NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP TRONG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG MÙA XUÂN CÔN SƠN

Chùa Côn Sơn vào những ngày lễ hội có các cụ đồ và các vị cao tăng thường viết chữ Hán tặng cho du khách. Hiện nay câu lạc bộ Hán Nôm của tỉnh Hải Dương đã về đây viết chữ để phục vụ cho du khách khi đến chùa.

Chùa Côn Sơn vào những ngày lễ hội có các cụ đồ và các vị cao tăng thường viết chữ Hán tặng cho du khách. Hiện nay câu lạc bộ Hán Nôm của tỉnh Hải Dương đã về đây viết chữ để phục vụ cho du khách khi đến chùa. Những mái đầu bạc chăm chú trên những trang giấy dó, hồng điều, họa lên những nét chữ với mực tàu như rồng bay phượng múa… Chỉ bằng giấy mực đơn sơ, họ gửi gắm vào đó tâm nguyện lớn lao: lưu giữ và truyền lại một nét văn hóa xưa cho người đời nay.

http://consonkiepbac.org.vn/Content/Images/UserFiles/image/2015/thang%205/thu%20phap2.jpg

Viết thư pháp trong lễ hội mùa xuân Côn Sơn

Ngày xuân, nội dung của thư pháp thường là những lời chúc an lành; những câu nói tình nghĩa về quan hệ : cha mẹ – con cái, vợ – chồng, thầy – trò… Bên cạnh đó là các con chữ thể hiện phúc, tài, lộc. Chữ: Chí, Lộc, Thọ, Thành… là để tỏ rõ ý chí cao viễn, mong muốn thành đạt sự nghiệp. Chữ Nhân, Trí, Minh… thể hiện khát vọng cao quý về trí tuệ, học vấn. Chữ Nhẫn, Lễ, Hiếu, Thuận… có ý mong muốn một trật tự tốt đẹp, êm thắm trong mọi sự. Bên cạnh đó, những bài thơ ca ngợi cảnh đẹp Côn Sơn của danh nhân Nguyễn Trãi, Huyền Quang cũng được du khách rất yêu thích. Du khách đi lễ đầu năm xin chữ là mong cho con cháu được thông minh sáng dạ và đem sự thông tuệ của những bậc hiền nhân đến với tất cả các thành viên trong gia đình.

http://consonkiepbac.org.vn/Content/Images/UserFiles/image/2015/thang%205/thu%20phap.jpg

Viết thư pháp trong lễ hội mùa xuân Côn Sơn

Chơi thư pháp không phải nơi nào cũng có, nó thường chỉ xuất hiện ở những vùng văn hiến, mà điển hình là di tích Côn Sơn, phong tục xin chữ đã có từ lâu đời. Xin chữ trở thành một thú chơi sang nhất trong bốn thú “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”. Nơi đây có nhiều du khách đến có nhu cầu và có người đáp ứng nhu cầu vào những mùa lễ hội.

Đối với người Việt, cho và nhận chữ đầu năm là một mỹ tục. Thế nên, thư pháp còn mang cả giá trị phi vật thể, không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về. “Kiếm một cơi trầu thưa với cụ. Xin đôi câu đối để thờ ông” , thư pháp hội xuân Côn Sơn cũng trang trọng như “cơi trầu” mà ông bà ta quan niệm. Cái tâm của người cầm bút thổi hồn vào con chữ. Cái đức của người thưởng thức là sự trân trọng cái tâm ấy.

Để lại một bình luận