Sáng 7.2 (ngày 17 tháng giêng), Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023 tổ chức trọng thể lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc linh từ.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dâng hương tại Trung Nhạc miếu
Đây là nghi lễ đặc trưng trong lễ hội nhằm kính cáo với trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Dự lễ tế còn có đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; đoàn khách đến từ TP Suwon (Hàn Quốc).
Trong không khí linh thiêng của núi Ngũ Nhạc, đội lân, đội rước cờ dẫn đầu đoàn lễ đi trong tiếng chiêng trống rộn ràng.
Theo truyền thuyết dân gian, núi Ngũ Nhạc là vùng đất phúc thần tiên ngự trị, thưởng ngoạn phong cảnh kỳ tuyệt ở chốn trần gian. Ngũ nhạc là 5 ngọn núi thiêng tượng trưng cho 5 phương (tứ phương và trung phương), mỗi phương ứng với một hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Vì thế, trên mỗi đỉnh của Ngũ Nhạc đều có một nơi thờ các thần tự.
Hơn 7 giờ, đoàn đại biểu cùng nhân dân và du khách khởi hành lên núi Ngũ Nhạc. Vượt qua quãng đường dài 1,8 km, đoàn đến Bắc Nhạc miếu, thành kính dâng hương hoa. Bắc Nhạc miếu tượng trưng cho hành thủy, thờ thần Hắc Đế – người có vị trí rất cao trong Đạo giáo. Bắc Nhạc miếu thuộc phương Bắc, màu đen, tượng trưng cho mùa đông. Tế lễ ở Bắc Nhạc miếu là cầu mong mưa thuận, gió hòa.
Kết thúc lễ tế trời đất, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
thực hiện nghi thức phát ngũ cốc cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương
Từ Bắc Nhạc miếu, đoàn lễ tiến về Trung Nhạc miếu để tế trời đất theo nghi thức cổ truyền. Theo quan niệm, Trung Nhạc miếu tượng trưng cho hành thổ, thờ vị thần tối linh của Đạo giáo. Trung Nhạc nằm ở trung tâm, là màu của hành thổ – màu vàng. Lệ xưa ghi lại, khi đất nước gặp hạn hán, mất mùa, chiến tranh giặc dã thì các vương triều đều cử các quan đầu triều đến cầu đảo các vị tiên thánh cho đất nước được thái bình, mùa màng tươi tốt. Tại đây, sau khi các đại biểu dâng hương, các nhà sư tiến hành làm lễ ngũ phương, cầu mong một năm mới quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt, đất nước thịnh trị, thái bình.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng và Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng thực hiện nghi thức phát ngũ cốc cho 12 huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành cùng nhân dân và du khách.
Ngũ cốc gồm thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng. Từ xưa con người đã phân chia ngũ cốc thành ngũ hành: thóc – hành thổ, ngô – hành kim, vừng – hành thủy, đỗ – hành hỏa, lạc – hành mộc. Đây là thứ cao quý nhất của con người và muôn loài. Tại nghi lễ tế trời đất, ngũ cốc là vật phẩm linh thiêng dâng lên cúng tế phật, thánh, trời, đất, tổ tiên… để tạ ơn và cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Ngũ cốc được phát cho nhân dân, du khách về làm giống là thứ đã được chọn lọc kỹ, được phật, thánh, trời, đất chứng giám, mang về trộn vào thóc giống, ngô giống, đỗ giống, vừng giống, lạc giống để gieo trồng, với mong ước vạn vật sinh sôi nảy nở, phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu, muôn dân no ấm, để đầu năm sau lại mang ngũ cốc tế tạ ơn trời, đất.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát ngũ cốc cho du khách dự lễ tế
Rời Trung Nhạc miếu, đoàn dâng hương lễ tại Tây Nhạc – ngôi miếu tượng trưng cho hành kim, thờ thần Bạch Hổ Thánh Đế. Tế lễ ở Tây Nhạc miếu để cầu mong cho các nghề buôn bán về luyện kim, khai khoáng cũng như sự an toàn khi đi trong không gian.
Đông Nhạc miếu tượng trưng cho hành mộc, thờ thần Thanh Long Đế. Thanh Long là linh vật thiêng có hình con rồng, màu xanh, ứng với mùa xuân nên cai quản toàn bộ họa phúc trong nhân gian. Tế lễ ở miếu này để cầu mong được giải hạn trừ tai, cầu công danh tiến phát.
Nam Nhạc là ngôi miếu cuối cùng trên Ngũ Nhạc đoàn lễ đến dâng hương trong lễ tế trời đất. Miếu thờ thần Xích Đế, có màu đỏ, tương ứng với mùa hạ. Tế lễ tại đây là cầu mong về việc chống hỏa hoạn.
Từ cổ xưa, trên núi Ngũ Nhạc thường diễn ra nghi lễ tế trời đất tại Trung Nhạc miếu vào dịp lễ hội mùa xuân. Trong tín ngưỡng dân gian, tế trời đất tại Ngũ Nhạc để cầu phúc, tránh họa, mong cho mùa màng tươi tốt, phong đăng hòa cốc, quốc thái dân an. Vì vậy, ở nghi môn Ngũ Nhạc có đôi câu đối: Phong thiền ở núi Thái Sơn tế trời đất dân yên nước mạnh/ Đền miếu trên núi Ngũ Nhạc lễ sơn thần người khỏe của nhiều.
Trải qua thời gian, nghi lễ trên không còn được tổ chức thường xuyên. Năm 2006, UBND tỉnh Hải Dương thực hiện “Đề án Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn 2006 – 2010”, trong đó có việc phục dựng lại nghi lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc vào sáng 17 tháng giêng hằng năm.
Giữa không trung bao la đất trời, Ngũ Nhạc linh từ như là nơi giao hòa của trời và đất, con người và thiên nhiên như hòa hợp trong không gian linh thiêng. Từ khi phục dựng thành công cho đến nay, nghi thức này luôn diễn ra trang nghiêm, trọng thể.
Một số hình ảnh tại buổi lễ do phóng viên Báo Hải Dương ghi lại:
Đoàn lễ xuất phát lên núi Ngũ Nhạc làm lễ tế trời đất
Đội lân, đội rước cờ dẫn đầu đoàn lễ đi trong tiếng chiêng trống rộn ràng
Tại Trung Nhạc miếu, các nhà sư cùng đại biểu và nhân dân làm lễ dâng hương, tế trời đất cầu quốc thái dân an
Đoàn khách đến từ TP Suwon (Hàn Quốc) dự lễ tế trên Ngũ Nhạc linh từ
Nguồn: https://baohaiduong.vn/