cực lạc, lo việc cứu độ chúng sinh. Kinh Phật gọi là Tây Phương Tam Thánh (ba vị Thánh ở cõi phương Tây cực lạc). Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, có trí tuệ tròn đầy, viên mãn; quyền năng vi diệu bao trùm thông suốt ba ngàn thế giới (ba cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới). Phàm khi chúng sinh gặp nạn mà chí thành niệm danh hiệu Quán Âm Bồ Tát, thì lập tức Ngài đến cứu giúp. Vì thế mà Ngài có đức hiệu là Quán Thế Âm Bồ Tát (Vị Bồ Tát chuyên lắng nghe âm thanh cầu cứu của thế gian).

Trải qua thời gian, nhiều công trình kiến trúc của chùa Côn Sơn, trong đó có lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát đã bị tàn phá, hủy hoại.

Năm 2000, Bảo tàng Hải Dương và Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc khai quật khảo cổ học ở vị trí cạnh Giếng Ngọc, đã phát hiện nhiều viên ngói tráng men hoa nâu có niên đại thế kỷ XIII, XIV, vì kèo bằng gỗ bị cháy và nền móng kè đá… Theo các nhà khoa học, đây chính là ngói, vì kèo và dấu tích kiến trúc của lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát.

Thực hiện Quy hoạch tổng thể của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/9/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã phê duyệt chủ trương đầu tư hạng mục: Tu bổ, tôn tạo lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, Giếng Ngọc, đường lên tháp Tổ, sân vườn, tả, hữu tiền hành lang, tam quan nội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến năm 2018.

Năm 2018, trong quá trình thi công xây dựng Lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát phát hiện dải ngói vỡ chạy dọc theo sườn núi. Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc tiến hành khai quật khảo cổ học khu vực này gồm 1 hố khai quật rộng 12m2 (dài 6m x rộng 2m) và 1 hố thám sát rộng 16m2 (dài 4m x rộng 4m). Kết quả thu được chủ yếu là vật liệu kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt ở hai thời Trần và Lê; đáng chú ý là lượng ngói mũi hài tráng men hoa nâu với số lượng lớn và tính thẩm mỹ cao khẳng định sự nguy nga, tráng lệ của công trình lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát trước đây.

Sau hơn 2 năm thi công, năm 2020 công trình tôn tạo lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát đã hoàn thiện, dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 16 tháng 8 âm lịch.

Lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát được xây dựng trên trục thần đạo từ hồ Bán Nguyệt lên đỉnh núi Côn Sơn, nằm cạnh Giếng Ngọc, độ cao 15m so với mặt bằng chùa Côn Sơn. Mặt bằng kiến trúc hình vuông kích thước mỗi cạnh 10,5m x 10,5m, chiều cao 9,05m. Kết cấu móng bê tông cốt thép.

Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát chùa Côn Sơn

Kiến trúc lầu thờ kiểu phương đình, hai tầng tám mái, mái lợp ngói hoàng lưu lý (ngói tráng men màu vàng). Tầng mái trên, chính giữa bờ nóc là bình nước cam lồ đặt trên đài sen. Đầu kìm tạo lân, đao kép trang trí rồng và mây hóa ly. Hai bên đầu hồi lầu chạm hổ phù. Diềm mái trang trí lá đề. Cổ các mái chính chạm lộng đề tài lưỡng long chầu nhật; mái phụ trang trí đề tài tứ linh. Tầng mái dưới, bờ dải trang trí hoa chanh, đao kép đắp long ly.

Lầu thờ gồm 1 gian hai dĩ, gian chính giữa rộng 3,7m, hai gian dĩ rộng 1,9m. Mặt chính và hai mặt bên của lầu thiết kế giống nhau, chính giữa tạo cửa lớn theo kiểu thượng song hạ bản, hai bên ghép kín. Kết cấu khung gỗ của lầu thờ không tạo vì, các gian liên kết với nhau bởi hệ thống cột, xà, ván bưng. Gian chính giữa, đỉnh nóc gắn bức phù điêu hình vuông, sơn son thếp vàng. Trung tâm của bức phù điêu tạo khung tròn, chạm bông sen nở mãn khai với ba lớp cánh ken nhau, xung quanh khắc câu thần chú 6 âm chữ “Om Mano Padme Hum” (Án Ma Ni Bát Mê Hồng). Đây là câu thần chú quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo, gắn với Quán Thế Âm Bồ Tát, thể hiện lòng từ bi rộng lớn, muốn đạt Niết Bàn vì lợi ích của chúng sinh. Bốn góc phù điêu chạm bảo kiếm, hồ lô, thư bút, đàn trên nền vân mây. Hệ thống cột đủ bốn hàng chân đặt trên tảng kê âm dương. Nền lát gạch Bát tràng.

Sân lầu lát đá xanh, hệ thống tường bao xung quanh sân trang trí bát bảo cát tường – biểu tượng cổ điển và phổ biến nhất của văn hóa Phật giáo: bánh xe pháp luân, bạch hải loa (ốc tù và), thắng lợi tràng phan (tràng phan chiến thắng), song ngư (cặp cá vàng), bảo bình (bình báu), bảo tán cái (lọng báu), kiết tường kết (nút thắt vô tận), liên hoa (hoa sen).

Trong lầu thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên đài sen bằng chất liệu ngọc quý, nặng 4 tấn, cao 1,75m. Bệ tượng ốp đá xanh chạm hoa văn.

Công trình lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là điểm nhấn kiến trúc linh thiêng, kết nối các công trình kiến trúc của chùa với cảnh quan hùng vĩ của núi rừng Côn Sơn. Theo Quy hoạch tổng thể, từ đỉnh núi Côn Sơn xuống, đi qua công trình tượng đài Đệ tam thánh tổ, xuống cụm kiến trúc gồm: Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát; Đăng Minh Bảo Tháp thờ Đệ tam thánh tổ Huyền Quang; Giếng Ngọc… Phía trước là tòa Cửu Phẩm liên hoa – nơi vạn Phật vân tập, nơi đón nhận linh hồn của những người thiện tâm, thiện đức đến vãng sinh sau khi từ trần trở về thế giới vĩnh hằng để được siêu sinh tịnh độ, tránh rơi vào kiếp địa ngục luân hồi.

Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là công trình kiến trúc giữ vai trò quan trọng, góp phần hoàn thiện quy mô, kiến trúc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn, đáp ứng nguyện vọng thờ tự và tham quan, chiêm bái, học tập của nhân dân và du khách thập phương.

Để lại một bình luận