Sơ đồ tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn
Thanh Hư linh từ thờ Chương túc Quốc thượng hầu – Tư đồ phụ chính Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Tư đồ Trần Nguyên Đán (1325- 1390) hiệu là “Băng Hồ” (tức tâm hồn trong sáng như tuyết), quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay ở Mỹ Phúc, Mỹ Lộc, Nam Định). Trần Nguyên Đán thuộc dòng dõi hoàng tộc, ông là những người tài năng xuất chúng, có công lao hiển hách với nhà Trần và dân tộc. Cha là Nhập nội thái bảo, Uy túc công Trần Văn Bích, giúp triều Minh Tông thành nghiệp thái bình. Tổ là Văn Túc vương, huý là Đạo Tái, mười bốn tuổi thi đậu bảng nhãn, triều Thánh Tông đặc ân ban cho văn phục để tỏ ý yêu quý đặc biệt, khen là có tài Quản, Cát, có ý muốn dùng vào việc lớn. Tằng tổ là Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, con thứ của vua Trần Thái Tông, tức Trần Cảnh – ông vua khởi nghiệp triều Trần.
Đền thờ Trần Nguyên Đán
Từ nhỏ, Trần Nguyên Đán được thừa hưởng nền giáo dục toàn diện, với tư chất thông minh, giàu lòng nhân ái, đức tính khiêm nhường, cầu thị, luôn kiên trì học tập và rèn luyện ông sớm trở thành một tài năng lớn, một tấm gương về phẩm chất đạo đức. Đời vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369), theo quy chế Tập chức ông được bổ nhiệm làm quan Đại phu ngự sử đài (tức chuyên việc can gián vua). Trong công việc, ông luôn cần kiệm, nghiêm khắc sửa mình, không màng danh lợi nên được nhiều người yêu mến.
Năm 1369, Trần Nguyên Đán dẹp loạn Dương Nhật Lễ, đưa Trần Phủ lên ngôi Hoàng đế (vua Trần Nghệ Tông), khôi phục nhà Trần, ổn định chính sự. Năm 1371, Trần Nguyên Đán được phong chức Tư đồ phụ chính. Thời Trần Duệ Tông (1372 – 1377) ông được ban tước Chương Túc Quốc Thượng hầu, kiêm quân quản trấn Quảng Oai và phụ trách đối ngoại.
Trần Nguyên Đán là vị quan trụ cột của vương triều Trần, đem hết sức lực và tài năng phò vua, giúp nước, Nguyễn Trãi đã viết về ông như sau: “Giữ vững cơn lay động, gỡ mối sau buổi rối ren, trong khoảng mấy năm, trong nước yên lặng, người ta khen là hiền tướng. Dù là trẻ con, lính tráng, chẳng ai là không biết tiếng”.
Ban thờ Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán
Hơn ba mươi năm làm quan, Trần Nguyên Đán là tướng quốc của ba triều vua: Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông. Bên cạnh những đóng góp to lớn về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, Ông còn là một nhà văn hoá lớn, nhà thơ, nhà lịch pháp có tiếng của dân tộc ta thế kỷ XIV. Ông từng đọc đến “tam vạn quyển thư”, am hiểu sâu sắc về các học thuyết Nho, Phật, Lão. Trước tác của ông có tác phẩm “Bách thế thông khảo”, là công trình nghiên cứu về nông lịch đầu tiên của nước ta, tác phẩm “Băng Hồ ngọc hác tập” hiện còn 51 bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục”, chứa đựng tư tưởng yêu nước thương dân sâu sắc:
“Tam vạn quyển thư vô dụng xử
Bạch đầu không phụ ái dân tâm”
(Đọc ba vạn cuốn sách không đất dụng,
Yêu dân còn nợ mái đầu phơ).
Vào cuối thời Trần, thế sự suy vi. Hồ Quý Ly ngày càng thâu tóm quyền bính và lũng đoạn triều đình. Trần Nguyên Đãn đã mang hết khả năng, quyền lực và tâm huyết của mình hy vọng cứu vãn triều chính của dòng họ nhưng vẫn bất lực trước sự rối ren của triều chính và cảm thấy sự hưng vong như một điều tất yếu. Trần Nguyên Đán lui về Côn Sơn ở ẩn, song thâm tâm ông vẫn không nguôi nỗi lo cho dân, cho nước. Bài thơ gửi bạn đồng liêu trong đài quan của ông khi đã về hưu thể hiện rõ nỗi lo ấy:
“Đài quan nhất khứ tiện thiên nhi
Hồi thủ thương tâm sự sự vi
Cửu mạch trần ai nhân dị lão
Ngũ hồ phong vũ khách tư quy
Nho phong bất chấn hồi vô lực
Quốc thế như huyền khứ diệc phi
Kim cổ hưng vong chân khả giám
Chư công là nhẫn gián thư hy”.
(Đứng đầu hàng quan gián nghị một khi đi liền ra tận chân trời
Ngoảnh lại lòng đau vì mọi việc đều sai lầm cả
Người ta trong bụi trần trăm năm dễ già cỗi
Cho nên bạn nghĩ về cảnh mưa gió năm hồ theo gót Phạm Lãi
Tinh thần Nho học không chấn hưng quay lại đã hết sức
Thế nước treo sợi tóc, bỏ đi thực không phải
Xưa nay suy thịnh thật có thể soi xem
Các ông sao nhẫn tâm ít lời can gián.)
Thời vua Trần Duệ Tông niên hiệu Long Khánh (1372 – 1377), Trần Nguyên Đán xin nhà vua một khoảng đất ở Côn Sơn làm nơi lui về chí sĩ. Côn Sơn không chỉ là “danh lam cõi đất Bắc tiêu biểu trời Nam” mà còn là một trong ba chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, một dòng Phật giáo mang đậm dấu ấn văn hoá Việt Nam, do chính tổ nội của ông là vua Trần Nhân Tông khởi dựng. Tại đây, ông cho xây dựng Động Thanh Hư gồm một quần thể kiến trúc ở sườn núi và ven suối làm nơi nghỉ ngơi, chơi ngắm: “Một tiếng trống vang, muôn người xúm lại, phạt bụi san đồi, thế là suối nguồn được gạn trong, cỏ rác được dọn sạch, phu thợ đủ nghề, xây đắp không nghỉ. Chưa đầy một tháng mà việc dựng cột, xây tường đều xong, chỗ cao khoáng khoát, chỗ thấp bằng phẳng, đứng xa trông chỉ thấy một màu xanh, khu động vây bọc những cảnh kỳ lạ và đẹp đẽ, các nơi nghỉ ngơi chơi ngắm đều có tên đặt riêng, nhưng tất cả khu đó gọi chung là Thanh Hư Động”.
Vua Trần Duệ Tông về thăm, cảm khái trước bồng lai tiên cảnh, Ngài ngự bút đề tặng ba chữ “Thanh Hư động” nêu ở mặt bia, thượng hoàng Nghệ Tông tự chế bài minh “Côn Sơn Thanh Hư Động bi minh” khắc vào lưng bia.
“Tư đồ sáng am
Trên núi thâm nghiêm
Há phải muốn riêng mình vui thú,
Chính là để ngụ ý cao xa
Ngồi trên bàn đá là muốn đặt thế nước yên ổn
Cúi nhìn dòng nước trong là muốn bàn sâu vào việc nước
Nương dưới bóng cây là muốn mở rộng sự che chở cho dân
Tựa vào khóm trúc là muốn đến với nhiều hiền sĩ…”
Thanh: trong, xanh
Hư: hư không, thoát tục
Động: quần thể kiến trúc Trần Nguyên Đán cho xây dựng.
Hiện tấm bia Thanh Hư Động mang bút tích của vua Trần Nghệ Tông, Thái Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông đã được công nhận Bảo vật quốc gia, đặt trước sân chùa Côn Sơn. Nguyễn Phi Khanh trong bài “Thanh Hư động ký” đã miêu tả cảnh đẹp Thanh Hư: “Khói ngàn ráng đỏ, như gấm cuốn, như lụa giăng; cỏ rừng hoa suối hoặc mầu biếc đung đưa hoặc màu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn; Phàm những cái gọi là hình trạng trong mát, tiếng vi vu xa xa mà vắng không, sâu thẳm mà lặng lẽ hợp với sự mong mỏi của tai mắt và tinh thần đều hầu như đã hòa với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật.”
Nghi môn đền thờ Trần Nguyên Đán
Động Thanh Hư rộng trên 2000m2 nằm giữa thung lũng núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc. Phía dưới có cầu Thấu Ngọc lung linh soi bóng xuống dòng suối trong xanh, kiến trúc “thượng gia hạ kiều”, là một công trình kiến trúc độc đáo ở Côn Sơn. Sách An Nam chí chép rằng: “Trên núi Côn Sơn có động Thanh Hư, cầu Thấu Ngọc là cảnh tuyệt đẹp ở nhân gian”. Trong bài Tự thán, Nguyễn Trãi ca ngợi: “Đình Thấu Ngọc tiên xanh tuyết nhũ”. Thế kỷ XIX, Cao Bá Quát, trong bài Côn Sơn hành, còn nhắc đến cây cầu này:
“Bên cầu Thấu Ngọc hoa rừng tươi tốt
Trong động Thanh Hư ríu rít tiếng chim”.
Tháng 7 năm Xương Phù thứ 9 (1385), Trần Nguyên Đán chính thức về chí sĩ tại Côn Sơn. Thời gian này, Trần Nguyên Đán còn lập đàn tế sao Bắc Đẩu trên núi Ngũ Nhạc cầu cho quốc thái dân an; mở mang chùa Tư Phúc (chùa Côn Sơn), tạo cảnh đẹp cho cả vùng núi rừng với bạt ngàn thông trồng trên núi, trúc trong động Thanh Hư và cây rễ dưới chân núi Côn Sơn, đến nay còn lưu truyền câu chuyện “ông Thông bà Rễ”. Về đây, ngoài việc vân du sơn thuỷ, suy ngẫm về lẽ màu nhiệm của đạo thiền về cuộc sống, Ông còn có công rất lớn trong việc nuôi dạy Nguyễn Trãi trưởng thành. Từ những bài học đầu đời về lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, góp phần hun đúc nên nhân cách, tâm hồn và tài năng Nguyễn Trãi. Đánh giá về Trần Nguyên Đán, trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Ông là người hiền lành nho nhã, có phong độ bậc quân tử thời xưa… đáng là người hiền”.
Rừng thông bãi rễ Côn Sơn
Ngày 14/11/1390 (âm lịch), Tư Đồ Trần Nguyễn Đán tạ thế tại Côn Sơn. Khi mất nhân dân lập đền thờ ông trong khu vực động Thanh Hư. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về thăm, nhớ cảnh cũ, người xưa cảm khái:
“Việc muối mơ qua rồi bia vẫn còn đây
Đàn Tinh Đẩu bỏ hoang lối đi đã mờ
Động phủ quạnh vắng người bay lên tiên rồi
Chỉ còn dấu vết gợi lên nỗi buồn man mác”.
Lễ rước đền thờ Trần Nguyên Đán
Trải qua thời gian, Thanh Hư động không còn. Năm 1979, 2000 bảo tàng Hải Dương kết hợp với Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tiến hành khai quật khảo cổ học tại khu vực Thanh Hư động. Kết quả đã xuất lộ nền nhà được làm theo kiểu giật cấp cùng nhiều hiện vật thời Trần. Các nhà khảo cổ cho rằng khu vực này là trung tâm của Thanh Hư động và là dấu tích của đền thờ Trần Nguyên Đán.
Lễ khánh thành đền thờ Trần Nguyên Đán
“Ôn cố tri tân”, năm 2004, 2005 đền thờ Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán được trùng tu, tôn tạo. Đền mang tên Thanh Hư linh từ, xây dựng trên nền động phủ xưa. Thanh Hư linh từ uy nghi, đắm mình trong không gian thiên nhiên thơ mộng; có gió thổi thông reo, suối ngàn rì rào. Đền tựa núi Kỳ Lân, minh đường (theo hướng đông nam) là hồ Côn Sơn, nơi tụ linh, tụ thuỷ; Tiền án là núi An Lạc, dãy An Sinh thế long chầu. Đường lên đền quanh co, khúc khuỷu được lát bằng đá quý. Nghi môn kết cấu tứ trụ. Đền chính kiến trúc chữ Đinh bao gồm tiền tế và hậu cung. Cấu kiện kiến trúc đền Trần Nguyên Đán được làm bằng bê tông giả gỗ sơn son thếp vàng, hệ thống mái, cửa làm bằng gỗ lim. Trong đền hệ thống hoành phi, câu đối, đồ thờ bài trí theo lối thức truyền thống. Gian tiền tế chính giữa là ban công đồng, hai bên là ban gia tiên và sơn thần. Hậu cung bài trí ban thờ Trần Nguyên Đán. Tượng quan Tư đồ được tạc bằng đồng nguyên khối, thần thái uy nghiêm, nhân từ vẫn nặng lòng yêu nước thương dân.
Lễ tưởng niệm Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán
Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.