PHẢ HỆ DÒNG HỌ NGUYỄN TRÃI

Sau vụ án Lệ Chi Viên ngày 19/9/1442 (tức ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất), dòng họ Nguyễn Trãi gần như tuyệt diệt. Một số con cháu sống sót phiêu tán lánh nạn khắp nơi. Đến nay chúng tôi tạm thống kê được 23 chi họ phân tán ở một số tỉnh từ Cao Bằng đến Nghệ An, Hà Tĩnh.

Năm 2002 Ban quản lý di tích Côn Sơn bước đầu tổ chức khảo sát nghiên cứu sưu tầm tư liệu ở 12 chi họ: Chi Ngại, Phương Quất, Quế Lĩnh, Triều Bến, Xuân Dục, Phù Khê, Nhị Khê, Canh Hoạch, Thụy Phú, Gia Miêu, Cẩm Nga, Lan Trà, Dự Quần, ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa…

Chúng tôi đã sưu tầm được 14 cuốn gia phả viết bằng Hán, Nôm của các chi họ. Niên đại gia phả từ thời: Hồng Thuận Tứ Niên (năm 1513), Cảnh Hưng nguyên niên (năm 1740), gần đây nhất là cuốn gia phả sao lại năm 1962.

Về nguồn gốc của các chi họ, gia phả đều thống nhất ghi: Nguyên quán cụ tổ tiên đời trước của họ ta ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Chi Ngãi, xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Sau dời về làng Hạ, xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc; phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam.

Về gốc tích cội nguồn họ Nguyễn ở thôn Chi Ngại, truyền thuyết của dòng họ kể rằng: Tổ tiên dòng họ Thái Tể triều Đinh – Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc (924 – 979), có công giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất 12 sứ quân để lập ra triều Đinh. Khi Nguyễn Bặc kéo quân về Côn Sơn dẹp sứ quân của Phạm Phòng Át (Phạm Bạch Hổ), ông để lại con cháu của mình cùng năm vị tướng quân họ Phí ở lại Chi Ngại cai quản vùng đất này. Khi năm anh em họ Phí mất, người dân Chi Ngại tôn họ làm Thành Hoàng, lập đền thờ cúng. Đình làng Chi Ngại bị phá hủy trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những bài vị, ngai thờ và thần tích của năm vị tướng họ Phí vẫn được lưu giữ thờ phụng đến ngày nay (nay bài vị của năm vị Thành Hoàng thờ ở chùa Ngái của thôn Chi Ngại).

Qua những tư liệu trên, chúng ta thấy nguồn gốc dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại có xuất xứ từ Nguyễn Bặc – Thái tể Định Quốc Công triều Đinh, quê ở huyện Hoàng Hóa, Thanh Hóa, di cư ra khoảng cuối thế kỷ X. Từ đó dòng họ Nguyễn phát triển đến đời cụ Tiên Nghiêm, sinh ra hai con trai. Vì nhà nghèo, hai anh em họ Nguyễn từ Chi Ngại đến Trại Ổi (tức làng Nhị Khê – Thường Tín, Hà Đông) làm thuê cho một nhà bán tương để sinh nhai. Nhờ một sự may mắn, hai anh em biết được ngôi đất quý ở cánh đồng Trung, bèn mang mộ tổ từ Chi Ngại sang táng ở bãi đất này. Ngôi mộ phát tích đó nay vẫn còn, người Nhị Khê gọi là “Dàn Cấm Địa”.

Một thời gian sau người em sang định cư ở thôn Cổ Hoạch: (huyện Thanh Oai, Hà Đông), người anh ở lại Nhị Khê. Từ đó lập nên ba chi họ Nguyễn. Chi họ gốc ở Chi Ngại, Chi họ Nhị Khê và chi họ Canh Hoạch.

Chi họ Nguyễn ở Canh Hoạch, đến thời Lê Mạc (thế kỷ XVI) sinh ra Nguyễn Thiến đỗ Trạng Nguyên, phù giúp vua Lê Trang Tôn trừ nhà Mạc, dẹp loạn Ai Lao, đánh Chiêm Thành. Sau con cháu vào Hà Tĩnh lập nên Chi họ Nguyễn Tiên Điền, cháu ngoại là Đại thi hào Nguyễn Du. Đến thế kỷ XX, cụ Nguyễn Du được Hiệp hội UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

Theo gia phả chi họ Nguyễn Nhị Khê (khoảng năm 1455) thì cụ tổ sinh ra Nguyễn Ứng Long – đổi tên thành Nguyễn Phi Khanh. 19 tuổi ông đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ, đệ nhị danh bảng nhãn thời Trần Duệ Tông (1374). Năm 1401, Nguyễn Phi Khanh ra làm quan dưới triều Hồ. Năm 1407, giặc Minh sang xâm lược nước ta, ông bị bắt đưa về Vạn Sơn Điếm- tỉnh Hồ Nam- Trung Quốc và mất ở đó. Hài cốt của ông được người con thứ ba là Nguyễn Phi Hùng đưa về táng ở núi Báo Đức (còn gọi là núi Bái Vọng). Nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, Hải Dương (cách làng Chi Ngại khoảng năm km về phía đông).

Nguyễn Phi Khanh lấy bà Trần Thị Thái hiệu là Ngọc Điền, con quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Bà sinh được 4 người con trong đó có Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Phi Ly. Cụ bà Trần Thị Thái mất sớm (năm 1490). Cụ Nguyễn Phi Khanh lấy bà vợ kế người họ Nhữ ở xã Mộc Nhuận, nay là xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Bà sinh được hai người con trai tên là Nguyễn Nhữ Soạn. Ông là một trong số ít người tham gia tiền khởi nghĩa Lam Sơn. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Như Soạn là vị tướng tài ba lập nhiều công được vua Lê phong là Binh Ngô Khai quốc công thần. Sau khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi và Nguyễn Như Soạn cùng làm quan đông triều, anh là quan văn, em là quan võ làm rạng tổ tông. Từ đó dòng họ Nguyễn phát triển. Các chi đều lấy đệ Nhất Thái Thượng Cao Tổ của dòng họ là Nguyễn Phi Khanh (đời thứ nhất).

Đệ nhị tổ (đời thứ 2) là Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, ông sinh năm 1380.

Do có công lao lớn Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tổ ban họ vua là Lê Trai và phong chức tước: “Khai quốc công thần, Nhập nội hành khiển, Trung thư hàn lâm ngự sử, Lục Bộ Thượng Thư, Tứ Kim Ngư Đại Thượng Hộ Quan Phục Hầu”.

Năm 1442, vụ án Lệ Chi Viên oan khuất đã kết thúc đời ông cùng ba họ.

Nguyễn Trãi có năm người vợ.

+ Bà họ Trần: Sinh ra Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng, Nguyễn Phù.

+ Bà họ Phùng: Sinh ra Thị Trà, Nguyễn Bảng, Nguyễn Tích.

+ Bà Thị Lộ: Không có con.

+ Bà Phạm Thị Mẫn: Sinh ra Nguyễn Ánh Vũ (sau vụ án Lệ Chi Viên)

+ Bà họ Lê: Sinh ra con cháu ở chi Quế Lĩnh, Phương Quất- huyện Kim Môn, Hải Dương.

Sau vụ án Lệ Chi Viên, dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết. Trong các phả hệ ghi lại số ít thoát nạn là: Nguyễn Phi Hùng con Nguyễn Phi Khanh là em thứ ba của Nguyễn Trãi chạy về Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh; Nguyễn Phù con Nguyễn Trãi chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn. Bà họ Lê vợ thứ năm của Nguyễn Trãi mang thai chạy về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương.

Bà Phạm Thị Mẫn vợ thứ tư của Nguyễn Trãi có mang ba tháng, được người học trò cũ của Nguyễn Trãi là Lê Đạt đưa bà chạy trốn vào xứ Bồn Man (phía Tây Thanh Hóa); Sau lại về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Nay là thôn Dự Quần, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia. Tại Đây, bà sinh ra Nguyễn Anh Vũ. Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Thanh Vũ.

Mặc dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn Nguyễn Anh Vũ vẫn nối chí cha ông, dùi mài kinh sử, thi đỗ hương cống.

Năm 1464, vua Lê Thánh Tông ra chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi, vụ án Lệ Chi Viên mới đến hồi kết thúc sự truy sát của triều đình. Nguyễn Anh Vũ được Lê Thánh Tông phong cho chức Đồng Tri Phủ Tĩnh Gia- Thanh Hóa, cấp cho 100 mẫu ruộng gọi là “Miễn hoàn điền” (ruộng không phải trả lại) con cháu đời đời được hưởng. Nhớ ơn ông cha tổ tiên, Nguyễn Anh Vũ xây dựng mộ chí của Nguyễn Trãi tại xứ đồng Tai Hà, làng Dự Quần. Lấy sọ dừa, cành dâu táng làm cốt. Ông xây dựng từ đường tổ tiên và người cha quá cố của mình. Lấy ngày mất của Nguyễn Trãi, 16 tháng 8 là ngày giỗ họ. Đời sau do khó khăn về kinh tế, tháng 8 lại gió bão nhiều, không thuận tiện cho việc tế tổ, họ chuyển ngày giỗ sang ngày 21 tháng Giêng (ngày mất của tổ Nguyễn Anh Vũ).

Nguyễn Anh Vũ có hai bà vợ, tám người con: Bà cả sinh hạ sáu con trai một con gái.

Con cả là Nguyễn Tạc năm 23 tuổi đỗ tiến sĩ đệ tam danh “Thám hoa” được bổ nhiệm chức trấn thủ xứ An Bang (khu vực tỉnh Quảng Ninh hiện nay). Sau đi sứ Trung Quốc bị đắm thuyền mất ở hồ Động Đình, tỉnh Hà Nam- Trung Quốc.

Sau vụ Lệ Chi Viên ở quê tổ Chi Ngại và Nhị Khê, dòng họ thất tán không còn ai. Nguyễn Anh Vũ cử người con thứ hai là Nguyễn Đám trở về Nhị Khê để khởi dựng lại dòng họ, tu sửa từ đường phần mộ tổ để thờ cúng.

Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, dòng họ Nguyễn ở Nhị Khê lại cử cụ Nguyễn Thung hiệu là Phúc Khánh trở về chốn tổ là thôn Chi Ngại để chấn hưng dòng họ và trông coi phần mộ tổ ở núi Bái Vọng. Vì vậy chi họ Nguyễn ở Chi Ngại lấy đệm là Nguyễn Quy (Quy là quay trở lại gốc tổ tiên).

Người con thứ ba của Anh Vũ là Nguyễn Quân, thi trúng Sùng Văn Quán, được bổ nhiệm làm Thừa tuyên phủ Tĩnh Gia. Hậu duệ là con cháu làng Dự Quần ngày nay.

Con thứ tư là Nguyễn Thiêm.

Con thứ năm là Nguyễn Giáp, về Xuân Dục, lập gia chi họ Xuân Dục, ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Con thứ sáu là Nguyễn Thung, về xã Hải Phương huyện Hải Hậu – Nam Định.

+ Bà vợ thứ hai của Anh Vũ sinh được một con trai là Nguyễn Chân Phượng sau đổi sang họ Phạm về thôn Nỗ Vệ, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, để trông coi phần mộ và từ đường bà Phạm Thị Mẫn – thân mẫu của Anh Vũ. Nay thành chi họ Phạm Nguyễn.

Như vậy kể từ sau vụ án Lệ Chi Viên năm 1442, đến năm 1464 khi vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi, con cháu Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi mới phục hưng trở lại. Đến nay thành dòng họ lớn, các lớp con cháu không ngừng kế tiếp truyền thống tổ tiên, cống hiến nhiều công lao cho đất nước.

Theo phả các chi họ, từ cụ Nguyễn Phi Khanh đến các đời sau, đời nào cũng có người đỗ đạt làm quan giúp nước. Qua thống kê ở năm chi họ là: Dự Quần, Canh Hoạch, Thuỵ Phú, Phù Khê, Xuân Dục, từ nửa thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX đã có 11 tiến sĩ nho học, một quận công, cùng hàng chục người đỗ cử nhân, tam trường, tứ trường… Họ được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình làm tri phủ, tri huyện, võ quan… ở các địa phương.

Họ Nguyễn ở Phủ Khê, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh có tới 10 tiến sĩ (6 tiến sĩ nho học), 2 tiến sĩ, 3 giáo sư 42 cử nhân, 9 bác sĩ, 1 nhạc sĩ… Trong phong trào cách mạng vô sản đồng chí Nguyễn Văn Cừ – Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1938-1940) là hậu duệ đời thứ 17 của dòng họ này.

Chi họ Nguyễn Xuân Dục- Mỹ Hào- Hưng Yên, có 4 tiến sĩ (2 tiến sĩ nho học), 1 giáo sư, 4 phó giáo sư, 30 cử nhân. Trong phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, một người con ưu tú của dòng họ là Nguyễn Thiện Thuật tự là Mạnh Hiếu, (cử nhân khoa Bính Tý 1866) cùng các em là Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương đã thu nạp thân hào nghĩa sĩ, tế cờ khởi nghĩa Bãi Sậy, chống thực dân Pháp. Khởi nghĩa Bãi Sậy tan rã (1892), Nguyễn Mạnh Hiếu; Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương, Nguyễn Tuyễn Chi… còn tiếp tục phò vua Hàm Nghi, vua Duy Tân trong phong trào Cần Vương. Các ông còn tham gia khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám, phong trào Quang Phục Hội của Phan Bội Châu chống thực dân Pháp.

Hơn năm thế kỷ hồi sinh phát triển dòng họ Nguyễn Trãi qua biết bao thăng trầm, có lúc tưởng như đã tuyệt diệt. Nhưng bởi phúc ấm tổ tiên với lòng nhân nghĩa thấu đất trời, dòng họ Nguyễn từ một mầm non đơn độc giữa phong ba bão tố, vẫn tồn tại phát triển đến ngày nay. Các thế hệ con cháu nối tiếp nhau kế thừa xứng đáng truyền thống: Yêu nước, hiếu học, “Bình dị, Cận dân”; “Lo trước vui sau giữ nếp nhà” của Ức Trai, để không ngừng học hành cống hiến xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Thực hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, từ năm 2000 đến năm 2002, nhân dân tỉnh Hải Dương đã xây lập đền thờ rất khang trang Người anh hùng dân tộc – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại quần thể di tích Côn Sơn, để hàng năm du khách thập phương ngưỡng mộ Người về thắp hương tưởng niệm.

Bước đầu Ban quản lý quần thể di tích Côn Sơn tổ chức khảo sát lập phả hệ dòng họ Nguyễn Trãi, tuy đã cố gắng nhưng chắc chưa hoàn chỉnh, mong độc giả xa gần tham gia góp ý bổ sung.

Nguyễn Khắc Minh (Theo Người Hà Nội)

Để lại một bình luận