NGUYÊN TỪ QUỐC MẪU THIÊN THÀNH THÁI TRƯỞNG CÔNG CHÚA VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MÔNG NGUYÊN

Trần triều Nguyên Từ Quốc Mẫu huý là Anh, hiệu là Thiên Thành Thái Trưởng công chúa; là con gái vua Trần Thái Tông. Sinh ra, lớn lên trong gia đình đại quý tộc, được sự giáo dục của hoàng cung, Quốc Mẫu có phẩm hạnh nhân từ mẫu mực, tư chất tài hoa, quyền quý của bậc vương nhi dòng tôn thất.

Năm Tân Hợi, niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất (năm 1251) công chúa Thiên Thành sánh duyên cùng Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo. Từ đó, Quốc Mẫu rời chốn hoàng cung, giúp phu quân kinh bang tế thế khắp thiên hạ; đồng cam cộng khổ, sát cánh, phụng sự bên Quốc Công; nuôi dưỡng các con, chăm lo việc nước, tham gia kháng chiến. Bốn người con trai là Hưng Vũ vương, Hưng Hiến vương, Hưng Nhượng vương, Hưng Trí vương, cùng 2 vương cô là Khâm từ Bảo thánh Hoàng Thái Hậu và Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên Quận chúa, dưới sự chăm sóc của Quốc Mẫu đều trở thành những vị tướng tài kiệt xuất của đất nước, lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mông Nguyên. Người xưa đã ca tụng tài khéo dạy con của Quốc Mẫu rằng:

“Nhị hậu điển hình phương hoa quy ngọc diệp

Tứ vương huân nghiệp đức thụ xuất kim chi”

Có nghĩa là: (Hai cô con gái  tượng trưng cho hoa thơm, lá ngọc

Bốn người con trai làm lên nghiệp lớn tựa cành vàng).

Trong cuộc kháng chiến thần thánh của quân dân Đại Việt chiến thắng quân Mông Nguyên ở thế kỷ 13, Quốc Mẫu đã lập được nhiều chiến công. Năm 1285, 1288 đế quốc Mông Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 2, lần thứ 3,  Quốc Mẫu được vua Trần giao việc quản lý, hướng dẫn các gia đình quý tộc và vận động nhân dân rút lui chiến lược làm kế “Thanh Dã” (vườn không, nhà trống), phát động chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch.

Tại đại bản doanh Vạn Kiếp, Quốc Mẫu trực tiếp phụ trách hậu phương, tổ chức sản xuất, tập trung lương thực, bố trí cắt đặt kho quân lương, tận dụng địa thế núi, rừng, sông, ngòi hiểm yếu để phòng bố, tích trữ lương thảo, phục vụ quân doanh trong mọi tình thế. Khu vực phía Đông Nam khu di tích Kiếp Bạc từ làng Bến, làng Thanh Tân, Thanh Tảo, Trung Quê xã Lê Lợi, kéo dài đến Đa Cốc, Bãi Thảo, Bến Tắm, núi Huyền Đinh…là căn cứ hậu cần đặc biệt quan trọng của phòng tuyến quân sự Vạn Kiếp do Trần Hưng Đạo và phu nhân là Thiên Thành công chúa xây dựng. Hiện nay, tại khu vực này còn nhiều di tích, địa danh gắn liền với tên gọi các kho hậu cần, quân lương của Quốc Mẫu:

            Đền Trung Quê: thuộc làng Trung Quê, xã Lê Lợi. Đền thờ Đức Quốc Mẫu Thiên Thành công chúa và con trai là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược, Thiên Thành công chúa được giao phụ trách lương thảo phục vụ kháng chiến. Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn được cử về Trung Quê giúp thân mẫu đắp đập ngăn nước, khai phá rừng để phát triển sản xuất. Hai mẹ con bà đã xây dựng Trung Quê thành căn cứ hậu cần lớn; sau khi bà mất, nhân dân địa phương đã lập đền thờ tại làng Trung Quê.

      Nghè Dím: nằm ở sườn núi Nghè, thuộc làng Thanh Tảo, xã Lê Lợi, nghè thờ Đức Quốc Mẫu Thiên Thành công chúa. Thời Trần, lương thảo ở khu vực Trung Quê được vận chuyển theo ngòi Mo về tập trung ở khu vực núi Nghè trước khi chuyển về cất dấu tại Hố Thóc.

          Bãi Thảo: là một làng thuộc xã Bắc An, thị xã Chí Linh; đây là nơi tập kết lương thảo để chuyển vào phục vụ đại quân đóng ở phòng tuyến ải Nội Bàng (khu vực thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang).

          Làng Gạo: thuộc xã Lê Lợi, đây là nơi có những cánh đồng lúa xanh tươi, màu mỡ. Sau khi thu hoạch, thóc lúa từ các vùng lân cận đều tập trung về đây để xay, giã tạo thành kho gạo rất lớn trước khi chuyển đến các khu vực khác trong quân doanh Vạn Kiếp, nên có tên gọi là làng Gạo.

              Hố Thóc: di tích Hố Thóc nằm trong thung lũng núi thuộc địa phận xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, cách đền Kiếp Bạc 2 km về phía đông nam. Nằm trong thung lũng lòng chảo rộng 1 ha, xung quanh có núi bao bọc lại thông với ngòi Mo, đây là địa hình thuận lợi cho công tác giấu của vận lương, Tương truyền, nơi đây là kho chứa quân lương và là nơi cất dấu lương thực của đại bản doanh Vạn Kiếp thời kỳ kháng chiến chống quân Nguyên cuối thế kỷ 13. Lương thực tại các vùng lân cận do Thiên Thành công chúa phụ trách được vận chuyển theo sông Vang, ngòi Mo về Hố Thóc dự trữ và cất giấu.

Ngoài vùng Trung Quê, Thiên Thành công chúa còn tổ chức chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả ở khu vực lân cận, phục vụ quân doanh Vạn Kiếp:

          Hố Lợn: thuộc xã Lê Lợi, là một thung lũng hình lòng chảo có diện tích 4 – 5ha, được bao bọc bởi núi Mộng Tây, cách đền Trung Quê 700m về phía Đông Bắc; đây là nơi Quốc Mẫu chăn thả đàn lợn.

          Chân núi Huyền Đinh: thuộc vùng Lục Nam, Bắc Giang là nơi Quốc Mẫu chăn thả đàn trâu, bò phục vụ sản xuất. Ngày nay, nhân dân địa phương vẫn truyền tụng câu ca:

Trâu thì Mẫu thả Huyền Đinh

Lợn thì Mẫu thả cánh đồng Trung Quê

Tuy không trực tiếp đánh giặc trên chiến trường, nhưng với việc đảm bảo an toàn cho hậu phương, lo đầy đủ hậu cần lương thực, binh khí… cho đại quân trong suốt hai cuộc kháng chiến, có thể khẳng định rằng chiến thắng vĩ đại của quốc gia Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, có công lao không nhỏ của Quốc Mẫu.

Mùa thu tháng 9, năm Mậu Tý (1288), ngày 28, Quốc Mẫu từ trần tại tư dinh Vạn Kiếp. Với công lao to lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ giang sơn, đất nước, Vua Trần sắc phong cho Quốc Mẫu tước hiệu Trần triều Nguyên Từ Quốc Mẫu, Thiên Thành Thái trưởng công chúa; và cho phép tạc tượng phụng thờ. Hơn 7 thế kỷ qua, con dân đất Việt sau mỗi dịp tháng 8 giỗ Cha, lại thành tâm kính lễ ngày tiệc mẹ, để nhớ ơn công đức của Đức Quốc Mẫu.

Tại đền Kiếp Bạc, cứ đến ngày giỗ của Đức Quốc Mẫu Thiên Thành công chúa (28/9 âm lịch) ngoài những nghi lễ truyền thống, người dân Kiếp Bạc có tục làm các loại bánh cổ truyền như bánh trong bánh lọc, bánh thanh dao, bánh ngũ sắc… để dâng cúng. Nguyên liệu làm bánh là lúa gạo, đỗ xanh được gieo trồng trên những cánh đồng mà trước đây Quốc Mẫu đã khai phá. Bánh được các làng chế biến cẩn trọng, công phu, trình bày đẹp mắt, trang trọng với ước vọng làm cho các vị thánh thần hài lòng, cảm động trước tấm lòng thành kính mà cứu giúp, che chở cho nhân dân trong cuộc sống đầy gian nan thử thách.

Trong lịch sử dân tộc, Đức Nguyên Từ Quốc Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng công chúa đã trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu, điển hình của người phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà. Đức Quốc Mẫu xứng danh với câu ca:

“Quốc sắc khuynh thành thiên hạ hữu

Anh linh liệt nữ thế gian vô”

Có nghĩa là: Trong thiên hạ, người phụ nữ có sắc đẹp làm nghiêng nước, nghiêng thành đã từng có; nhưng người phụ nữ có công đức giúp nước, cứu dân trở thành anh hùng, Thánh nữ thì vô cùng hiếm có.

Để lại một bình luận