LỄ HỘI MÙA XUÂN 2022 THÍCH ỨNG, AN TOÀN VỚI DỊCH COVID-19

Dịp đầu xuân có hàng trăm lễ hội ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhưng để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như nhiều địa phương đã xây dựng phương án tổ chức lễ hội đầu xuân linh hoạt, phù hợp.

https://media.baohaiduong.vn/files/library/images/site-1/20220211/web/le-hoi-mua-xuan-2022-thich-ung-an-toan-voi-dich-covid-19-26-091731.jpg
Du khách đều đeo khẩu trang khi vào tham quan di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc

Đầu xuân là dịp diễn ra nhiều lễ hội trong tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như nhiều địa phương đã xây dựng phương án tổ chức lễ hội linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Chỉ tổ chức các nghi lễ trang trọng

Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc là lễ hội lớn của tỉnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội hằng năm được tổ chức từ ngày 10-23 tháng giêng âm lịch. Cùng với nhiều nghi lễ trang trọng, dịp đầu xuân nơi đây còn có nhiều hoạt động như thi gói bánh chưng, bánh dày, liên hoan pháo đất, giải vật dân tộc, giải cờ tướng… Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn dịch bệnh, UBND tỉnh đã quyết định năm nay chỉ tổ chức các nghi lễ truyền thống mùa xuân tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, không tổ chức phần hội.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các ngành, địa phương liên quan thông tin rộng rãi đến nhân dân và du khách về chủ trương này. Theo đó, ngày 16.2 (16 tháng giêng), tại khu di tích Côn Sơn chỉ tổ chức nghi thức xin nước tại hồ Côn Sơn; Lễ tưởng niệm 688 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Ngày 17.2 (17 tháng giêng) tổ chức lễ tế trên núi Ngũ Nhạc. Ngày 23.2 (23 tháng giêng) tổ chức lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Ngày 10.2 (10 tháng giêng) cũng chỉ tổ chức lễ dâng hương tại khu di tích Kiếp Bạc.

Đại diện Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cho biết đây là năm thứ ba liên tiếp Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc không tổ chức đầy đủ các hoạt động như những năm chưa có dịch bệnh. Ban Quản lý di tích đã phối hợp với địa phương, một số đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng tầm giá trị di sản. Các ngành liên quan của tỉnh cũng tích cực phối hợp với hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để quần thể di tích, danh thắng Yên Tử (trong đó có khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai) sớm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.

Lễ hội đền Quát (ở xã Yết Kiêu, Gia Lộc) diễn ra vào các ngày 14, 15 và 16 tháng giêng. Ông Phạm Văn Đảm, đại diện Ban Quản lý di tích đền Quát cho biết những năm trước, lễ hội mùa xuân ở đây rất đông vui. Nhân dân địa phương và du khách trở về vùng sông nước Hạ Bì làm lễ tạ danh tướng Yết Kiêu và tham gia phần hội sôi nổi. Năm ngoái, do dịch Covid-19, đền Quát phải đóng cửa. Năm nay, dù được đón khách thập phương về chiêm bái nhưng do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên Ban Quản lý di tích đã quyết định không tổ chức phần hội, chỉ thực hiện các nghi lễ trang trọng với số lượng người tham gia phù hợp.

Ngoài lễ hội đền Quát, 2 lễ hội đầu xuân mới ở đền Buộm (thôn Thượng Bì), đình Lương Xá (thôn Lương Xá) diễn ra trong tháng giêng cũng không tổ chức rầm rộ như nhiều năm chưa có dịch bệnh. Người dân chỉ đến dâng hương, làm lễ. Các trò chơi dân gian tập trung đông người tạm thời hoãn lại.

Mặc dù thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh nhưng không vì thế mà chủ quan. Sau Tết, Hải Dương vẫn có thêm nhiều ca mắc Covid-19. Điều này đòi hỏi công tác phòng chống dịch tại các khu di tích, danh lam thắng cảnh cần được quan tâm.

https://media.baohaiduong.vn/files/library/images/site-1/20220211/web/le-hoi-mua-xuan-2022-thich-ung-an-toan-voi-dich-covid-19-26-091733.jpg
Ban Quản lý di tích đền Sượt, phường Thanh Bình (TP Hải Dương)

đo thân nhiệt cho người dân đến chiêm bái

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Đến chiêm bái, làm lễ cầu may đầu xuân mới tại đền Sượt, phường Thanh Bình (TP Hải Dương), chị Nguyễn Thị Phương ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) nghiêm túc quét mã QR ngay tại cổng rồi sát khuẩn tay trước khi vào đền. Chị Phương cho biết: “Mặc dù thích ứng linh hoạt nhưng tôi thấy gần đây, nhất là sau Tết số ca mắc Covid-19 trong tỉnh khá nhiều và tăng từng ngày, vì vậy tôi ủng hộ việc tăng cường kiểm soát dịch tại các khu di tích dịp đầu xuân mới. Đây thường là những nơi tập trung đông người, rất dễ lây lan dịch bệnh”.

Để kiểm soát dịch Covid-19 trước, trong và sau Tết, Ban Quản lý di tích đền Sượt đã cử lực lượng nhắc nhở người dân thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch. Hiện nay, Ban Quản lý chỉ mở một cổng vào đền, tuyên truyền người dân vào lễ thực hiện đúng nghi thức không đốt hương và yêu cầu không tập trung quá 20 người phía bên trong đền. Theo ông Trần Xuân Thịnh, đại diện Ban Quản lý đền Sượt, nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát người dân thực hiện các quy định phòng chống dịch trong khu di tích thì nguy cơ lây lan dịch bệnh từ đây rất lớn.

Dịp đầu xuân có hàng trăm lễ hội được tổ chức ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nên ngay từ trước Tết Nhâm Dần 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương chủ động xây dựng phương án quản lý hoạt động lễ hội, làm sao vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Ban Quản lý các di tích phân công cụ thể các thành viên triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã sớm “kích hoạt” hệ thống kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra phòng chống dịch trước, trong và sau Tết để người dân du xuân văn minh, an toàn.

Báo Hải Dương

 

Để lại một bình luận