Lễ dâng hương tưởng niệm 630 năm
ngày mất Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán
Tham dự Lễ tưởng niệm ông Nguyễn Thành Trung – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương; bà Nguyễn Thị Thùy Liên – Trưởng ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc; đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND phường Cộng Hòa, xã Lê Lợi; tăng, ni chùa Côn Sơn; cán bộ, nhân viên Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc cùng đông đảo nhân dân thập phương.
Lễ giỗ năm nay được tổ chức trang trọng gồm lễ cúng giỗ, lễ tế. Sau lễ dâng hương, đọc văn tế tưởng niệm đức anh linh Đại Vương là lễ tế được thực hiện bởi các cụ dòng họ Nguyễn khu dân cư Chúc Thôn, phường Cộng Hòa.
Đại Tư Đồ phụ chính Trần Nguyên Đán sinh năm 1325, hiệu là “Băng Hồ” (tức là người có tâm hồn trong sáng như tuyết), quê ở hương Tức Mạc, phủ Thiên Trường (Nam Định). Thuở nhỏ, Trần Nguyên Đán là người sớm có nghị lực, thông minh, lại được thừa hưởng một nền giáo dục toàn diện trong gia đình nên sớm trở thành người có đức, có tài, nhân cách sống giản dị chân thành và giàu lòng vị tha. Lớn lên ông là người tinh thông sử sách, am hiểu văn chương. Trong tác phẩm “Băng Hồ di sự lục” Nguyễn Trãi viết về ông ngoại như sau: “Nếp nhà thi lễ, nòi giống thần minh, trăng trong gió mát, có nhã thú xa lánh cõi trần. Ngày trắng tuổi xanh, có hoài bão một lòng vì nước…”
Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với công cuộc củng cố, xây dựng vương triều nhà Trần nửa cuối thế kỷ XIV. Năm 1369, ông dẹp loạn Dương Nhật Lễ đưa Trần Phủ lên ngôi (tức Vua Trần Nghệ Tông), khôi phục lại vương triều chính thống nhà Trần. Hơn 30 năm làm quan, Trần Nguyên Đán là Tướng quốc của ba triều vua: Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông. Với những đóng góp to lớn cho vương triều, đất nước, năm 1371, Trần Nguyên Đán được phong chức Tư đồ phụ chính, tước Chương túc quốc thượng hầu và phụ trách đối ngoại. Ở bất cứ cương vị nào, ông đều dành tâm huyết, tài năng, trí tuệ phục vụ vương triều, đất nước, phục vụ nhân dân.
Bên cạnh những đóng góp to lớn về chính trị, Trần Nguyên Đán còn có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực từ Văn học, Thiên văn, Địa lý, Lịch pháp…các trước tác của Ông còn được biết đến nay như: “Băng Hồ ngọc hác tập”, “Bách Thế thông khảo”…
Cuộc đời và sự nghiệp Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán còn gắn liền với mảnh đất Côn Sơn. Năm 1385, Ông cùng phu nhân đưa cháu ngoại Nguyễn Trãi về sống tại đây và giáo dưỡng trưởng thành, góp phần tạo nên nhân cách, tài năng, đức độ của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Tại Côn Sơn, Trần Nguyên Đán đã xây dựng nhiều công trình, biến nơi đây thành khu danh lam thắng tích nổi tiếng với những công trình như Thanh Hư Động, Cầu Thấu Ngọc, Rừng Thông, Bãi Giễ…
Năm 1390, Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán tạ thế tại Côn Sơn. Vua Trần nhớ công đức của ông đã sắc chỉ nhân dân lập đền thờ, tạc tượng thờ Người tại Côn Sơn. Trải qua năm tháng Đền thờ xưa không còn. Năm 2005, Nhà nước cho xây dựng đền Thanh Hư trên nền nhà cũ của ông giữa rừng tùng bách Côn Sơn đại ngàn.
Lễ tế Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán
Lễ tưởng niệm quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính tôn vinh được công đức to lớn của Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán, thể hiện lòng thành kính của thế hệ con cháu hôm nay trước uy linh của bậc Tướng quốc Đại Vương./.